Xuyên Nhanh: Trời Sinh Người Thắng

Chương 63: Công chúa vạn an (12)

Triệu Hâm tiền trảm hậu tấu[1], cải trang đi đến nơi ở của các nạn dân lưu vong, không được bao lâu, vào ngày hôm sau, Triệu Tấn ở trong cung đã biết chuyện.

Việc các nạn dân lưu vong tới kinh thành bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của ôn dịch, Triệu Tấn vừa nhận được tin tức, liền lập tức hạ lệnh cho Thái Y Thự nhanh chóng nghiên cứu phương pháp điều trị, đồng thời cũng áp chế sự kiện này xuống, rốt cuộc dịch bệnh không phải là chuyện nhỏ. Nhưng hắn không nghĩ tới, Lạc Hà sẽ xuất hiện ở nơi đó.

Triệu Tấn bận rộn chính vụ, trăm công nghìn việc[2], không quá hiểu biết về chuyện của Thanh Duyên Quan, nhưng việc hoàng muội kết giao bằng hữu với một người tên là Vệ Thiếu Tư, hắn vẫn nghe nói, cũng đã phái người đi xác minh lai lịch của đối phương, sau khi biết phẩm tính của người kia vốn thuần hoà, hành nghề y cứu người giúp đời nhiều năm, không phải bởi vì phú quý vinh hoa[3] nên mới tiếp cận hoàng muội, hắn liền yên tâm, không có quản nhiều.

Còn có việc Lạc Hà học y, tổ chức khám chữa bệnh từ thiện dưới chân núi cùng Vệ Thiếu Tư.

Lúc Triệu Tấn biết chuyện, chỉ bất đắc dĩ thở dài một hơi, cảm khái hoàng muội của hắn luôn luôn lương thiện như thế, người khác không hiểu, chẳng lẽ hắn cũng không hiểu phí tổn của những dược liệu đó hầu như đều là lấy từ tư khố của nàng sao.

Chẳng qua Triệu Tấn quả thực không nghĩ tới, hoàng muội có thể lương thiện đến mức này, không chỉ đích thân đi đến nơi ở của các nạn dân lưu vong, mà còn bắt mạch châm cứu, quan tâm thăm hỏi lê dân bá tánh[4].

Tuy các thị nữ vệ binh bên người Triệu Hâm vô cùng trung thành và tận tâm với nàng, nhưng việc liên quan tới sự an nguy của công chúa, bọn họ thực sự không dám giấu giếm hoàng đế.

Hiện tại tâm tình của Triệu Tấn không phải cảm động nữa, mà là kinh hách, phản ứng đầu tiên chính là lập tức phái người đưa hoàng muội trở về, để thái y bắt mạch cho nàng, phản ứng thứ hai là phong bế tin tức, không cho chuyện này lan truyền đến tai Hoàng Hậu.

Triệu Tấn biết Lạc Hà thích xem các loại y thư ở Thanh Duyên Quan, còn biết nàng thường xuyên giao lưu y thuật với Vệ Thiếu Tư kia, nên có khả năng cũng hiểu biết không ít, chẳng qua Triệu Tấn không tin, hoàng muội có thể tìm ra biện pháp chữa khỏi bệnh.

Lạc Hà chấp nhận đi tới nơi như vậy, chắc chắn là bởi vì nàng nhân từ, thương hại nạn dân.

Ai, ở lại đạo quan làm một vị công chúa tiêu dao tự tại[5], không tốt hơn sao, Triệu Tấn đau lòng nghĩ thầm.

Sau khi Triệu Hâm bắt mạch châm cứu cho các nạn dân lưu vong xong, cũng không quay trở về Thanh Duyên Quan ngay lập tức, mà là lưu lại một biệt viện ở kinh thành, Vệ Thiếu Tư cũng tương tự, bận rộn cả ngày, đến lúc màn đêm buông xuống vẫn chưa nghỉ ngơi, ngược lại chuyên tâm nghiên cứu phương pháp điều trị.

Ba cái nhà kho của biệt viện, đều được Triệu Hâm lấp đầy bằng dược liệu, có thể nói không chỉ phần lớn dược liệu trong kinh thành, mà kể cả dược liệu của các châu các huyện phụ cận cũng bị nàng thu mua bằng hết, nên trong quá trình nghiên cứu, Vệ Thiếu Tư không còn phải chật vật xoay sở như quá khứ, trái lại là cần gì có nấy.

Vệ Thiếu Tư vừa kinh ngạc về hành động của nàng và khả năng hành động nhanh chóng của người dưới trướng nàng, vừa cảm phục Lạc Hà công chúa lòng mang thiên hạ, vì nước xuất lực, thực sự không phải do tâm tính của hắn đa nghi cực đoan, mà là bởi vì hắn từng tận mắt chứng kiến không ít chuyện như thế, ngay cả tai hoạ lần này ở Giang Nam, tuy là thiên tai, nhưng nguyên nhân sâu xa lại là nhân hoạ.

Triệu Hâm để các thái y phối hợp thí nghiệm cùng Vệ Thiếu Tư, còn bản thân nàng thì đi đối phó với người của hoàng huynh, kỳ thực cũng không hẳn là đối phó, nàng đã chuẩn bị sẵn một phong thư rồi, đối phương chỉ cần đưa tận tay cho hoàng huynh là được.

Tại hoàng cung, Triệu Tấn lắng nghe thái y bẩm báo, biết thân thể của Lạc Hà công chúa vẫn khoẻ mạnh, không xuất hiện dấu hiệu của ôn dịch, âm thầm nhẹ nhàng thở dài một hơi, sau đó mới chậm rãi đọc thư của hoàng muội.

Trong thư, Triệu Hâm viết, thiên tai ở Giang Nam kinh động triều dã, vừa mới bình ổn không lâu, thì nạn dân lưu vong lại bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu của ôn dịch. Chuyện không hay liên tiếp xảy ra, khó tránh khỏi sẽ có một vài tin đồn vô căn cứ lan truyền, khiến cho thanh danh của hoàng huynh bị tổn hại, nàng đích thân đi đến nơi ở của các nạn dân lưu vong, tuy rằng khác người, nhưng có thân phận là người của hoàng thất, ít nhiều gì cũng có thể thay bệ hạ trấn an lê dân bá tánh.

Triệu Hâm đang ghi chép lại kết quả hội chẩn và phương pháp điều trị dưới ánh đèn, "Ai, tại sao muốn khám chữa bệnh cho người khác thôi mà cũng rắc rối như thế chứ."

9526 vô cùng đồng cảm.

Kỳ thực về việc khám chữa bệnh cho nạn dân lưu vong, Triệu Hâm không quá để ý tới thân phận công chúa của nàng, thân là người hành nghề y, cứu người giúp đời vốn là thiên chức, tuy rằng bản thân nàng không cao thượng đến mức đấy, chẳng qua thói quen khó bỏ.

Không nghĩ tới nàng không thèm để ý, nhưng lại có rất nhiều người khác để ý, ví dụ như hoàng huynh Triệu Tấn, và Hoàng Hậu Thái Tử Triệu Lan.

Phong thư của Triệu Hâm thành công khiến cho hoàng đế buông bỏ ý niệm đưa nàng trở về, dù sao trong quá khứ cũng không phải không có tiền lệ, mỗi lần tao ngộ tai hoạ, để hạn chế dao động nhân tâm, sẽ có một vài đại thần thân tín, Thái Tử hoàng tử, thậm chí là thiên tử tự mình trấn an lê dân bá tánh.

Hơn nữa Triệu Tấn có thể cảm nhận được hoàng muội thực sự hạ quyết tâm, nên chỉ đành thúc giục người của Thái Y Thự nhanh chóng nghiên cứu phương pháp điều trị, đồng thời phái thêm người bảo vệ công chúa.

Hắn còn có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chi viện cứu tế cùng làm sạch sâu bọ ở Giang Nam, chưa kể thiên hạ rộng lớn như vậy, không phải thiên tai ở Giang Nam thì cũng là nơi khác xảy ra chuyện.

Có sự đồng ý của Triệu Tấn, Triệu Hâm làm việc thoải mái hơn nhiều,

Tuy rằng chưa nghiên cứu ra phương pháp điều trị, chẳng qua Triệu Hâm vẫn phái người nấu một lượng lớn thuốc, đương nhiên phương thuốc này đã được Vệ Thiếu Tư và các thái y chứng thực, mặc dù không thể điều trị bệnh tận gốc, nhưng ít nhiều gì cũng có thể ức chế không để dịch bệnh khuếch tán.

Mà nếu Triệu Hâm đã nói là muốn thay hoàng huynh trấn an lê dân bá tánh, thì hiển nhiên nàng không cần che giấu thân phận nữa, ngược lại quang minh chính đại[6] hành động.

Hơn nữa còn là sử dụng thân phận hiện tại của nàng, quan chủ của Thanh Duyên Quan.

Các nạn dân lưu vong không nghĩ tới thiếu nữ mặc một thân y phục huyền sắc thường xuyên xuất hiện cùng Vệ đại phu ở lều trại, cẩn thận bắt mạch châm cứu cho bọn họ chính là muội muội của đương kim hoàng đế Đại Hi, Lạc Hà công chúa, quan chủ của Thanh Duyên Quan, tức khắc liền xúc động cảm tạ thiên tử ái dân, công chúa nhân đức.

Công chúa thiện tâm như vậy, chẳng trách người có thể không ngại gian khổ cầu phúc cho Đại Hi.

Công chúa cũng giống như Vệ đại phu, đều không hề chán ghét bọn họ, càng không sợ hãi ở lại đây sẽ bị nhiễm bệnh, điều này khiến cho các nạn dân lưu vong cảm động không thôi, tâm trạng đang rối bời cũng dần bình yên trở lại, công chúa xuất hiện ở nơi đây, chứng tỏ hoàng đế yêu quý lê dân bá tánh, không đành lòng mặc kệ lê dân bá tánh một mình hứng chịu tai hoạ.

Triệu Tấn đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội này, nhanh chóng ban bố một đạo thánh chỉ, chiêu cáo thiên hạ, chuyện Thái Y Thự đang nghiên cứu phương pháp điều trị, nỗ lực cứu giúp các lê dân bá tánh bị dịch bệnh liên luỵ.

Đồng thời, việc Lạc Hà công chúa Triệu Hâm, kiêm quan chủ của Thanh Duyên Quan, chủ động đi đến nơi ở của các nạn dân lưu vong, không sợ dịch bệnh, đồng cam cộng khổ[7] cùng lê dân bá tánh cũng lan truyền khắp kinh thành.

Có người âm thầm trào phúng Lạc Hà công chúa ngu ngốc, vì mấy nạn dân hèn mọn mà không màng tới tính mạng của chính mình, nhưng phần lớn mọi người đều kính nể hành động này của Lạc Hà công chúa, vừa can đảm vừa thiện tâm, không hổ danh là công chúa của Đại Hi.

Có Triệu Hâm toạ trấn, quan viên của kinh thành hiển nhiên không dám làm qua loa cho xong chuyện, ngược lại tận tâm xử lý thi thể và quần áo của các nạn dân lưu vong bị nhiễm bệnh, vệ sinh sạch sẽ lều trại, cung cấp thức ăn cho nạn dân, đối với Vệ Thiếu Tư cũng là thập phần nhiệt tình săn sóc.

Cũng may dịch bệnh được phát hiện kịp thời, vẫn nằm trong phạm vi có thể khống chế, Vệ Thiếu Tư không ngủ không nghỉ chuyên tâm nghiên cứu kết quả hội chẩn và phương pháp điều trị mà Triệu Hâm phái người đưa đến, kết hợp với các vị thái y, cuối cùng cũng nghiên cứu ra một phương pháp điều trị phù hợp kể từ ngày thứ tư bọn họ tới kinh thành.

Sau khi một số nạn dân lưu vong nhiễm bệnh áp dụng phương pháp điều trị, không đến nửa ngày, tình trạng sức khoẻ quả nhiên có khởi sắc. Phương pháp điều trị này cũng được đưa tới hoàng cung, để người của Thái Y Thự nghiên cứu.

Thời gian trôi qua, dịch bệnh dần dần biến mất.

Triệu Tấn triệu kiến Lạc Hà công chúa, thần sắc tràn đầy ý cười, "Lạc Hà, lần này ngươi muốn được thưởng cái gì?"

Không chỉ nghiên cứu ra phương pháp điều trị, mà còn có công trấn an lê dân bá tánh.

Nhớ lại lần trước Triệu Tấn nói như vậy, kết quả thiếu chút nữa tặng cho nàng một vị phò mã, Triệu Hâm nhịn không được giật giật khoé miệng, chẳng qua khuôn mặt của nàng vẫn giữ vững thái độ ôn hoà, nhẹ nhàng cười nói, "Lạc Hà cả gan muốn đề cử một người."

"Người đó tên là Vệ Thiếu Tư." Đáy mắt lộ ra sự kiên định không thể lay chuyển.

Triệu Tấn gật đầu, "Trẫm biết, lần này hắn có công không nhỏ trong việc đẩy lùi dịch bệnh, trẫm dự định sẽ để hắn lưu lại Thái Y Thự, đảm nhiệm chức vụ y chính."

Y thuộc về công trong sĩ nông công thương[8], vị thế xã hội[9] không cao, địa vị lớn nhất mà một người hành nghề y có thể đạt được chính là trở thành thái y trong hoàng cung, Vệ Thiếu Tư là hậu duệ của một gia tộc xuống dốc không có thực quyền, Triệu Tấn vừa mở miệng liền cho hắn làm thất phẩm y chính, cũng coi như hậu đãi.

Chẳng qua đây không phải là điều Triệu Hâm muốn, nàng trầm mặc một lúc mới đáp lại, "Lạc Hà hy vọng Vệ Thiếu Tư trở thành thái y, nhưng không phải thái y trong hoàng cung."

Triệu Tấn hơi sửng sốt, nhanh chóng hiểu ý của Lạc Hà, cũng có chút tiếc nuối bởi vì không thể giữ chân nhân tài, rốt cuộc y thuật của Vệ Thiếu Tư hoàn toàn không hề thua kém các thái y trong hoàng cung.

Triệu Hâm cười nói, "Nếu hoàng huynh tiếc nuối, thì khi nào có việc cứ triệu kiến hắn là được."

Hoàng cung không thiếu một vị thái y như hắn, nhưng dân gian lại khác.

Triệu Tấn suy nghĩ trong chốc lát, liền đáp ứng, tuy rằng trước đây chưa từng có tiền lệ như vậy, nhưng dựa vào công lao của Lạc Hà và Vệ Thiếu Tư, thỉnh cầu này không quá đáng.

Ngoại trừ chuyện phong thưởng cho Vệ Thiếu Tư, Triệu Tấn còn chủ động đề cập đến một sự kiện, chính là việc ngay cả các nạn dân lưu vong tới kinh thành cũng không thể tránh khỏi khả năng bị nhiễm bệnh, huống chi là mấy chục vạn nạn dân ở Giang Nam, e rằng tình hình ở Giang Nam không tốt hơn kinh thành bao nhiêu, nên hắn chuẩn bị phái một đám thái y đến đó để chi viện cứu tế.

Triệu Tấn: "Trẫm muốn Vệ Thiếu Tư đi tới Giang Nam cùng các vị thái y."

"Dịch bệnh ở Giang Nam và dịch bệnh ở kinh thành đại đồng tiểu dị[10], Vệ Thiếu Tư có thể nghiên cứu ra phương pháp điều trị, đẩy lùi dịch bệnh ở kinh thành, có lẽ cũng có thể hỗ trợ các vị thái y ở Giang Nam."

Sau khi Triệu Hâm trở về, liền tự mình thông báo chuyện này với Vệ Thiếu Tư, hắn nghe xong thì vô cùng vui vẻ, đồng thời cũng trịnh trọng cảm tạ Lạc Hà công chúa đã trợ giúp, tuy rằng hắn không quá thấu hiểu tình đời, nhưng hắn biết có ân điển này của bệ hạ, hắn sẽ thuận tiện hành nghề y hơn, vừa được thân phận thái y bảo vệ, vừa không bị triều đình câu thúc.

Còn về việc đi đến Giang Nam, kỳ thực cho dù không có ý chỉ của hoàng đế, thì lúc nào dịch bệnh ở kinh thành hoàn toàn biến mất, hắn cũng sẽ tới đó một chuyến.

***

Triệu Hâm quay lại Thanh Duyên Quan, tiếp tục hưởng thụ chuỗi ngày nhàn nhã tự tại của nàng.

Chuyện của Giang Nam rất thuận lợi, nghe nói Vệ Thiếu Tư lập công lớn, hoàng huynh Triệu Tấn cực kỳ thưởng thức hắn, khiến cho người của Lĩnh Nam Vệ gia chủ động tìm tới cửa, hy vọng Vệ Thiếu Tư có thể trở về gia tộc, ai bảo hiện tại thanh danh của hắn vang khắp Giang Nam, được người dân tin tưởng đây.

Vệ Thiếu Tư không quá để ý đến người của Vệ gia, cũng không trở lại kinh thành cùng các vị thái y, mà là ở lại Giang Nam, mở một dược đường, chẳng qua khác với những dược đường bình thường, dược đường của hắn chuyên môn giáo dục, truyền thụ kiến thức y học cho mọi người. Hắn phiêu bạt nhiều năm, đã tới lúc nên ổn định một chút rồi.

Tại sao Triệu Hâm lại hiểu biết rõ ràng như vậy, bởi vì dược đường kia là do nàng tài trợ nha, tuy hoàng đế ban thưởng không ít, nhưng trên người Vệ Thiếu Tư vẫn hiếm khi dư tiền, hơn nữa với thói quen khám chữa bệnh từ thiện kia của hắn, e rằng cho dù sắp chết hắn cũng sẽ cố gắng chữa trị cho người ta.

"Coi như duy trì sự nghiệp y học của thời đại này đi." Triệu Hâm cảm thán, dù sao loại chuyện tương tự, trong các thế giới trước đây nàng cũng không phải chưa từng làm.

[1] Tiền trảm hậu tấu: Chém trước tâu sau. Hiện nay thành ngữ tiền trảm hậu tấu thường dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.

[2] Trăm công nghìn việc: Rất bận rộn, công việc bề bộn, túi bụi.

[3] Phú quý vinh hoa: Giàu sang, vinh hiển, thành đạt.

[4] Lê dân bá tánh (黎民百姓):

Tương truyền vào khoảng 5000 năm trước, ở vùng Trung Nguyên có vài bộ tộc lớn có sức mạnh và hung hãn nhất. Đó chính là các tộc Hoàng Đế, tộc Viêm Đế, Di tộc, Cửu Lê tộc. Cửu Lê tộc nằm ở phương nam, nhiều lần có xung đột với Viêm Đế tộc.

Về sau, hai tộc Hoàng Đế và Viêm Đế liên minh với nhau tổng cộng hơn trăm thị tộc lớn nhỏ chống lại Cửu Lê tộc. Kết quả là Cửu Lê tộc bị đánh bại. Kể từ đó "bá tánh" hay "bách tính" chính là từ ngữ dùng để gọi con cháu Viêm Hoàng, còn những tù binh bị bắt của Cửu Lê tộc được gọi là "Lê dân".

Trải qua sự phát triển hàng ngàn năm của xã hội, giữa các bộ tộc không còn có sự phân biệt rạch ròi nữa mà đã được dung hợp lại. Từ "Lê dân" vì thế mà không còn được sử dụng theo nghĩa ban đầu của nó. "Lê dân" và "bá tánh" đã trở thành từ ngữ tương đồng về mặt ngữ nghĩa và đều có nghĩa là quần chúng nhân dân.

[5] Tiêu dao tự tại (逍遥自在): Tự do tự tại, thong thả đây đó.

[6] Quang minh chính đại: Ngay thẳng, rõ ràng, không chút mờ ám.

[7] Đồng cam cộng khổ: Cùng hưởng vị ngọt, cùng chung vị đắng, trong nỗi bất hạnh, hoạn nạn biết chia sẻ, cùng nhau gánh chịu.

[8] Sĩ nông công thương: Là bốn giai cấp chính trong xã hội xưa dưới các triều đại quân chủ, còn gọi là tứ dân (4 tầng lớp dân)

- Sĩ được xếp là giai cấp đầu tiên, được xã hội trọng vọng. Sĩ là từ để chỉ tầng lớp trí thức, những người có học có hiểu biết về chữ nghĩa (thầy đồ, thầy thuốc, quan lại, học trò). Tầng lớp này nhìn chung có cuộc sống nhàn nhã, suốt ngày chăm chỉ đọc sách thánh hiền, làm văn, ngâm thơ. Những con người bình dân muốn thay đổi cuộc sống gần như chỉ có con đường duy nhất là học và thi khoa cử.

- Nông là chỉ những người nông dân cày ruộng, lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội xưa. Đa phần những người nông dân quanh năm suốt tháng lao động chân lấm tay bùn, vất vả sớm trưa nhưng nhiều khi không đủ ăn do những gánh nặng về thuế khoá, lao dịch hay thiên tai, mất mùa.

- Công là chỉ những người làm thủ công nghiệp, làm thuê trong các làng nghề truyền thống như dệt, chạm bạc, khâu nón, làm tranh...

- Thương là những người hoạt động buôn bán, vai trò của họ bị đặt ở hàng thấp nhất trong xã hội xuất phát từ thực tế nền kinh tế tự cung tự cấp và tính tự trị của làng xã gần như không có nhu cầu trao đổi hàng hoá ra khỏi phạm vi cư trú, những người hành nghề buôn bán do đó phải năng động, sòng phẳng, thậm chí gian lận mới có lãi. "Buôn gian bán lận" đã trở thành cụm từ phổ biến cho tới tận ngày nay, đó là điều mà một xã hội thuần nông coi trọng lễ nghĩa không muốn chấp nhận.

[9] Vị thế xã hội: Địa vị xã hội.

[10] Đại đồng tiểu dị (大同小異): Phần lớn giống nhau, còn phần nhỏ thì có khác nhau ít nhiều, nói cách khác là không khác nhau mấy.

==========

Nói gì thì nói, một nhân vật phụ lương thiện đến mức tự nghèo như Vệ Thiếu Tư tui cũng mới thấy lần đầu tiên:v