Kinh Thành Về Đêm (Dạ Lan Kinh Hoa)

Chương 18: Gió lửa mong khói bếp (2)

Đến tháng 9.

Số người thiệt mạng trong trận động đất ở Kanto Nhật Bản đã lên đến mười mấy vạn.

Trong một thời gian dài, cả nước kêu gọi quyên góp, giúp đỡ “nước láng giềng cứu trợ thiên tai”. Không ai tưởng tượng nổi mới hồi nửa đầu năm nay, nhóm đồng bào này vẫn còn tẩy chay nền kinh tế Nhật Bản. Có thể trong tình cảnh đất nước đang chiến loạn cùng nạn đói hoành hành khắp nơi, kêu gọi quyên góp vật tư, cuối cùng tổ chức đội cứu trợ hội Chữ Thập Đỏ cùng đưa đến Nhật Bản.

Đặng Nguyên Sơ nhìn thấy con số thống kê tiền bạc cùng vật tư quyên góp ở Bộ Tài chính, phải cảm thán hai câu vì quá lớn.

“Đây đều là lòng tốt của người trong nước”. Hà Tri Hành nhận xét.

Chỉ hy vọng bọn họ có thể nhìn thấy ý tốt của người Trung. Cô nghĩ.



Cuối tháng 12.

Tạ Vụ Thanh rốt cuộc đã trở về thành Quảng Châu, ba giờ chiều đến nơi.

Trong căn hộ ở Quảng Châu, anh tắm nước nóng, lại thay áo sơ mi cùng quần tây ngồi ở phòng khách.

Anh vừa về đã lập tức có mặt ở tiền tuyến, chị em bọn họ xa cách hai năm, hôm nay cuối cùng cũng có dịp gặp mặt. Cô cả nhìn em trai lại nhớ đến người chồng quá cố, không nhịn được rơi lệ, cô ba phải ở bên cạnh an ủi. Tạ Vụ Thanh trầm mặc.

Đợi đến lúc cô hai tới, bầu không khí mới hoà hoãn được đôi chút. Họ cùng nhau bàn về hôn sự của Tạ Vụ Thanh.

“Cha đã nói, vào lúc đó, con gái người ta chịu cùng em ước định chuyện chung thân đại sự, tuyệt đối không thể phụ lòng”, cô ba mắt to, để tóc ngắn uốn kiểu lượn sóng, dáng vẻ rất giống người mẹ quá cố của họ, tính cách lại càng giống hơn, cô ba không giấu được tâm sự hiếu kỳ, hỏi, “Chú út Thanh làm con tin thế nào lại được người ta xem trọng thế? Lúc ở nhà cũng không thấy em xuất sắc như vậy”.

“Là em xem trọng cô ấy”. Anh không có ý cãi lại chị ba.

“Em làm con tin không làm cho tốt, còn muốn theo đuổi con gái người ta à?” Cô ba nhẹ giọng cười hỏi, “Vì giống hải đường sao?”

Tạ Vụ Thanh khẽ thở dài. Cuộc nói chuyện này e là khó có thể kết thúc trong giây lát, anh phải tìm vài tờ báo để đọc.

Cô hai khẽ nhấp ngụm trà, ôn nhu nói: “Em đừng có hỏi làm chú út Thanh phát bực, không chừa lại cơ hội nói chuyện cho chúng ta”.

Cô cả tháo mắt kính màu nâu xuống, nhìn Tạ Vụ Thanh: “Là Hà gia đã cứu không ít kiều bào à?”

Cô hai đáp thay Tạ Vụ Thanh: “Đúng là Hà gia kia đấy ạ”.

Cô ba cười rộ lên: “Quả thật là gia đình thương nhân trọng nghĩa. Ta có nghe người khác nói, trước kia vận tải đường thuỷ của Hà gia chủ yếu hoạt động ở nước ngoài, từ khi cô ấy xuất hiện thì trong nước cũng phát triển”.

Chồng của cô hai làm ngân hàng, cũng xem như là người làm ăn kinh doanh, cô hai cười cười nói: “Đúng đó. Có điều làm ăn cũng không thể quyết định một sớm một chiều, hẳn là sắp xếp của Hà lão tiên sinh”.

“Hoa hải đường cũng có công lao”. Cô ba thay em dâu tương lai lý luận.

“Đó là tất nhiên. Kế hoạch dù tốt đến đâu, nếu không phải bà chủ nhỏ có năng lực đảm đương gánh vác thì cũng chỉ là lời nói suông”, cô hai cười nói, “Mấy ngày nay, miễn nghe người ta bàn tán đến cô hai Hà, đều toàn là khen ngợi. Cơ nghiệp vận tải đường thuỷ của Hà gia lớn như thế, mà cô ấy lại không có ý định làm ‘vua tàu’, chuyện có lợi ích đều sẽ lôi kéo mọi người chia phần, không thích độc chiếm. Bạn của chồng chị từng gặp cô ấy mấy lần, nói cô ấy danh tiếng cao, nhưng không kiêu căng ngạo mạn, nói cái gì cũng chú ý giữ hoà khí, mọi việc khiêm nhường, vừa hiểu chuyện lại biết tri ân, rất được các vị trưởng bối ưu ái, phàm là người từng tiếp xúc đều muốn chiếu cố cô”.

Cô cả khẽ gật đầu: “Tĩnh thuỷ lưu thâm [1], là một cô gái rất có đầu óc”.

[1] “Tĩnh thuỷ lưu thâm” là một câu thành ngữ hiếm dùng của Trung Quốc. Nghĩa đen là chỉ “dòng nước chảy lặng lẽ nhưng bên dưới không biết sâu thế nào”. Nghĩa bóng là chỉ những người bề ngoài khôn khéo ẩn nhẫn, bên trong vô cùng giỏi giang tài trí.

Tạ Vụ Thanh nhớ lại, một năm rưỡi trước, lúc đó cô còn chưa áp chế được tính khí của mình, xem ra giờ đã trưởng thành rồi.

Cô hai bỗng nhiên mỉm cười, nhìn Tạ Vụ Thanh: “Chú út Thanh à, hải đường ở tây phủ của chú là người duy nhất nắm giữ vận tải đường thuỷ đấy, là người cao quý nhất trong số các tiểu thư chờ xuất giá. Những công tử từng gặp qua đều nói là thần tiên hiếm gặp, chẳng ai dám theo đuổi”.

Tạ Vụ Thanh khẽ cười, cái gì cũng không đáp.

Cô ba cảm thán: “Hải đường tây phủ của người ta nắm trong tay vận tải đường thuỷ cả trong ngoài nước, tiền tài phú quý không phải lo, sinh ra đã tốt như thế. Chú út Thanh này, cô ấy xem trọng chú ở điểm nào vậy?”

Cô ba Tạ gia thích nhất là hạ bệ em trai, cô tư lại thích tâng bốc em trai, hai người này ngày thường đều bắt tay nhau “kẻ xướng người bè” để trêu chọc anh. Mà hôm nay cái người tâng bốc kia lại đang tránh nguy ở nước ngoài, chỉ còn lại một người hạ bệ…

Cô hai rốt cuộc nhìn không nổi nữa, khẽ thở dài một tiếng: “Chú út Thanh trong thế hệ các tướng quân trẻ tuổi xem như cũng có công lao thành quả”.

Cô cả cũng nói một câu công bằng: “Dáng vẻ lớn lên cũng đẹp”.

Tạ Vụ Thanh đứng dậy, ba vị tiểu thư đều nhìn sang.

Anh đi đến giỏ đựng báo, chọn hai tờ rồi quay lại chỗ ngồi của mình.

Ba vị tiểu thư vô cùng vui mừng, lại tiếp tục huyên thuyên.

Cô hai nhớ đến một chuyện để trong lòng từ lâu, đắn đo nhiều lần mới nói ra: “Có chuyện này muốn nhắc với em. Ngày đó khi cha hỏi, chị trước đã lên tiếng thay cô ấy phủ nhận. Có người nói… cô ấy từng sống chung với anh rể của mình”.

Cô ba kinh ngạc.

Tạ Vụ Thanh đặt tờ báo xuống, phá lệ nói một câu: “Chỉ là lời đồn nhảm thôi, em với cô ấy là lần đầu”.

Trong phòng yên tĩnh như không có người…

Cô cả đã trên bốn mươi, hơn nữa cô hai và cô ba đều đã ngoài ba mươi lăm, tự mình ngẫm nghĩ lời của em trai. Muốn hỏi cho ra lẽ, nhưng lại ngại chuyện Tạ Vụ Thanh cũng gần ba mươi tuổi rồi, nếu ở nhà bình thường đã sớm làm cha người ta, giờ ở đây hỏi chuyện nam nữ yêu đương hình như cũng không ổn lắm…

“Hôn môi”. Anh không thể không nói thêm.

Tạ Vụ Thanh sau đó trầm mặc thật lâu, thấy mấy người chị của mình vẫn như cũ không nói một lời, vì thế lần đầu tiên trong đời giải thích rõ ràng với họ: “Ngày hôm sau em đã gửi điện tín báo cho cha, chính là bức thư mọi người nhìn thấy”.

Cô hai khẽ gật đầu, đứng dậy đi rót cà phê. Cô cả bận rộn đeo kính vào.

Chỉ còn cô ba không có gì làm nên phải nhìn Tạ Vụ Thanh, không tưởng tượng được bộ dạng khi yêu đương của anh như thế nào, dùng tư thế cùng thần thái gì, nhưng những loại chuyện này chị gái cũng không tiện hỏi đến cùng, trước sau suy nghĩ một chốc mới lẩm bẩm nói: “Chú út Thanh trưởng thành rồi, hôm nay mới cảm nhận được”.

Đợi đến tối, trong phòng khách căn hộ có không ít hải đường tây phủ, là do cô hai trước khi đi đã dặn người mua tới. Mọi người ai cũng có việc bận, vội vàng rời khỏi nhà anh. Tạ Vụ Thanh một mình đối diện với mấy khóm hoa hải đường, nghĩ đến ngày đó trong Bách Hoa Thâm Xử, mình quay lưng về phía Hà Vị để thu dọn giường chiếu. Ngẫm nghĩ một lát, anh mới nhận ra tầm mắt mình trước sau vẫn dừng trên một tấm ảnh chụp.

Khi đó Tạ Vụ Thanh thành danh được xem là thiếu tướng quân, đứng đối diện với ống kính máy ảnh là do mưu kế của cha bày ra. Một tay hơi nghiêng đút vào túi quần quân đội, một tay đặt trong lớp quân phục rộng rãi khoác ngoài, nắm chặt thành quyền, là bộ dáng mà các tướng quân thời đó yêu thích.

Anh năm mười tám tuổi cằm hơi hất lên, trong lòng là gió lớn vạn dặm.

Lúc đó anh không biết rằng chỉ nửa tháng sau, mình lại bị ám sát, người bác mà thuở nhỏ từng ôm anh một lần đã ra tay tàn nhẫn. Sau này khi tỉnh lại nhìn thấy nước mắt của người thân, anh liền nghĩ, cái tên Tạ Vụ Thanh này thật ra là gánh nặng, là ba chữ khiến người nhà phải bật khóc.

Thế nên sau khi quay lại Quảng Châu, anh vẫn như cũ dùng tên Tạ Khanh Hoài, không dùng tên thật.

Lần này Tạ Vụ Thanh trở về, cơ thể chịu không nổi.

Sau khi trọng thương vừa khỏi đã phải vượt đường dài ra Bắc, chưa đầy hai tháng lại băng qua hơn nửa lãnh thổ Trung Quốc, trực tiếp thâm nhập vào tiền tuyến, trận chiến đánh gần một năm. Ngày đó trong căn hộ ở Quảng Châu, anh bị chị hai ép phải cho bác sĩ khám, bác sĩ xem xong thì nói thẳng, cần phải tĩnh dưỡng, không thể để vất vả xóc nảy mệt mỏi thêm nữa. Chính vì vậy anh không thể không lùi ngày rời đi đến cuối tháng Giêng. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh bị người ta kéo đến giảng võ đường [2] Tây Giang làm giáo viên tập huấn đặc biệt.

[2] “Giảng võ đường” là một cơ sở giáo dục đào tạo sĩ quan quân đội được thành lập vào cuối triều đại nhà Thanh và đầu thời kỳ Dân Quốc. Nhiều giáo viên của các trường quân đội sau này đều là người từng giảng dạy hoặc học tập ở các giảng võ đường. Giảng võ đường chia theo từng khu vực và gọi tên tuỳ vào mỗi khu vực đó.

Tạ gia ngoại trừ cô cả, những người còn lại với bên ngoài đều không có đảng phái, với người ở giảng võ đường càng bị xem là khác loài. Nhưng bởi vì anh từng là tướng lĩnh trong hai cuộc chiến phản Thanh – Viên nên cũng không có chuyện người khác không phục, ngược lại ít giao du với bên ngoài nên càng thanh tịnh.

Những tiết học có nội dung về ném bom, nổ mìn, bắn súng hay ám sát liên quan đến quân sự đều giao cho giáo viên thông thường dạy, anh chủ yếu nói về chiến thuật công thủ và cách vẽ bản đồ quân sự, ngoài ra còn giảng về tư tưởng chống phong kiến chống đế quốc, chống lại các thế lực quân phiệt.

Trong lớp học tư tưởng cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, anh nói về các quốc gia đứng phía sau âm thầm ủng hộ duy trì cục diện phe phái quân phiệt cát cứ, nhắc đến người Nhật Bản lòng lang dạ sói nâng đỡ quân Phụng hệ: “Các nước khác chưa từng từ bỏ ý muốn chia rẽ chúng ta, công sứ Mỹ đang tiếp tay cho quân Trực hệ, gần đây thường xuyên có hành động. Nguyên lai cũng vì sợ chúng ta thống nhất, sợ chúng ta ổn định, vì một khi chúng ta ổn định thì sẽ phát triển mạnh mẽ hơn”.

“Vì sao thế hệ trước chúng ta vừa chấm dứt phản Thanh rồi lại tiếp tục phản Viên, hiện giờ còn phải chống lại chế độ quân phiệt? Chúng ta cũng không phải cỗ máy chiến tranh”, anh đứng giữa lớp học kết luận: “Là vì khát vọng cuối cùng mà chúng ta hướng đến là làm cho dân giàu nước mạnh”.

Sau tiết học, có người đến Quảng Châu, nói muốn tìm anh.

Khi được đưa đến trước mặt, người đó nhanh chóng nói rõ mọi chuyện, ra là năm ngoái, Quảng Châu từng bắt giữ một con tàu trở về từ Nhật Bản, tàu này ban đầu vốn chở vật tư quyên góp, lúc về đi bọc vòng qua Nam Dương, lộ trình di chuyển chậm chạp, không hiểu sao lại thành nhầm đường. Do không có thủ tục nhập cảnh hợp lệ nên tàu bị bắt giữ tại chỗ.

Nhân viên bắt tàu điều tra mới phát hiện đây là của vận tải đường thủy Hà gia, họ ngay lập tức phát liền mấy bức điện báo yêu cầu bổ sung thủ tục, đối phương ai cũng sợ chiến loạn nên không dám mạo hiểm đến đây, mà thuyền viên trên tàu đều là người Quảng Châu, từ sớm đã nhận thù lao ai về nhà nấy, còn chuyện xử lý con tàu thế nào cũng không ai biết. Con tàu kia không giống những chiếc tàu bình thường, rất quý giá. Mạng lưới quan hệ của vận tải đường thủy Hà gia lại lớn, chẳng ai dám tự tiện động vào tàu, chỉ có thể khóa giữ tạm ở bến cảng.

Chờ qua năm mới, Hà gia cuối cùng cũng nhớ lại, chung quy mình còn có một con tàu này, báo tin nói chủ nhân thật sự của con tàu cũng không phải họ. Chiến sự nam bắc liên miên, không dám mạo hiểm đến chỗ này, nếu có thể nói lại với người của họ ở đây, thì nhờ gửi gắm lại cho chủ nhân chân chính của con tàu tên Tạ Khanh Hoài…

Tạ Khanh Hoài còn không phải là anh sao.

Tạ Vụ Thanh ngồi trên ghế trong phòng nghỉ của giáo viên, trong tay là bức điện tín. Nhân viên bến cảng âm thầm đánh giá anh là một tên quân phiệt “gia tài bạc triệu, bóc lột dân đen”… Loại tàu thủy kiểu mới chạy bằng hơi nước này chỉ có những công ty vận tải mới mua nổi, cơ nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Hà gia lớn như thế cũng chỉ có khoảng sáu bảy chiếc là cùng, có thể tưởng tượng được giá trị của nó thế nào.



Tạ Vụ Thanh trầm mặc gấp lại bức điện tín trong tay, miết mãi rồi miết mãi, đến khi không thể gấp được tiếp anh mới mở ra xem lần nữa.

Cuối cùng anh mang theo tia bất đắc dĩ, cúi đầu nhìn bức điện tín, dịu dàng mỉm cười.

Trời hoàng hôn, Tạ Vụ Thanh đến bến cảng lên tàu xem xét.

Trong khoang chở hàng chất đầy vật tư mua từ Nam Dương, người phụ trách bến tàu đối với vị tướng quân tên Tạ Khanh Hoài vốn chỉ nghe tên chứ chưa từng biết mặt, giờ nhìn thấy người, ngược lại càng giống với tin đồn bên ngoài, là kẻ trở về từ quỷ môn quan, từng bị trọng thương.

“Bọn họ nói hàng hóa ở đây đều đã quá hạn, cũng không đáng giá nên không cần”, lúc Tạ Vụ Thanh quay đầu lại, người phụ trách cười giải thích, “Ngài xem có cần tự mình kiểm tra lại không? Hay để chúng tôi làm ạ?”

Lâm Kiêu thay anh đáp lời: “Để chúng tôi kiểm tra đã”.

Người nhân viên làm việc ở bến cảng đã lâu, cũng quen nhìn thói tham lam của các phe phái quân phiệt lớn nhỏ, chỉ sợ bên trong còn có ẩn tình, lo lắng mình không thể nhìn thấy mặt trời nên vội vàng xuống tàu. Lâm Kiêu đưa người đi kiểm tra, toàn bộ đều là hàng hóa dùng lâu, có thể phát cho binh lính, hoặc trực tiếp mang đi bán đổi tiền, không hề liên quan gì đến mấy chữ “quá hạn”. Tất cả đều nằm trong suy đoán của Tạ Vụ Thanh, anh bảo Lâm Kiêu nội trong tối nay phải kiểm kê toàn bộ rồi dỡ hàng, đưa khỏi khoang chứa.

Lâm Kiêu nhìn hàng hóa chất đầy khoang tàu, cảm khái còn nhiều hơn so với Tạ Vụ Thanh.

“Lâm phó quan”, người đọc sách nhỏ giọng hỏi: “Đây thật sự của chúng ta ư?”

“Phải, tất cả đều là của chúng ta”. Lâm Kiêu nói khẽ.

Đối với những người mới đi theo Tạ Vụ Thanh một thời gian ngắn sẽ không hiểu, Tạ Vụ Thanh là một tướng quân quanh năm bình loạn nơi núi rừng, không cho đánh bạc, cấm bán thuốc phiện, đến thuế má này nọ cũng không thu, cho dù có đánh thêm mười năm, cũng không đủ tiền mua được một con tàu thế này. Huống hồ còn là một con tàu chở đầy hàng hóa.

“Năm mới… ngày mùng 5”, Lâm Kiêu chưa từng nói chuyện ngắt quãng như vậy, như thể không khống chế được cảm xúc cuộn trào, “Là sinh nhật của tướng quân. Những thứ này… đều là quà sinh nhật”.

Tạ Vụ Thanh đi vào buồng lái, trên khóa sắt của bánh lái có một lớp gỉ. Anh đứng đó móc bao thuốc lá từ trong túi quần mình. Anh rút một điếu, trong vầng sáng vàng sẫm của trời hoàng hôn, cúi đầu dùng ngón tay quẹt lên một đốm lửa nhỏ, châm thuốc.

Khuôn mặt Tạ Vụ Thanh, ngũ quan đều bị sương khói làm mờ đi. Một tay anh đặt trên bánh lái, mắt nhìn hướng ra ngoài cửa kính thủy tinh. Trên mặt nước dưới ánh chiều tà ngả về Tây, có một chiếc thuyền gỗ căng bạt đen, không biết vì ai mà dừng lại.

Vị Vị.

Món quà lớn thế này, anh làm sao trả lại cho em đây?



Đầu thu năm 1924, cuộc chiến đẫm máu giữa hai phe quân phiệt thuộc Trực hệ và Phụng hệ nổ ra.

Hà Vị phải bàn chuyện về tuyến đường vận tải giữa Quảng Châu và Hồng Kông, người nọ hẹn cô gặp mặt trong một rạp chiếu phim, cô vừa bước vào liền nhìn thấy ánh sáng phản chiếu từ màn hình ra phía sau, họ đang phát một đoạn phim đen trắng chiến đấu kịch liệt không tiếng động: Có binh lính xông về phía họng súng máy, quang cuồng ngã quỵ xuống đất… Bởi vì không có âm thanh nên càng khiến người ta sợ hãi. Giữa lúc ánh sáng đan xen, phi cơ cất cánh ném bom, như cũ không tiếng động.

Có người thấp giọng nhắc: “Cô hai, phía trước ạ”.

Hà Vị cố trấn định tâm tư, đi đến hàng ghế trước, chỗ đó có mười mấy người ngồi xem phim, trong đó có một vị tiên sinh mắt hoa đào, ngày đó mặc áo khoác ngoài châm thuốc cho người bên cạnh. Hắn ta nhận ra Hà Vị, gác chân xuống đất, khẽ gật đầu cười với cô. Hà Vị cũng lễ phép gật đầu chào lại.

Trong lòng vẫn đang khϊếp đảm vì những hình ảnh chiến tranh.

Hà Vị muốn tỏ thành ý nên đích thân mang bản thỏa thuận gia nhập tuyến đường thủy vận tải, đối phương vốn có cảm tình với người đến đưa tiền, thấy “mắt hoa đào” có quen biết Hà Vị liền nở nụ cười tiếp đón, giải thích hình ảnh trên màn chiếu cho cô: “Đây là chụp ở chiến trường Sơn Hải Quan”, ông ta chỉ vào màn hình, hỏi người có mắt hoa đào: “Thế chất à [3], cháu thấy thế nào?”

[3] Thế chất: danh từ xưng hô để gọi con cháu của bạn bè

“Lục – Không cùng phối hợp, có thể xem là trận lớn nhất trước nay chưa từng có” Người mắt hoa đào đánh giá.

“Nhị tiểu thư nếu có hứng thú, có thể ngồi lại xem một chút”. Người nhận bản thỏa thuận cổ phần mỉm cười mời Hà Vị.

“Không cần đâu, các ông cứ tiếp tục đi”. Hà Vị biểu lộ thành ý, không làm chậm trễ bọn họ bàn chuyện, liền ra ngoài.

Không ngờ vừa ra đến ngoài phòng chiếu, đã có người khác đuổi theo.

Hà Vị quay đầu nhìn, nhận ra là vị tiên sinh mắt hoa đào.

Đối phương cười cười, thấp giọng chuyện trò với Hà Vị: “Ngày đó từ biệt với cô hai cũng đã…”

“Chắc cũng đã một năm rưỡi không gặp”. Cô ngầm hiểu.

“Thoáng một cái đã lâu như vậy”. Hắn cảm khái trong lời nói mang theo tình nghĩa với Tạ Vụ Thanh, hai người anh em xa cách hai bờ nam bắc, ngày gặp lại không biết là khi nào. Hắn trông thấy Hà Vị như gặp được người nhà, nói không ít chuyện về giao tình trong quá khứ của mình với Tạ Vụ Thanh.

Nói một hồi, hắn mới cười hỏi: “Lúc nảy nhìn thấy mấy cảnh đó có sợ không?”

Trong lòng cô vẫn còn không yên: “Tôi chưa từng thấy cảnh đánh giặc, tác chiến Lục – Không lúc trước cũng giống vậy sao?”

“Trước đây nghèo lắm, làm gì mua được nhiều phi cơ như thế”. Người mắt hoa đào nói, “Hiện tại có thêm không ít trang bị mới, sau này chiến sự càng thảm thiết hơn”.

Nếu những chiếc phi cơ đó ném bom xuống, còn ai có thể thoát? Dù Lục quân có mạnh đến đâu đi chăng nữa thì cũng người chết kẻ bị thương thảm bại. Cô không dám nghĩ sâu hơn.

Đối phương lại nói thêm hai câu, bỗng nhẹ giọng kể: “Nếu trận chiến lần này quân Phụng hệ thắng, nói không chừng anh Thanh có cơ hội quay về”.

Tin tức đến quá đột ngột khiến cô nhất thời không biết phản ứng ra sao.

Chờ đến buổi chiều ngồi trong phòng kiểm kê sổ sách thu chi, cô mới hoàn hồn.

Lúc trước kẻ giam lỏng Tạ Vụ Thanh cùng cô tư Tạ gia thuộc phe quân phiệt Trực hệ, nếu bọn họ bị đánh đuổi thì đối với Tạ Vụ Thanh lại là chuyện tốt. Anh thật sự sẽ quay về, có khi âm thầm ở lại một hai ngày đều được.

Càng nghĩ, cô càng thấy cao hứng, cầm tách trà mỉm cười, lật xem sổ sách lại cười, nhìn giá cắm nến bằng bạc cũng cười. Cô cười nhiều đến mức vị tiên sinh lớn tuổi làm việc trong phòng thu chi thầm nói… Cũng chưa đến cuối năm, nhìn sổ sách thì thấy gì đâu chứ?

Vị tiên sinh trưởng phòng thu chi thuộc thế hệ trước nên không thích ánh sáng tự nhiên, chỉ thích căn phòng tối mù. Hà Vị mỗi lần đến đây đều phải thắp đèn. Chú Mậu từng muốn lắp thêm bóng đèn trong phòng thu chi nhưng vị tiên sinh trưởng phòng không cho, nói với chú Mậu: “Ông xem, cái tách sứ trắng này của tôi đã dùng suốt 5 năm nay không đổi, là do không thể đổi được. Khi phong thủy thuận lợi, không thể đổi bất kỳ thứ gì”.

Chú mậu ngồi xuống chỗ cái ghế mây cũ kỹ, sờ trên tay vịn sớm đã bị mòn đến mức không thấy rõ dây mây, cười trêu chọc: “Nhà chúng tôi còn muốn hưng thịnh thêm vài thập niên nữa, chỗ này của ông, e là không dám tới”.

Lão tiên sinh phòng thu chi khinh thường đáp lại: “Không tới thì đừng tới nữa, ông nhìn sổ sách cũng chả hiểu gì. Ngược lại mỗi lần cô hai đến cũng không có ý kiến, chỉ mỗi ông là nói nhiều nhất thôi”.

Hà Vị một tay chống cằm, đổi tư thế nhìn cành cây ngoài phòng, lại cười.

Lão tiên sinh phòng thu chi cùng người quản gia đi theo đều quay đầu nhìn trên cành cây… Có một con ong mật vòng qua chạc cây bay đến đậu trên bệ cửa sổ phơi nắng… Nhưng chắc cũng không phải chỉ vì một con ong mà cười vui đến mức này chứ?



Mùa thu tháng 10, quân Trực hệ bị đánh đuổi khỏi Bắc Kinh.

Rất nhanh, các phe phái quân phiệt lớn thắng trận gửi điện báo mời Tôn tiên sinh ra bắc, cùng nhau thương nghị chuyện quốc sự.

Nam – Bắc thống nhất cuối cùng cũng có ngày nhìn thấy ánh bình minh.

Trong căn hộ của Tạ Vụ Thanh tập trung nhóm người đầu tiên mới ra bắc.

Đa số những người chờ trong phòng khách đều quen biết với anh, chỉ có một vị là mới quy phục gần đây, thêm một tướng quân lần đầu đến nhậm chức ở Quảng Châu, người đàn ông kia mới bốn mươi tuổi nhưng bị chiến trường gột rửa nhìn qua không khác gì ngoài năm mươi, sáu mươi, khuôn mặt đầy sương gió, mái tóc nhuộm hoa râm.

Hắn ta vừa nhìn thấy Tạ Vụ Thanh đến lập tức liền đứng dậy: “Tạ thiếu tướng quân”. Những người có mặt không hiểu nguyên do, không rõ không người này rốt cuộc quen biết thế nào.

Người nọ giải thích với mọi người: “Năm ngoái nếu không có Tạ tướng quân, tôi đã bỏ mạng ở Thạch Lâm rồi”, thanh âm hắn ta trầm ổn nhưng ánh mắt nóng rực, “Tạ tướng quân vốn có thể bỏ mặc tôi. Nhưng cậu ấy vừa nghe thấy có đội quân cùng phe bị vây hãm ở đó, liền mang theo súng nửa đêm tập kích bất ngờ, cứu chi đội của chúng tôi thoát ra ngoài”.

Tạ Vụ Thanh lộ ý cười: “Ngồi trước đã”.

Các vị tướng lĩnh ngồi xuống, lúc này mới bắt đầu xôn xao bàn bạc hành trình đến Bắc Kinh.

Lâm Kiêu đứng bên cạnh, quan sát sườn mặt của Tạ Vụ Thanh, đắm chìm trong hồi ức năm ngoái. Tháng đó, Tạ Vụ Thanh một mình mang theo súng cùng nhóm thương binh bị tách khỏi doanh. Chờ đến lúc Tạ Vụ Thanh mang theo hơn trăm người thương binh ấy lần theo dấu vết trên bản đồ tìm đến thị trấn thì trời cũng đã vào đông. Cuối cùng bộ đội chủ lực cũng đợi được anh về, Lâm Kiêu cùng mười mấy vị tướng lĩnh thân tín xúc động đến đỏ cả mắt, Lâm Kiêu còn không nén được cúi đầu rơi lệ.

Lúc đó Tạ Vụ Thanh giúp Lâm Kiêu lau sạch nước mắt trên mặt, trêu chọc hắn: “Ai không biết còn tưởng cậu một thân một mình là vì tôi”.

Các tướng lĩnh khác đều bị câu nói của anh chọc cười.



Người trong căn hộ này, bất kể xuất thân từ nơi nào, tín ngưỡng có giống nhau hay không, đều là những vị tướng lĩnh yêu nước, một lòng chống lại quân phiệt. Những người ngày thường tắm máu trong bom đạn nhìn thấy ánh bình minh hai miền nhất thống, hiếm khi cảm thấy nhẹ nhõm, không hẹn mà cùng nhau trêu đùa Tạ Vụ Thanh ngày thường nghiêm nghị. Giễu anh lần trước vào kinh gây nên không ít sóng gió tình cảm, chọc anh mang không ít nợ tình, chuyến đi lần này chỉ e không thoải mái lắm.

Tạ Vụ Thanh mặc kệ bọn họ đùa giỡn, chuẩn bị sẵn rượu ngon cùng thuốc lá thâu đêm.

Chờ tiễn khách khứa về hết, Tạ Vụ Thanh mới trở lại phòng ngủ.

Lâm Kiêu mang nước trà đi vào, thấy Tạ Vụ Thanh dưới ánh đèn u ám, ngồi trên chiếc ghế gỗ hồ đào đặt cạnh cửa sổ sát đất. Trước mặt anh là một rương hành lý da nâu mềm đang mở toang, bên trong là quần áo hằng ngày xếp thành chồng… Quần áo quân nhân vốn đơn bạc, hết áo sơ mi lại áo sơ mi, quần quân đội tiếp quần quân đội.

Cánh tay phải của Tạ Vụ Thanh đặt trên thành ghế, ngón tay khép hờ, buông thõng trước người, hơi nắm một hộp phấn bằng sứ trắng mà con gái hay dùng, trên mặt hộp in mấy hình hoa lá xanh xanh đỏ đỏ, giống như còn khắc cả chữ.

Đây là món đồ mà Tạ Vụ Thanh mang về sau khi bị tách khỏi bộ đội chủ lực mấy tháng trời.

Anh nhác thấy Lâm Kiêu nhìn mình chằm chằm, nghĩ trong lòng vui vẻ nhưng không ai nói chuyện, khó có dịp đêm nay tâm sự giãi bày: “Nếu không nói rõ lai lịch, sợ rằng tặng người ta thì không ổn lắm”.

Vị Vị đưa tới cho anh một con tàu hơi nước kiểu mới, bản thân anh lại cầm một hộp phấn lỗi thời tặng người ta, thật kỳ cục.

Nếu nói ra… lại sợ cô đau lòng.

— HẾT CHƯƠNG 18 —