Báo Ứng Hiện Đời

Chương 43: Cẩn Thận Khi Gieo Nhân

Năm ngoái, Cung tiên sinh cùng vợ đồng đến bái kiến Hòa thượng Diệu Pháp. Vừa gặp đã thấy má bên phải của ông bị bỏng đỏ. Tiên sinh khoảng hơn 40 tuổi, mày rậm mắt to, môi dày, tính cách ông khiến người đối diện có cảm giác ông rất chân chất trung thực. Thế nhưng tinh thần ông ngó bộ không được tốt lắm.

Vợ ông kể một buổi tối cách đây nửa năm, ông đang trên đường về nhà thì bị một người tạt acid vào mặt. Lúc đó đèn đường tối om nên không nhìn rõ mặt hung thủ. Bởi vì chồng bà là nhân viên chấp pháp, biện sự nghiêm túc, có khả năng ông đã đắc tội với ai đó nên bị báo thù. Chính phủ thành phố rất xem trọng vụ án này, nhưng đến nay vẫn chưa điều tra ra hung thủ. Chồng bà trong lòng rất phiền bực, uất ức, luôn có ý muốn báo thù. Đêm ngủ không yên, dù có chợp mắt cũng chỉ nghỉ được một chút. Bà sợ tinh thần chồng có vấn đề, nên đến thỉnh giáo Hòa thượng.

Hòa thượng bảo Cung tiên sinh:

– Việc này có liên quan đến chuyện sát sinh ăn thịt của ông. Công tác chấp pháp chỉ là một trong nhiều nguyên nhân, chẳng nên ôm hận người thủ ác. Tinh thần ông không có vấn đe gì, mặt ông sau khi hồi phục sẽ không lưu lại sẹo. Còn nữa, muốn được lành nhanh và từ nay về sau không còn gặp họa này nữa thi ông phải sớm dứt trừ ăn mặn và thường niệm: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ-tát”

Ngoài mặt thấy ông đồng ý vâng chịu, nhưng ngó bộ tâm tư đang cố kềm chế lắm. Sư phụ xin ông lưu lại họ tên và số điện thoại.

Sau khi hai vị khách này về rồi, sư phụ bảo tôi:

– Bởi vì vợ ông ở đó, có vài việc ta không tiện nói. Ông ấy vốn chẳng tin Phật, mà chuyện nhân quả đời trước ông cũng không tin. Sáng mai con hãy gọi điện cho Cung tiên sinh, bảo nếu ông thường được người mời đi ăn tiệm dùng hải sản tươi sống thì không nên đi. Do làm việc ở pháp đình nên ông được người khẩn khoản đãi đằng, mời ăn uống luôn; không biết như vậy là bản thân mình đang tạo nghiệp. Nếu ông cứ mãi ăn nhậu sát sinh, thì sẽ góp phần tăng thêm quả báo bị bỏng…

Rồi sư phụ kể cho tôi nghe:

“Cung tiên sinh đời trước là một phú ông, có tâm từ bi, thương xót người nghèo. Nhờ thường hay bố thí nên đời này không vất vả về ăn mặc. Ông có phúc báu, tuy tốt bụng song làm thiện ác lẫn lộn. Bởi ông giàu nên tâm cũng sinh kiêu ngạo, tự cao tự phụ, vì vậy mà đối với tôi tớ không tôn trọng họ, thương hay sỉ nhục người.

Ngày nọ ông đang chăm chú đọc sách thì có một tớ gái cần hỏi gì đó nên bước vào đến gần phú ông, rồi nó thình lình lên tiếng làm chủ nhân giật mình, thế là ông nổi cơn thịnh nộ, hung hãn cầm ngay chén trà nóng trên bàn hắt vào mặt tớ gái. Nữ tỳ không biết mình phạm lỗi gì, đau đớn sợ run, ôm mặt bật khóc chạy ra ngoài. Đây là nguyên nhân khiến đời này ông bị người dùng acid tạt vào mặt nhưng chẳng thể hủy dung nhan. Người gây ác này, có thể là nữ tỳ đời trước đấy”.

Tôi nghe sư phụ khai thị, trong lòng thấy cảm khái. Trong “Kinh Địa Tạng” giảng: “Chúng sinh ở thế giới này cử tâm động niệm không gì mà không tạo nghiệp, không gì mà không là tội”. Một chút hành động không đúng phép, dù trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo vẫn không mất, nhân duyên hội ngộ thì tự thọ quả báo.

Mỗi một Phật tử chúng ta, cần phải cẩn trọng ngôn hạnh, sửa mình liêm chính, ngay lúc khởi tâm động niệm cũng phải thường dụng công, để tránh khỏi bị ác báo. Nếu không, một khi quả tới, có hối hận thì đã muộn.

Diễn tiến tiếp theo tôi chẳng cần viết ra dài dòng chi nữa. Hòa thượng Diệu Pháp xưa nay chưa bao giờ nói sai việc gì. Chỉ biết rằng sau đó Cung tiên sinh đã bước vào con đường học Phật, tu tinh tấn.