Những ngày tháng trong quá khứ như một giấc mơ ảo ảnh, đôi khi được ghi nhớ rất rõ ràng, đôi khi lại mơ hồ như chưa từng tồn tại.
Thẩm Uyển là chị gái lớn trong nhà, hơn em trai là Thẩm Thành ba tuổi. Gia đình sinh sống tại thủ Cảng, ba của họ – Thẩm Vĩnh Phong là một con ma men, mỗi lần đánh bạc thua hết tiền lại đi uống rượu, sau đó vác cơ thể nồng nặc mùi rượu về nhà, bản thân ông ta cũng không biết mình sẽ làm những gì.
Vợ ông ta – Phùng Tuệ cũng là dân cờ bạc, nếu không sẽ chẳng bao giờ đến với Thẩm Vĩnh Phong.
Thẩm Vĩnh Phong đánh bạc bên ngoài, đến khi thua hết tiền thì đi nhậu nhẹt, nhậu xong lại phải kiếm chỗ để trút giận, ban đầu thì là Thẩm Uyển, cứ thế cho đến khi em trai được sinh ra và lớn lên, thì chỗ trút giận của ông ta đã đổi thành Thẩm Thành.
Khi còn nhỏ không biết nhìn sắc mặt người lớn, mỗi lần thấy ba loạng choạng về nhà, cậu bé lại bước đến trước mặt:
“Ba bế bế.”
Giọng nói còn non nớt, giương đôi mắt tò mò nhìn ba mình cũng đang “chập chững” bước đi.
Thẩm Vĩnh Phong cả người nồng nặc mùi rượu, thế giới lắc lư đảo lộn, nheo mắt nhìn thứ nhỏ bé dưới chân, rồi đá văng đi, vẻ mặt cau có, ông ta chỉ biết rằng hôm nay mình đã mất cả một tháng lương.
Thẩm Thành nhỏ bé năm tuổi, bị đá văng trên mặt đất, trán đập vào chân bàn rách toạc, bật khóc nức nở vì đau đớn. Thẩm Uyển tám tuổi đang làm bài tập trong phòng chung của mình và em trai, bỗng nghe thấy tiếng động, lập tức đánh rơi cây bút trên tay, chạy ra ngoài kiểm tra.
Thấy trán Thẩm Thành bị rách một mảng, máu chảy khắp khuôn mặt. Cô bé tám tuổi run rẩy bịt lại vết thương trên trán em trai, nhẹ giọng dỗ dành: “A Thành đừng khóc.” Tay còn lại với lấy tờ khăn giấy trên bàn ấn lên vết thương của em.
Cô gái vừa dỗ dành em trai mình, vừa cảnh giác liếc nhìn cửa phòng ngủ của ba mẹ đang hé mở, cô ấy biết, ba mình đã trở về.
Cậu em trai không ngừng khóc lớn, quả nhiên rất nhanh đã đánh thức ba dậy, Thẩm Vĩnh Phong một chân đá bay cửa phòng ngủ, lao ra ngoài hét vào mặt đứa trẻ đang ngồi dưới sàn: “Khóc cái gì mà khóc! Nếu còn khóc, tao sẽ ném mày ra ngoài cho chó ăn!”
Khi đứa nhỏ nghe thấy những lời đe dọa khϊếp sợ ấy, cậu lại càng bất chấp mà khóc to hơn, cậu bé ngồi bệt dưới đất, không còn biết sợ hãi điều gì khác ngoài những đau đớn trên trán mình.
Cô gái kinh hãi nhìn khuôn mặt gớm ghiếc của ba, vội vàng đưa tay bịt miệng em trai đang gào thét lại, còn cậu thì lại vươn tay lên gỡ tay chị ra, hai bàn tay nhỏ đầy máu cứ thế mà đan xen vào nhau, máu chảy đầm đìa cùng nước mắt nước mũi, tất cả lấm lem quanh khuôn mặt.
Thẩm Vĩnh Phong kích động, đi đi lại lại như đang tìm kiếm thứ gì đó, đột nhiên ông ta nhấc chiếc ghế bên bàn ăn lên, nện xuống nguồn đang phát ra tiếng kêu.
Cô gái quay người lại để bảo vệ em trai mình, thân hình nhỏ bé ôm chặt cậu vào lòng, lưng và đầu bị chiếc ghế đập trúng, giọng nói như bị bóp nghẹt, cơn đau dữ dội gần như khiến cô ngất xỉu. Thẩm Uyển nghiến răng nghiến lợi, kìm nén tiếng nức nở trong cổ họng, để tiếng động không phát ra ngoài, chỉ cần yên tĩnh trở lại sẽ không sao nữa, sẽ không sao nữa…
Có lẽ cậu em đã bị dọa sợ, liền thu mình trong vòng tay chị gái, bên tai là tiếng thì thầm của chị: “A Thành, đừng khóc, đừng khóc, a Thành ngoan, đừng khóc…”
Đứa trẻ lúc này cũng đã biết mình đang được che chở, cậu giống như nhận được sự an ủi lớn lao, chẳng mấy chốc đã không còn khóc nữa.
Ném xong chiếc ghế, Thẩm Vĩnh Phong như được giải tỏa cơn giận, ông ta mơ mơ hồ hồ quay lại phòng ngủ, nằm vật ra giường.
Thấy phía sau không còn động tĩnh gì nữa, cô gái run run hai hàng mi, mở mắt ra nhìn, thấy phòng khách không còn ai mới vội vàng kéo em trai chạy ra khỏi phòng.
Cửa nhà hàng xóm bị gõ, khi vừa mở cửa ra đập vào mắt họ là hai đứa trẻ đang đứng dưới đất, một cao một thấp, đứa lớn nắm tay đứa nhỏ, nhưng vẫn không quên dùng tay còn lại bịt chặt vết thương trên trán em trai mình. Vừa thấy cánh cửa mở ra, cô gái lập tức cầu xin sự giúp đỡ: “Cầu xin dì đưa em trai con đến bệnh viện được không ạ?”
Người hàng xóm tốt bụng là một phụ nữ trung tuổi, thấy hai đứa trẻ tay bê bết máu, bà vội vàng bế đứa nhỏ chạy xuống lầu, hỏi: “Va vào đâu mà thành ra thế này?”
“Em trai… Em trai con không cẩn thận ngã vào chân bàn.” Cô gái lo lắng nói dối.
“Người lớn trong nhà con đâu cả rồi?” Người phụ nữ tức giận hỏi.
Lòng bàn tay đẫm mồ hôi, cô gái căng da đầu, cắn răng nói: “Đi, đi… Đi làm chưa về ạ.”
“Đã mười giờ rồi đó! Mà vẫn chưa về?” Người phụ nữ vừa nói vừa lái xe đưa hai đứa nhỏ tới bệnh viện.
Cô gái nhỏ biết người hàng xóm tốt bụng này mới chuyển đến, nên không dám nói sự thật, sợ sẽ nghe thấy mấy từ “báo cảnh sát”, trước đây cô chú hàng xóm của cô ấy cũng báo cảnh sát, nhưng lần nào cảnh sát cũng chỉ đưa ba cô bé đi một lúc là lại được thả về, đến khi về bọn họ lại bị đánh một trận, nên tốt hơn là không nên để bà ấy biết.
Một cô bé mới học lớp hai, đã phải dùng cái đầu nhỏ của mình để phân tích những tình huống trước mắt.
Cô gái đổi chủ đề: “Dì à, dì có thể cho con mượn điện thoại được không, con muốn gọi điện cho mẹ.”
Trong một phòng mạt chược đầy khói thuốc nào đó ở thành phố được gọi là “thành phố tự do” tại thủ Cảng, một người phụ nữ trang điểm rất đậm, miệng ngậm điếu thuốc, mất kiên nhẫn lôi điện thoại ra nghe:
“Alo. Ai thế?”
“Mẹ, là con, em trai bị thương rồi, mẹ có thể đến với bọn con một chút được không?” Cô gái nhỏ giọng hỏi.
Người hàng xóm đang lái xe, nghe thấy giọng van xin của cô gái, mặc dù có chút không hiểu nhưng bà đã vô cùng tức giận mà giật lấy điện thoại, hét to: “Con cô bị thương, tôi đang đưa hai đứa tới bệnh viện nhi Tây Nhân, cô đến đó ngay đi.”
Phùng Tuệ vừa ném quân bài ra vừa mắng nhiếc: “Ai mượn cô đưa con tôi đi bệnh viện? Vết thương có nghiêm trọng không? “
Người phụ nữ nghe thấy vậy, lập tức nhướng mày nhìn sang cậu em trai sắc mặt tái nhợt, môi không còn tia máu, đang nằm trong vòng tay chị gái ngồi bên phía ghế phụ: “Nghiêm trọng.” Bà ấy nói xong liền dập máy, hỏi cô gái bên cạnh: “Gọi cho ba con đi.”
Cô gái né tránh ánh mắt bà, sau khi cầm lấy điện thoại cũng không bấm gọi, cuối cùng nghĩ ra một lý do, nói: “Ba con hôm nay đi làm quên mang theo điện thoại…”
Người phụ nữ thở dài, tự hỏi trong lòng không hiểu đây là loại cha mẹ gì, sao có thể để hai đứa nhỏ ở nhà chẳng thèm lo lắng như vậy, nhưng bất luận thế nào bà ấy cũng không thể nghĩ ra rằng việc tốt này là do cha của chúng gây ra.