Lắng Nghe Trong Gió

Chương 19: Chương 4.15

Mọi người đã biết, lần trước Bỉnh dùng thủ pháp dò đài “tua nhanh” khiến mọi người ngạc nhiên, lần này “tua nhanh” rõ ràng ít có khả năng. Vì nghe “dấu tay” và nghe chất âm thanh là hai việc khác nhau. Nếu là tìm chất âm thanh, có tăng tốc độ cũng không thay đổi bản chất âm thanh, nhưng tìm “dấu tay mà tăng tốc độ, thì tín hiệu điện báo cũng hoàn toàn không thấy, huống chi nói đến “dấu tay”. Cho nên lần này xoay nút dò tìm điện đài phải thật chậm. Chậm làm cho Bỉnh không thỏa mãn, cậu yêu cầu thêm một máy, cùng lúc nghe cả hai.

Hai máy chưa đủ.

Ba máy vẫn chưa đủ.

Cứ như vậy máy và tăng thêm tay điều khiển máy, đến khi tăng lên sáu máy Bỉnh mới thấy tạm được. Lúc ấy, Bỉnh với sáu máy và những người thao tác xúm lại, tiếng sóng vô tuyến và tạp âm lẫn lộn, lúc to lúc nhỏ, trước sau phải trái vây chặt lấy Bỉnh, cậu ta ngồi bất động trên sofa lặng lẽ hút thuốc, tai nghe xung quanh, trông rất ung dung tự tại. 9 giờ 15 phút, bỗng cậu ta đứng bật dậy, quay người, nói với một trợ thủ phía sau lưng:

“Đây rồi, các anh nghe thấy không, người này phát tín hiệu tè số không rất nặng tay, đây là báo vụ viên số ba mươi ba. Không thể nhầm được, chính là người này”.

Đối phương đang phát tín hiệu.

Ghi lại nội dung bức điện, tuy chỉ kịp ghi vội đoạn cuối, nhưng nhân viên giải mã cũng đủ đưa ra phán đoán: Đây là điện đài cấp cao của đối phương.

Nhưng nếu không có nhân viên giải mã chứng minh, không ai dám tin đấy là điện đài địch mà chúng ta đang cần tìm, vì cái điện đài phát sóng này rất rất cũ, rất cũ. Bất cứ ai nghe thấy âm thanh của nó cũng đều khẳng định một cách không do dự, đây là thiết bị của mấy chục năm trước, thậm chí là của thế kỉ trước. Thiết bị này đã thải loại từ lâu, có thể nói không một nước nào, dù là nước nghèo nhất cũng không còn dùng thứ thiết bị thông tin già nua này nữa. Người nào hoặc tổ chức nào dùng? Những người thích chơi vô tuyến điện hoặc những hiệp hội tương ứng, hoặc những người, những tổ chức cá biệt ở một nước nghèo, ví dụ đội tàu trục vớt trên biển, các công ty ven biển, công ty đánh cá, kiểm lâm, vườn động vật, dã ngoại, công ty du lịch... Chính vì vậy, các hiệu thính viên nghe thấy tiếng sóng vô tuyến này đều bỏ qua, không thèm để ý, nhưng hóa ra nó là thiết bị liên lạc của chỉ huy cấp cao đối phương. Rõ ràng đây là một mưu mẹo, để đánh lạc hướng các hiệu thính viên, để họ bỏ đi. Việc này chẳng khác gì một người cố tình để một vật anh muốn đánh cắp ngay bên cạnh anh, anh cứ tìm tòi lục lọi, đào sâu ba thước đất nhưng lại không nhìn bên cạnh, một trò chơi có thể gọi là ranh ma, điên khùng, mạnh bạo và quái đản.

Nhưng thánh nhân Bỉnh còn cao tay hơn ma quỷ một bậc!

Quỷ kế bị phá coi như cửa bị mở toang, tất cả còn lại trong tầm tay.

Ba ngày sau, mười lăm điện đài cấp cao của đối phương (tăng hơn trước ba điện đài) đều được “vớt lên khỏi mặt nước”.

Mười hôm sau, một trăm lẻ bảy điện đài bí mật trong hệ thống quân sự đối phương, cộng một nghìn tám trăm sáu mươi mốt tần số, đều bị chúng ta tóm gọn, cho vào tù.

Bỉnh không mất nhiều công sức đã giải quyết khó khăn của 701, dẫn đến an nguy quốc gia, việc cậu ta làm trong một tháng còn nhiều hơn tất cả thám thính viên của 701 làm, nhiều hơn rất nhiều. Cho nên cậu ta rất được mọi người kính nể và yêu mến, rất đáng nhận được vinh dự và lời khen của người trong đơn vị 701. Có thể nói là, nếu không vì tính bí mật của công việc thì bản thân Bỉnh trở thành nhân vật anh hùng mọi người đều biết. Sự tích thần kì và vinh quang của cậu ta sẽ được mọi người ngợi ca. Nhưng vì tính chất đặc biệt của công tác thuộc đơn vị 701, ngoài trừ chúng tôi biết, có lẽ chỉ có thêm bà con trong làng Lục Gia Yến. Nhưng điều ấy có quan hệ gì. Đối với Bỉnh trước sau chỉ có hai điều liên quan: thứ nhất là củi đuốc của mẹ, chuyện này cậu ta vẫn không quên; thứ hai, vấn đề quyền uy của cái tai, bất cứ ai, bất cứ trong tình huống nào cũng không được nghi ngờ cậu ta.

Khỏi phải nói, cả hai việc ấy đến nay đều không thành vấn đề.

Sau khi lập được thành tích to lớn, Bỉnh sống rất thanh thản, trừ những lúc bị anh em trong đơn vị mời đi “giải quyết vấn đề”, còn thì cậu sống trong thung lũng. Tổ chức bố trí cho cậu một cần vụ, người này đã từng làm cần vụ cho Cục trưởng của chúng tôi, chuyên chăm sóc ăn uống, đi lại và an toàn. Hàng ngày cứ ăn sáng xong, cần vụ lại đưa cậu ta đến trước khuôn viên có tường cao hào sâu, sau đấy sẽ có hiệu thính viên đưa cậu ta vào phòng máy. Vào đến phòng máy, công việc của cậu ta là ngồi đấy chờ đồng nghiệp có vấn đề gì, thì giải cứu. Nhưng tình huống đó không nhiều, phần lớn thời gian cậu ta học chữ nổi và nghe đài. Nói tóm lại, cậu ta cũng không chịu ngồi yên, buổi chiều không muốn vào phòng máy, mà đòi ra những nơi công cộng trong khuôn viên để gϊếŧ thời gian. Nơi cậu ta thường đến nhất là trung đội cảnh vệ, cậu ngồi bên thao trường, nghe tân binh tập luyện, ca hát, đấu võ, đùa nghịch, có lúc chơi trò “thính lực” với họ. Lúc ấy, tôi vì có công phát hiện và hướng dẫn Bỉnh, nên được đề bạt vượt cấp lên Phó Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Thám thính, trung đội cảnh vệ do tôi quản lí. Ở đây, mỗi chiến sĩ đều ghi nhớ lời dặn của tôi: Không được tỏ ra xem thường Bỉnh, cũng không được tùy tiện nói đùa với cậu ta.

Sự thật thì lời cảnh cáo của tôi là thừa, bởi ngay cả trong đơn vị 701 cũng không ai không kính trọng Bỉnh như một vị thủ trưởng, không ai dám trêu đùa với cậu ta. Tôi chú ý những nơi Bỉnh xuất hiện, bất kể đấy là đâu, ai trông thấy cậu ta cũng tự động đứng lại, đưa mắt chào, thậm chí nhường đường, mỉm cười với cậu ta, tuy cậu ta không trông thấy. Tôn trọng một người như vậy là chuyện chưa từng có trong đơn vị 701, có lẽ cũng sẽ không có trường hợp thứ hai.