Nhân Sinh Như Mộng, Kiếp Người Phù Du

Chương 10: Thoát Khỏi Chiếc Lồng Son

Ta lén về Tịch gia, nhưng đến cửa, lính canh không cho ta vào. Chỉ là khi nhìn thấy ta thì họ lập tức đổi sắc mặt, sau đó ta nói: “Dẫn ta đi cửa sau.”

Đi cửa trước thì không ổn.

Ta đi tìm viện của mẫu thân, nha hoàn nhìn thấy ta cũng để cho ta vào.

Có lẽ thấy người mở cửa, mẫu thân ta hỏi: “Ai đó?”

Ta nhẹ giọng: “Là con, là Kỳ nhi đây.”

Người bật dậy, chạy đến chỗ ta. Ta bây giờ không còn bộ dáng cao quý hay kiêu ngạo nữa, nhìn ta chẳng khác gì phụ nhân bình thường cả.

Mắt người rưng rưng, người hỏi ta: “Sao con lại ở đây?”

Ta nắm chặt lấy tay mẫu thân, khẽ nói: “Người dẫn con vào trong, con kể cho người.”

Sau đó ta quay sang ba người kia: “Canh chừng ở bên ngoài, có động tĩnh gì báo cho ta biết.”

Khi đi vào trong, ta tường tận kể lại mọi chuyện cho mẫu thân nghe. Nghe xong, người ôm ta khóc nức nở.

Người nói: “Kỳ nhi, con ta, mệnh con thật là khổ.”

Ta cũng khóc: “Đây là lỗi của con, làm người phải lo lắng rồi.”

Thế rồi ta hỏi: “Người không trách con ư?”

Mẫu thân ta cười yếu ớt: “Con là con gái duy nhất của ta, sao ta lại nỡ trách con? Có trách thì trách ta, không bảo hộ tốt cho con, cũng không nhìn ra được Thái tử lại bạc tình bạc nghĩa như vậy.”

Nhìn ra thì sao? Nếu năm đó người nói với ta, ta sẽ nghe sao?

Ta trầm ngâm: “Con biết nhà chúng ta cũng chẳng dễ dàng gì, hẳn là phụ thân hay bị làm khó.”

Mẫu thân ta gạt nước mắt: “Tự cố chí kim bậc đế vương đều vô tình. Năm đó cha con có công đưa hắn lên ngôi, bây giờ hắn thì hay rồi, quay ra làm khó dễ Tịch gia chúng ta, còn bạc đãi với con.”

Ta cười khổ: “Đây là con đường con đã chọn, con không có quyền oán trách ai cả. Nhưng chỉ tại con mà Tịch gia bị liên lụy.”

Mẫu thân lắc đầu: “Không phải đâu. Tịch gia không bị con liên lụy, là do chúng ta không hiểu được Đế vương bạc tình bao nhiêu. Nếu năm đó cha con tránh xa khỏi tranh đấu quyền lực thì chúng ta sẽ được sống yên ổn hơn. Nhưng con biết đấy, chúng ta chỉ là nữ nhân mà thôi, nữ nhân thì phải coi phu quân là trời.”

“Con biết không – mẫu thân nói tiếp – hồi còn trẻ, ta rất không thích điều này, tại sao lại có sự bất công như thế, nhưng ta chỉ dám nghĩ chứ chẳng dám làm gì. Còn con thì quả nhiên là con gái ta. Con dám bỏ trốn như thế. Con à, đây không phải là con trốn tránh thực tại đâu, đây là con vùng lên, con muốn quyết định số phận của mình.”

Ta rớt nước mắt khi nghe mẫu thân nói như vậy. Ta không nghĩ bản thân mình tốt đẹp thế. Hơn thế nữa, ta cũng không muốn cho mẫu thân biết chuyện ta mang thai, ta sợ mẫu thân sẽ giữ ta lại, ta sợ bản thân sẽ mềm lòng. Không phải là ta không muốn ở cùng mẫu thân, ta chỉ sợ Tiêu Hạo Hiên phát hiện ra ta, Tịch gia sẽ gặp nguy hiểm. Ta không tự tin vào kế hoạch của mình. Ngoài ra, ta cũng đã sắp xếp việc sẽ ở đâu rồi, nên ta không lo lắng.

Chúng ta vô cùng quyến luyến nhau, nhưng ta nói: “Trời sắp sáng rồi, con phải đi.”

Mẫu thân lau nước mắt, ôm chặt ta: “Đi đi. Bảo trọng nhé. Nếu có cơ hội, ta sẽ đi tìm con.”

“Vâng.”

Ta không ngờ, đây là lần cuối ta gặp mẫu thân mình. Đây là lần ta nói lời vĩnh biệt với mẫu thân.

Bởi vì từ đây, Vân quốc bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề về mặt chính trị và đối mặt với hàng loạt những chính biến cùng với những cải cách hàng loạt của Tiêu Hạo Hiên.

Ta đến xe ngựa mà mình đã chuẩn bị từ trước, nhưng trước khi lên xe ngựa, có một chiếc xe ngựa khác đi ngang qua làm ta hoảng hốt, sau khi nhìn kĩ, ta nhận ra người đó. Đó là một phu xe họ Tiền, là người làm cho nhà ta. Ông ta nói: “Phu nhân nhờ tôi đưa cho tiểu thư cái này.”

Trong mắt mọi người, ta vẫn là cô tiểu thư của Tịch gia, vẫn bé bỏng như thế.

Thế rồi, lão Tiền đưa cho tôi một túi thơm cùng một xấp ngân phiếu.

“Túi thơm này là của phu nhân, tiểu thư hãy mang đi, phu nhân nói mong tiểu thư luôn nhớ về phu nhân, xấp ngân phiếu này coi như lộ phí, tiểu thư hãy cẩn thận.”

Nghe lão Tiền nói xong, hốc mắt ta ửng hồng.

Mẫu thân luôn yêu thương ta như thế, nhưng ta lại không biết quý trọng, không nghe lời mẫu thân. Lão Tiền lại nói: “Còn đây là của lão gia.’

Đó là một chiếc bùa bình an.

Ta biết, cha ta không tin Phật, thế nhưng ông vẫn đưa bùa bình an cho ta. Lão Tiền nói: “Cái này là lão gia đi xin từ lúc tiểu thư gả đi, nhưng vẫn chưa có dịp đưa, hôm nay đưa cho tiểu thư. Tiểu thư lên đường bình an.”

Đối với cha ta, ta vĩnh viễn chỉ là một đứa trẻ.

Ta không kìm lòng nổi nữa, bật khóc: “Ta sẽ nhớ mọi người lắm.”

Lão Tiền cũng rơm rớm nước mắt: “Vâng. Tôi cũng sẽ nhớ tiểu thư lắm.”

Rồi ông ngập ngừng: “Nếu như tiểu thư không còn nơi nào để đi, tiểu thư có thể về lại Tịch gia. Tôi nghĩ mọi người sẽ luôn chào đón tiểu thư.”

Ta ôm chầm lấy lão, khóc: “Ừ. Ta biết mà, cảm ơn nhé.”

Thế rồi ta quệt nước mắt, mỉm cười: “Ta đi đây, lão bảo trọng nhé. Đúng rồi, gửi cho cha mẹ ta lời thăm hỏi, nói là nữ nhi bất hiếu, không thể phụng dưỡng cha mẹ được, mong cha mẹ sống bình an. Còn ca ca cùng tẩu tẩu, hai người họ mong rằng trăm năm hòa hợp, còn cả chất tử của ta nữa, hãy lớn lên khỏe mạnh.”

Không để cho lão nói, ta lên xe ngựa đi luôn. Ta không muốn dông dài. Lão Tiền chào ta rồi sau đó cũng vội đi mất.

Bấy giờ ta mới để ý, trên xe ngựa không có dấu hiệu của Tịch gia.

Ngồi trên xe ngựa, ta nghĩ lại về cuộc đời mình. Ta từng ghét mẫu thân khi bà phản đối ta, chỉ là bây giờ ta mới rõ.

Dù cho thế giới này cho ruồng rẫy ta, thì ta vẫn còn một gia đình luôn giang tay đón chờ. Nhà là nơi để về. Nhà là nơi ta được yêu thương, là nơi quý giá nhất không gì thay thế được

Cho dù có kinh qua khó khăn gì đi nữa, thì gia đình cũng sẽ là nơi kết thúc tất cả.

Nơi mà chúng ta đến là một thôn nhỏ nằm ở phía Đông, khí hậu ôn hòa và cách rất xa kinh thành. Sở dĩ chúng ta đến đây vì Lục An nói trước kia đã từng đến đây, rất thoải mái, sống rất tốt. Ta cảm thấy có Lục An là một may mắn bởi cả ta, A Phóng hay A Du đều chưa từng đi đâu xa, nên chúng ta không có hiểu biết gì cả.

Chớp mắt, ta đến đây cũng đã được sáu tháng. Bụng của ta ngày càng to ra, di chuyển càng khó khăn. Mới ban đầu khi đến đây, mọi người có vẻ dè chừng chúng ta, vì đoàn chúng ta đông, lại là người lạ. Nhưng rồi họ cũng quen và cũng rất thân thiện.

Lục An thì khỏe mạnh hơn hẳn so với một thái giám bình thường, nếu hắn không có cái giọng the thé ấy thì ta đã nghĩ hắn là nam nhân thực thụ rồi. Hắn đóng giả làm ca ca ta, rồi xin đi làm mấy công việc chân tay ở trong thôn, lại chịu khó nên được mọi người yêu quý. A Du thì làm một đại phu, mở một quầy thuốc nhỏ để kinh doanh. Trước kia khi có bệnh tật gì, mọi người nhẹ thì tự chữa, nặng thì phải lên trấn, bây giờ có A Du thì cũng đỡ, A Du đóng vai muội muội của ta, còn A Phóng thì mở lớp nữ công dạy thêu thùa may vá. Những khi rảnh rỗi, nàng sẽ ra ngoài chợ để phụ giúp, nàng vào vai tỷ tỷ ta. Còn ta, một tiểu thư, ta mở một lớp dạy chữ cho trẻ nhỏ trong vùng. Trước khi không ai biết chữ cả, khi ta đến mọi người mới bắt đầu học, ngẫu nhiên cũng có cả người lớn nữ. Để giải thích về cái thai của ta, ta nói dối rằng phu quân mình đã chết trận, gia đình phu quân thì ruồng rẫy còn cha mẹ lại mất sớm, họ hàng xa lánh nên mấy anh em nương tựa vào nhau mà lánh nạn đến đây.

Thật may là mọi người đều tin. Hơn nữa họ còn rất thương chúng ta vì câu chuyện mà ta đã dựng nên.

Ta cảm thấy mình có thể đi viết tiểu thuyết kiếm tiền dạo, dù ta biết là sẽ chẳng được bao nhiêu đâu vì ở vùng này chẳng có ai đọc cả, họ còn chẳng biết chữ.

Hôm nay ta quyết định đi ra ngoài đi dạo một lát, tất nhiên là có A Phóng đi cùng ta. Đi được mấy bước thì ta gặp được Thương thị, là phu nhân của trưởng thôn Cơ Đại. Cũng như ta, Thương thị cũng mang thai.

Ta gật đầu: “Hôm nay chị cũng đi dạo à?”

Thương thị cười: “Ừ, dù sao chị sắp sinh rồi nên đi lại chút cho dễ sinh. Em cũng nên như thế nhé.”

Ta nói: “Em biết mà. Mà nếu như sau này em có sinh thì chị giúp em nhé.”

Có lẽ Thương thị thấy ta tội nghiệp nên cười vui vẻ: “Được rồi, dù sao chị cũng từng sinh bốn đứa nên sẽ giúp được em thôi. Mà hôm chị sinh em có thể đến, nghe nói như thế sẽ dính phúc đấy, chị chỉ khoảng một tuần nữa là sỉnh rồi.”

Ta gật đầu nói cảm ơn.

Thế rồi Cơ Đại từ đằng xa chạy đến, chắc vừa đi làm về, hắn chào ta rồi dẫn Thương thị đi vào nhà.

Ta cứ nhìn họ, nhìn chằm chằm vào hai người ấy.

A Phóng ở một bên nhắc: “Tiểu thư..”

Ta xoay người, không giáp mặt với A Phóng: “Về thôi.”

Đấy là chuyện nhà người ta, ta nhìn làm gì chứ?

Những suy nghĩ hão huyền, nên dẹp đi thôi.