Ông Sinh giận quá hóa rồ, kế hoạch đã bàn với mọi người từ trước đến giờ quên sạch, ông hùng hổ gạt hết mấy người đứng cạnh ra, lao thẳng về phía bà già ăn xin. Ông gầm lên:
- Tổ cha nhà con mụ điên, mày thích rủa cả nhà tao không? Tao cho mày biết thế nào là lễ độ.
Ông Sinh đột ngột hành động ,mọi người bị bất ngờ, chẳng ai có thể cản kịp, cứ thế ông chạy thẳng về bên vệ đường. Bà lão đội nón vừa thấy ông Sinh phóng qua đây, ngay lập tức quay đầu bỏ chạy, điều đáng sợ ở đây là bà già kia tuy lớn tuổi, chân hình như bị dị tật, chân thấp chân cao nhưng lại chạy cực kỳ nhanh, có khi còn nhanh hơn lớp thanh niên trai tráng ở trong làng. Chỉ một loáng, thân ảnh bà ta nhấp nhô, rồi khuất dần sau khu chợ. Bị chọc tức như thế làm sao mà ông Sinh có thể bỏ qua cho được, mặc kệ mọi người ở đoàn đưa tang ngăn cản, ông tức tốc đuổi theo phía sau, quyết phải bắt được bà ta. Chị Huệ cố gào lên gọi ông trở lại mà không được, đành nói nhanh với mấy người gần đấy:
- Mấy chú mấy bác nhanh nhanh đuổi theo hỗ trợ chú Sinh với, chứ một mình chú ấy, cháu chỉ sợ không bắt được bà lão điên đấy, mà mọi người nên cẩn thận, bà ta không phải người điên bình thường đâu. Thằng Quế nó gọi điện cho cháu bảo là nhất định phải bắt được người này đem lên chùa Hàm Long, có thế thì cái nạn của dòng họ ta mới được hóa giải.
Mấy người đàn ông ở đấy hầu hết đều là họ hàng mật thiết với nhà lão Bá, họ đang lo sợ không biết sau khi lão Bá và hai đứa con của lão chết, thần trùng sẽ nhắm đến ai, nay lại được chị Huệ cho biết bà già kia là chìa khóa để hóa giải trùng tang cho dòng tộc, làm sao mà họ có thể đứng im cho được. Ngay lập tức ba, bốn người đàn ông tức tốc chạy theo bóng lưng của ông Sinh. Sau khi mấy người đó rời đi, đoàn đưa tang cũng tiếp tục lên đường, không thể vì một sự kiện nhỏ này mà dừng chuyện đưa quan tài anh Tin và anh Mừng đến nơi an nghỉ cuối cùng được. Phải công nhận một điều là ông Sinh tuy lớn tuổi, nhưng thân thể cực kỳ khỏe mạnh, không hề thua kém đám thanh niên, rượt đuổi bà già đội nón kia tính đến bây giờ đã hơn hai mươi phút, mà ông vẫn còn rất sung sức, hai chân đạp đất liên tục, không có dấu hiệu ngừng lại. Suốt quãng thời gian ấy, càng chạy, ông càng kinh ngạc với khả năng di chuyển của bà già điên kia, sao một người lớn tuổi, hai chân không được lành lặn lại có thể di chuyển nhanh được đến vậy, đã thế còn rất bền bỉ cơ chứ, khuôn mặt ông tràn đầy hồ nghi. Có mấy lần bà ta còn chạy được thoát ra khỏi tầm mắt của ông Sinh, nhưng sau một hồi bà ta lại xuất hiện và luôn giữ một khoảng cách với ông. Khiến ông nảy sinh cảm giác như kiểu bà ta đang trêu đùa ông vậy, cố ý chạy chậm lại cho ông bắt kịp. Nhưng lúc này sự nghi hoặc không chiếm nhiều trong trí não của ông, thay vào đó là sự tức giận khi bị trêu ngươi, ông cắn răng, mấy lần cố tăng nhanh cước bộ để bắt lấy bà ta, nhưng đều không thành công. Cứ thế một người chạy, một người đuổi theo, tiếng chân nện trên con đường đất của làng phát ra những âm thanh bình bịch. Lại thêm một hồi nữa, trên trán của ông Sinh bắt đầu thấm đẫm mồ hôi, chảy cả xuống mắt cay xè, nhưng ông vẫn nhịn cảm giác khó chịu, mở to mắt tập trung theo dấu của bà già ăn xin, chắc mẩm rằng nếu mình cứ kiên trì thêm ít thời gian nữa, cuối cùng sẽ tóm được bà ta. Ấy vậy mọi việc lại diễn ra chính xác theo những gì mà ông Sinh dự đoán, tầm mười phút sau thì rốt cuộc bà lão đội nón cũng chạy chậm lại, thân hình của bà ta rẽ nhanh vào hẻm, sau đó nhảy bám lên tường một nhà, leo vào bên trong. Ông Sinh bật người, nhảy với theo, muốn tóm lấy chân bà ta mà không kịp. Thấy bà ta đã leo vào vườn nhà này, ông Sinh vội vàng chạy ra phía cổng, định hô hoán cho gia đình nhà này biết, hỗ trợ ông bắt lấy bà già, nhưng vừa đi đến được cổng nhà thì thân hình ông khựng lại, hai chân không dám tiến thêm một bước. Từ nãy đến giờ vì mải mê đuổi theo bà già đội nón, ông Sinh không kịp quan sát được cảnh vật xung quanh, đến bây giờ khi đã thôi không đuổi nữa, ông mới bình tĩnh nhìn ngắm mọi thứ. Đập vào mắt ông chính là cánh cửa cổng bằng sắt màu xanh da trời, cánh cửa vô cùng quen thuộc vì ông chính là người tự tay sơn nó, cổng của nhà anh trai ông , lão Bá. Mẹ nó, sao con mụ điên ấy lại chạy vào trong nhà của anh trai ông, không được rồi, bây giờ ở nhà đâu có ai, làm sao để tóm được bà già điên đấy đây. Đầu suy nghĩ nhưng chân ông Sinh không dừng lại, ông đến gần cánh cửa cổng nhìn vào chỗ then cửa xem thử, một ổ khóa đen nằm yên vị trên đấy, cánh cửa đã bị khóa chặt từ bên ngoài, có lẽ sau khi đưa bà Đọt lên viện thì mấy đứa cháu của ông đã khóa lại. Không còn cách nào khác để vào bên trong, ông ngán ngẩm nhìn cái ổ khóa một hồi lâu, không thể vào được bằng đường này rồi, phải tìm lối khác thôi. Ngày hôm nay dù có đánh đổi bất kỳ thứ gì đi chăng nữa, ông cũng nhất quyết phải bắt cho bằng được con mụ điên ấy. Nghĩ là làm, ông Sinh quay lưng chậm rãi, mon men gần mấy bờ tường, mặt ngước lên tìm thử xem có nơi nào thấp một tí, cho ông dễ leo lên. Ấy thế mà trong lúc ông Sinh còn đang nheo mắt nhòm ngó thì đột nhiên một tiếng động bất chợt vang lên khiến ông giật nảy cả mình:
- Cạch, keng,..
Nhanh chóng đưa ánh mắt mình về bên đó, ông ngạc nhiên khi thấy cái khóa cửa hồi nãy còn đang chốt chặt thế mà không có chìa nó lại tự động mở ra. Thấy sự việc cũng hơi lạ, nhưng ông không quan tâm được nhiều như thế, bây giờ ông chỉ muốn tóm lấy bà già điên kia thôi. Tự nhủ rằng chắc do khóa sắt cũ quá hoặc do mấy đứa cháu nhà anh trai khóa cửa không kĩ, thành ra nó tuột ra như vậy, ông tiến về phía cánh cửa cổng, bắt đầu tháo khóa ra. Tiếng kim loại va chạm vào nhau leng ka leng keng, sau một hồi loay hoay thì rốt cuộc ông cũng gỡ được cái khóa ra thành công, khẽ kẽo cái then cửa ra, đôi tay ông đặt lên hai cánh cửa cổng, dùng lực đẩy mạnh. Tiếng bản lề gỉ sét ma sát vào nhau tạo lên âm thanh nghe đến rợn cả người:
- Kẹt, kẹt, kẹt,..
Rốt cuộc đường vào nhà lão Bá đã thông, cửa đã được mở. Bằng một động tác khẽ khàng nhất có thể, ông Sinh rón rén như kẻ trộm, bước từ từ vào trong, ông không sợ tà ma và những lời đồn đại của dân làng về việc nhà lão Bá có quỷ, ông chỉ sợ người đàn bà điên kia nghe thấy tiếng động ông tạo ra, bà ta lại bỏ trốn. Khi tiến vào trong sân thêm một vài bước, toàn bộ cảnh vật của căn nhà bắt đầu hiển hiện trước mắt ông. Vừa trông thấy ngôi nhà thân quen mà ông cũng thường hay lui tới mà ông giật mình kinh ngạc. Chỉ có một từ để miêu tả nó ngay lúc này, chẳng khác gì một căn nhà hoang, mấy cây bưởi, cây roi, cây vυ' sữa ở xung quanh nhà trơ trọi chỉ còn mỗi cành không. Bao nhiêu lá của bọn nó thì đã rụng đầy dưới mặt đất, bị gió lùa bay dày đặc sân, rồi bay luôn cả lên thềm nhà.