Mang… mang thai?
Dù biết bản thân là Omega, nhưng tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần cho tình huống này.
Đứa trẻ này chỉ có thể là của Hoắc Thế mà thôi.
Tại sao chuyện này lại xảy ra sau khi tôi quyết định từ chối cậu ấy chứ?
‘Vũ Khiêm Anh’ chọt tay lên người tôi, vẻ mặt cợt nhả cũng trở nên nghiêm túc “Bây giờ cậu tính làm thế nào?”
Chúng tôi đã ra khỏi bệnh viện và ngồi trong công viên, ‘Vũ Khiêm Anh’ nói muốn suy nghĩ thấu đáo thì phải tìm nơi rộng rãi thoáng mát mà ngồi nghĩ.
“Tạm thời tôi không muốn cho mọi người biết, mong anh sẽ giấu chuyện này giúp tôi.” tôi đáp lại.
“Rồi rồi, tôi sẽ giữ bí mật. Ý tôi muốn nói không phải vụ đó.” ‘Vũ Khiêm Anh’ thở dài “Rốt cuộc cậu có muốn giữ đứa bé hay không?”
“…” tôi đã thật sự do dự trước câu hỏi đó.
Đàn ông sinh con… đứa con mang dòng máu của tôi…
Tôi không dám nghĩ tới viễn cảnh sinh nở, còn có mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp nếu đứa bé được sinh ra.
Nhưng… nhưng mà… việc bỏ đứa bé…
Có lẽ tôi không làm được.
À, phải nói tôi chắc chắn không làm được.
Xã hội không thể phán xét một người có ý định phá thai, bởi vì họ đều có lý do chính đáng.
Không đủ tiền nuôi dưỡng, tuổi còn quá nhỏ, do bị cưỡng ép,…
Mà tôi, lý do tôi định bỏ đứa bé là gì chứ?
Vì chuyện tình cảm không suôn sẻ? Hay vì sợ hãi việc sinh con và lòng tự trọng của một người đàn ông?
Vô nghĩa.
“Có, tôi sẽ sinh nó ra.” tôi trả lời với lòng kiên định và quyết đoán.
“Chẳng biết sao tôi đoán rằng cậu sẽ trả lời như vậy.” ‘Vũ Khiêm Anh’ bật cười, ánh mắt đầy vẻ xa xăm và u buồn.
Tôi quay đầu nhìn biểu cảm của ‘Vũ Khiêm Anh’, dường như hắn ta cũng từng trải qua chuyện như vậy.
Tiểu thuyết gốc không đề cập tới nó, nhưng tôi đoán nó liên quan tới thợ săn bạo lực ‘Lê Hoàng Thông’ đã bị ‘Vũ Khiêm Anh’ trả thù.
Đây không phải chuyện nên hỏi, dù sao tôi và ‘Vũ Khiêm Anh’ cũng không thân thiết gì nhiều.
“Tôi đưa cậu về nhà, đừng tới sàn đấu thợ săn này nữa. Vì một tinh linh mang thai nên không biết có sự khác biệt nào không.” ‘Vũ Khiêm Anh’ đứng dậy và nói.
“Được rồi.” tôi khẽ đáp lại, trong lòng cân nhắc về trạng thái tinh linh của bản thân.
Khi đọc nhiều tác phẩm của Lâm Như, tôi hiểu được phần nào quá trình sáng tác của cô ấy.
Không, phải nói phần lớn tác giả đều dựa vào một khuôn mẫu tiêu chuẩn cho các sinh vật giả tưởng, đôi khi chỉ khác biệt một ít tùy vào thế giới quan và tình tiết câu chuyện.
Ví dụ Vampire thì bất tử và hút máu người, đôi khi không đi được dưới ánh nắng, đôi khi lại có thể. Hay Nhân ngư có thể dụ dỗ ngư dân, bằng ảo giác hoặc giọng hát mê hoặc của bản thân nó.
Tinh linh… là về cây đại thụ mang thần tính bảo vệ ngôi làng và cuộc sống tách biệt với phần còn lại của thế giới.
Tôi không nhớ nhiều lắm.
Có lẽ tôi nên về nhà lên internet tìm thử.
Đã quyết tâm sinh ra đứa trẻ này, tôi phải chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận.
Cũng không để đứa bé sống trong hoàn cảnh khó xử được.
Trở về căn nhà mà bên Hiệp hội Thợ săn Quốc gia chu cấp, tôi vẫy tay tạm biệt ‘Vũ Khiêm Anh’ và đi vào trong.
Bật wifi có sẵn, tôi tra tư liệu về Tinh Linh trên trang web tìm kiếm.
Tinh linh là những sinh vật có sức mạnh ma thuật và tài năng bắn cung điêu luyện, mang vẻ đẹp phi tự nhiên. Từ “elf” trong ngữ tộc German mang nghĩa gốc là sinh vật màu trắng.
“…” tôi sờ sờ mái tóc bạc hơi ánh kim của bản thân, giống được vụ này nhỉ.
Tinh linh có một sự quan hệ mờ nhạt với những vị thần trong thần thoại Bắc Âu, là nguyên nhân gây ra bệnh tật bởi ma thuật, sắc đẹp và quyến rũ.
Gì vậy chứ?
Một số bản ballad thời cận đại ở Đảo Anh và Scandinavia từ thời Trung Cổ thường miêu tả tinh linh là những kẻ cố gạ gẫm và bắt cóc con người.
“???” vẻ ngoài đã đẹp đẽ thì mất gì phải gạ gẫm nhân loại chứ?
Trong tâm trí của tôi chợt hiện lên bóng dáng của Hoắc Thế, cuối cùng lại chẳng thể phản bác được chuyện này.
Trong tài liệu viết bằng tiếng Anh: Sách Cầu Nguyện Hoàng Gia đề cập elf như là vẻ bề ngoài giả dối của “Satan”.
Trong tác phẩm Wife of Bath’s Tale vào cuối thế kỷ 14, Geoffrey Chaucer đã đặt elf nam ngang hàng với incubus. Trong các vụ xét xử phù thủy ở Scotland thời cận đại, những mô tả của nhân chứng về elf thường được công tố viên diễn giải là sự chạm trán với Ma quỷ.
Ở Scandinavia thời Trung Cổ, Snorri Sturluson đã viết trong Snorra Edda về hai loài tinh linh ánh sáng và tinh linh bóng tối. Tinh linh ánh sáng sống trên thiên đàng, còn tinh linh bóng tối sống dưới trần gian. Các học giả đều đồng tình rằng elf của Snorri dựa trên hình tượng thiên thần và ác quỷ trong vũ trụ học Kitô giáo.
Elf xuất hiện như những thế lực ma quỷ trong các lời cầu nguyện của người Anh, người Đức và người Scandinavia thời Trung Cổ và cận đại.
Văn học dân gian Iceland ở thế kỷ 19 thường thể hiện elf như một cộng đồng nông nghiệp của con người tồn tại song song với cộng đồng người hữu hình, có thể theo đạo Kitô hoặc không.
Một vài câu chuyện dân gian của người Iceland giải thích rằng elf là những thiên thần không đứng về phía Lucifer cũng như không đứng về phía Chúa, bị Chúa đày xuống trần gian chứ không phải địa ngục. Có một câu chuyện dân gian nổi tiếng của Iceland giải thích rằng elf là đứa con thất lạc của Eva.
“Sao càng đọc càng thấy hãi thế này…” tôi tự thì thầm với chính bản thân, nó khác về những gì tôi tưởng tượng.