Cuộc Chiến Chinh Đoạt

Chương 21

Sau khi Diêu Ngạn giao thùng hàng cho công nhân, vài người kéo cô hỏi đông hỏi tầy, dò la chuyện liên quan đến ông chủ nhỏ trong phân xưởng ngùn ngụt hơi nước.

Diêu Ngạn bật cười: “Em làm sao biết nhưng ông chủ nhỏ nhìn rất được. Nếu nhà mọi người có con gái, giới thiệu được đấy”.

Họ cười ồ lên, có người hỏi cô: “Nghe nói sếp Tưởng cũng góp mặt, anh ta có làm nổi không? Chẳng phải anh ta chỉ lái xe tải thôi sao?”.

Miệng Diêu Ngạn cứng đờ, cô im lặng không nói. Lúc này bỗng có người nói xen vào: “Nói chuyện gì thế?”.

Họ đồng loạt hô lên: “Sếp Thẩm!”.

Diêu Ngạn cũng quay đầu nhìn, cô gật đầu chào anh ta: “Thẩm tổng!”.

Thẩm Quan gật gù, anh ta cười hỏi: “Ở đây vẫn còn cần phụ giúp sao?”.

Diêu Ngạn cũng cười đáp: “Không ạ. Nhân viên hành chính không cần giúp nữa. Phòng nhân sự đã tuyển đủ người mới, tôi chỉ mang đồ xuống đây”.

“Vậy giờ cô về hả? Cùng đi nào.” Thẩm Quan cất bước ra cửa, Diêu Ngạn cũng đi theo anh ta.

Ngoài trời nắng gay gắt, dường như còn ngửi được cả mùi khen khét. Thời tiết nóng khắc nghiệt biến mất vài ngày ngắn ngủi, rất nhanh sau đó lại âm thầm quay về.

Thẩm Quan hỏi cô: “Trời nóng thế này, nhà cô có dọn hàng bán ngoài cổng trường tiểu học không?”.

Diêu Ngạn lắc đầu: “Lớp học thêm mùa hè đã nghỉ. Nửa tháng nữa khai giảng năm học mới, nhà tôi mới lại dọn ra đó bán. Bây giờ, nhà tôi đến công viên gần sông bán hàng”.

Thẩm Quan hồi tưởng: “Con đường nằm sau chợ?”.

Diêu Ngạn cười: “Vâng, chính là công viên đó. Mang tiếng là công viên nhưng nhìn giống vỉa hè hơn”.

Thẩm Quan cười mỉm, trò chuyện cùng cô. Đi tới cổng tòa nhà chính, anh ta nói: “Khi nào rảnh rỗi tôi mời em ăn cơm”.

Diêu Ngạn hơi bất ngờ nhưng cô chỉ xem đây như lời mời xã giao lịch sự nên cũng ậm ừ cho qua.

Hết giờ làm, cô mua đồ ăn về nhà. Mới vào đến cửa, cô bỗng cảm thấy bầu không khí trong nhà khác thường.

Bà Diêu im thin thít ngồi trên ghế sofa, còn Diêu Yên Cẩn ngồi canh bàn ăn, thấy em gái bước vào nhà Diêu Yên Cẩn không dám lên tiếng.

Diêu Ngạn cất giọng ngờ vực: “Chuyện gì vậy mẹ?”.

Bà Diêu đứng dậy, mang đồ ăn trong tay Diêu Ngạn vào bếp, bà lạnh giọng nói: “Chị con lấy giấy xác nhận khuyết tật về rồi”.

Diêu Ngạn giật mình ngạc nhiên: “Mẹ nói sao cơ?”.

Bà Diêu chán chường bỏ đồ ăn xuống: “Mẹ cứ tưởng mấy ngày nay chị con hiểu chuyện. Nào ngờ nó quậy phá tưng bừng trong nhà máy đòi lấy giấy xác nhận khuyết tật”.

Diêu Yên Cẩn tranh luận ngay: “Tiền lương quá thấp. Con muốn đổi nhà máy khác. Có người làm ở đó kiếm được tới năm trăm tệ!”.

Diêu Ngạn hít sâu, nói lời từ tận đáy lòng: “Chị chưa từng tới nhà máy làm việc, họ trả lương là đã cho không chị tiền rồi. Được vậy cũng nhờ họ thấy gia đình chúng ta khó khăn. Chị đi đâu tìm được một nhà máy tốt đến thế? Năm trăm?”. Cô giơ tay lên: “Nhà máy nào tốt vậy? Em đi với chị”.

Diêu Yên Cẩn vội vàng nói: “Có mà. Anh ấy nói rất nhiều nhà máy ở Lô Xuyên trả lương cao. Nhà máy chỗ mình là trả lương thấp nhất”.

Diêu Ngạn ngẩn người: “Ai nói?”.

Diêu Yên Cẩn còn chưa trả lời câu hỏi của Diêu Ngạn, bà Diêu đã tức giận lên tiếng: “Còn ai vào đây? Hàng xóm nói với mẹ mấy lần bắt gặp Yên Yên cùng một lão già ra khỏi phòng khiêu vũ. Ngoại trừ lão già đó ra thì còn ai vào đây?”.

Giấy không gói được lửa. Diêu Ngạn đang phân vân không biết có nên nói cho bố mẹ biết hay không thì chuyện này đã đến tai bà Diêu.

Ở bên này, Tưởng Nã bàn bạc công việc với Trần Lập, biệt thự vô cùng yên ắng chỉ có mấy người giúp việc theo giờ đang quét dọn.

Trần Lập đang thu dọn một ít đồ dùng định mang đến bệnh viện thì bất ngờ có người nhấn chuông. Người giúp việc chạy nhanh ra mở cửa.

Tưởng Nã và Trần Lập quay đầu nhìn mấy người đàn ông đứng ngoài cửa. Người dẫn đầu nói: “Chúng tôi là cảnh sát Nam Giang, muốn hỏi một vài chuyện!”.

Trần Lập lặng người nhìn Tưởng Nã.

Tưởng Nã cười trấn an anh ta. Anh đứng dậy tiếp đón, kêu người giúp việc đi pha trà. Mấy vị cảnh sát kia khách sáo cản lại: “Không cần, không cần”.

Cảnh sát vào nhà, ngồi xuống sofa. Người giúp việc bưng trà lên, cảnh sát nói cảm ơn nhận lấy trà, rồi trực tiếp vào đề.

Lương Thịnh Hoa đối tác của công ty nước giải khát có mở một công ty ngoại thương và quán bar ở thành phố Nam Giang. Một tháng trước, hai chỗ này bỗng dưng bị đập phá. Khi ấy không ai làm việc trong công ty ngoại thương, camera giám sát đặt ở hành lang cũng chỉ ghi được góc áo, còn máy quay trong quán bar thì tương đối rõ. Sau đó cảnh sát bắt được mấy kẻ gây sự, thế nhưng họ đồng loạt khai vì say rượu cố tình gây hấn, không có chủ mưu. Cảnh sát dựa theo lời kể của Lương Thịnh Hoa tìm Trần Man Phát nhưng không ra manh mối, vì thế đành bỏ mặc vụ án. Nào ngờ một tháng sau lại xảy ra sự cố không ngờ tới.

“Hôm kia, Lương Thịnh Hoa nhảy lầu tự tử. Theo kết quả điều tra, chúng tôi kết luận sơ bộ đó là do có người cố ý gây ra. Chúng tôi cũng nghe nói ba ngày trước, bạn hợp tác của ông ta tức Trần Man Phát gặp tai nạn nằm viện?”

Đôi lông mày của Trần Lập nhíu chặt: “Đúng vậy. Ba ngày trước, bố tôi gặp tai nạn giao thông. Các anh muốn hỏi chuyện gì?”.

Cảnh sát nghe giọng điệu của anh ta không thoải mái, bèn cười xoa dịu bầu không khí: “Chúng tôi chủ yếu muốn hỏi vài vấn đề như thường ngày bố anh có đắc tội với người nào không? Đời sống cá nhân hay công việc có làm mất lòng ai hay không?”.

Thường ngày, Trần Lập chỉ lo chuyên tâm vào công việc ở bệnh viện, chưa bao giờ quan tâm chuyện công ty. Nghe cảnh sát nói, anh ta cũng ù ù cạc cạc. Ngược lại Tưởng Nã giải đáp thay anh ta: “Nhắc đến vấn đề này cũng có một chút. Trần tổng kinh doanh lớn thi thoảng cũng mâu thuẫn với nhà cung ứng nhưng tôi cũng không rõ lắm, chỉ có thể nói sơ sơ vậy thôi”.

Cảnh sát khôn khéo nêu câu hỏi, ghi chép từng việc theo lời kể của Tưởng Nã.

Đến khi bóng tối bao trùm, việc lấy lời khai mới kết thúc. Trần Lập và Tưởng Nã cùng đứng dậy tiễn khách. Trông thấy chiếc xe đã chạy xa, Trần Lập hỏi Tưởng Nã: “Anh còn biết chuyện gì nữa không?”.

Tưởng Nã cười cười nói: “Chỉ biết có nhiêu đó thôi. Chú cũng đâu phải không biết anh mới tới đây hơn nửa năm. Không phải chuyện gì chú Trần cũng nói anh nghe”.

Trần Lập cau mày bán tín bán nghi. Tưởng Nã nói: “Vụ này có lẽ cảnh sát chịu thua, chưa chắc tra ra được đầu mối. Thân phận kiểu như anh dễ xử lý hơn, chú có cần anh điều tra giúp không?”.

Trần Lập vỡ òa vì vui sướиɠ, anh ta mừng còn không kịp.

Khói bếp và tiếng rau xào xèo xèo tạo thành bản hợp xướng trong ngõ nhỏ. Khói dầu mỡ trong không khí hòa cùng tiếng khóc chói tai và âm thanh quăng ném đồ đạc. Mấy người hàng xóm tay còn đang cầm xẻng lật tò mò chạy ra xem, không biết chuyện gì đang xảy ra.

Diêu Yên Cẩn cố chấp đòi theo người đàn ông kia đến Lô Xuyên, khiến bà Diêu nổi giận, bà cầm dép đánh cô.

Diêu Ngạn không kịp ngăn cản, bà Diêu đánh Diêu Yên Cẩn tới tấp. Diêu Yên Cẩn giữ chặt cánh tay đỏ ửng khóc nức nở. Diêu Ngạn vội ôm chặt bà Diêu rồi quay ra gọi chị: “Chị về phòng trước đi! Mau lên!”.

Diêu Yên Cẩn không chịu làm theo, cô hét đến lạc giọng: “Con muốn đi, muốn đi. Đến đó mới kiếm được nhiều tiền, dựa vào cái gì không cho con đi!”.

Bà Diêu giận dữ thở hồng hộc. Bà đẩy Diêu Ngạn, cầm dép ném Diêu Yên Cẩn, chiếc dép bay thẳng vào mặt cô: “Dựa vào cái gì? Dựa vào tôi là mẹ của cô, nuôi cô hơn hai mươi năm trời, cô chưa học bò đã lo học chạy? Chạy đi đâu? Người ta lừa gạt cô, cô còn muốn kiếm tiền nuôi người ta?”.

Diêu Yên Cẩn ghét nhất là người khác chê cô ngốc. Nghe bà Diêu nói vậy, cô càng khóc tức tưởi, đá văng chiếc dép mới đập vào mặt mình ban nãy. Tuy nhiên cô không dám đến gần bà Diêu, cô sợ bị đòn, đành lủi thủi chạy vào bàn ăn trút nỗi bất mãn.