Bình Yên Trong Anh

Chương 11:Truy tìm ký ức: Ngoảnh lại đã một đời

Những ký ức xa xưa như những bông tuyết rơi, trong chốc lát dường như làm cho tất cả đều đóng băng. Hồi ức như băng chồng chất thành mùa đông. Đôi lúc muốn vươn tay nắm lại một khoảnh khắc mới chợt nhận ra lớp tuyết đã dày.

Những giấc mơ không thành cùng những lời hứa không thể thực hiện bó buộc quá khứ lẫn hiện tại của Vương Tịch không cách nào thoát ra.

Chi bằng để gió bụi trần khắc hoạ chút bất lực, chút bồi hồi, chút đau thương, chút tiếc nuối, chút thất vọng của thuở thiếu niên.

Thanh xuân năm đó...không phải rực rỡ nhất nhưng lại trở thành đoạn ký ức trọn vẹn nhất.

Trước năm mười tám tuổi, tại phương Nam.

Vương Tịch ngay từ lúc bé đã cảm thấy bản thân khác biệt, anh vốn biết đó là mẹ mình nhưng không hiểu tại sao luận về độ thân thiết còn thua xa bảo mẫu và quản gia trong nhà.

Ngay khi lên năm, Vương Tịch ngơ ngác đứng ở góc tường ngắm mẹ mình thờ thẫn cắm hoa, tự hỏi những gia đình khác cũng như vậy sao? Biểu hiện của Lý Thanh Giai rất lạ lùng, có người mẹ nào lại không bao giờ ôm con mình.

Thời điểm Vương Tịch như dòng sông chưa vẩn đυ.c, lấy việc học hành làm đam mê. Anh vốn thông minh nên việc đứng nhất khoá không phải chuyện khó khăn. Khi nhận kết quả, Vương Tịch đã rất háo hức mang về cho Lý Thanh Giai xem đầu tiên. Nhưng sắc thái Lý Thanh Giai lúc đó chỉ là sợ hãi! Đôi mắt bà hoang mang tột độ, vùng vẫy thoát ra khỏi vòng ôm của anh, mất kiểm soát chạy về phòng.

Mắt Vương Tịch dại đi, âm thanh la hét lẫn vỡ nát truyền ra ngoài. Vương Tịch không hiểu, càng không thể hiểu, vò nát tờ giấy trong tay.

Có một lần, trong lúc vô tình, Vương Tịch nhìn thấy bệnh án của Lý Thanh Giai, được chẩn đoán trầm cảm. Nhưng thực tế nói cho anh biết, cho dù là vậy anh vẫn không thể thông cảm được. Đó là cố chấp ghim giữ mãi trong lòng.

Vương Tịch năm mười lăm tuổi chệch dần khỏi quỹ đạo. Anh thoả sức làm những gì được gọi là nổi loạn nhất, bỏ học, đánh nhau, hút thuốc,... Những tờ giấy mời từ phía trường học cũng không đổi được cái chớp mắt từ Lý Thanh Giai. Lần đầu Vương Tịch tập uống rượu, vị chát lẫn vị nồng choáng váng đầu óc. Hoá ra không quan tâm thì dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thay đổi được kết quả.

Sau đó, Vương Tịch thường rời nhà từ trưa và say khướt lúc trở về, nhiều lần trong cơn say khống chế, anh điên cuồng hỏi bà tại sao? Tại sao luôn trưng ra bộ mặt lãnh đạm đó, Lý Thanh Giai chỉ thoáng giật mình rồi buông câu xin lỗi.

Đó vốn đâu phải những lời Vương Tịch muốn nghe.

Mọi người đều nhìn ra, một Vương Tịch thực sự phẫn nộ.

Có một ngày Vương Tịch từ cục cảnh sát đi ra, trên khuôn mặt có vết máu đã kịp đóng vảy, quần áo bám đầy bụi bặm. Tin tức rất nhanh được truyền đến phía trường học, hiệu trưởng đành gửi tối hậu thư về phía gia đình, quản gia trực tiếp ra mặt xử lý ổn thoả.

Không lâu sau đó, hầu như học sinh toàn trường bắt gặp Vương Tịch đều vô cùng kinh hãi nhưng cũng lắm kẻ ái mộ, tiêu biểu là những đứa con gái. Năm đó, Vương Tịch đã nếm thử mùi vị của trái cấm.

Vương Tịch đã nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi tuỳ hứng như vậy cho đến khi trong căn biệt thự xuất hiện tiếng cười đùa của một bé gái cực kỳ khả ái.

Vương Tịch gặp Thiên Ly là vào một ngày mùa hạ năm mười lăm tuổi vô vọng tìm kiếm cái gọi là tình thân đến sau này hồi tưởng vẫn khắc khoải tiếc nuối. Nhưng Thiên Ly lại luôn nói với Vương Tịch, cô đã thu anh vào tầm mắt rất lâu trước đó.

Phật dạy rằng, duyên phận con người là thứ vô cùng kỳ lạ, không một ai có thể đoán định được. Phải chăng sự gặp gỡ của hai người mang tên "định mệnh".

Quay lại khung cảnh năm đó, trời mưa như trút nước, năm ấy, Thiên Ly cũng chỉ mới có mười một tuổi, trước mắt toàn màu hồng. Do mưa quá lớn nên giao thông tắc nghẽn, cô phải đứng trú mưa tại dãy ghế chờ của lớp học ngoại ngữ, cách một lớp cửa kính Vương Tịch không một lời bước vào tầm mắt cô.

Khung cảnh đó đẹp đến nỗi có thể dùng bao mỹ tự để diễn tả nhưng chân thực nhất chỉ có ba từ: không lối thoát. Nếu hôm đó trời không đổ cơn mưa, Thiên Ly không ngồi ngắm mưa, lẫn hàng vạn khả năng khác có thể xảy ra có lẽ anh đã không bước một chân vào cuộc đời cô nhưng sự thật không thể thay đổi, Thiên Ly vẫn nhìn xuyên qua lớp kính, thấy một chàng trai cả người vận một màu đen tinh tế song đã bị cơn mưa thấm ướt lác đác, tóc anh còn đọng vài giọt nước, ngũ quan đẹp như được tạc, phía dưới là đôi môi mỏng lạnh lùng phối hợp với khuôn hàm tạo thành một vòng cung tuyệt đẹp.

Một thoáng yên lặng.

Thời gian vốn chuyển động không ngừng, đến khi Thiên Ly hiểu được đạo lý đó, Vương Tịch đã bước ra khỏi khung viền của lớp kính tựa như đường biên của một bức hoạ.

Sau này, Thiên Ly nhiều lần hồi tưởng suy nghĩ tại sao bản thân lại có ấn tượng đặc biệt với Vương Tịch ngay lần đầu như vậy, phải chăng vì vẻ ngoài của anh phù hợp với những chuẩn mực mà cô mơ tưởng. Cô không tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên nhưng nếu không có lần đầu xao xuyến làm sao có lần thứ hai động tâm.

Cho dù là tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên hay đến từ nhiều lần gặp gỡ thì suy cho cùng đó là một cảm giác không thể giải thích được nhưng lại vô cùng mạnh mẽ.

Lúc ấy Thiên Ly không ý thức được rằng, tình cảm của mình đã bắt đầu manh nha.

Ba tháng sau, những cành cây khẳng khiu đã nhú những mầm non, Thiên Ly lại vô tình gặp chàng trai phong sương đó đang đi bộ trên con đường, còn cô lại một lần nữa bắt gặp anh thông qua lớp cửa kính xe, giữa hai người luôn có một lớp ngăn cách.

Vốn đi ngược chiều lại thêm vận tốc xe ô tô, lúc bàng hoàng nhận ra khoảng cách đã rất xa rồi. Ba cô thấy biểu hiện con gái rất lạ liền quay lại phóng tầm mắt nhìn theo nhưng chỉ thấy một bóng không rõ nam nữ, buông câu hỏi:

"Sao vậy?"

Cô thất thần đáp:

"Dạ không có gì ạ."

Con đường này trùng hợp nhà họ Thiên cũng ở đó.

"Lần đầu gặp mặt là tình cờ.

Gặp lần thứ hai ắt hữu duyên.

Gặp nhiều lần trong đời chính là định mệnh"

***