Chương 47: Mười hai sợi bắn chết ngươi (3)
Translator: Lục Tịnh An
Dàn bài của Tô Án được chuẩn bị rất thành thạo, vừa mở miệng ra là nói liền mười hai tội:
"Thiết lập của Cẩm Y Vệ là quản lý nghi trượng và xa giá của thiên tử, phụ trách Nam, Bắc Trấn Phủ Ti, vốn lấy việc tuần tra và truy bắt kẻ gian làm trọng. Đây là vũ khí sắc bén của quốc gia, vốn nên trung thành với quân vương, để bệ hạ sử dụng. Từ khi Phùng Khứ Ô nhậm chức, chỉ lo kết thù riêng, gài bẫy hãm hại, không nghĩ đến mục đích ban đầu khi sáng lập Cẩm Y Vệ, xem quyền hạn như vũ khí, dùng đại quyền dối gạt quân thượng, đây là tội thứ nhất!"
"Hắn làm người chuyên quyền ngang ngược. Có quan viên gặp hắn thì hai chân liền run rẩy, chỉ sợ thất lễ mà đắc tội. Nếu gặp trên ngõ hẹp, phải nhường đường trước, chậm một bước sẽ bị bạt tai quở trách: 'Không biết ta là ai à?'Ra khỏi kinh thành làm việc, luôn có người đi trước dẹp đường, quét bụi lót đường, hệt như thánh giá xuất hành. Giả uy nghi buồn giận của bệ hạ như vậy, lâu dần, người người đều cho rằng đó là ý của bệ hạ, làm tổn hại thanh danh của quân thượng, đây là tội thứ hai!"
"Cấp quan của Chỉ huy sứ Cẩm Y Vệ là chính tam phẩm, kém hơn không biết bao nhiêu so với đại quan nhất nhị phẩm trong triều, nhưng lại vượt quy chế đủ đường, tự cho mình đãi ngộ của công hầu. Tự mở rộng phủ đệ, xây dựng hồ, vừa ở vừa sử dụng, vô cùng xa xỉ, hao phí tài lực quốc gia, làm loạn pháp luật của đất nước, đây là tội thứ ba!"
Ba điều này, vạch tội Phùng Khứ Ô chiếm dụng của công, cáo mượn oai hùm, xa xỉ vượt quy chế.
Tô Án hiểu rõ, bất trung với hoàng đế chính là tội lỗi khó tha thứ nhất ở thời đại phong kiến, do đó xếp ba điều này phía trước, nhấn mạnh một cách cực kì nghiêm trọng. Trộm quyền của vua, tổn hại thanh danh của vua, làm loạn luật pháp, quy kết tội danh liên tiếp.
Lại không bỏ qua chi tiết nhỏ, màn "bạt tai quở trách" với quan viên này đã thể hiện một cách tinh tế sự hung hăng ngang ngược của Phùng Khứ Ô. Còn có thể khơi gợi ra thù cũ hận mới của những quan viên từng bị sỉ nhục, lát nữa còn sợ sẽ không đứng ra làm chứng, cảm kích người bênh vực lẽ phải là hắn sao? Một hòn đá bắn hai con chim, cũng chính là thế này.
"Chi tiêu xa hoa như vậy, tài vật từ đâu mà tới? Hắn tham ô nhận hối lộ, ngang nhiên hôi của. Bắc Trấn Phủ Ti có 'tam mộc ngân', nói rõ để bệ hạ và các vị đại nhân dễ biết. Nhắm trúng nhà nào có của cải phong phú, quy đại một tội danh để truy bắt, vừa gông bằng tam mộc nặng trĩu ngàn cân, thì người đã đổi sắc biến dạng. Nếu người nhà nghĩ cách cứu giúp, sẽ đòi ngàn lượng bạc trắng, nhưng chỉ lấy đi một tấm gỗ. Muốn bỏ tấm gỗ thứ hai cần hai ngàn lượng, tấm gỗ thứ ba cần ba ngàn lượng. Sáu ngàn lượng đổi một mạng người, người nào trả được thì tán gia bại sản, người không trả được thì mất cả của lẫn mạng. Chèn ép vơ vét, đẩy dân chúng vào nước sôi lửa bỏng, đây là tội thứ tư!"
"Tam mộc ngân" này là quy tắc ngầm do Phùng Khứ Ô định ra, đám Cẩm Y Vệ của Bắc Trấn Phủ Ti sẽ không rêu rao ra ngoài, chỉ ngầm ra hiệu cho người nhà của kẻ bị hại sau khi bị nhốt vào ngục. Người tán gia bại sản nhặt về được cái mạng thì bị đe dọa không dám lên tiếng; kẻ không gom đủ tiền bạc mà mất mạng, đồng nghĩa với việc gia cảnh khó khăn, càng không ai dám đòi lại công bằng cho hắn. Vì vậy đã nhiều năm nhưng không ai biết.
Nếu không phải Thẩm Thất tiết lộ bí mật, thì Tô Án cũng không cách nào nói cụ thể như vậy được.
Lần này được hắn công khai, các đại thần trên triều đều lộ ra vẻ căm giận, bàn tán sôi nổi, mắng Phùng Khứ Ô tham lam độc ác. Ngay cả Cảnh Long đế nổi tiếng nho nhã cũng tỏ vẻ giận dữ.
"Hắn còn nhân cơ hội điều tra truy bắt để tham ô gia sản của tội thần bị tịch thu phủ đệ, bổ sung vào kho riêng, đồng thời chia chác với Chỉ huy đồng tri, Chỉ huy thiêm sự dưới trướng. Dùng tài sản của quốc khố để lung lạc lòng người, bồi dưỡng vây cánh, kéo bè kết đảng, đây là tội thứ năm!"
"Dung túng thuộc hạ, gài bẫy hãm hại quan viên, dùng lời lẽ dối gạt, lấy được sự phục tùng. Nếu có người vạch trần chuyện hắn phạm pháp, ắt sẽ bị trả thù, bỏ tù người ta để tra tấn. Có thù tất báo thế này, luôn trừ khử phe đối lập, lần lượt xử lý thần tử ngay thẳng trong triều, đây là tội thứ sáu!"
"Để thể hiện tầm quan trọng của chức năng tuần tra truy bắt của Cẩm Y Vệ, không ngại bịa đặt án oan, chiếm công lĩnh thưởng, dối trên lừa dưới, phụ lòng tin của quân thượng, đây là tội thứ bảy!"
"Người của 'chiếu ngục', nhà ngục trị tội theo ý chỉ của thiên tử, chỉ mình thiên tử có quyền hạ ngục và định tội. Khác với các vụ kiện thông thường, chỉ xử lý những vụ án rất lớn, hoặc có liên quan tới quan lớn của triều đình. Bệ hạ duy trì định chế này là để định tội một cách thận trọng, trừng trị kẻ gian và tránh tổn thương người vô tội. Phùng Khứ Ô lại thích dùng hình, giá họa bức cung, xem mạng người như cỏ rác, đây là tội thứ tám!"
"Làm giả bản nhận tội, liên lụy tới Lý các lão, ép chết Trác tế tửu, chặt đứt rường cột của triều đình, đây là tội thứ chín!"
Nghe đến tội thứ chín, không ít văn thần đã không kìm nén được, nhất là hàng loạt môn hạ của Lý Thừa Phong, đồng loạt ra khỏi hàng bẩm tấu: "Phùng Khứ Ô tội ác tày trời, thần xin bệ hạ gϊếŧ hắn!"
"Thần xin gϊếŧ Phùng Khứ Ô!"
"Không gϊếŧ Phùng Khứ Ô, không thể lập quân uy, chỉnh đốn kỉ cương, làm dịu lửa giận của dân chúng, thần xin gϊếŧ hắn!"
"Thần tán thành!"
"Thần cũng tán thành!"
"..."
Hoàng đế chợt giơ tay lên, chúng thần trên quảng trường lập tức im thin thít. Hoàng đế nói: "Còn ba tội nữa, Tô Án, ngươi nói tiếp đi."
"Ba tội còn lại đều có liên quan tới vi thần, thần nghĩ cần tránh hiềm nghi, không biết có nên nói hay không."
"Đã là vạch tội thì không được nói lấp lửng, không thể làm hại công lý để tránh hiềm nghi. Cứ việc nói ra."
Tô Án có người chống lưng, ngẩng đầu nhìn thẳng Phùng Khứ Ô đang quỳ trên bậc thềm, trước mắt lại hiện ra phần lưng bị thương vô cùng thê thảm của Thẩm Thất, sự tức tối nghẹn trong l*иg ngực, không trút mạnh lên người kẻ đầu sỏ gây tội, thì làm sao có thể bình ổn được nỗi oán hận này!
Hắn cao giọng nói: "Trong vụ án Diệp Đông Lâu bị hại, Phùng Khứ Ô câu kết với hung thủ, giả mạo chỉ dụ lừa gạt họa sư, đồng thời lập kế hoạch hãm hại Dự vương điện hạ, rắp tâm hiểm ác, làm hỏng uy đức của tông thất, đây là tội thứ mười!"
"Âm thầm động binh đao ở biệt cung, phái người lẻn vào Sùng Chất điện ở Đông uyển ám sát quan viên. Khi đó bệ hạ và thái tử đều ở Đông uyển, nào biết được có lòng hành thích vua hay không? Âm mưu gây rối, đây là tội thứ mười một!"
"Hà khắc với thuộc hạ, hở ra là dùng cực hình để trừng phạt. Thiên hộ Thẩm Thất dưới trướng hắn không chịu nghe lệnh gϊếŧ hại quan viên, nên bị hắn dùng trọng hình 'rửa mặt chải đầu', tính mạng nguy cấp, phá hủy lòng trung nghĩa trong thiên hạ, đây là tội thứ mười hai!"
Ba tội cuối cùng, một tội trực tiếp liên quan đến vụ án Diệp Đông Lâu, lúc này các quan viên có mặt ở đây mới bừng tỉnh: Chỉ dựa vào một biên tu Hàn Lâm Viện là Vân Tiển thì sao có thể làm được, hóa ra là câu kết với Phùng Khứ Ô-- nhiều khi còn là nhận chỉ thị của hắn. Tô Án bị hắn hãm hại, xem như một trong những khổ chủ của vụ án này, chẳng trách nói cần tránh hiềm nghi.
Chỉ không biết hai tội cuối cùng có liên quan gì đến Tô Án?
Người khác không dám truy hỏi trước mặt hoàng đế, nhưng Lý Thừa Phong dám, lập tức hỏi ra luôn.
Tô Án chắp tay với ông: "Hồi các lão, quan viên mà Phùng Khứ Ô sai người ám sát chính là hạ quan. Ban đầu người hắn phái đi là thiên hộ Thẩm Thất. Thẩm thiên hộ bị ta dùng lý lẽ thuyết phục, chẳng những không ra tay, mà còn âm thầm bảo vệ nhiều lần, nên mới bị hắn nghi ngờ, gọi về Bắc Trấn Phủ Ti, dùng cực hình 'rửa mặt chải đầu', giờ vẫn đang thoi thóp, không biết có giữ được mạng hay không."
"Xả thân cứu người, xem trọng đạo nghĩa coi nhẹ sống chết, Thẩm Thất này đúng là một nghĩa sĩ!" Lý các lão cảm khái.
Quả nhiên là Thẩm Thất! Tên phản bội này.. ơn tri ngộ mười năm, vậy mà lại lấy oán báo ân, chỉ hận lúc đó mềm lòng, đáng lẽ phải lăng trì y! Phùng Khứ Ô quay đầu nhìn sang Tô Án, nỗi hận trong mắt sâu như biển-- Rốt cuộc tiểu tử này đã cho người ta uống canh mê hồn gì, mà từ Thẩm Thất đến Dự vương, từ tiểu gia đến hoàng gia, ai cũng thiên vị hắn!
Tô Án cười lạnh với hắn: Ta thích nhìn bộ dạng nghiến răng nghiến lợi nhưng lại chẳng thể làm gì ta của ngươi đó. Ngươi không xử được ta, thì đến lượt ta xử ngươi, xem ai có thủ đoạn cao hơn!
Sự khinh thường và chế giễu trong im lặng này, như lưỡi đao đâm vào ngực, khiến tim Phùng Khứ Ô quặn đau.
Hắn hận muốn phụt máu, đứng dậy kêu lớn: "Ta không phục! Chỉ nghe mấy câu hãm hại vô căn cứ của một đứa con nít ranh, không hề có bằng chứng xác thực, đã muốn định tội ta ư? Trong thiên hạ còn có đạo lý thế này à!"
"Ngươi dựa vào đâu mà cho rằng trong tay ta không có chứng cứ xác thực?" Ánh mắt Tô Án lướt qua quần thần, nhìn vào mắt Giả ngự sử.
Giả Công Tề tự biết thời cơ ra sân đã đến, ôm cái hộp lớn chừng hai thước vuông dâng lên hoàng đế, lựa chọn từng trang từng tờ cho Lam Hỉ, phân loại cẩn thận, xếp chồng ngay ngắn trên bàn.
"Chứng cứ ở đây, ắt hẳn trong lòng Phùng đại nhân biết rõ càn khôn trong đó hơn ta."
Hoàng đế tiện tay cầm một quyển mật lệnh lên, mới nhìn sơ qua đã ném vào mặt Phùng Khứ Ô: "Ngươi tự xem đi!"
Phùng Khứ Ô không cần mở ra, chỉ nhìn kiểu dáng đã biết là mật lệnh mình gửi cho thuộc hạ vùng khác vài năm trước, sai đối phương đυ.c thủng một chiếc thuyền có quan viên địa phương nào đó ngồi, rồi ngụy trang thành sự cố sông ngòi, vốn sau khi đọc xong thì phải đốt, nhưng không biết vì sao lại rơi vào tay Tô Án.. Lại là Thẩm Thất! Rõ ràng y đã sớm có lòng riêng, lần này nhân chuyện của Tô Án mà làm loạn, không chỉ rửa sạch danh ác quan lại chó săn, lấy được sự khen ngợi "nghĩa sĩ" của thủ phụ Nội các, mà còn có thể nhân cơ hội tranh công lên chức.
Bản thân thường xuyên bắn nhạn, không ngờ lại bị nhạn mổ mắt, đúng là nuôi hổ gây họa! Phùng Khứ Ô tức giận đến mức tổn thương phổi, vậy mà ho ra một ngụm máu.
Hắn dùng mu bàn tay lau khóe miệng, như một con thú bị vây khốn muốn chống trả, thất thanh gầm rống: "Đây đều do ngươi và Thẩm Thất ngụy tạo! Ta không nhận tội! Không nhận tội!"
Lại nghe thấy âm thanh nam tử trầm thấp hùng hồn truyền đến từ bên hông quảng trường--
"Chẳng lẽ ba nhân chứng này cũng do hắn câu kết với bổn vương để ngụy tạo sao?"
Dưới sự vây chặt của thị vệ, Dự vương cũng không ngồi kiệu, chạy nhanh đến. Tùy tùng sau lưng đang nâng hai thi thể đã được đông lạnh, đặt xuống quảng trường.
Phùng Khứ Ô vừa nhìn liền nhận ra, là thiên hộ Phạm Đồng Tuyên và một tổng kỳ thuộc hạ của hắn.
Dự vương chắp tay hành lễ với hoàng đế, sau đó nói: "Hoàng huynh ra lệnh cho thần đệ và Tô thị độc âm thầm điều tra vụ án Diệp Đông Lâu, ban đêm thần đệ đi vào Tiểu Nam viện, bất ngờ gặp phải ba tên giả dạng Cẩm Y Vệ, muốn gϊếŧ Tô thị độc, bị thần đệ bắt được tại chỗ, gϊếŧ ngược hai người đó. Còn có một người bị thương, đang quỳ ở dưới, chờ hoàng huynh xử lý."
Dự vương đến đúng lúc như vậy đều vì trước khi xuất phát, Tô Án đã sai thám tử Cẩm Y Vệ Cao Sóc – thuộc hạ của Thẩm Thất – mang theo lệnh bài thái tử đến phủ Dự vương, nói ra ý định hôm nay, mời y đến giúp đỡ. Cao Sóc mang theo lệnh bài của Đông cung, thân binh canh giữ vương phủ không dám chậm trễ, lập tức báo lên, tiết kiệm được không ít thời gian. Mà hai tên trong số những kẻ hành thích mà Dự vương đã gϊếŧ đêm đó, vốn muốn xử lý thi thể luôn, cũng là do Tô Án khuyên y tạm thời bảo quản, ngày khác sẽ phát huy tác dụng.
Lúc này, Tô Án nhìn thấy người bị thị vệ áp giải quỳ xuống kia, mặt vàng như giấy sáp, rõ ràng đang bị thương khá nặng, cẩn thận phân biệt ngũ quan, phát hiện ra đúng là lão huynh đã bị hắn dùng chiêu "Uyên ương cước giấu lá tàng hoa" đá vỡ trứng.. Cho dù được cứu thì cũng gần như phế rồi.
Hắn âm thầm gửi icon "sầu khổ" cho đối phương, rồi quay sang nhìn chằm chằm Phùng Khứ Ô: "Tội chứng rành rành ra đó, bản thân ngươi có nhận hay không thì có gì khác biệt đâu?"
Thi thể và nhân chứng ngay trước mắt, quần thần lại sôi nổi bàn tán, lần lượt quỳ xuống, khẩn cầu hoàng đế gϊếŧ chết kẻ gian tà. Ngay cả một số quan viên thường nịnh nọt và có mối quan hệ với Phùng Khứ Ô cũng sợ bị liên lụy, vội vàng ra vẻ như chẳng liên quan đến mình, người này cầu xin lớn tiếng hơn người kia.
Giả Công Tề chế ra một bài ngay tại chỗ, bắt đầu phát huy sở trường pháo miệng một cách lưu loát, lời lẽ cực đanh thép, chỉ vào mũi Phùng Khứ Ô mắng hắn xối xả, vừa cay độc tàn nhẫn vừa không có từ ngữ tục tĩu. Người không nhìn thấy sự việc trước đó, mà thấy cảnh tượng này còn tưởng rằng chính chủ vạch tội Phùng Khứ Ô chính là Giả Công Tề ông kìa!
Tô Án nhắm mắt làm ngơ với hành vi cướp công này. Thầm nghĩ: Chẳng phải vị Giả ngự sử này muốn có được danh tiếng thẳng tay trừ gian sao?
Hắn dùng cơ thể thiếu niên với chức quan thấp bé, rửa sạch oan khuất cho ân sư, giận dữ gõ trống Đăng Văn, dũng cảm xông vào Phụng Thiên môn, chỉ trích thẳng mặt gian thần quyền quý, liệt kê mười hai tội lớn của hắn, dâng lên bằng chứng thép, cuối cùng lấy lại công bằng cho ân sư, khiến kẻ đầu sỏ phải đền tội. Một màn kịch kinh tâm động phách thế này, đã vượt xa cả thoại bản truyền kì nhất, còn lo tiếng tăm không được bùng nổ ư?
Bản thân hắn ăn miếng thịt lớn, cũng không ngại để Giả ngự sử húp miếng canh, nói không chừng ngày nào đó còn cần dùng đến đối phương, thêm một con đường vẫn tốt hơn mà.
Hoàng đế thuận nước đẩy thuyền, hạ chỉ: "Phùng Khứ Ô tội ác chồng chất, trẫm khó lòng khoan dung, tước quan vị, bãi trừ chức vụ, giam vào chiếu ngục, đợi ngày xử trảm."
"Trong vụ án của Trác Kỳ, Đại Lý Tự khanh Dư Thủ Dung cùng làm việc ác, sau đó còn làm chứng giả để che đậy tội lỗi, vốn nên trị cùng tội. Niệm tình ngày xưa làm việc chăm chỉ, nên giáng làm điển sử Địch Đạo, vĩnh viễn không được hồi kinh."
"Trong Cẩm Y Vệ có rất nhiều kẻ theo phe Phùng Khứ Ô, phải điều tra rõ tội danh của từng người, xử lý theo luật. Chuyện này giao cho.. Tô Án làm, thái giám chưởng ấn Ti Lễ Giám Lam Hỉ, hữu thiêm đô ngự sử Đô Sát viện Giả Công Tề cùng giám sát. Sau khi tra rõ, lập tức bẩm báo trẫm."
Hoàng đế không muốn giao việc thanh lọc Cẩm Y Vệ cho Hình Bộ hay Lại bộ, là do lo lắng quan văn sẽ nhúng tay vào mười hai vệ thân binh, làm yếu hoàng quyền.
Dùng Tô Án, một vì biết hắn có tài, lại không luồn cúi, không có nhiều mối quan hệ trong triều, thích hợp làm lưỡi đao của thiên tử; hai vì hắn còn trẻ, kinh nghiệm không đủ. Trước giờ Cẩm Y Vệ hùng hổ kiêu căng, lối sống không đứng đắn, dùng việc này để tôi luyện tâm tính và thủ đoạn của hắn, là một cơ hội rất tốt.
Có ngôn quan hỗ trợ giám sát, chặn lời dị nghị của triều đường.
Có hoạn quan hỗ trợ giám sát, gặp chuyện có thể trực tiếp bẩm báo, dù là đêm tối cũng có thể ra vào cổng cung.
Suy xét chu đáo như vậy, chỉ thiếu một thứ-- Chức quan của bản thân Tô Án quá thấp, không đủ để làm chỗ dựa cho hắn làm việc.
Thế là hoàng đế hạ chỉ tiếp: "Ngoài ra, tẩy mã Tư Kinh cục kiêm thị độc thái tử Tô Án, có công trừ ác, vừa trung vừa nghĩa. Miễn chức tẩy mã, thăng làm hữu thiếu khanh Đại Lý Tự. Đồng thời chọn vào Hàn Lâm Viện, nhậm chức thứ cát sĩ."
Đại Lý Tự quản hình ngục và xử lý vụ án, trưởng quan là Đại Lý Tự khanh, là một trong chín khanh. Dư Thủ Dung bị giáng chức, nếu không có bất ngờ gì xảy ra, chức Đại Lý Tự khanh sẽ do tả thiếu khanh Đại Lý Tự đảm nhận. Mà hữu thiếu khanh bị bệnh lao phổi, mấy hôm trước đã cáo bệnh về quê, chức vị trống vẫn chưa kịp bổ sung.
Như vậy, cấp bậc của Tô Án tăng liền ba bậc, chưa tới tuổi cập quan mà đã thăng làm quan chính tứ phẩm có thực quyền, thật sự rất hiếm thấy trong triều.
Mà tuy thứ cát sĩ chỉ là chức vị rỗng, nhưng lại thanh quý hơn.
"Thứ cát sĩ" chính là người xuất chúng vừa trẻ tuổi vừa tài hoa được chọn ra từ nhị giáp, tam giáp trong kì thi Đình để vào Hàn Lâm Viện, được gọi là "tuyển quán". Tô Án xếp thứ bảy trong nhị giáp của kì thi Đình, bàn về tư cách thì cũng xứng đáng.
Nhưng ý nghĩa quan trọng của thứ cát sĩ không chỉ ở hiện tại, mà còn ở tương lai.
Phải biết rằng sau thời Hiển tổ liền có một thông lệ-- Không phải tiến sĩ không được vào Hàn Lâm Viện, không phải Hàn Lâm không được vào Nội các. Do đó thứ cát sĩ được xưng là "trữ tướng", tương lai sẽ có cơ hội một bước lên mây, thậm chí được vào Nội các.
Nội các là trung tâm hành chính của cả triều đình, những các lão trợ giúp hoàng đế giải quyết chuyện lớn của quốc gia, quyền nói chuyện trên cả lục bộ, đôi lúc cũng kiêm chức thượng thư của lục bộ, quyền lực gần như ngang với thừa tướng của tiền triều. Năm vị đại học sĩ Nội các đương nhiệm, một thủ phụ, bốn thứ phụ, đều có xuất thân là thứ cát sĩ.
Hành động này của hoàng đế, loáng thoáng lộ ra ý tứ sâu xa, khiến chúng thần có mặt ở đây đều không thể không đánh giá lại sức nặng của quan viên thiếu niên này, âm thầm suy đoán tâm tư của vua.
Tô Án chẳng thèm quản người khác nghĩ thế nào. Hắn đã lập công, luận công ban thưởng chẳng thẹn với lòng, huống chi hoàng đế thăng quan cho hắn là muốn hắn làm việc, cũng không phải để hưởng phúc, có gì mà chột dạ, thế là đàng hoàng lĩnh chỉ tạ ơn.
Lam Hỉ bên cạnh lại bắt đầu tính toán: Hoàng đế yêu quý Tô Án như vậy, dù hắn có tan xương nát thịt cũng khó lòng báo đáp, chỉ là chút da thịt cỏn con mà còn không nỡ dâng hiến sao? Nếu ta đã là thế thúc của hắn, thì ít nhiều cũng có quyền quyết định thay hắn, cứ phân tích lợi hại cho hắn trước, nếu hắn chịu nghe thì rất tốt, nếu bắt đầu bướng bỉnh khinh suất, thì không thể không dùng chút thủ đoạn. Ta làm như vậy cũng vì muốn tốt cho hắn thôi!
* * *
Lời tác giả:
Chuyện cười hôm nay: Thẩm Thất đúng là nghĩa sĩ!