Đêm mưa vào tiết tháng năm có chút lạnh lẽo hơn ngày thường, cơn mưa ấy dần đổ ngày một to hơn, trút xuống cái thôn Lạc Giang đã sớm cằn cõi không một giọt nước. Sở dĩ ở thôn Lạc Giang quanh năm chịu hạn hán thế này là do tương truyện rằng cách đây hai năm trong thôn có một vị viên quan từ kinh thành xuống trong coi kho lương thực ở đây nhưng muốn đặt chân vào thôn này thì phải trả lễ và thắp một nén nhang trước cái miếu thờ nhỏ ở cổng thôn có như vậy mới được thần linh chấp nhận mà bước vào.
Ấy thế mà vị viên quan ấy chẳng để tâm là mấy, ông ta cao ngạo, hống hách chẳng tin lấy một lời, một chân đạp đổ cái miếu thờ phút chốc các vật cúng bái cũng văng ra cả một nền đất. Người dân trong thôn ai ai cũng được trận thất kinh hòa với sự phẫn nộ, họ xem ông như phạm vào tội tày trời, bất kính với bề trên. Mặt họ hầm hầm như muốn đồ sát nhưng chẳng thể nào tay cầm cuốc một tay cầm gậy mà đánh ông ra khỏi thôn này. Lúc ấy người dân trong thôn không ai không hoảng sợ, có người còn vật vã khóc đến tê tâm liệt phế. Vài người thì cố gắng xây lại cái miếu đã vỡ nhưng cớ sự thế nào đắp đến đâu lại đổ đến đấy. Họ sợ sự trừng phạt của thần linh chỉ có thể khiến làm người ở thôn Lạc Giang chết cũng làm ma thôn Lạc Giang này.
Vào sáng hôm sau, trên cái nền đất đỏ lạnh lẽo trãi dài cuối thôn, người ta phát hiện cái xác của vị viên quan ấy nằm trên một vũng máu, cơ thể cũng không còn nguyên vẹn như lúc còn sống, tứ chi của ông đã đứt lìa khỏi cơ thể, còn đầu chỉ còn vươn vài mảng thịt lốm đốm máu nhìn kỹ vào một chút mới phát hiện ra xương trắng vài vùng. Kể từ cái chết của viên quan ấy cái tiết trời nóng như thieu thân chẳng thể nào dứt, ngày ngày tháng tháng năm năm đã sớm biến thôn này thành nơi đất cằn cỏ chết, người dân điêu linh thống khổ.
Hai năm sau trong thôn được đến báo tin có quan tri huyện xuống, nghe bảo ông là quan có phẩm hạnh tốt, rất có tư chất, lại thương dân như thương con vì vậy người người mới gọi húy danh ông là Nghĩa Thành. Như quy cũ đã có từ trước, ông phải trả lễ và thắp nén nhang ở miếu thờ nhỏ trước thôn nhưng miếu thờ ấy đã sớm đổ nát. Không nghĩ ngợi gì nhiều ông lập tức tự tay mình xây lại miếu nhỏ ấy, tuy không được trang hoàng và rộng rãi như xưa nhưng cũng đủ thể hiện lòng thành của ông.
Cứ thế vào đêm tiết trời nhẹ gió, nơi ở của ông cũng không phải là đình đài lầu cát như bao vị quan khác nhưng cũng có vài gian phòng để làm việc để nghỉ ngơi trong ngày. Ông không lấy lời khiển trách, cách sống ông giản dị vì nơi đây dân đói khổ nhiều năm bản thân cũng không được phung phí quá mức. Vừa nghĩ trời bắt đầu đổ mưa, những cơn mưa dưới mái hiên của phủ Hoài Thành này lần lượt trút xuống. Ông đưa mắt đảo quanh nhìn bên ngoài, đã tự bao giờ trên con đường cằn cõi ấy có tiếng hò reo, có tiếng tươi cười của dòng người trong thôn nhào nháo đến thế. Người nào người nấy đều vui như được ăn Tết, có người thì lấy ra một cái chậu lớn để đựng nước dùng còn có người lấy cả cái vạc lớn để chứa nước mưa nhiều hơn. Ông nhìn mà khóe mắt đã thấm lệ tự bao giờ, gia nô trong phủ nhìn ông mà lòng hạnh phúc biết mấy.
Cứ thế người người truyền tai nhau về cái thôn Lạc Giang này, hai năm hạn hán trong một đêm lại đột khởi như trước. Một đồn mười, mười đồn trăm như thế lại có thể thêu dệt nên một kỳ ngôn dị truyện.