Thanh xuân nơi ta đứng dưới mái trường cầm bút học cách trưởng thành là thời gian đáng nhớ nhất của hầu hết tất cả mọi người. Nhưng đối với một số người thì lại không. Trường học ngày nay như một xã hội thu nhỏ, có kẻ mạnh thì tất sẽ có kẻ yếu, nơi sức mạnh đồng tiền và thân phận là chân lí còn lại phải phục tùng. Trong lớp tôi cũng như vậy, những kẻ có địa vị cao sẽ tạo thành một nhóm và bắt tay nhau thống trị, đại diện cho bộ mặt của lớp. Còn những kẻ không có thân phận chỉ có thể làm thường dân, hoặc là nịnh nọt, hoặc là im hơi lặng tiếng. Cách để thể hiện quyền lực của kẻ mạnh chính là bắt nạt những kẻ yếu hơn mình.
Và kẻ bị bắt nạt nhiều nhất lớp tôi là thiếu niên lớp phó học tập, tên cậu ấy là Quang Vũ. Chuyện bắt đầu từ việc bọn cầm quyền đề nghị cậu ấy gian lận trong thi cử để giúp chúng nó làm bài, nhưng với tính cách cương trực và thành thật, cậu ấy đã từ chối. Điều này làm bọn chúng cảm thấy như bị xúc phạm, và kể từ đó Quang Vũ trở thành đối tượng bị khủng bố bắt nạt.
Mọi người nhận biết được điều ấy, nên ai ai cũng bắt đầu xa lánh và thay đổi thái độ với cậu, trong đó có cả tôi vì sợ bị liên lụy. Bọn chúng liên tục hùa nhau quấy rối khủng bố tinh thần cậu, và những hành động ấy ngày càng trở nên quá đáng. Mỗi ngày đến trường, khuôn mặt cậu đều loang lỗ những vết bầm tím to nhỏ, ngày ngày chúng càng xuất hiện nhiều hơn, vết thương cũ chưa kịp lành thì những vết thương mới xuất hiện chồng chất lên. Câu truyện đồn xa, cả trường đều biết cậu bị bạo lực học đường nhưng không ai lên tiếng vì cậu, có kẻ đồng cảm có kẻ cười đùa cợt nhã, thầy cô cũng nhắm mắt làm ngơ.
Nhưng cho dù gặp phải khung cảnh bạo lực kinh khủng ấy, cậu vẫn không nghỉ học vẫn ngày ngày đều đặn đến trường. Trong mỗi lần bị đánh cậu đều phản kháng, nổ lực thoát khỏi vòng vây của quỷ dữ, nhưng không có lần nào thoát khỏi. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ tinh thần thép của cậu, vì nếu bất cứ ai gặp trường hợp như vậy đều đã nghỉ học chuyển trường, thậm chí là tự sát rồi. Còn cậu thì không, cậu luôn mạnh mẽ đối diện với xã hội tàn khốc này.
Cho đến một ngày cậu vắng học, tôi nghe ngóng được thì ra bà cậu đột ngột qua đời. Ngoài ra, tôi còn biết được nhà cậu rất nghèo, cha mẹ cậu mất sớm, không họ hàng không người thân nên từ nhỏ cậu và bà ngoại sống nương tựa vào nhau. Chính vì tuổi thơ cơ cực nên cậu mới nổ lực học hành tranh giành học bổng, nhưng không ngờ trên con đường của cậu bây giờ lại gặp chướng ngại lớn như vậy. Số phận bi thương, tình cảnh cơ cực, giờ lại mất đi người thân nương tựa, cho dù tinh thần mạnh mẽ đến nào thì cậu ấy cũng chỉ mới là thiếu niên 15 tuổi. Thật oan trái!
“Cái gánh nặng về cuộc đời đâu chỉ đè nặng trên vai người lớn, nó còn len lỏi vào mảnh đời của những đứa trẻ vốn sinh ra không được biết đến tuổi thơ”
Sau sự kiện ấy, cậu không còn phản kháng nữa, thái độ dửng dung, vô bi vô hỉ mặc kệ sự đời. Mặc kệ bị đánh bị thương cậu cũng không kêu la đánh lại, có lẽ không ai nhận ra nhưng tôi thấy trong mắt cậu đã mất đi ánh sáng, ánh sáng của sự sống. Cậu như con rối gỗ mất đi linh hồn, mặc người người giày xé.
Một khoảng thời gian sau, cậu không còn đến trường nữa, có người nói cậu bỏ nhà ra đi, có người nói cậu không chịu nổi cảnh bạo lực,… cho đến khi người ta thấy xác của một cậu bé nằm dưới chân cầu đầy rác rưởi. Người ta mới biết, cậu ấy đã chết!
Căn nhà trống vắng khiến cậu cô đơn, sự ra đi của bà là cú sốc lớn nhất cậu gặp phải. Bà chính là người thân duy nhất còn sót lại của cậu, là chỗ dựa tinh thần, là tương lai của cậu. Cậu vì bà mà cố gắng, vì bà vất vả sớm đêm, hai người dựa vào nhau mà sống và cũng sống vì nhau. Mất đi bà cậu như mất đi nguồn sống, xã hội tàn nhẫn không có nơi cho cậu trở về. Cậu không còn gì cả! Khung cảnh bạo lực học đường làm cậu ám ảnh mỗi khi tỉnh giấc, càng đáng sợ hơn đó chính là tỉnh giấc nhưng lại không thấy bà đâu. Chỉ có một mình cậu, một mình cậu chống chọi mà thôi.
“Thật ra không có ai là mạnh mẻ cả, chỉ có kẻ chịu đau được có người thì không”