Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh

Chương 33: Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo

Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly tham dục, tức đắc thành tựu, ngũ chủng tự tại. Hà đẳng vi ngũ? Nhất, tam nghiệp tự tại, chư căn cụ túc cố. Nhị, tài vật tự tại, nhất thiết oán tặc bất đoạt cố. Tam, phước đức tự tại, tùy tâm sở dục vật giai bị cố”.

Ba điều này phần trước đã giới thiệu rồi. Hôm nay chúng ta xem tiếp theo.

Loại tự tại thứ tư: “Vương vị tự tại, trân kỳ diệu vật, giai phụng hiến cố”.

Đây là Thế Tôn nói với Long vương. Phần trước đã báo cáo với quí vị nghĩa thú biểu pháp của Long vương rồi. Ở các giai cấp trong xã hội, người ở địa vị lãnh đạo đều có nghĩa là vương. “Vương vị tự tại” chính là địa vị xã hội của bạn, ở trong quần chúng, địa vị lãnh đạo của bạn vĩnh viễn được quần chúng ủng hộ, đây gọi là tự tại. Quần chúng đều có thể nghe theo bạn, bạn có thể phát động ra lệnh tùy ý, nguyên nhân là vì bạn không có tham dục. Bạn không có tham dục thì phước đức của bạn nhất định là thấm nhuần tất cả chúng sanh, chúng sanh có lý gì mà không ủng hộ, mà không kính yêu chứ? Đạo lý này chúng ta phải hiểu, phải biết học tập. Bất kể ở trong xã hội chúng ta là thân phận như thế nào, địa vị như thế nào, sống đời sống như thế nào, nhất định phải đoạn tham sân si, chúng ta liền có thể được đại tự tại.

Hai câu dưới cùng là “trân kỳ diệu vật, giai phụng hiến cố”. Bạn được quần chúng kính yêu, quần chúng có những vật quý lạ đều đem cúng dường bạn. “Giai phụng hiến cố”. Cúng dường cho bạn, bạn có hưởng thụ hay không? Không hưởng thụ. Sao biết không hưởng thụ vậy? Bởi vì bạn không có tham dục, cho nên đại chúng cúng dường, dùng cách nói hiện nay, bạn nhất định là tặng lại cho xã hội, bạn nhất định cũng bố thí cúng dường tất cả chúng sanh giống như vậy. Nhân quả là tuần hoàn, bạn có thể cúng dường tất cả chúng sanh, thì tất cả chúng sanh nhất định cũng cúng dường bạn, quả báo này thù thắng không gì bằng.

Nếu như bạn làm một người lãnh đạo, bạn có tham dục, bạn muốn được vật báu quý lạ để riêng mình hưởng thụ, không chịu cúng dường người khác, và tất cả báu vật quý lạ của quần chúng cũng đều đem giấu kín cho riêng mình, cũng không biết đem ra hiến dâng, thế là vật báu quý lạ của thế gian này đều bị chôn giấu, không thể phát huy đức dụng của nó. Điều này trong Phật pháp nói đều là tội nghiệp. Tội nghiệp gì vậy? Không phát huy hết tác dụng của vật. Xã hội thật sự hướng đến phồn vinh hưng vượng, an hòa lợi lạc, nhất định là “nhân tận kỳ tài, vật tận kỳ dụng”. Hai câu nói này là chân lý vĩnh viễn bất biến. Nhân tài chúng ta phải coi trọng, phải tạo mọi điều kiện để họ phát huy, dứt khoát không được chướng ngại. Trong Phật pháp nói quả báo của chướng ngại là ngu si. Bản thân chúng ta có năng lực, có trí tuệ mà không muốn dạy người khác, đây gọi là bỏn xẻn pháp. Nhìn thấy người khác có tài năng, có trí tuệ, làm chướng ngại họ, không thể để họ phát huy viên mãn, tội lỗi này còn nghiêm trọng hơn là chính mình bỏn xẻn pháp. Phật nói cho chúng ta biết, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, hay nói cách khác, chướng ngại bố thí pháp bị quả báo là ngu si. Định luật nhân quả là sự thật, là chân tướng sự thật, như nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Nhân quả tại sao bất không? Chuyển biến bất không. Nhân sẽ biến thành quả, quả lại sẽ biến thành nhân. Nhân quả vĩnh viễn đang chuyển biến, vĩnh viễn đang tuần hoàn, vĩnh viễn đang tiếp nối. Cho nên từ chuyển biến, từ tương tục, từ tuần hoàn, nó bất không, đạo lý này chúng ta phải biết. Chúng ta làm thế nào khiến mình càng chuyển càng thù thắng. Điều này ai cũng kỳ vọng, nhưng bạn không hề nghĩ đến, nếu như bạn chỉ chú ý vào quả báo thù thắng cho mình thì sẽ rất khó đạt được. Cần phải chuyển đổi ý nghĩ trở lại, giống như chư Phật Bồ-tát vậy, niệm niệm mong cầu tất cả chúng sanh, càng chuyển càng thù thắng, quên đi bản thân mình, chỉ có chúng sanh không có chính mình, đây chính là cảnh giới của chư Phật Bồ-tát.

Ở trong những tôn giáo khác, cảnh giới của tất cả thần minh này, người Trung Quốc luận về thần: “Thông minh chánh trực đó là thần”. Nhà Phật nói: “Sanh, Phật bình đẳng”, cổ đức Trung Quốc nói: “Thiên nhân hợp nhất”. Người có phải là Phật, có phải là thần hay không? Phải! Thông minh, chánh trực chính là thần. Thông minh là đầy đủ trí tuệ, chánh trực là đầy đủ tánh đức. Đây là từ trong nhân quả tuần hoàn chúng ta nhìn thấy quả đức thù thắng vô song.

Loại tự tại thứ năm: “Sở hộ chi vật, quá bổn sở cầu, bách bội thù thắng”.

“Hộ” là bạn có được, không phải bạn cầu được, có được một cách rất tự nhiên, hơn hẳn cái mà bản thân bạn mong cầu, hơn hẳn rất nhiều. Chữ “bách” này không phải là con số, là hình dung từ. Phước báo mà bạn nhận được với công đức mà bạn tu học nhất định tương ưng. Công đức của Phật lớn, Ngài diệt độ đến nay đã ba ngàn năm, nhưng bạn thử xem sự phụng hiến của người thế gian hiện nay đối với Phật Bồ-tát không còn ở đời như thế nào, nếu Phật Bồ-tát còn ở đời vậy thì còn gì bằng? Nguyên nhân gì vậy? “Do ư tích thời bất khan tật cố” (khan là keo kiệt). Các Ngài không có tâm tham, không có keo kiệt, đối với người khác dứt khoát không có đố kỵ chướng ngại. Bồ-tát mỗi niệm thành tựu việc tốt cho người, đây là điều chúng ta cần nên học.

Nhìn lại nhân tâm xã hội trên thế giới ngày nay, đại đa số chấp trước, tham dục kiên cố, nhưng chúng ta nhìn thấy một số người vẫn được đại phú đại quí. Bạn thử nghĩ thật kỹ, đó là nguyên nhân gì vậy? Là trong đời quá khứ tu tập quá dày rồi. Nếu họ có thể từ bỏ tham dục, từ bỏ keo kiệt, là giống như trong lịch sử cố đại Trung Quốc đã nhìn thấy, họ chí ít phải truyền được 10 đời, 20 đời. Vô cùng đáng tiếc, phước tu trong quá khứ thì đời này lại tham sân si làm mê mất tự tánh, một đời là hết rồi, đời kế tiếp sẽ không còn nữa. Quí vị đặc biệt chú ý, người lãnh đạo mỗi giai cấp không chỉ là trong chính trị mà còn trong giới công thương, họ có thể truyền mấy đời? Trong lịch sử ghi chép rất rõ ràng là các đế vương Trung Quốc trước đây đều có thể truyền mười mấy đời. Khi họ đang làm đế vương, họ cũng tu đức, họ tích đức tu thiện, tiếp nhận lời giáo huấn của thánh hiền. Người làm bề tôi cũng hiểu đạo lý này.

Trong đồng tu chúng ta, pháp sư Pháp Long vừa mới từ Tô Châu trở về. Ở Tô Châu mọi người đều biết nhà họ Phạm, ông Phạm Trọng Yêm là làm bề tôi. Ông biết lìa tam độc phiền não, ông biết lìa keo kiệt tật đố. Cả một đời vì nước vì dân, truyền cho con cháu nhiều đời của ông, đều noi theo tổ tiên. Nhà của họ mãi đến ngày nay cũng không suy, đời đời có hiền nhân ra đời. Cho nên, Ấn Quang đại sư vô cùng tán thán đối với nhà họ Phạm.

Người làm nghề công thương nghiệp, chúng ta nhìn thấy những cửa hiệu danh tiếng cũng truyền được mấy trăm năm, họ buôn bán thành công, họ không biết thất bại. Nguyên nhân ở đâu vậy? Không có tam độc phiền não. Họ vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ, không phải vì tham lợi, tham tài, không phải vì thứ này, mà là vì chúng sanh phục vụ. Đời sống của mình có thể sống được vô cùng thỏa mãn, dư nhiều đều trả về cho xã hội, việc buôn bán này của họ có thể kéo dài, và kéo dài rất nhiều đời. Phàm là làm trái lời giáo huấn của thánh hiền, làm ác, không biết tu thiện, đời trước phước báo có nhiều đi nữa nhưng một đời là xong ngay, thậm chí là ngay cả đời này còn không giữ nổi, khi tuổi về chiều là bại rồi. Như chúng ta hiện nay nhìn thấy công ty vỡ nợ, phá sản, đó là người phước mỏng. Người phước dày có thể giữ được một đời họ, không giữ nổi cho con cháu. Đạo lý này, nếu chúng ta quan sát tỉ mỉ thì liền hiểu rõ. Thế mới biết pháp thế xuất thế đều không lìa nhân quả. Đây là năm loại tự tại, lìa tham dục có lợi ích nhiều như vậy. Tại sao chúng ta phải làm sự việc này?

Đoạn sau cùng là “Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, tam giới đặc tôn giai cộng kính dưỡng”.

Đây là người học Phật hiểu được. Người không học Phật, họ cầu mong phước đức của họ, con cháu đời đời cũng có thể gìn giữ kéo dài, đây là quan niệm của người thế gian. Quan niệm của người học Phật thì hoài bão càng lớn hơn, họ hồi hướng pháp giới, thế là loại thiện hạnh này liền biến thành tánh đức. Tánh đức là không có bờ mé, không có cùng tận, cho nên đến khi bản thân mình thành Phật, là giống như những chư Phật Như Lai khác vậy.

“Tam giới” là dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Trong tam giới giáo hóa chúng sanh, đều được tất cả đại chúng tôn kính.

“Đặc tôn” là đặc biệt tôn kính.

“Giai cộng kính dưỡng” tất cả chúng sanh tôn kính bạn, cúng dường bạn, đây là phước lớn cứu cánh viên mãn.

Chúng ta hiện nay muốn hỏi “hồi hướng” là thế nào? Sao gọi là “Bồ-đề”? Bởi vì câu này là nhân. “Tam giới đặc tôn, giai cộng kính dưỡng”, đó là quả báo. Cái nhân này phải tu như thế nào? Đây là điều vô cùng quan hệ mật thiết với chúng ta hiện nay.

“Hồi” là xoay tròn. Vốn dĩ công đức tu học của bản thân chúng ta nhất định là chính mình nhận được quả báo. Chúng ta bây giờ vận chuyển tất cả thiện hạnh, nguyên nhân mà ta đã tu tập, ta không cầu quả báo cá nhân, hy vọng đem quả báo này tặng cho tất cả chúng sanh, đây gọi là hồi hướng. Nếu như ý này vẫn không thể hiểu rõ, chúng ta nêu một ví dụ để nói, như người nông dân trồng những loại cây trồng, trồng những giống lúa này, mỗi ngày siêng năng cày bừa gieo trồng, đến khi thu hoạch thì bản thân không cần nữa, cho tất cả những chúng sanh nghèo khổ không có lương thực ăn, cúng dường toàn bộ, thu hoạch về đều cho họ, đây chính là ý nghĩa của “hồi hướng”. Người bình thường luôn là giữ lại một chút cho mình, dư bao nhiêu mới bố thí. Đây không gọi là “hồi hướng” mà đây gọi là “bố thí cúng dường”. Hồi hướng là bản thân hoàn toàn không cần, đem toàn bộ cúng dường đại chúng. Như vậy thì mình không còn phải làm sao? Bản thân tự nhiên có người khác cúng dường bạn, hơn nữa cái mà bạn nhận được hơn hẳn cái bạn đang cần. Bạn có thể bố thí cho người khác, quả báo lập tức liền hiện tiền. Cho nên không nên có tâm tham. Dâng hiến 100%, đây là chư Phật Bồ-tát. Cho nên, các Ngài thì “Tam giới đặc tôn”, không có ai không tôn kính, không có ai không cúng dường. Bản thân còn muốn giữ một chút, giữ 1%, bố thí 99%, vẫn là chưa sạch sẽ. Phật ở phần trước bộ kinh này: “Bất dung hào phân bất thiện gián tạp”. Bạn nói, tôi bố thí cúng dường hết 99%, vẫn có 1% giữ lại để mình thọ dụng, đây là xen tạp hào phân bất thiện. Đạo lý này rất sâu, người thế gian nghĩ không ra, tham không thấu. Cho nên, người thế gian không làm được, người thế gian tu thiện không thuần, chúng ta thường nói thiện ác lẫn lộn, họ không phải thuần thiện. Cái mà chư Phật Bồ-tát tu là thuần thiện, các tổ sư đại đức hiểu rõ đạo lý này, cái mà họ tu cũng là thuần thiện, cho nên quả báo thù thắng không gì bằng. Đây là điều chúng ta phải giác ngộ, chúng ta phải học tập.

Kinh văn: “Phục thứ Long vương, nhược ly sân nhuế, tức đắc bát chủng hỷ duyệt tâm pháp. Hà đẳng vi bát? Nhất, vô tổn não tâm. Nhị, vô sân nhuế tâm. Tam, vô tranh tụng tâm. Tứ, nhu hòa chất trực tâm. Ngũ, đắc thánh giả từ tâm. Lục, thường tác lợi ích an chúng sanh tâm. Thất, thân tướng trang nghiêm, chúng cộng tôn kính. Bát, dĩ hòa nhẫn cố, tốc sanh Phạm Thế, thi vị bát. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc vô ngại tâm, quan giả vô yếm”.

Tham sân si là tam độc phiền não. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói thì mọi người sẽ dễ hiểu, chính là ba loại bệnh độc căn bản. Cơ thể chúng ta không khỏe mạnh, có rất nhiều bệnh tật là từ đây mà ra. Người có sáu đường sanh tử luân hồi cũng từ đây mà ra. Nếu như đem tam độc phiền não trừ bỏ, không những cơ thể bạn khỏe mạnh trường thọ, vĩnh viễn không bị bệnh, mà hơn nữa lục đạo luân hồi cũng không còn.

Phật ở trong tất cả kinh luận đặc biệt nhấn mạnh thập thiện nghiệp đạo, đặc biệt ở trong bộ kinh này. Bộ kinh này là nhà Phật tu học, bất kể là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, bất luận là thuộc tông phái nào, thuộc pháp môn nào, đây là môn học chung cho tất cả. Xa lìa thập thiện là không phải Phật pháp. Hơn nữa Phật ở chỗ này đặc biệt dặn dò chúng ta, Bồ-tát sao có thể thành Bồ-tát vậy? Chính là ngày đêm thường niệm thập thiện, không hề gián đoạn, tư duy thập thiện, quan sát thập thiện, không cho phép mảy may bất thiện xen tạp, như vậy liền thành Bồ-tát, vậy liền thoát khỏi lục đạo, liền có thể chuyển phàm thành thánh.

Phàm phu chúng ta tu hành, tại sao lại gian nan như vậy? Vì thập thiện chưa có hoàn toàn làm được, dù cho làm được mấy phần mấy vẫn xen tạp bất thiện ở trong ấy. Bản thân chúng ta thật bình tĩnh mà soi lại thật kỹ càng, thập ác của chúng ta nhiều hơn thập thiện, người như vậy niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Cho nên quí vị phải nhớ kỹ, tại sao niệm Phật không thể vãng sanh vậy? Bởi vì thế giới Tây Phương Cực Lạc là “chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Chúng ta không phải thượng thiện, cho dù A Di Đà Phật từ bi tiếp dẫn chúng ta, nhưng đại chúng ở nơi đó không thể dung nạp bạn, cho nên bạn vẫn không đi được. Từ đó cho thấy thập thiện là quan trọng như vậy. Không chỉ có nhà Phật xem trọng, chúng ta hãy thử xem, tất cả mọi tôn giáo đều nói đến thập thiện. Qua đó ta thấy, thập thiện nghiệp đạo là pháp môn mà tất cả các tôn giáo thế gian đều cùng tu học, chúng ta sao có thể lơ là được. Đời sau nếu được thân người, phải tích thập thiện nghiệp đạo. Đời sau nếu sanh thiên, cũng phải tu thập thiện nghiệp đạo. Nếu như không thể tu thập thiện, vẫn cứ tạo thập ác nghiệp là có phần trong tam đồ. Tầm nhìn của chúng ta phải xa một chút, không nên sợ chết. Có người nào không chết đâu? Người người đều phải chết. Chết sớm một ngày với trễ một ngày chẳng có gì khác nhau, cho nên chúng ta đừng sợ chết. Vấn đề là sau khi chết sẽ đi về đâu? Đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Nhà Phật thường nói: “Vạn pháp giai không nhân quả bất không”. Nhân quả tại sao bất không vậy? Nhân quả là chuyển biến bất không. Nhân sẽ biến thành quả, quả lại sẽ biến thành nhân, nhân quả vĩnh viễn đang tuần hoàn. Cho nên nó là chuyển biến bất không, tuần hoàn bất không, tương tục bất không, đây là chân lý, là định luật của pháp thế xuất thế gian. Chúng ta thật sự hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi, thì tuyệt đối không ham hưởng thụ mấy năm trước mắt này. Sự hưởng thụ này là nguồn gốc của đau khổ trong tương lai. Chúng ta có thể buông xả sự hưởng thụ vật chất, tinh thần của mấy năm này, bạn sẽ được an lạc vĩnh viễn đời đời kiếp kiếp về sau, phải hiểu đạo lý này.

Tiêu chuẩn của thiện hạnh, sao gọi là “thiện”? Lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh là thiện. Lợi ích như thế nào? Tự mình làm tấm gương cho người xã hội thấy. Học Phật, Phật là Thích Ca Mâu Ni, hình ảnh thị hiện của Thích Ca Mâu Ni, chúng ta cần phải noi theo. Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong xã hội này có địa vị cao quí. Ngài xuất thân là vương tử, có thể kế thừa vương vị, nhưng Ngài có thể từ bỏ, từ bỏ địa vị, từ bỏ sự giàu có, từ bỏ sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, Ngài có vợ, Ngài có thể từ bỏ, Ngài sống đời sống như thế nào vậy? Sống đời sống nghèo khổ nhất của thế gian, làm tấm gương cho chúng ta. Ngài dạy chúng ta buông xả, bản thân Ngài thật sự đã buông xả triệt để rồi. Thế Tôn như vậy, bạn hãy thử xem “Tân cựu ước toàn thư”, Jesu của Cơ Đốc giáo cũng như vậy, Đức Mohamed của Hồi giáo cũng như vậy. Quan sát tỉ mỉ lại nhà Phật, chư đại Bồ-tát, tổ sư đại đức, mỗi người thị hiện không ai không như vậy. Chúng ta phải giác ngộ từ chỗ này, hãy từ đây tỉnh ngộ trở lại, làm sao cứu bản thân, làm sao cứu thế nhân, để cứu vãn cái kiếp nạn này phải lấy mình làm gương. Nếu như nói một đường mà làm một nẻo thì không thể cứu nổi, không thể chuyển biến nghiệp báo. Không những không thể chuyển biến nghiệp báo, hơn nữa chúng ta còn bị tội nghiệp rất nặng. Tội nghiệp gì vậy? Phá hoại hình tượng của Phật pháp. Một tội nghiệp này là ngang bằng với tội phá hòa hợp tăng, tứ chúng đệ tử đều có bổn phận. Chúng ta phải biết, nhất định không được sơ suất, nhất định không được lơ là.

Tứ chúng đệ tử của nhà Phật, tại gia, xuất gia niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì chánh pháp trụ lâu dài. Pháp lớn thù thắng như vậy, ngày nay tại sao lại suy bại đến mức này? Không có người y giáo phụng hành, không có người vì người diễn nói. Vì người diễn nói chính là hoằng pháp lợi sinh. Y giáo phụng hành chính là tự độ, Y theo giáo gì vậy? Y thập thiện nghiệp đạo. Mọi người chúng ta đều tu Tịnh Độ, tu Tịnh Độ việc gì phải coi trọng thập thiện nghiệp đạo như vậy? Các vị thử xem kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ, Phật nói với chúng ta cơ sở tu học là tịnh nghiệp tam phước. Trong tịnh nghiệp tam phước, điều đầu tiên là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Thập thiện nghiệp chính là chỉ bộ kinh này. Hiếu thân, tôn sư, từ tâm, thực tiễn ở thập thiện nghiệp đạo. Không có thập thiện nghiệp đạo, phần trước bạn đều không làm được, bạn bất hiếu, bất kính, không có tâm từ bi. Tâm từ bi là tâm yêu thương vô tư, vô ngã đối với tất cả chúng sanh. Đem thập thiện nghiệp đạo thực hiện cho mọi người thấy, để họ ở trong kiến văn giác tri có chỗ tỉnh ngộ. Giác ngộ thì họ mới quay đầu, không giác ngộ thì sẽ không biết quay đầu, cho nên Thế Tôn xem trọng như vậy, có cái cơ sở này mới có thể tu Tịnh Độ. Tịnh Độ là pháp Đại Thừa, nếu như những điều khác chúng ta không có, chúng ta chỉ có điều thứ nhất, thì chúng ta niệm Phật có thể vãng sanh phàm thánh đồng cư độ. Tịnh nghiệp tam phước đầy đủ một điều thứ nhất này, chúng ta tu pháp môn này có thể thành tựu. Nếu như có thể đầy đủ thêm được điều thứ hai là “thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”, ba câu này bạn có thể làm được, thì bạn niệm Phật vãng sanh về phương tiện hữu dư độ. Nếu như làm thêm được điều thứ ba nữa là “phát Bồ-đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, thì bạn sẽ vãng sanh về thực báo trang nghiêm độ. Nền tảng tu hành là ở chỗ này.

Trong kinh Vô Lượng Thọ nói về thập thiện cũng rất nhiều. “Tam bối vãng sanh” là đầy đủ pháp thập thiện, chúng ta sao có thể lơ là được? Thời khóa sáng tối của đồng tu Tịnh Tông chúng ta là khóa sáng chọn tụng là 48 nguyện, khóa tối là chọn tụng từ phẩm 32 đến phẩm 37. Nội dung là gì vậy? Là ngũ giới, thập thiện. Ở trong đây nói tường tận, mỗi ngày tụng khóa tối, dùng nó để soi lại, để kiểm điểm. Phật dạy ta làm, ta có làm hay không? Phật không cho phép chúng ta làm, ta có phạm hay không? Tụng khóa tối như vậy là có công đức rồi. Không phải thời khóa sáng, tối niệm một lần cho Phật Bồ-tát nghe, thế thì tội lỗi. Tội gì vậy? Lừa gạt Phật, Bồ-tát. Sáng sớm ở trước Phật gạt Ngài một lần, buổi tối lại gạt Ngài một lần nữa. Tội lỗi của bạn không đọa địa ngục thì ai đọa địa ngục? Dụng ý của khóa sáng là bảo chúng ta phát tâm, chúng ta phải phát cái tâm, phát cái nguyện giống như Phật A Di Đà vậy. Khóa tối là kiểm điểm tâm hạnh của bản thân chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, thay đổi tự làm mới.

Trong phiền não điều nghiêm trọng nhất là tham dục, ở đoạn này chúng ta nói cũng vô cùng cặn kẽ. Sân hận khởi lên thế nào vậy? Tham không được mới sân hận. Nếu như tham dục của bạn đều có thể đạt được thì bạn sẽ không khởi sân hận rồi. Quí vị phải hiểu được, tham sân si là vọng niệm, là vọng tâm, là tà tri tà kiến, trong tự tánh hoàn toàn không có những thứ này. Chúng ta thật bất hạnh, vô lượng kiếp trước đã mê mất tự tánh, luân hồi trường kiếp nhiễm vào cái tật xấu này, giống như người hút thuốc phiện bị nghiện thuốc vậy. Bản thân luôn muốn giác ngộ, nghiện phải cái thuốc này, bây giờ phải quyết tâm cai nghiện. Thế gian người hút thuốc phiện, muốn cai thuốc cũng không dễ dàng, còn thói quen của chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay đã bén rễ rồi, muốn ngăn trừ nó đương nhiên là càng khó. Làm sao có thể ngăn trừ vậy? Phật Bồ-tát dạy chúng ta. Kinh nghiệm tu học trong đời này của bản thân chúng tôi, chứng minh được cái mà ở trong kinh luận Phật dạy chúng ta là “thâm nhập một môn, huân tu trường kỳ”, chỉ có một biện pháp này chúng ta mới có thể ngăn trừ được thói quen này, mới có thể quay đầu là bờ. Mỗi ngày đọc kinh cũng vẫn không đủ, phải nghiên cứu thảo luận, phải giảng giải tường tận, một ngày cũng không được bỏ qua. Thời xưa, tự viện tùng lâm mỗi ngày có 8 giờ giảng kinh, có 8 giờ tu hành. Tu hành là gì vậy? Phản tỉnh, tư duy, sửa chữa lỗi lầm, đây là tu hành. Tu hành là đem lỗi lầm của mình, đem tật xấu của mình sửa chữa trở lại, đây là tu hành. Hiện nay trong tự viện, am đường, thời khóa như thế này đã không còn nữa, chỉ rơi vào hình thức, cho nên mới gọi là mê tín. Phật pháp vốn dĩ là giáo dục, nay rơi vào hình thức, nội dung thực chất không còn nữa thì liền biến thành tôn giáo, biến thành mê tín. Không có năng lực biện biệt đúng sai, không có năng lực biện biệt thiện ác, đương nhiên càng không có năng lực biện biệt chân vọng, thậm chí là ngay cả lợi hại, được mất đối với mình cũng không thể biện biệt. Đây là mê hoặc đến mức không thể hiểu nổi.

Bản thân chúng ta mê hoặc là đem đau khổ đến cho đại chúng xã hội, cho nên nhất định phải giác ngộ. Bản thân ta giác ngộ, ta giải thoát rồi thì giúp đỡ người khác giác ngộ, người khác cũng có thể được giải thoát. Quí vị phải nhớ kỹ sự thật này, người niệm Phật thì nhiều mà người vãng sanh thì ít. Trước đây lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói, một vạn người niệm Phật, người thật sự có thể vãng sanh chỉ vài ba người mà thôi. Nguyên nhân gì vậy? Vài ba người này là làm thật. Người niệm Phật không thể vãng sanh là do không có thật làm.

Vào thời xưa, mỗi người đều biết tự mình tu hành, cho nên Phật chỉ giảng kinh thuyết pháp, hoàn toàn không có dẫn chúng cộng tu bao giờ. Chúng ta ở trong kinh điển không hề xem thấy Phật Thích Ca Mâu Ni dắt đại chúng nhập thiền thất, nhập Phật thất, không có sự việc này. Thế Tôn 49 năm chỉ có giảng kinh thuyết pháp. Tu hành do cá nhân tự mỗi người, sau khi nghe kinh rõ lý xong đều biết tu hành. Thầy thì chỉ dẫn vào cửa, còn tu hành là tự mỗi người. Nhưng đến thời kỳ mạt pháp, căn tánh chúng sanh độn rồi, phiền não nghiệp chướng nặng rồi, không biết tu hành, buông lung lười biếng, vậy thật đáng tiếc. Cho nên Hòa thượng Mã Tổ Đạo Nhất và Thiền sư Bá Trượng phát tâm đề xướng cộng tu. Cộng tu là nương chúng, tựa chúng, Nho gia gọi là “thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ”. Khi đại chúng ở chung với nhau, chúng ta lười biếng thì cảm thấy ngại ngùng, dùng phương pháp này đã thành tựu rất nhiều người, công đức vô lượng. Nói với quí vị biết, cá nhân có thể tu hành thành tựu là bậc thượng thượng căn, người trung hạ căn cá nhân tu hành thành tựu rất khó khăn. Nhất định phải nương chúng tựa chúng, vậy mới có mọi người cộng tu. Tập hợp các đồng tu chí đồng đạo hợp, mỗi ngày cùng nhau nghiên cứu thảo luận. Lý ngày càng hiểu rõ, ngày càng sáng tỏ thì chúng ta mới có năng lực ứng phó những sự tướng phức tạp này. Ở trong cái hồng trần sôi sục này được tâm thanh tịnh, sống chung với nhau, hiệp trợ lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, đây gọi là nương chúng, tựa chúng. Nhờ mọi người giúp đỡ, nhờ mọi người phụ trợ, thành tựu bản thân, chúng ta cần phải đem tập khí phiền não của mình tiêu trừ đi.

Tịnh Tông là Đại Thừa, cổ đức nói cho chúng ta biết là Đại Thừa ở trong Đại Thừa, Nhất Thừa ở trong Nhất Thừa, giáo pháp thù thắng không gì bằng. Nếu như bạn hiểu được đạo lý này, quan niệm của bạn, ngôn hạnh của bạn chắc chắn không giống như phàm phu. Tại sao vậy? Nhất định phải làm tấm gương tốt cho đại chúng xã hội, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Một mình bản thân ta trốn ở trong nhà tu hành thành tựu rồi, không đủ làm nên tấm gương tốt vì đại chúng xã hội. Cho nên Bồ-tát có thể quên mình vì người, niệm niệm vì xã hội suy nghĩ, niệm niệm suy nghĩ vì hạnh phúc của chúng sanh, hòa bình ổn định của thế giới, từ chỗ này làm nên cống hiến, đây là Bồ-tát Đại Thừa.

Hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giới thiệu đến đây.

A DI Đà Phật !!