Lắng Nghe Trong Gió

Chương 18: Chương 4.14

Những người lớn tuổi ở quê chúng tôi đều biết, quân Nhật đến Nam Kinh vấp phải sự chống trả quyết liệt, bị thiệt hại nặng, nên chúng tìm cách trả thù. Cuộc đại thảm sát Nam Kinh là một ví dụ. Lúc đánh đến quê hương chúng tôi, chúng vẫn tiếp tục trả thù, chúng gϊếŧ sạch, đốt sạch, cướp sạch, không chuyện xấu xa tàn bạo nào không làm. Nhưng gia đình tôi còn khá, rất may vẫn có tin tức của cha tôi, ông thu xếp để mẹ tôi đưa tôi và hai người em gái về Vô Tích sống hơn một năm. Làng tôi tạm trú ở ngay bên Thái Hồ, có đến nửa số người trong làng sống bằng nghề chài lưới. Tôi có một ông bác họ là người đánh cá nổi tiếng một vùng. Đến mùa đông cá lặn sâu dưới đáy hồ, người đi đánh cá đều về tay không, riêng ông không bao giờ chịu thua, không thể tưởng tượng nổi, trong giỏ cá của ông có cá to, lại có cả tôm cua. Nguyên nhân là, bác tôi có bí quyết đánh cá rất đặc biệt: Từ những bọt bong bóng nổi lên mặt nước, ông biết chỗ nào là tăm cá ngủ đông, chỗ nào không phải; những nơi có tăm cá ông thả lưới xuống, lưới trời l*иg lộng, cá không thoát nổi.

Tôi có cảm giác Bỉnh thám thính đài địch cũng như thế, cậu ta không những nhận ra đâu là tăm cá trong đống bọt nước, mà còn từ trong các kiểu bọt nước khác nhau để nhận biết các loài cá. Nói cách khác, cậu ta biết dưới bọt nước kia là cá, hơn thế còn biết là cá gì, cá chép, cá mè hay các loại cá khác.

Không nghi ngờ gì nữa, Bỉnh còn cao thủ hơn bác họ tôi một bậc.

Tôi đã từng nói, muốn giành thắng lợi là tâm trạng chung của tất cả những người ở 701. Trước khi Bỉnh bước vào phòng máy, không ai biết phải giành thắng lợi bằng cách nào, nhưng từ ngày Bỉnh bước vào phòng máy, tưởng chừng mọi người cùng biết. Hôm ấy, Bỉnh ngồi trong phòng máy mười tám tiếng đồng hồ, hút hết bốn bao thuốc lá, tìm được năm mươi hai tần số của ba đài địch, bình quân mỗi tiếng đồng hồ tìm được ba tần số, tương đương với số tần số các hiệu thính viên trước đây tìm trong mười ngày cộng lại.

Quả là con số vô cùng phấn khởi và khó tin.

Về sau, tất cả đều biết, mỗi ngày Bỉnh vào phòng máy là mỗi ngày cậu ta tự phá vỡ kỉ lục của mình. Ngày nhiều nhất, ngày thứ mười tám, cậu ta tìm được được năm đài địch, gồm tám mươi hai tần số. Thật kì lạ, sau ngày hôm ấy, số đài địch và số tần số cậu ta tìm giảm dần, đến ngày thứ hai mươi lăm, không tìm thấy đài nào. Hôm sau, buổi sáng cậu ta không tìm được đài nào; buổi chiều nhất định không vào phòng máy nữa, cho rằng đã tìm hết đài địch.

Phải chăng là thế?

Theo bảng thống kê tiến độ tìm thấy đài địch cho đến lúc này chúng tôi đã tìm thấy và khống chế được tám mươi sáu điện đài của đối phương, tổng cộng một ngàn năm trăm mười sáu tần số, trong đó riêng Bỉnh tìm được bảy mươi ba điện đài, một nghìn ba trăm linh chín tần số, chiếm 96% số điện đài và 87% số tần số. Nhưng theo tài liệu chúng tôi nắm được, ít nhất còn hai mươi điện đài chưa tìm thấy, hơn nữa đấy là những điện đài trong hệ thống quân sự cấp cao của đối phương.

Không thể nghi ngờ tài liệu, rõ ràng còn có những điện đài chưa tìm thấy. Nhưng chúng tôi cũng tuyệt đối tin tưởng tín nhiệm Bỉnh, cho rằng anh ta sẽ tìm thấy hết điện đài của địch. Tại sao lại xảy ra chuyện này? Cục trưởng triệu tập chuyên gia các ngành đến họp, phân tích, nghiên cứu, kết quả mọi người đều nhất trí, chỉ có một khả năng, đó là, những đài địch chưa hiện hình, chắc chắn chúng tồn tại dưới một hình thức không giống với những điện đài đã hiện lên, nếu không Bỉnh sẽ không bó tay.

Nhưng là hình thức nào?

Không ai biết.

Hội nghị giải tán nhưng chưa kết thúc.

Hôm sau, tôi không đưa Bỉnh lên phòng máy, mà lái một chiếc ô tô, quyết định đưa cậu ta đi chơi để thư giãn. Tôi định đến vườn dâu là nơi nghỉ ngơi tốt nhất, nhưng tìm mãi không ra, cuối cùng đến vườn quả. Tôi sẽ không nói đấy là vườn quả gì, vì nếu biết là vườn quả gì rất có thể bạn thu nhỏ phương vị khu vực đơn vị 701 của chúng tôi ở miền Nam hay miền Bắc. Ở Đông Nam hay Tây Bắc? Ở đấy, ở vườn quả, chúng tôi vừa hít thở khí trời, vừa nói chuyện. Bỉnh vui như một đứa trẻ, còn tôi giống như một người cha đầy nỗi niềm tâm sự. Trước khi kết thúc buổi đi chơi, tôi kể với Bỉnh chuyện ông bác họ tôi đánh cá, đoạn cuối câu chuyện do tôi bịa ra, rất thần thoại, nhưng Bỉnh nghe say sưa, cho là thật.

Tôi nói: “Có một mùa đông, bác tôi ra hồ đánh cá, nhưng liền mấy ngày không thấy tăm cá nổi lên. Bác tôi cho rằng cá trong hồ ông đã bị bắt hết, vậy là ông ở nhà, ăn cá khô qua ngày. Nhưng rồi một hôm, đứa cháu nhỏ của ông ra hồ chơi, trông thấy từng đàn cá lớn lượn bên bờ hồ. Điều ấy chứng tỏ, trong hồ còn rất nhiều cá, nhưng đàn cá này rất tinh khôn, chúng biết nếu lặn sâu dưới đáy hồ thế nào cũng bị bác tôi tìm thấy, cho nên chúng rời khỏi đáy hồ, rời nơi nước sâu, đến khu vực nước cạn gần bờ. Nước gần bờ tuy lạnh, nhưng có đủ không khí, không cần thở mạnh cũng có thể sống, không nổi tăm, bác tôi sẽ không tìm thấy chúng”.

Tôi muốn cho Bỉnh biết, ít nhất chúng ta còn hai mươi đài địch chưa tìm thấy. Tại sao chưa tìm thấy? Là bởi chúng như đàn cá lớn khôn ngoan tránh đi nơi khác, tránh đến chỗ chúng ta không ngờ tới. Tránh đi đâu? Lúc này chỉ có một cách tìm thấy chúng, nhưng cách này rất khó, tôi hỏi Bỉnh có muốn thử không. Bỉnh nói ngay:

“Vậy chúng ta về”.

Tức là cậu ta muốn thử.

Trên đường về, tôi cố tìm một trạm bưu điện, gửi cho mẹ Bỉnh một trăm đồng. Tôi nói với cậu ta, đây không phải tiền riêng của tôi, mà là tiền của rất nhiều người trong đơn vị, họ cũng như tôi, rất mong cậu ta tìm ra những đài địch kia. Tôi tin rằng, tôi và làm như thế rất ý nghĩa, vì Bỉnh là đứa con có hiếu, rất trọng tình nghĩa, biết tri ân đền đáp.

Về đến đơn vị, tôi vào phòng tư liệu chọn ra tám hộp băng ghi âm, tất cả đều là băng ghi âm tư liệu của hai mươi đài địch chưa tìm thấy, để chúng trước mặt Bỉnh, nói với cậu ta:

“Nhiệm vụ của anh là nghe những cuộn băng này, nghe đi nghe lại, nghe thật kĩ. Nghe gì? Không phải nghe đặc điểm âm thanh của chúng, mà nghe đặc điểm phát tin của báo vụ viên, tôi nghĩ nhất định anh sẽ nghe ra trong đó có bao nhiêu báo vụ viên và, mỗi báo vụ viên phát tín hiệu có đặc điểm gì”.

Tôi nghĩ rằng, tuy chúng tôi nhận định hai mươi (ít nhất là hai mươi) điện đài cấp cao đối phương chắc chắn sẽ có một hình thức tồn tại khác với những đài khác, như vậy có nghĩa là, chúng ta không thể dùng những biện pháp cũ vẫn dùng, căn cứ vào đặc điểm tính chất âm thanh thiết bị để hình dung và phán đoán tìm ra đài địch, muốn tìm thấy chúng phải có một con đường khác. Nếu Bỉnh có thể nhận biết đặc điểm của từng báo vụ viên của những đài này khi phát tín hiệu, vậy thì đấy sẽ là con đường đúng lắm.

Nói là nói vậy, thật ra ai cũng biết, chuyện này còn khó hơn lên trời.

Tất nhiên, về lí thuyết mà nói, báo vụ viên phát tín hiện bằng tay, giống như chúng ta dùng mồm để nói chuyện, mỗi người có một khẩu âm khác nhau. Nhưng khác biệt này rất nhỏ, hết sức khó phân biệt. Có thể nói, trên thế giới không có ngôn ngữ nào đơn giản hơn moóc, ngôn ngữ ấy chỉ có hai âm tích và tè. Vì nó quá đơn giản, hơn nữa lại là thứ ngôn ngữ chuyên nghiệp, người sử dụng phải được đào tạo chuyên nghiệp, cho nên ai cũng đều có thể nắm vững tiêu chuẩn. Mọi người cùng một tiêu chuẩn nên có rất ít sự khác biệt, dù có cũng rất nhỏ, đến độ người khác khó cảm nhận rõ ràng. Trong gần năm mươi năm chuyên nghe đài địch, tôi chỉ nhận ra một báo vụ viên của đối phương, người này phát tín rất trơn tru, có một động tác rất riêng: năm cái tích thường phát thành sáu, tức là tích tích tích tích tích tích. Trong moóc không có sáu tích, đấy là một chữ riêng biệt, cái riêng biệt này không gây nên sự hiểu sai, và ai cũng cho rằng chỉ có năm tích thôi. Tôi làm quen với báo vụ viên này như thế, mỗi lần nghe thấy sáu “tích” biết ngay đang ca làm việc của báo vụ viên ấy.

Đối với những báo vụ viên giỏi, những lỗi ấy rất ít, nhất là ở những điện đài cao cấp, nếu cứ như vậy mãi sẽ bị loại. Cho nên, tôi đề nghị nhưng trong bụng cũng rõ, bảo ai đó phân biệt đặc điểm phát tín hiệu của báo vụ viên đối phương, điều ấy khó hơn lên trời, cho dù đã biết cấp cao hay cấp thấp cũng đều không thể.

Nhưng Bỉnh chừng như đã chứng tỏ cho chúng tôi biết cái thần kì tuyệt vời của cậu. Buổi sáng hôm sau, tôi đang ngủ, thì người phụ trách nhà khách gọi điện cho tôi, bảo anh Trần gọi tôi, vừa đến nơi, Trần đưa cho tôi mấy tờ giấy, nói:

“Cậu Bỉnh đã nghe hết tám cuộn băng ghi âm, tất nhiên là chỉ cưỡi ngựa xem hoa, nhưng Bỉnh có cần nghe kĩ hay không? Kết quả ở những trang giấy này đây, anh xem”.

Tôi vừa xem, Trần vừa ngồi một bên ca ngợi: “Thật khó mà tin nổi, quả là thần kì, cái cậu Bỉnh này. Tôi dám nói, chỉ mấy hôm nữa chúng ta có thể tìm thấy tất cả điện đài của đối phương”.

Tôi có chung một cảm giác với Trần. Bỉnh không những nghe ra bảy mươi chín báo vụ viên trong tám cuộn băng, hơn nữa còn “chú giải” đặc điểm riêng của từng “dấu tay”. Ví dụ:

Số hai: “5/4 thường phát nhầm số, phải cải chính”.

Số ba: “Phát tích số một, âm quá ngắn”.

Số bốn: “Nhịp tay nhanh nhẹn, lưu loát”.

Số mười lăm: “Lúc chào có động tác rất riêng, thích phát GB thành GP”.

Vân vân.

Tóm lại, từ một đến bảy mươi chín, không một ai may mắn, tất cả những cái sai đều bị Bỉnh tóm gáy hoặc tóm đuôi. Chúng tôi không kiểm tra xem Bỉnh tóm gáy hay tóm đuôi, nhưng có điểm xác nhận, đó là mười hai điện đài xuất hiện bảy mươi chín báo vụ viên, con số đó có thể tin được, bởi mỗi điện đài phải làm việc ngày đêm, cần ít nhất sáu báo vụ viên, 6 x 12 = 72, phải có người dự bị thay ca, trong khoảng thời gian nhất định xuất hiện bảy mươi chín báo vụ viên, đó là điều hợp tình hợp lí. Bỉnh không hiểu những điều ấy, điều này cũng loại trừ khả năng đoán sai của cậu ta.

Sau đấy tôi nói với Bỉnh: “Bây giờ chúng ta đi ăn sáng, ăn sáng xong anh và tôi đến phòng máy, tiếp tục dò ra những báo vụ viên ấy”.

Tôi bảo đi tìm báo vụ viên là để cậu ta hiểu, lần này dò đài không như những lần trước, trước đây chủ yếu phân biệt chất âm thanh, còn bây giờ phải nhận biết dấu tay, nhưng chất âm thanh hay dấu tay cũng vậy, cuối cùng vẫn là tìm đài địch.