Chương 46: Mười hai sợi bắn chết ngươi (2)
Translator: Lục Tịnh An
Tiếng trống Đăng Văn nặng nề vang dội, có thể truyền xa năm dặm, tròn trĩnh mười hai tiếng vang, liên miên không dứt, cuốn vào Phụng Thiên môn như thủy triều.
Bách quan văn võ đưa mắt nhìn nhau, thầm nghĩ đã bao lâu trống này không vang rồi, hiện giờ lại vang lên, còn đúng ngay buổi triều sớm nữa, không biết có vụ án quan trọng nào xảy ra?
Cảnh Long đế trên ngai vàng cũng nghe thấy tiếng trống, trong lòng lập tức hiện lên một bóng người, thầm nghĩ: E rằng chính là tiểu quỷ tinh ranh kia, nghe thấy câu "ác giả ác báo" ở Long Đức điện liền để tâm, thấy trẫm sắp ngủ gật nên đưa gối đến.
Tả thiêm đô ngự sử Giả Công Tề đi xuyên qua quảng trường, bẩm tấu bên dưới bậc thềm: "Khởi bẩm hoàng gia, kẻ đánh trống là một quan viên kinh thành, người bị cáo trạng cũng liên quan tới quan lớn trong triều, thần không dám tự giải quyết, xin thánh thượng định đoạt."
Hoàng đế nghe nói vậy thì trong lòng càng chắc chắn hơn, bình tĩnh nói: "Nếu hai bên đều liên quan tới quan viên, vậy thì dẫn người vào đây, tố cáo thẳng mặt, cũng tiện cho chúng khanh ở đây cùng phân tích."
Giả ngự sử lĩnh chỉ, hăng hái mà đi mất.
Không bao lâu sau liền thấy một thiếu niên mặc đồ tang vải gai, tay ôm một cái hộp đen chậm rãi đi đến. Dưới ánh nhìn của quan viên văn võ hai bên, hắn đi đến trước bậc thềm, đặt cái hộp xuống, hành lễ một quỳ ba bái một cách cung kính.
Thường nói muốn xinh đẹp hãy mặc màu trắng, hoàng đế nhìn xuống từ trên cao, tựa như một người ngọc đang hành lễ với y, trong trẻo hơn băng tuyết, yểu điệu hơn cây quỳnh, trầm tĩnh hơn núi cao, vậy mà nhất thời không biết dùng phép tu từ nào mới thích hợp. Ngón tay y hơi gập lại trong tay áo, chỉ nắm được không khí, sự sợ hãi và chán nản nảy sinh trong lòng, bị kìm nén dưới vẻ mặt ung dung và nghiêm trang.
"Tô Án, ngươi có biết phải là án oan lớn và sự việc cơ mật mới có thể đánh trống Đăng Văn không?"
Giọng nói của hoàng đế truyền đến từ trên bậc thềm cao, mang theo tiếng vang hư ảo, giống như thần Phật xa tận chân trời, khiến người ta kính nể mà xa cách.
Trong chớp mắt Tô Án thấy lo lắng, ngay sau đó ổn định lại tinh thần, bình tĩnh đáp lời: "Thần biết. Thần còn nghe nói vì hình ngục triều đình có án oan, cấp dưới không thể tố cáo cấp trên, nên mới bố trí trống Đăng Văn. Nếu đã như vậy, hôm nay thần buộc phải gõ cái trống này."
"Đứng dậy đi. Ngươi có oan ức gì? Cứ việc nói ra." Hoàng đế nói.
Tô Án vẫn quỳ như cũ: "Người bị oan không phải thần, mà là chủ nhân của vật trong hộp này. Thần không kêu oan cho mình, mà là kêu oan giúp người khác!" Hắn nói xong, mở cái hộp gỗ đen kịt ra, sau đó lấy ra một cái hộp sắt nhỏ hơn rồi mở ra, nâng bằng hai tay, giơ cao qua đầu.
Hoàng đế vốn cho rằng hắn muốn cáo trạng chuyện gặp phải thích khách ở Tiểu Nam viện, lại không ngờ chỉ ra mặt vì người khác, bèn ra hiệu cho Lam Hỉ xuống dưới nhìn.
Lam Hỉ xuống bậc thềm đi đến trước mặt Tô Án, nhìn vào trong hộp sắt, nhận ra là một khúc lưỡi dính đầy máu, bị dọa hết hồn, nhỏ giọng quở trách: "Sao có thể dâng lên vật máu me thế này trước mặt thánh thượng?"
Tô Án cao giọng nói: "Tuy vật này máu me, nhưng lại được lấy ra từ cơ thể trung lương, nếu không thích hợp để vua xem, vậy mời chư vị đại nhân."
Hắn cũng không đợi hoàng đế cho phép, đứng dậy đi về phía đội ngũ quan viên ở hai bên, đưa cho các vị công hầu, thượng thư, đại học sĩ Nội các nhìn, lần này không ít người biến sắc bịt mũi, thậm chí nhíu mày trách mắng. Tô Án lại chẳng hề quan tâm, đưa cho từng người xem, ép cho đám đại nhân quen sống trong nhung lụa này liên tục lui về phía sau.
Lam Hỉ trở về bên cạnh hoàng đế, bẩm báo: "Hoàng gia, là một khúc lưỡi đã rữa nát."
Hoàng đế nhíu mày, nhưng vẫn chờ Tô Án đưa hộp sắt cho từng người coi xong rồi mới hỏi: "Vị trung lương mà ngươi nói tới là ai?"
"Trong tay thần còn có một tờ khai, hoàng gia vừa nhìn liền biết. Chẳng qua, trên giấy cũng bị dính máu, sợ làm bẩn mắt thánh thượng, hay là thần đọc cho hoàng gia nghe?"
Bây giờ hoàng đế đã xác định hắn muốn diễn một màn kịch lớn, thầm nghĩ có thể phối hợp diễn với hắn một chút, xem hắn có thể làm ra trò gì, bèn nói: "Ngươi đọc đi, đọc lớn vào, để chúng khanh nghe cùng luôn."
Tô Án móc ra một xấp giấy được xếp ngay ngắn từ trong ngực áo rồi trải ra, chỉ thấy vết máu loang lổ, gần như che mất hơn nửa số chữ, chỉ có thể miễn cưỡng phân biệt vết mực.
Hắn bắt đầu đọc bản nhận tội này một cách rõ ràng, nhưng không đọc phần mở đầu, mà trực tiếp bắt đầu từ đoạn văn chính.
Bản nhận tội ngắn ngủn chỉ vài trăm chữ, không những nhận hết toàn bộ các tội nhận hối lộ, kết bè kết phái, mà còn tố cáo thủ phụ Nội các, Lại bộ thượng thư Lý Thừa Phong để lấy công chuộc tội, nói đều là nhận chỉ thị của ông, còn nói ông ỷ vào thân phận nguyên lão hai triều, coi thường thiên tử, độc đoán chuyên quyền, đút túi riêng gia sản của Tín vương đã từng bị xét nhà, việc nào cũng là tội lớn.
Các đại thần hai bên nghe mà sắc mặt đột ngột thay đổi. Lý các lão vốn nóng tính giận tím mặt, hét lên: "Toàn lời tào lao! Ai lại ăn nói bừa bãi vu oan lão phu như vậy, vậy mà còn mặt mũi xưng là trung lương ư?"
Ông đã bảy mươi tuổi, nhưng thân thể vẫn còn khỏe mạnh, có thể so quyền với Phụng An hầu trên triều, lần này xông nhanh đến trước mặt Tô Án, kéo bản nhận tội qua, nhìn nơi kí tên.
Nhưng chỉ thấy một dấu tay dính máu đóng trên đó một cách thê lương, lại không có chữ kí.
Lý Thừa Phong hơi ngẩn người, lại nhìn phần mở đầu, trên đó viết "tội nhân Trác Kỳ khai nhận như bên dưới", không kìm được mà thất thanh nói: "Trác An Hành? Sao lại là hắn?"
Trác Kỳ là môn sinh nhiều năm của ông, tất nhiên ông biết hắn là người như thế nào, tuy tính tình hay lưỡng lự thiếu quyết đoán, nhưng cũng không đến mức khi sư diệt đạo, chẳng lẽ khúc lưỡi kia..
Tô Án thấy sắc mặt Lý Thừa Phong kinh ngạc buồn bã, như đã đoán được mấy phần, thế là nói một cách rất đau khổ: "Nếu lão sư khuất phục trước cực hình, đồng ý kí tên lăn tay trên bản nhận tội này, thì đâu tới mức bị ép chịu nhục trên công đường, phải cắn lưỡi tự vẫn chứ!"
Chúng thần xôn xao, thì thầm to nhỏ với nhau.
Mặt hoàng đế sa sầm, cơn giận chất chứa trong mắt, nhìn sang Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ Phùng Khứ Ô bên trái ngai vàng: "Vụ án của Trác Kỳ là do Cẩm Y Vệ các ngươi và Đại Lý Tự cùng thẩm tra và xử lý, vì sao lại dẫn tới việc quan viên chết trên công đường?"
Từ lúc Phùng Khứ Ô nhìn thấy khúc lưỡi trong hộp, trong lòng đã biết không ổn, đang suy nghĩ kế sách với sắc mặt u ám, vì thường ngày hắn cũng âm trầm như vậy, nên người khác không nhìn ra manh mối gì. Bị hoàng đế gọi tên hỏi tội, lập tức khom người ôm quyền: "Bẩm hoàng gia, sau khi Trác Kỳ đó tự nguyện nhận tội, cảm thấy quá xấu hổ, nên mới tự sát. Lúc xảy ra chuyện, Đại Lý Tự khanh Dư đại nhân cũng ở trên công đường, hoàng gia có thể hỏi."
Ánh mắt của hoàng đế liếc sang, Đại Lý Tự khanh Dư Thủ Dung chỉ đành bước ra khỏi hàng, chắp tay nói: "Lời của Phùng đại nhân là thật."
Hắn và Phùng Khứ Ô là quan chủ thẩm của vụ án này, lúc đầu hắn không thể ngăn cản Phùng Khứ Ô, hai người liền trở thành châu chấu trên cùng một sợi dây thừng, giờ dù có căng da đầu thế nào đi nữa, thì cũng phải nói giống nhau, khẳng định Trác Kỳ tự sát vì sợ tội, nếu không hắn cũng khó lòng thoát tội.
"Tại sao không báo việc này?" Hoàng đế hỏi.
Phùng Khứ Ô giành trả lời trước Dư Thủ Dung: "Vì bữa đó là mùng bốn tháng năm. Hôm sau là tết Đoan Ngọ, chúng thần sợ làm hỏng tâm trạng đón tết của hoàng gia, do đó muốn kéo dài thêm một ngày, đợi qua tết rồi báo. Kết quả hôm sau Đông uyển xảy ra án mạng, Cẩm Y Vệ phải bảo vệ thánh giá, còn phải điều tra hung thủ, trong lúc rối ren thần đã quên mất chuyện này. Giờ vụ án của Diệp lang trung đã xong, thần mới nhớ ra, đang muốn bẩm báo với hoàng gia đây, chưa gì tên họ Tô này đã xông vào buổi triều sớm khởi binh hỏi tội rồi. Thần biết mình làm việc thiếu sót, nguyện nhận phạt, nhưng tuyệt đối không dám nhận tội danh bịa đặt như ép chết đại thần này được!"
Hắn giải thích thế này, cũng đã có thể bào chữa kín kẽ cho mình, hoàng đế suy nghĩ không nói.
Phùng Khứ Ô trừng Tô Án, mắt lộ ra vẻ hung ác: "Sao Tô thị độc lại nói xằng là Trác tế tửu bị ép chết, chẳng lẽ người không có mặt ở hiện trường là ngươi còn hiểu chân tướng sự việc hơn đám người có mặt ở đó là bọn ta à?"
Tô Án chẳng hề sợ sệt, đối chọi gay gắt: "Người có mặt ở hiện trường, bất kể là Đại Lý Tự, hay là Cẩm Y Vệ, đều có chung lợi ích trong việc này, làm chứng cho nhau, có thể nói rõ chân tướng gì chứ? Chỉ e dù có gọi cả đám thuộc hạ có mặt ở hiện trường của các ngươi tới, thì cũng chỉ nói một câu thống nhất, 'lời Phùng đại nhân nói là thật'. Phùng đại nhân tích lũy uy thế đã lâu, lại còn có thù tất báo, bọn họ chỉ sợ đắc tội ngươi, không thật cũng phải nói là thật."
Dư Thủ Dung nghe vậy thì nổi giận, trừng mắt với Tô Án: "Ngươi đang chỉ tội bản quan làm chứng giả cho Phùng đại nhân à? Một tòng ngũ phẩm cỏn con cũng dám ăn nói lung tung, nếu không nghiêm phạt, sau này ai cũng tùy tiện dĩ hạ phạm thượng, coi thường buổi triều sớm, thì dám hỏi uy nghi của thiên tử ở đâu? Kỷ cương triều đình ở đâu? Thể diện của chư vị đại nhân ở đâu?" Hắn quay đầu quỳ xuống bẩm với hoàng đế: "Thần xin bệ hạ nghiêm trị tên tiểu nhân ăn nói xằng bậy này!"
Hoàng đế vẫn chưa lên tiếng, Tô Án đã ép đến gần hắn một bước, cười lạnh: "Nếu người không có mặt ở hiện trường là ta không có quyền lên tiếng, vậy thì mời thêm một nhân chứng có mặt ở đó tới, thế nào?"
"Tùy ngươi!" Dư Thủ Dung đoán rằng khi đó ở hiện trường không phải Cẩm Y Vệ thì chính là quan viên Đại Lý Tự, không ai dám nói bậy, bị hắn kéo đến làm chứng thì thế nào?
Tô Án chắp tay với hoàng đế: "Thần xin bệ hạ truyền Trác tế tửu đại nhân của Quốc Tử Giám tới."
Chúng thần đưa mắt nhìn nhau-- Không phải Trác tế tửu này cắn lưỡi tự vẫn rồi sao, truyền thế nào? Rốt cuộc hắn còn sống hay đã chết?
Hoàng đế cũng chăm chú nhìn hắn. Tô Án cao giọng nói: "Chư vị đại nhân không cần suy đoán, quả thật lão sư đã bị hại chết oan uổng, nhưng di thể của ông vẫn còn, bị đông lạnh trong hầm băng được đào bí mật của Bắc Trấn Phủ Ti!"
Lời này vừa nói ra, nét mặt của Phùng Khứ Ô lập tức cứng đờ.
- - Thi thể của Trác Kỳ ở đâu, chỉ có vài Cẩm Y Vệ phụ trách mới biết, sao tiểu tử này lại biết được?
Hắn vốn định đợi sau khi dâng bản nhận tội lên, vụ án này kết thúc, sẽ động tay động chân lên thi thể của Trác Kỳ, ngụy trang thành dáng vẻ bệnh dịch phát tác, dù sau đó hoàng đế muốn tra hỏi, cũng không ai dám đến gần nhìn kĩ, cuối cùng kết luận chết vì bệnh, một mồi lửa thiêu cháy là xong chuyện.
Ai ngờ thi thể phí hết tâm tư để giấu đi lại bị một người không có mặt ở hiện trường phát hiện ra. Chắc hẳn chỉ có một nguyên nhân-- trong Cẩm Y Vệ có kẻ phản bội! Hơn nữa còn là nhân vật hiểu rõ chuyện cơ mật.
Phùng Khứ Ô âm thầm nghiến răng, ánh mắt nhìn về phía Tô Án hung tàn hệt như lang sói.
Cảnh Long đế lập tức ra lệnh, đi đến động băng tìm di thể của Trác Kỳ theo lời Tô Án, trực tiếp mang đến Phụng Thiên môn. Người lĩnh chỉ lại không phải Cẩm Y Vệ, mà là tứ vệ Đằng Tương trong cấm quân, do thái giám chưởng ấn của Ngự Mã giám đề bạt.
Phùng Khứ Ô loáng thoáng có một loại dự cảm, sự tín nhiệm của hoàng đế đối với hắn đã không còn tồn tại, lại không biết là vì chuyện hôm nay, hay sớm hơn.. Hắn nắm chặt chuôi đao tú xuân, nhìn chằm chằm thềm ngọc trắng trước mặt. Giữa thềm ngọc được chạm khắc một bức tranh rồng vàng cực lớn cưỡi mây đạp gió, con rồng đó vừa uy nghiêm vừa dữ tợn, dường như vạn thú trên thế gian, bao gồm cả loài người đều nằm dưới móng vuốt của nó, ngoài việc run rẩy phục tùng ra, thì không còn cách nào khác.
Hắn bỗng cảm thấy ngay khi bắt đầu mình đã chọn sai đường, từng bước đều sai, nên mới dẫn đến cục diện gương vỡ khó lành hôm nay.
Chỉ gần nửa canh giờ, các sĩ binh của Đằng Tương Vệ đã vận chuyển thi thể của Trác Kỳ đến quảng trường Phụng Thiên môn.
Thi thể vừa mới rã đông từ trong tảng băng, dưới ánh mặt trời chiếu rọi, đang nhỏ nước ướt đẫm.
Lý Thừa Phong vốn gắn bó với môn sinh, lập tức tiến lên kiểm tra, thấy sắc mặt Trác Kỳ tím tái, tức giận tròn mắt, là vẻ mặt chết không nhắm mắt, không kìm được mà lộ ra vẻ đau khổ.
Tô Án nói: "Thần xin cởϊ áσ của lão sư ra, để chư vị đại nhân cùng nghe lời khai của người chết."
Hoàng đế đã cho phép. Hai sĩ binh Đằng Tương Vệ tiến lên, cởi sạch đồ của Trác Kỳ, chỉ để lại một cái quần ngắn.
Xung quanh đồng loạt phát ra tiếng hít khí và kinh hô, không ít người giơ tay áo lên bịt mắt, không nỡ nhìn thẳng.
Toàn thân Trác Kỳ gần như không có chỗ da thịt nào lành lặn, mười ngón tay bị kẹp, cẳng chân bị sắt nung, nơi thảm thiết nhất là hai bên sườn, da thịt bị cắt mất, lộ ra hai hàng xương sườn trắng hếu, bên trên còn có vết cắt của từng mũi đao, trật tự y như đàn tì bà.
".. Đây chính là cái ngươi gọi là tự nguyện nhận tội à?" Hoàng đế chỉ thi thể dưới thềm, lạnh giọng hỏi Phùng Khứ Ô, "Trẫm ra lệnh cho ngươi tra rõ vụ án này, còn đặc biệt căn dặn ngươi, buộc phải có chứng cứ xác thực mới có thể định tội, không được ép cung. Còn ngươi, không chỉ dùng tư hình tra khảo mệnh quan triều đình, mà còn dùng loại cực hình tàn khốc vô nhân đạo 'đàn tì bà' này nữa! Trẫm đã nghe nói hình phạt của chiếu ngục Bắc Trấn Phủ Ti chất chồng như núi, giờ xem ra, chính là tàn độc không lời nào diễn tả! Ngươi làm Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ hay thật đấy!"
Phùng Khứ Ô bị hoàng đế chất vấn đến mức sắc mặt tái mét, trong đó lộ ra màu xanh xám như sắt thép.
Tô Án mặc đồ tang, quỳ phịch xuống trước thi thể của Trác Kỳ, lệ nóng rơi lã chã: "'Muốn hỏi tội gì, hãy nhìn máu đào của ta!'Ân sư, bệ hạ đã nghe thấy di ngôn của người rồi, rất nhiều đại nhân ở đây cũng nghe thấy rồi!"
"Ân sư, người chết không nhắm mắt! Dòng máu nóng ngay thẳng của người rơi trong chiếu ngục tăm tối, trở thành chứng cứ xác thực cho việc tặc thần lộng quyền bưng bít quốc pháp, hãm hại trung lương!"
"Ân sư, anh linh của người chưa xa! Di thể tàn tạ của người giờ đã nằm trên buổi triều Phụng Thiên môn nghiêm túc này, chờ đợi bệ hạ mà người luôn trung thành và các đồng liêu báo thù rửa hận thay người!"
"Bệ hạ! Người nhìn thần tử chính trực của người này, hắn chảy máu hi sinh vì quốc pháp và đạo nghĩa, nếu ngay cả một chút công chính và truy thưởng đều không có được, thì nên có tâm trạng thế nào dưới cửu tuyền đây!"
"Bệ hạ! Người phải làm chủ cho ân sư của thần đó bệ hạ!"
Tuy hắn không hề có ấn tượng và tình cảm với lão sư vỡ lòng Trác Kỳ của nguyên chủ, nhưng cũng rất khâm phục sự kiên định và rắn rỏi của vị quan văn này, lần vừa quỳ vừa khóc này, cũng không phải diễn kịch hoàn toàn, mà còn có sáu bảy phần tình cảm chân thật. Chỉ là sau khi khóc xong mà chẳng nghĩ ngợi gì, mới phát hiện hình như phong cách hơi diễn..
Chủ yếu vẫn là bản thân mình không giỏi kiềm chế cảm xúc, nói mãi nói mãi liền bị kí ức kiếp trước dẫn đi lệch hướng, cảm giác như có mùi ..
Tô Án hơi lúng túng, nhưng các đại thần ở đây, đặc biệt là đám quan văn, đều đang chìm đắm trong tiếng than thở nghẹn ngào và cảm thương sâu sắc, không ít người nức nở rơi lệ, không ai để ý cách dùng từ hơi kì quái của hắn, ngay cả hoàng đế cũng giơ ống tay áo che mặt, không biết là hổ thẹn hay đau buồn.
Lý Thừa Phong ngửa mặt khóc lớn: "Không sợ tan xương nát thịt, phải để lại sự trong sạch ở nhân gian.. An Hành, con dùng thân chứng thực đạo đức, có thể nhắm mắt rồi!"
Phùng Khứ Ô nhìn điệu bộ khóc thương trời đất của đám quan văn ở quảng trường, chỉ cảm thấy như thỏ chết cáo buồn, buồn cười đến cực điểm. Vụ án của Trác Kỳ, hiện giờ xem như chắc như đinh đóng cột, hắn biết sẽ chạy không thoát, trong lòng hi vọng hoàng đế có thể niệm tình xưa, chỉ tước chức hoặc biếm quan, hoặc biếm đi Nam Kinh dưỡng già như xưởng đốc Đông Xưởng tiền nhiệm. Chỉ cần núi xanh còn, thì lo gì không có củi đốt.
Hắn quỳ xuống trước mặt hoàng đế, tạ tội: "Vụ án của Trác tế tửu, là do thần nóng lòng muốn lập công, mong sớm ngày kết án, lạm dụng tư hình, nên mới khiến hắn tâm như tro tàn mà tự vẫn. Thần biết lỗi rồi, nguyện nhận hình phạt, xin hoàng gia nể tình thần tận tâm theo hầu nhiều năm, không có công lao cũng có khổ lao, giảm nhẹ tội, cho thần một cơ hội sửa sai."
Đại Lý Tự khanh Dư Thủ Dung cũng chỉ đành quỳ xuống xin tha, chỉ nói lúc đầu mình bị Phùng Khứ Ô uy hϊếp, không thể ngăn cản kịp thời, vừa nãy làm chứng giả, cũng vì sợ hắn trả thù. Còn tiết lộ y nguyên lời nói giấu trên lừa dưới của hắn hôm đó-- "Chư vị ngồi đây đều khép chặt miệng cho ta, nếu ai dám tự ý bẩm báo, thì hôm nay của Trác Kỳ, chính là ngày mai của kẻ đó!"
Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ làm việc ngang ngược, dáng vẻ hung hăng, chúng thần nghe mà líu lưỡi.
Hoàng đế không lên tiếng, cũng không cho hai người đứng dậy.
Phùng Khứ Ô cho rằng trước giờ hoàng đế luôn khoan dung, nên tránh nặng tìm nhẹ, chơi bài cảm tình. Tô Án lại biết rõ đạo lý diệt cỏ tận gốc, đã hạ quyết tâm từ sớm, không đánh chết sẽ không buông tay, kịch hay hôm nay chỉ mới bắt đầu thôi.
Hắn lau nước mắt, đột ngột đứng dậy, bước nhanh đến dưới thềm, nói lanh lảnh: "Thần-- có việc muốn bẩm tấu!"
Câu này nghe rất quen tai, khiến Cảnh Long đế nhớ ra lần truyền gọi Tô Án đến Long Đức điện, hắn cũng có giọng điệu này, rồi sau đó đã tố cáo Dự vương.
Còn có chiêu sau à! Hết đợt này đến đợt khác, hoa xuân như nở hoài không dứt. Hoàng đế bật cười trong lòng, trên mặt lại không có gì thay đổi, nghiêm túc nói: "Chuẩn!"
"Thần muốn vạch tội Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ Phùng Khứ Ô, thuật lại mười hai tội lớn cho bệ hạ."
Phụng An hầu Vệ Tuấn ngẩng đầu, trừng Tô Án một cái đầy oán độc.
Lúc nãy hắn lần lữa không lên tiếng. Bởi vì chuyện của Trác Kỳ, là do hắn chỉ thị cho Phùng Khứ Ô ra tay, để bẻ gãy cánh của Lý Thừa Phong, tốt nhất là kéo người đứng đầu Nội các xuống ngựa. Trong lòng hắn có quỷ, chỉ sợ liên lụy đến mình, nên im lặng không nói gì.
Nhưng bây giờ lại không thể không ra mặt nói giúp Phùng Khứ Ô, bởi vì lúc Phùng Khứ Ô tạ tội không khai hắn ra. Sự che đậy này không chỉ tỏ rõ thái độ, mà còn là một loại uy hϊếp biến tướng-- Ta tạm thời không khai ngươi ra, có bảo vệ ta hay không, tự ngươi quyết định đi. Nếu ngươi bất nhân, thì đừng trách ta bất nghĩa!
Huống chi, căn cơ của Phùng Khứ Ô không cạn, quyền thế cũng không nhẹ, tương đối dễ dùng. Nếu để mặc hắn rớt đài, mình còn phải tìm thêm một trợ thủ kết minh cùng đẳng cấp, sợ rằng không dễ.
Thế là hắn đứng ra khỏi hàng, hét lên một cách xem thường: "Tô Án! Một tẩy mã Tư Kinh cục cỏn con như ngươi, chỉ cần lo kho sách của ngươi thôi, có tư cách gì vạch tội đại quan tam phẩm?"
Nét mặt của Tô Án còn khinh thường hơn cả hắn: "Ta có tư cách vạch tội hay không, hoàng gia nói mới tính. Muốn dùng phẩm cấp để bịt miệng ta à? Được thôi, nếu ngươi đã xem trọng tôn ti trên dưới như vậy, thì sao hoàng gia còn chưa lên tiếng, mà ngươi đã giành khua tay múa chân trước rồi? Đây là khi quân phạm thượng, chẳng lẽ Phụng An hầu muốn tạo phản à?"
Vệ Tuấn bị lời nói tru tâm gần như giở trò vô lại của hắn chặn họng suýt nữa ngã ngửa, vội vàng cáo tội với hoàng đế: "Lão thần không hề có ý phạm thượng, bệ hạ minh giám!"
Cảnh Long đế hờ hững nói: "Phụng An hầu, chuyện này liên quan gì tới ngươi?"
"Không liên quan không liên quan, thần không biết chuyện này."
"Nếu đã không biết, thì đứng một bên nghe nhiều vào, nhìn nhiều vào, bớt nói lại, khiêm tốn một chút sẽ biết thôi."
Vệ Tuấn bị lời giễu cợt và chê cười của hoàng đế đâm chọt đến mức mặt già đỏ lên, chỉ đành lúng túng lui ra. Hắn nhìn Phùng Khứ Ô một cái, lặng lẽ nói: Không phải bản hầu không giúp ngươi, rõ ràng hoàng đế muốn lấy ngươi để khai đao, ngươi tự cầu phúc đi.
Phùng Khứ Ô quỳ ở ngự tiền, bội đao đã bị lấy đi, chỉ cúi đầu cắn răng.
Tô Án làm trong cổ họng, đang mau chóng sắp xếp mạch suy nghĩ trong đầu. Trên đường đến đây, hắn vừa suy ngẫm dàn ý Thẩm Thất kể lại, vừa nhanh chóng đọc lướt qua chứng cứ trong hộp kín, gần như là mười dòng một lúc, trong lòng đại khái đã có bản điều trần tổng quát.
Tội trạng của Phùng Khứ Ô tổng kết lại chỉ nằm trong các tội ỷ thế lộng quyền, tham ô nhận hối lộ, ép chết đại thần, trừ khử phe đối lập. Nhưng nếu chỉ nói mấy tội như vậy, Tô Án cảm thấy chưa đủ sức nặng, không đủ để đóng hắn vào cây cột ô nhục trong lịch sử, vĩnh viễn không thể trở mình.
Vậy thì chia nhỏ vài điểm phân tích quan trọng ra, rồi tổng hợp lượng lớn luận cứ có sức thuyết phục, ra sức thể hiện quá trình luận chứng thật mạnh mẽ khí thế, chiếm lý về đạo đức và pháp chế, dùng thanh thế ép chết hắn trước!
* * * Kinh nghiệm viết báo cáo chính trị Đảng không lừa ta! Tô Án đã thành thạo nghĩ ra kịch bản trong đầu, mở miệng ra là nói liền mười hai tội.
* * *
Lời tác giả:
Tô Án: Khóc lóc nhập tâm quá.. Thế xấu thế xấu, dù sao ý nghĩa tương tự là được.
Tô Án: Má nó sao vở kịch này dài quá vậy, mệt chết ta. Không có phim tình cảm, lời dặn cũng ít đi..