Đại Tạng Kinh

Chương 45: Kinh Pháp Ấn Phật Thuyết Cho Hải Long Vương - Kinh Tâm Thanh Tịnh

Kinh Pháp Ấn Phật Thuyết cho Hải Long Vương

TÔI NGHE NHƯ VẦY:

Một thuở nọ, Đức Phật ở tại cung điện của Hải Long Vương, cùng với 1.250 vị đại Bhikṣu [bíc su] và nhiều vị đại Bồ-tát.

Lúc bấy giờ Hải Long Vương liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến ở trước Phật, rồi đỉnh lễ với trán chạm sát chân của Phật.

Sau đó, ngài bạch rằng:

"Bạch Thế Tôn! Có thể nào chỉ thọ trì một ít Pháp mà được nhiều phúc chăng?"

Phật bảo Hải Long Vương:

"Nếu có ai thọ trì đọc tụng và liễu giải nghĩa lý của bốn Pháp thù thắng này, thì tuy dùng chút công sức nhưng lại đạt được rất nhiều phúc. Phúc ấy đồng như đọc tụng 84.000 Pháp tạng. Những gì là bốn?

Đó là tụng niệm:

Các hành đều vô thường

Tất cả đều là khổ

Các pháp không có ngã

Tịch diệt an vui nhất

Này long vương! Nên biết rằng, đây là bốn Pháp thù thắng mà sẽ dẫn vào Pháp trí tuệ vô tận của đại Bồ-tát, sớm chứng vô sinh, và nhanh đến viên tịch. Cho nên các ông phải luôn tụng niệm."

Lúc Thế Tôn nói bốn câu kệ của Kinh Pháp Ấn này xong, các vị Thanh Văn, chư đại Bồ-tát, cùng thiên long bát bộ, phi thiên, tầm hương thần, và những loài hữu tình khác, khi nghe lời Phật dạy, họ đều sinh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.

Kinh Pháp Ấn Phật Thuyết cho Hải Long Vương

Dịch sang cổ văn: Pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713)

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 19/10/2013 ◊ Cập nhật: 9/7/2021

Kinh Tâm Thanh Tịnh

Một thuở nọ, Đức Phật cùng với các vị Bhikṣu [bíc su] ở tại vườn Cấp Cô Độc, trong Rừng cây Chiến Thắng gần thành Phong Đức.

Phật bảo các vị Bhikṣu rằng:

"Các ông hãy lắng nghe! Nếu những Thanh Văn nào đang tu tập chính hạnh mà muốn được tâm thanh tịnh, họ phải đoạn trừ năm sự ngăn che và tu tập Bảy Giác Phần thì mới được viên mãn. Những gì là năm pháp?

1. tham dục

2. sân hận

3. hôn trầm

4. bồn chồn

5. nghi ngờ

Đây là năm sự ngăn che gây chướng ngại. Các ông hãy nên đoạn trừ.

Những gì là bảy Pháp?

1. Trạch Pháp Giác Phần

2. Tinh Tấn Giác Phần

3. Hoan Hỷ Giác Phần

4. Khinh An Giác Phần

5. Niệm Giác Phần

6. Định Giác Phần

7. Xả Giác Phần

Đây là Bảy Giác Phần. Các ông hãy nên tu tập.

Này các vị Bhikṣu! Nói rằng tâm thanh tịnh, thì phải biết đó là một cách gọi khác của tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Do tham dục nhiễm ô, nên tâm không thanh tịnh. Do vô minh nhiễm ô, nên tuệ không thanh tịnh.

Nếu các vị Bhikṣu đoạn trừ tham dục nhiễm ô thì liền được tâm giải thoát. Còn như đoạn trừ vô minh nhiễm ô thì liền được tuệ giải thoát.

Lại nữa, các vị Bhikṣu! Những ai đã lìa tham dục nhiễm ô và được tâm giải thoát thì gọi là tự thân tác chứng. Còn những ai đã đoạn trừ vô minh và được tuệ giải thoát thì gọi là bậc Vô Học; do bởi họ đã vĩnh viễn lìa tham ái, biết rõ chân thật, chính trí hiện tiền, tự mình chứng Đạo, và chấm dứt sinh tử.

Này các vị Bhikṣu! Đây là những lời dạy của Ta. Các ông hãy nên tu học."

Kinh Tâm Thanh Tịnh

Dịch sang cổ văn: Pháp sư Thí Hộ (?-1017)

Dịch sang tiếng Việt: Tại gia Bồ-tát giới Thanh tín nam Nguyên Thuận

Dịch nghĩa: 14/12/2014 ◊ Cập nhật: 9/7/2021