Báo Ứng Hiện Đời

Chương 44: Mang Thai Không Nên Nối Giận

Tại một ngôi chùa ở Tây An, có một phụ nữ khoảng 50 tuổi đang hướng Hòa thượng Diệu Pháp kể lể những uẩn khúc của bà.

Vợ chồng bà sớm đã li dị, nhưng đứa con gái do bà trăm cay ngàn đắng dưỡng nuôi khôn lớn (hiện là sinh viên Viện Nghiên Cứu Đại Học Bắc Kinh), từ sinh ra đến giờ tâm tính hành vi nó rất kỳ khôi, luôn thích kình chống mẹ. Hễ bảo nó đi Đông thì nó rảo Tây. Thí như nó ưa ăn cơm rau xào, bà liền làm thật ngon cho nó ăn, rõ ràng là nó đang thưởng thức say mê, vậy mà cứ làm ra bộ chẳng thích, leo lẻo nói mình ưa thứ khác và trách mẹ không chìu theo.

Hôm sau, bà làm đúng thứ nó yêu cầu, thì nó lại nói mình “ưa món khác, chẳng phải thứ này”… nghe mà phát tức vậy đó!

Nhưng ở bên ngoài, ai cũng khen nó là một cô gái rất biết điều và năm nào cũng được bầu chọn là học sinh giỏi nhất của trường. Mặc dù nhờ ảnh hưởng mẹ, nó cũng tin Phật, nhưng thái độ cư xử vẫn không thay đổi. Hễ bà nói “niệm Phật tốt” thì nó nghiêng qua tham Thiền, dù lúc tĩnh tọa thấy rõ ràng nó niệm Phật…

– Thưa sư phụ, ngài nói xem, có phải là nó nghịch duyên với con không, có phải nó đến đòi nợ con không?

Hòa thượng bảo: Lúc mang thai cháu được sáu tháng, bà thường nổi giận, bà đã gây cãi với chồng mấy lần?

Bà nghĩ ngợi một lúc rồi đáp: Dạ có, con gây với ông xã hai lần.

– Chồng bà ngày xưa một bề yêu thương bà, phải không?

– Dạ đúng ạ!

– Chồng bà mỗi khi gây, giận, lòng rất oán trách bà, vì mỗi lần gây dù bà biết mình sai, song vẫn cố cãi bướng. Sau đó bà làm mất đi lòng yêu thương chồng dành cho bà, cũng khiến ông mất lòng tin về cuộc sống chung. Khi chồng bà đề nghị ly hôn, bà tuy trong lòng rất không muốn, nhưng ngoài miệng cứ oang oang nói lời trái ngược, còn hùng hổ tuyên bố:

– Ly thì ly…! ông cút xéo ngay cho tôi!

Từ hồi ly dị đến giờ bà không tái hôn, là bởi vì hối hận và hoài niệm… đúng không?

Đột nhiên bà bật khóc tức tưởi nghẹn ngào. Lệ tuôn ràn rụa…

Hòa thượng nói tiếp:

– Lúc bà gây cãi với chồng, thai nhi trong bụng cũng khởi niệm tức giận bà. Cơn phẫn nộ của bà cũng làm thương tổn đến gan tạng con bé. Bà có lỗi nhưng không chịu nhận mình sai, dẫn tới vợ chồng phải ly dị khiến cháu bị mất mát tình thương của cha (mà nó chủ yếu là vì cha mà đến) đầu thai làm con gái hai người, nên tận trong sâu thẳm của ý thức, nó đã có sẵn niềm oán hận bà.

Thực ra, nội tâm bà đã thầm sám hối lỗi xưa với chồng, chỉ là không chịu công khai nói ra thôi. Có một cách giúp bà chuộc lỗi (mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hiện tại của ông), để ông biết bà đã ăn năn, thì hãy dùng tâm sám hối đó đối diện với con gái. Chính do sai trái của bà khiến đời này nó bị mất đi tình phụ tử. Khi ở nhà bà hãy chí thành tụng, lễ ba bộ “Lương Hoàng Sám”. Dưới sự gia trì của Phật, thái độ con gái đối với bà sẽ thay đổi, nó sẽ thành một đứa con hiếu thuận.