Trình Thủy bắt đầu chịu không nổi quấy nhiễu, buột miệng nói: Cũng không phải là không có cách cứu Đổng cữu phụ, đó là con trai đi đầu thú, thú nhận cậu trộm cắp vì nghe theo lời con trai. Con trai rơi đầu để cứu đổi Đổng cữu phụ, nhà ta bị lục soát để đổi về Đổng gia, mẫu thân nhìn xem thế nào?
Lúc này Trình mẫu mới chịu im, đúng là bà xót em trai nhưng cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy con trai đổi em trai; nào ngờ Đổng cữu mẫu lại quay ra giật dây, nói ‘cháu trai là quan lớn, phạm lỗi thì có sao, cùng lắm chỉ phạt tiền, chi bằng bảo cháu trai đi nhận tội này đi?!’. Bà ta vừa dứt lời, mẹ con Trình gia giận đến tái mặt.
Người bên ngoài sẽ nghĩ, may mà Đổng gia bất tài, không thể bước chân vào ngục ti, cũng không thể gặp Đổng cữu phụ, chứ lỡ mà thật khéo lại cấu kết bày mưu kéo Trình gia xuống bùn.
Trình Thủy mới nổi trận lôi đình, mặc xác có người nghe thấy hay không, hét lớn với Trình mẫu đang ngồi trong đại sảnh: “Được! Bách thiện hiếu vi tiên*, chỉ cần mẫu thân nói một tiếng, con trai sẽ đến Bắc quân ngục tự cáo mình! Về sau mẫu thân cứ theo Nhị đệ Tam đệ mà sống!”
(*Trong trăm cái thiện, chữ hiếu là đầu.)
Không ít người nghe được câu này, hầu già quản sự xì xào nói lão phu nhân nhà mình điên rồi. Chỉ có Tiêu phu nhân đứng trong góc là mỉm cười, một khi buông lời trách mắng thì nào nói lời hay, hễ bắt đầu tranh chấp thì dù tình cảm sâu đậm tới mấy cũng sẽ tổn thương.
Lúc này Trình mẫu đã tỉnh rượu, tát Đổng cữu mẫu một phát thật mạnh, rồi bản thân cũng ủ rũ ngồi lì trong phòng. Nghe được Trình Thủy ra lệnh cho gia nô không được để Đổng cữu mẫu bước chân vào Trình gia nửa bước, ai dám cho người vào thì đánh gãy chân kẻ đó, Trình mẫu không dám xía vào nữa. Cứ thế chuyện này tạm gác lại tại đây, cho đến ngày thứ ba Đổng Lã thị đến cửa tạ tội.
Theo như Thanh Thung phu nhân giải thích (là Liên Phòng kể lại), cha con Đổng gia – lớn hám tài nhỏ háo sắc, Đổng cữu mẫu lại là người u mê, chỉ có Đổng Lã thị là người khôn ngoan duy nhất tại Đổng gia; có điều sự khôn ngoan ấy được đánh đổi bằng rất nhiều đau khổ.
Hai nhà Đổng – Lã vốn vốn là nông hộ giàu có, phụ thân hai nhà cũng đã đính hôn cho con từ trước đó rất lâu, nào ngờ Đổng Thái công qua đời sớm, cộng thêm thiên hạ đại loạn, rồi dần dà gia sản vơi đi, còn Lã gia vẫn đứng vững. Vì giữ lời hứa, Lã Thái công đã gả cháu gái vào Đổng gia đến cơm ăn cũng không đủ no. Những năm đầu, Đổng cữu phụ và Đổng cữu mẫu đối xử với cô con dâu này không tệ, nào ngờ đồng chí Trình Thủy lại quá xuất sắc, chưa đến mấy năm đã phất lên, nhìn con dâu Trình gia không giàu thì sang, hai trưởng bối Đổng gia cảm thấy cô con dâu này mắt không ra mắt mũi chẳng ra mũi. Nếu không nhờ Đổng Lã thị sinh được có nếp có tẻ, lại giỏi nịnh nọt thì e nàng đã sớm bị bỏ rồi.
Cũng chẳng hay Đổng Lã thị đã nói gì với Trình mẫu, nói từ lúc trời tờ mờ cho đến tận ban trưa, nói tới khi Trình mẫu nguôi giận, tới tối thì lắp bắp sai người gọi Trình Thủy và Tiêu phu nhân lại, tỏ vẻ muốn nhượng bộ.
Lúc nghe bẩm Trình mẫu cho gọi, Trình Thủy và Tiêu phu nhân đang dùng bữa với Trình Thiếu Thương, lấy đó hâm nóng tình cảm gia đình; thấy tỳ nữ quỳ ở cạnh cửa có vẻ thấp thỏm, Thanh Thung phu nhân bật cười, nói: “Vẫn sớm hơn so với dự liệu của phu nhân, xem ra Lã thị cũng mồm mép đấy.”
Tiêu phu nhân chỉ cười không đáp, đứng dậy toan ra cửa, trước khi đi Trình Thủy còn không quên dặn con gái: “Niệu Niệu ăn cơm trước đi nhé, nhớ ăn nhiều thịt vào!”
Trình Thiếu Thương định đứng giơ tay lên thì bỗng khựng lại, đoạn đáp: “Vâng. Cung tiễn phụ thân mẫu thân, phụ thân mẫu thân về sớm nhé.”
Giọng con gái mềm như bột mì đã nhào, Trình Thủy mát lòng mát dạ, cười tít mắt gật đầu rồi rời đi.