Nhìn vẻ mặt bướng bỉnh của Du Thái Linh, Lý quản phụ đành nuốt cơn giận xuống, nghĩ bụng, chờ tới lúc về để xem phu nhân trị ngươi thế nào.
Du Thái Linh phớt lờ bà ta, ôm gối tựa vào thành xe giả vờ ngủ, trong đầu nhớ lại một câu chuyện từng được nghe khi còn ở trong làng: ngày xưa một người nào đó của tiền triều bị bọn cường hào ác bá làm hại, kẻ thù biết phú ông không có con trai cũng chẳng có cháu trai, con gái đã lấy chồng sinh con thì không khỏi khấp khởi vui mừng. Nào ngờ người con gái đã xuất giá cầm đao trả thù, cuối cùng chém chết kẻ thù ngay trong kinh đô, sau đó đến trước mặt bề trên nhận tội đền tội. Kết quả là Thứ sử* với Thái thú** vùng ấy đồng loạt dâng tấu lên triều đình khen ngợi hành động vì nghĩa của cô gái đó, cô gái chẳng những được đại xá phóng thích mà còn được khắc đá lập bia rao danh thiên hạ.
(*Thứ sử là một chức quan trong thời kỳ cổ đại, đứng đầu đơn vị giám sát, sau là đơn vị hành chính ‘châu’, dưới ‘châu’ là ‘quận’.)
(**Thái thú đứng đầu đơn vị hành chính ‘quận’, là người đại diện của triều đình trung ương tiếp xúc với dân địa phương.)
Câu chuyện này không giống với cổ đại trong ấn tượng của Du Thái Linh cho lắm.
Trong ấn tượng của cô, điều lệ thời phong kiến trói buộc phụ nữ theo kiểu muốn một đòi mười, phải giữ đức hạnh công dung như mạng, quy định chi tiết tới độ một bước đi được rộng ba nhiêu cen-ti-mét, khi nói chuyện được ngẩng đầu cao mấy tấc, có những quy định rõ ràng và nghiêm ngặt hệt như hệ thống đo lường chuẩn quốc tế, nữ giới bị kiểm soát chặt chẽ đến mức không biết tức giận, tựa như người gỗ.
Nhưng ở đây, dân trí dường như rất phóng khoáng tự do, kiểu như không thế này thì thế kia; thiên hạ rộng lớn, không có gì là không thể, đoan trang tài đức vẹn toàn tất sẽ được mọi người ngợi khen, nhưng rắn rỏi kiên cường cũng sẽ được tung hô y thế.
Như nhà họ Thu kia chẳng hạn, tuy Thu đại nương tử gả cưới nhiều lần, nhưng vì nàng ấy vừa lớn gan vừa kiên quyết, dù là khi hai anh trai vẫn còn trong quân đội hay thành thương binh trở về nhà, thì mỗi lần cha mẹ người thân bị ức hϊếp, nàng ấy luôn là người dẫn dắt phe cánh đi tranh giành đánh chửi, chẳng trách vợ chồng cụ Thu lại cưng chiều cô con gái này đến thế, mấy cậu con trai đều không lợi hại bằng em gái. Người ở làng cũng chỉ nói vài câu cười đùa thô tục trong buổi hôn lễ, chứ không hề ho he mấy câu đầy mỉa mai như ngựa tốt không xứng hai yên gì đó.
Tóm lại là, con gái dịu dàng đằm thắm tất nhiên dễ xuất giá, nhưng người hung dữ mạnh mẽ cũng sẽ không bị người đời chê trách như cô nghĩ.
…
Cứ như để chứng minh căn bệnh của Du Thái Linh là thật mà khi đi được nửa đường, cô bỗng lên cơn sốt, xe ngựa xóc nảy khiến cô nôn ra hết bữa trưa mới ăn cách đó không lâu, nôn cả dịch mật. Lý quản phụ sợ hãi, bảo phu xe đánh xe nhanh lên, thế nên khi về tới phủ thì cơn sốt nhẹ của Du Thái Linh đã thành sốt cao, đầu đau muốn nứt, thần trí mơ màng, cô không nhìn rõ phủ đệ trông như thế nào, chỉ cảm thấy xe ngựa đang tiến dần vào phủ thôi.
Lý quản phụ chỉ muốn nhanh chóng thoát khỏi gánh nặng này, vừa thấy cửa viện thì chẳng sĩ diện đòi người hầu đến đỡ mà lập tức nhảy xuống khỏi xe ngựa, sau đó nhanh chóng đỡ Du Thái Linh xuống xe đưa vào nhà lớn, cũng may cô gái còn chưa trưởng thành, dù cõng cũng không tốn bao nhiêu sức.
Du Thái Linh sốt nóng đến mức mặt đỏ bừng, trong bụng lại cười nhạt: hồi còn ở làng, Trữ luôn đợi mặt trời mọc cao xua tan khí lạnh mới đồng ý cho cô ra ngoài, còn quấn cô kín mít rồi mới cho đi. Nhưng đám người này thì cứ thế lôi một đứa trẻ đang bệnh chỉ mặc mỗi khúc cư thâm y ra khỏi khoang xe ấm áp, vội vã giao nộp. Thế nên nếu còn nhắc gì đến việc cái người gọi là thẩm thẩm gì đó yêu thương chủ nhân cơ thể này thế nào, cô sẽ không đời nào tin; đợi sau này có cơ hội, cô chắc chắn sẽ khiến đám khốn kiếp này ăn một trận đòn no mới trút giận được.