Tình hình hiện tại đối lập hoàn toàn với trước khi tôi kết hôn, lúc đó Miumiu mới là người nói đạo lý, còn tôi chỉ là kẻ phụ họa.
Nhưng hiện nay, về phương diện chung sống giữa nam và nữ, dường như tôi đã bắt kịp và thấy rằng những triết lý của Miumiu cũng không còn cao thâm như trước. Không biết là hôn nhân đã thay đổi tôi hay Lê Bằng đã thay đổi tôi?
Một tuần sau khi Miumiu đến nhà tôi, tôi tình cờ gặp lại Trâu Chi Minh trên phố. Tình huống lúc đó khá phức tạp, tôi thề là tôi cũng không muốn nhìn thấy Trâu Chi Minh trong hoàn cảnh nhếch nhác như vậy. Anh ta thất thần ngồi bên vệ đường, mái tóc dài xõa xượi trên vai, hai tay ôm lấy mặt, nếu không phải là người quen biết, có thể tôi sẽ tưởng đó là một cô gái đang thất tình.
Tôi định bước tới gọi anh ta, bước chân đột ngột dừng lại, ngay trong lúc tôi đang lưỡng lự, một người đàn ông lái xe đạp ngang qua, tiện miệng khạc một bãi đờm, vừa hay trúng chiếc giày thể thao màu trắng bên chân phải của Trâu Chi Minh. Người đàn ông đi xe đạp dừng lại, Trâu Chi Minh cũng đứng dậy, một người nói xin lỗi, một người không chấp nhận.
Trâu Chi Minh kiên quyết yêu cầu đối phương đích thân lau sạch giày cho mình, người đàn ông đó không chịu. Hai người giằng co nhau, anh đẩy tôi đánh, nhanh chóng thu hút đám đông vây quanh. Tôi cũng nhân cơ hội trà trộn trong đám người đó, tránh đến lúc lại không tìm được vị trí thuận lợi.
Trâu Chi Minh nói: “Nếu anh không lau sạch giày cho tôi, thì hôm nay anh không thể đi”.
Tôi có thể hiểu tính thích sạch sẽ của Trâu Chi Minh, nhưng tôi đoán, người đàn ông kia chắc chắn cũng không chịu chấp nhận điều đó.
Anh ta nói: “Tôi không có khăn giấy, chẳng lẽ muốn tôi dùng tay lau cho anh à? Tôi đã nói xin lỗi rồi, anh tự lau đi!”.
Trâu Chi Minh nói: “Nếu tôi nhờ mọi người ở đây, mỗi người khạc vào anh một bãi, rồi nói xin lỗi với anh có được không?”.
Đây giống như nghi thức bang chủ cái bang nhận chức mà trong tiểu thuyết Kim Dung từng nhắc đến. Tôi nghe vậy, cảm thấy rất hứng khởi. Tôi có dự cảm rằng, với tính cách không chịu buông tha của Trâu Chi Minh sẽ thu hút nhiều người kéo đến xem hơn nữa.
Quả nhiên, không đến ba phút sau, xung quanh có đến vài chục người nữa bu lại, đường xá cũng bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc.
Với hiểu biết của tôi về Trâu Chi Minh, tôi biết anh ta sẽ không bỏ qua, tôi chỉ còn cách tách ra khỏi đám đông, tiến lại gần với mục đích khuyên can anh ta.
Trâu Chi Minh vừa thấy tôi, càng hăng hơn, thậm chí còn bảo tôi cùng ép người đàn ông kia thỏa hiệp.
Tôi cúi đầu nhìn đôi giày thể thao, tự đáy lòng cảm thấy xót xa, chúng còn trắng tinh như vừa mới mua, mà Trầu Chi Minh đúng là người đàn ông thích sạch sẽ. Thông thường thì những người đàn ông thích sạch sẽ sẽ không để người lạ mặt phá vỡ quy tắc này.
Lúc này, người đàn ông kia thấy Trâu Chi Minh có thêm đồng bọn cũng bắt đầu cuống, lập tức móc điện thoại ra gọi: “Tôi bị một gã thần kinh giữ lại, tạm thời không qua được, các cậu mau đến đây giúp tôi, tôi đang ở đường Bạch Vân!”.
Nghe thấy người đàn ông kia gọi đồng bọn đến, tôi rất hoang mang, một tay nắm lấy ống tay áo của Trâu Chi Minh, nói nhỏ: “Hay là bỏ qua đi, ngộ nhỡ xảy ra chuyện thì còn thiệt thòi hơn”.
Trâu Chi Minh cũng nói nhỏ với tôi rằng: “Có bao nhiêu người làm chứng như vậy, ngộ nhỡ xảy ra chuyện thì hắn ta càng đuối lý”.
Tôi hỏi: “Chẳng lẽ bắt hắn ta lau giày cho anh thật à? Hắn ta chắc không làm vậy đâu”.
Trâu Chi Minh nói: “Hắn chắc chắn không lau đâu”.
Tôi hỏi: “Vậy rốt cuộc anh muốn thế nào?”.
Đúng lúc tôi thấy tò mò vì mục đích của Trâu Chi Minh, thì xe ô tô, xe máy của cảnh sát giao thông ập đến.
Đám người vây quanh nhường đường cho cảnh sát giao thông một cách trật tự, giống như người dân gặp nạn chào đón anh hùng dân tộc trong phim siêu nhân vậy. Tôi và Trâu Chi Minh dành cho anh cảnh sát cái nhìn lễ độ, sau đó Trâu Chi Minh kể lại sự tình.
Có đến mấy lần người đàn ông kia định nói xen vào, nhưng đều bị anh chàng cảnh sát giao thông dùng tay ra hiệu ngắt lời, đợi Trâu Chi Minh kể xong, anh ta mới tỏ ý để cho người đàn ông kia nói, tư thái nghiêm chỉnh như một vị quan thanh liêm.
Cuối cùng, cảnh sát giao thông để cho người đàn ông kia hai cách lựa chọn: một là lau giày, hai là nộp phạt.
Người đàn ông kia đương nhiên không phục, anh ta cãi rằng tùy tiện khạc đờm không thuộc trách nhiệm xử lý của cảnh sát giao thông. Cảnh sát giao thông nói, khạc đờm bậy bạ làm tắc đường, tình tiết nghiêm trọng, nếu thái độ nhận lỗi không tốt, sẽ tăng thêm mức độ bồi thường.
Tôi vỗ tay reo lên: “Phạt hay lắm!”.
Đám người vây quanh cũng đồng loạt vỗ tay hưởng ứng: “Phạt hay lắm!”.
Sau khi mọi việc được giải quyết, Trâu Chi Minh vẫn cúi đầu nhìn đôi giày của mình, tôi đang định khuyên anh ta hãy tự mình lau sạch, thì anh ta lại ngồi xuống vệ đường ngay trước mặt tôi, cởi đôi giày thể thao ra.
Tôi nghĩ thầm, chẳng lẽ anh ta định đi chân đất về nhà.
Anh ta lại lấy từ trong ba lô ra một đôi dép lê, xỏ vào chân, rồi vứt đôi giày thể thao cạnh thùng rác bên đường.
Trước những hành động vừa rồi của anh ta, tôi hỏi: “Anh định vứt giày đi à? Tại sao anh lại mang theo dép lê?”.
Trâu Chi Minh hỏi lại tôi: “Nếu đổi lại là cô, cô có muốn đi đôi giày đó nữa không?”.
Tôi lắc đầu.
Anh ta lại nói: “Lẽ ra hôm nay tôi định đến khách sạn ở, tôi không quen dùng dép của khách sạn, vì thế mới tự đem theo dép”.
Tôi hỏi anh ta, nếu đã đến khách sạn, vậy tại sao lại ngồi bên vệ đường.
Anh ta nói, anh ta đang tìm cảm hứng, khi cảm hứng đến, anh ta cần phải ngồi lại, tĩnh tâm sắp xếp mọi suy nghĩ.
Cuối cùng tôi không hỏi anh ta tại sao phải đến khách sạn ở, đàn ông đến khách sạn thông thường chỉ có hai nguyên nhân, một là cãi nhau với vợ, hai là nɠɵạı ŧìиɧ.
Trâu Chi Minh đột nhiên nói: “Tôi muốn uống cafe”.
Tôi chỉ vào quán cafe không xa phía trước. Anh ta nhìn theo, lắc đầu nói: “Tôi muốn đến quán cafe Starbucks ở trung tâm thương mại quốc tế”.
Tôi hỏi anh ta tại sao muốn đến tận trung tâm thương mại quốc tế, anh ta nói nhân vật chính trong cuốn sách mới muốn đến đó, nên anh ta phải khảo sát thực địa, còn hỏi tôi có hứng đi cùng không.
Lòng hiếu kỳ của tôi lại bị khơi dậy, lập tức hỏi anh ta đi tàu điện ngầm hay đi xe bus.
Anh ta nói: “Taxi, đi thôi”.
Chúng tôi lên một chiếc taxi, Trâu Chi Minh tết lại mái tóc thành bím, sau đó bắt đầu nói chuyện phiếm với tài xế. Nhiều tài xế xe taxi rất thích buôn chuyện, họ bắt đầu câu chuyện từ việc bàn luận về vở kịch nói đang phát trên đài cho đến giao thông, rồi lại từ giao thông bàn luận sang kinh tế. Tôi kinh ngạc trước khả năng nói chuyện cũng như sự hiểu biết của bác tài xế này, hơn nữa còn phiền não vì mình không thể chen vào nửa lời.
Đến trung tâm thương mại, chúng tôi xuống xe, đi vào quán Starbucks, gọi hai cốc cafe Latte và hai chiếc sandwich cá ngừ, tất cả đều do Trâu Chi Minh trả tiền.
Tôi hỏi anh ta: “Nhân vật chính của anh đến đây, chuẩn bị làm gì tiếp theo?”.
“Đợi bạn gái của anh ta hết giờ làm.”
“Bạn gái anh ta làm việc ở trung tâm thương mại à? Sau đó thì sao?”
“Sau đó anh ta phát hiện bạn gái mình bước vào cùng một người đàn ông khác, mối quan hệ của họ rất không bình thường.”
Ánh mắt của tôi tự nhiên đưa ra phía ngoài cửa, đúng lúc một đôi nam nữ bước vào, mối quan hệ của họ dường như cũng không bình thường.
Tôi và Trâu Chi Minh lấy đôi nam nữ này làm mục tiêu, đồng thời luôn ngồi trong chỗ kín để quan sát họ.
Trâu Chi Minh thỉnh thoảng lại giảng giải với tôi, anh ta nói: “Con gái mà lấy vai huých vào vai của con trai, đây là cử chỉ rất thân mật, thông thường chỉ làm với người rất thân thiết hoặc những cặp đôi đang yêu nhau. Anh chàng đó vén tóc mai của cô gái lên, vì sợ nó sẽ bị rớt vào cốc cafe, hành động này so với vừa rồi càng thân mật hơn”.