Dám Kháng Chỉ? Chém!

Chương 24

Điền Bỉnh Thanh cười tươi rói: “Cô nương, nô tài thực phải nói rằng, cô nương và bệ hạ đúng là một đôi oan gia. Bệ hạ từ khi kế vị đến nay luôn tâm niệm một ngày nào đó tìm được cô nương rồi lập làm hậu. Cô nương thì hay rồi, im lặng ẩn nấp nơi thôn dã, làm bệ hạ phải chờ những ba năm.”

Trước mặt Phượng Triều Văn ta không dám gào to, còn trước mặt Điền Bỉnh Thanh ta chẳng có tính kiên nhẫn đó.

“Tiểu Điền, ngươi gạt ta đấy hả? Phi tần trong cung Phượng Triều Văn đầy rẫy, ai cũng xinh đẹp lộng lẫy. Bây giờ còn chưa lập hậu, xem ra do các thế lực đấu đá nhau, giằng co không nhân nhượng. Đừng tưởng câu “phu thê nghĩa nặng tình sâu” nói ra êm tai, chẳng qua là thủ đoạn lừa gạt Hoàng đế bày ra mà thôi, nữ nhân nào tin thì đúng là kẻ ngốc. Giờ hắn coi ta như con dao, đấy về phía trước sống chết cũng mặc, ta há có thể ưng thuận?”

Điền Bỉnh Thanh giẫm mạnh chân: “Cô nương, người quả thật nghĩ oan cho bệ hạ rồi!”

Ta bất giác cười thành tiếng: “Nghĩ oan? Ta đâu dám nghĩ oan cho hắn? Nói dễ nghe thì ta và Phượng Triều Văn có thể coi như nhân duyên ngắn ngủi. Nó khó nghe một chút, ta còn chẳng bằng nữ tì trong cung. Hôm nào đó hắn không vui, lôi ra chém đầu, ta cũng không lấy làm lạ.”

Ánh mắt Điền Bỉnh Thanh nhìn ta như người mắc bệnh nan y hết thuốc chữa: “Cô nương, những phi tần trong cung kia đều do Tiên đế lúc còn tại vị ban hôn, có một số là hàng thần dâng tặng, ví như Ngọc phi. Số khác nữa là nhà ngoại bên Thái hậu tiến cử. Lời cô nương có lẽ đúng, Tiên đế cũng vì cân bằng các thế lực trong cung mới cưỡng ép ban hôn cho bệ hạ. Khi đó bệ hạ còn là Thái tử, không thể trái Hoàng mệnh. Nhưng những phi tần kia từ lúc vào cung tới này đã ba năm, vẫn hoàn bích[5]. Không biết bao nhiêu người trong cung bàn tán sau lưng bệ hạ rằng người có bệnh không tiện nói.”

[5] “Hoàn bích” là từ dùng thời cổ đại, ý ám chỉ “trinh nữ”.

Ta ngơ ngác tiếp lời Điền Bỉnh Thanh: “Vậy ư, hắn có bệnh không tiện nói tại sao không mời ngự y trong cung đến khám?”

Điền Bỉnh Thanh vừa tức giận vừa buồn cười: “Bệ hạ có bệnh không tiện nói hay không, cô nương không biết à? Chẳng trách bệ hạ bảo cô nương là đầu gỗ tim đá!”

Ta chợt hiểu ra ý tứ trong câu nói của Điền Bỉnh Thanh, ra sức đá tên thái giám chết tiệt này một cái, rồi che gương mặt nóng bừng như thiêu như đốt chui vào tít trong góc long sàng
Chương 5: Lời cầu hôn muộn màng
Điền Bỉnh Thanh nói, ba năm trước, cô nương cùng Hoàng đế Đại Trần đốt Cẩm Tú các. Bệ hạ lòng đau như cắt, mấy ngày mấy đêm không ăn không ngủ, hạ lệnh dọn dẹp đám cháy, cuối cùng tìm ra mật đạo dưới Cẩm Tú các. Lúc này người mới âm thầm tìm kiếm cô nương.

Hắn còn nói, những phi tần trong cung bệ hạ cũng như những đóa hoa trong ngự hoa viên, chỉ là thứ điểm xuyến cho hoàng thất. Tuy ở nơi tráng lệ, nhưng chẳng khác gì lãnh cung.

Câu trước ta không tin, câu sau… Ờm, ta cũng không tin.

Ta chui vào sâu trong long sàng rộng lớn của Phượng Triều Văn, ôm chân giò tẩm mật ong gặm đến khi trời tối.

Cha ta từng nói, hoa ngôn xảo ngữ mà nam nhân trên thế gian này sử dụng với nữ nhân là thứ không đáng tin nhất.

Lúc đó ta chớp mắt, hiếu kì hỏi: “Vậy năm xưa những hoa ngôn xảo ngữ cha từng nói với mẹ đều là có mưu đồ riêng, không đáng tin sao?”

Cha đánh vào sau đầu ta, “Tiên sư nhà ngươi, ta mà giống với mấy tên nam tử bạc tình chỉ biết nói lời đường mật kia hả?”

Ta như chú chó nhỏ, ôm lấy cánh tay ông lắc lắc, vội vàng thể hiện lòng trung thành: “Phải đó, cha của con là thánh tình, sao có thể đánh đồng với nam tử bạc bẽo bình thường được?”

Thế nên, ta chẳng tin lời của Điền Bỉnh Thanh, cũng chẳng tin Phượng Triều Văn so được với thánh tình.

Vì vậy ta phải ăn cho no, ngủ cho kĩ, dù buổi tối Phượng Triều Văn phê tấu chương về, chung giường chung gối, ta cũng bình thản như không. Nếu cha còn sống, nhất định sẽ khen ta khí phách ngút trời, rất có phong thái của cha.

Xưa nay ông thường không tiếc lời khen ngợi bản thân.

Mặc dù trước giờ ta luôn coi lời giáo huấn của ông là chuẩn mực trên đời, nhưng có lúc trong phút sơ hở, đầu óc không tỉnh táo vì quá no, ta không khỏi than thở: Phượng Triều Văn chắc chắn là nam tử bạc tình rồi, nhưng chưa từng nói với ta những lời đường mật.

Nhân một tối hắn đi ngủ sớm, ta đã ăn no căng, tò mò hỏi: “Bệ hạ, hằng ngày người ra vào hậu cung, có bao giờ cảm thấy một luồng oán khí chưa?”

Khi đó, hắn vừa xúc miệng rửa mặt xong, mái tóc dài đen mượt như lụa buông xõa, liền nằm lên long sàng, đầu vừa khéo gối lên bụng ta.

“Nàng muốn dùng mấy chuyện quỷ quái ấy hù dọa trẫm à?”

Ta luôn cảm thấy mái tóc hắn rất đẹp, vừa đen vừa bóng, lúc hắn xõa tóc, thực khó cầm lòng muốn sờ thử. Lại còn tư thế ngày hôm nay của hắn, thực tình rất tiện cho ta. Thế là ta thuận tay túm một lọn tóc đùa nghịch, nửa vờ nửa thật nói: “Từ khi thần vào cung, bệ hạ chưa từng gọi phi tần đến thị tẩm, việc này khiến lòng thần áy náy vô cùng. Các vị nương nương trong hậu cung giường đơn gối chiếc, lẽ nào bệ hạ không cảm nhận được luồng oán khí mạnh mẽ ấy sao?”

Ánh mắt hắn như thanh sát kiếm quét qua quét lại trên mặt ta: “An Dật, trẫm có thể hiểu là nàng đang hy vọng trẫm gọi phi tần tới thị tẩm không?”

… Không biết hôm nay ta bị chập mạch ở đâu nữa… Thật ra ta chỉ muốn nghiệm chứng lời nói của Điền Bỉnh Thanh chút xíu.

Nhưng rõ ràng Hoàng đế bệ hạ không thể lí giải sự hài hước này của ta. Hắn xách ta lên như gà con, tiện tay lấy long bào vừa nãy cởi ra, tùy ý mặc lên người ta, thô bạo nắm vạt áo xách ta đến cửa điện, mắng: “Nha đầu vô lương tâm… Đồ lòng dạ sắt đá… Ta đây sẽ gọi phi tần đến thị tẩm…” Dứt lời hắn mở toang cửa điện, thô lỗ vứt ta ra khỏi Trùng Hoa điện, rồi đóng cửa cái “rầm”.

Ta ngơ ngác, đối diện cửa điện đóng kín như bưng, lúc này mới có cơ hội biện bạch: “… Không thể tới cung của phi tần sao? Việc gì cứ phải đuổi thần ra khỏi Trùng Hoa điện?”

Quay đầu đối diện ánh mắt sáng quắc đang dò xét của Điền Bỉnh Thanh, trong mắt hắn, ta nhìn thấy một chữ: “Đáng đời!”

Ta đá hắn một cái, hung dữ mắng: “Ngươi dám cười ta?!”

Tên thái dám chết tiệt nham nhở: “Chắc nô tài đã khiến cô nương hoài nghi bệ hạ, nên bị ném khỏi long sàng, vứt ra ngoài rồi ư?”

Ta không nhịn nổi, lại đá thêm một phát, nhưng hắn tránh kịp.

Lần này hắn không dùng ánh mắt biểu thị sự bất mãn, mà nói thẳng thừng: “Đáng đời! Ai bảo nói mát bệ hạ giữa đêm khuya!” Nói xong hắn trở về điện bên cạnh đi ngủ. Trước khi đi còn đặc biệt quay lại dặn dò: “Nếu đêm nay đã có cô nương canh gác, vậy nô tài xin phép về phòng ngủ một giấc đã đời. Phiền cô nương rồi!”

Sao ta nghe như hắn đang cười trên nỗi đau của người khác thế.

Rạng sáng, ta cuộn chiếc long bào rộng rãi, tựa vào cột trụ bên cửa điện ngủ ngon lành. Hình như có tiếng cửa khẽ kêu, mơ hồ thầm nghĩ, chắc Phượng Triều Văn gọi phi tần thị tẩm đây… thế là lại ngủ tiếp.

Khi ta tỉnh lại, trời đã sáng bảnh mắt, chỉ thấy xương cốt toàn thân cứng đờ, day day chiếc cổ mỏi nhừ, liếc nhìn cửa điện một cách khó khăn. Cánh cửa đêm qua đóng kín giờ mở toang, một bóng người nghiêm nghị ngồi sau thư án, gương mặt của Phượng Triều Văn lạnh lùng đến mức có thể ướp dưa hấu, ánh mắt lướt qua làm ta sợ hãi, vội quay đầu nhìn ra bên ngoài.

Giờ mới thấy một điều làm ta sững sờ.

Dưới thềm đá, có người đang quỳ ngay ngắn, không biết đã bao lâu rồi.

Ta trộm liếc nhìn trong điện, rồi so sánh với mặt trời ấm áp bên ngoài, vẫn cảm thấy gần gũi với người đang quỳ trên sân này hơn một chút. Ta bèn xốc lại long bào, tiến nhanh hai bước, ngồi lên thềm đá, ngạc nhiên hỏi: “Yến tướng quân, sáng ngày ra quỳ ở đây làm gì?”

Hôm nay là ngày nghỉ, theo lẽ thường sẽ không có người làm phiền Phượng Triều Văn. Yến Bình làm quan bao nhiêu năm rồi, càng ngày càng chẳng có năng lực.