Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 119: Phi Sa Tẩu Thạch (P.2)

Đứng trước ngôi miếu của chị Lý Ngọc Khuê tức chị Đẹp váy xanh, tôi vái ba vái nhưng chưa thấy chị Đẹp xuất hiện, tôi cũng tính giở chiêu cũ là gọi sai tên lót của chị ấy nhưng nhớ ra lần trước đã bị đe rồi nên cũng tởn, chơi dao có ngày đứt tay chứ không đùa được, phụ nữ đẹp họ thường không nói đùa với những thứ có thể làm vẻ đẹp kiêu sa của họ bị giảm đi. Tôi đứng thêm một lúc nữa, trời bắt đầu tối hẳn nhưng vẫn chưa thấy có động tĩnh gì nên tôi đành vái thêm ba cái nữa rồi lẩm nhẩm trong miệng:

- Chị Lý Ngọc Khuê xinh đẹp, mấy hôm nay trong làng có nhiều người đang đi tìm mua cây duối, họ trả rất nhiều tiền và chỉ tìm mua những cây duối trong nhà dân. Chị Ngọc Hoa ở nhà em có nói cho em biết rằng cây duối hay được trồng gần những ngôi miếu hoặc đền chùa, có thể con cháu của chủ cái kho chị đang giữ đang đi tìm chị. Em chắc đang bị người ta theo dõi nên phải nhờ chị Ngọc Hoa giúp mới tìm cách lên đây được, em lo họ tìm thấy cây duối và cái kho này...

- Nếu là con cháu của nó thì đã không cần phải tìm, họa đồ chúng nó có để làm gì?

Giọng nói văng vẳng bên tai, tôi ngẩng đầu lên thì đã thấy cây duối ở chếch phía bên trái đang rung rinh cành lá.

- Những tin tức ngươi nghe được từ đâu? Tại sao con bé ở đất nhà ngươi lại tốt bụng với ta làm gì nhỉ, nó không muốn ta siêu thoát trước nó hay sao?

- Chị đừng hiểu lầm ạ! - tôi vội giải thích – Chị Ngọc Hoa nói rằng có thể những người này đang đi tìm chị nhưng họ không phải con cháu của chủ kho báu đâu. Họ có dùng thuật giấu thanh nên khi đến nhà em thì chị Ngọc Hoa không nghe thấy gì, họ còn định gọi ông Thổ địa nhà em lên để hỏi chuyện nhưng không được.

- Cái gì? Định gọi cả Thổ địa?

- Vâng! – tôi gật đầu xác nhận. – Họ có cách nào đó khiến cho các vong hồn không thể nghe được họ nói chuyện. Ngoài cổng nhà em có bị đánh dấu bằng ký hiệu gì đấy, họ còn để 8 viên sỏi dưới cổng nhà và...

- Làm sao? – Chị Đẹp đã hiện ra thấp thoáng với cái bóng mờ mờ dưới gốc cây duối.

- Em đã kiểm tra ngày hôm nay 2 lần và thấy mỗi lần em đi hướng nào thì thiếu một viên sỏi ở hướng ấy ạ!

- Sao lại như thế được?! – chị Đẹp hiện ra rõ hơn – Có phải những viên sỏi nhỏ xếp xung quanh một bên cột ở cổng nhà, cả thảy 8 viên trong đó 4 viên màu trắng và 4 viên màu đen, có đúng không?

Giọng chị Lý Ngọc Khuê đột nhiên thay đổi, tôi cảm nhận thấy rõ âm điệu thay đổi do tiếng gió bên tai không còn nhẹ nhàng nữa.

- Hình như xếp đan xen nhau ạ, cứ một viên sáng thì lại một viên tối màu.

- “Phi sa tẩu thạch”! (Sỏi bay đá chạy), đây chính là phép khiển sỏi bay theo đi theo người khác, ta tưởng cái này đã thất truyền rồi chứ?

- Em không biết ạ! – tôi nói rõ thêm – Em đi bên trái thì thiếu viên bên trái, đi bên phải thì thiếu viên bên phải. Chị Ngọc Hoa chỉ đoán là có yểm gì đó nên chỉ cho em cách thử.

- Ngươi đã làm gì?

- Em chạy nhanh rồi dừng lại thì có gió lạnh buốt thổi vào lưng sau đó thì không có gì nữa.

- Hừ! – chị Đẹp khoanh tay, khẽ cười – Không ngờ con bé xuất thân tá điền bần hàn ấy lại nghĩ ra được cách thử như vậy, quả nhiên thông minh khác người, nếu đám đó dùng đá để yểm thì gió không chỉ có như vậy mà có thể lục phủ ngũ tạng của nhà ngươi sẽ có thứ bị hỏng đấy!

Tôi không biết mình nên tỏ thái độ như thế nào, cười hay khóc hoặc mếu.

- Ta biết vì sao con bé ở đất nhà ngươi bảo ngươi lên đây rồi, nó cũng đẹp và thông minh nhưng không thể thông minh bằng ta được! – chị Đẹp nói giọng đắc ý – Ta đã đọc nhiều sách nên ta biết nhiều, nhà con bé đó nghèo chắc còn không biết chữ ấy chứ!

- Chị Ngọc Hoa có biết chữ ạ! – Tôi nói đỡ đôi lời.

- Biết chuuuuữ??? – Chị Đẹp kéo dài giọng vừa như đang bĩu môi – Cùng lắm thì biết chút ít chữ nghĩa đủ để viết cái tên là cùng, như thế mà cũng gọi là biết chữ?! Ngươi nên nhớ ta đây đã đọc sách từ khi lên 5, ngươi có biết sách Đại Học không?

- Em mới học lớp 8, 5 năm nữa em sẽ đi học Đại học ạ!

- Dốt nát! Ta nhìn ngươi chữ Hán bẻ đôi không biết mà bảo 5 năm nữa đọc sách Đại Học?!... Những cuốn sách đó ta đã đọc và học xong lúc 15 tuổi, ngươi tưởng ai cũng có thể học, đọc và hiểu những sách đó hay sao?

- Ý chị nói là sách chữ Hán có tên là Đại Học ạ? – Tôi thắc mắc hỏi lại.

- Đúng! Ngoài ra còn có Trung Dung, Mạnh Tử... một kẻ chỉ xứng đáng làm người hầu như ngươi làm sao mà biết?!

- À vâng, em không biết chữ Hán... – tôi gãi đầu – Chị có biết chữ Quốc Ngữ không ạ?

- Chữ đấy của bọn nào?

- Là chữ em đang học bây giờ ạ!

- Ba cái chữ trẻ con đó ngươi nghĩ ta cần phải học à? Ngươi .., ngươi có ý chê ta dốt nát có phải không?

- Dạ không! - tôi vội xua tay. – Sao chị lại dốt nát như em được, em chỉ muốn nói với chị như vậy thôi mà, em không có ý gì, em thề!

Chị Đẹp không đôi co với tôi nữa, cái bóng rõ mồn một với bộ váy màu xanh của chị ấy đang đứng dựa vào gốc cây duối, trời đã tối nhưng tôi nhìn thấy chị ấy rất rõ, bóng hình ấy sáng xanh và nổi bật giữa bóng tối.

- Nghe ta nói đây, “Phi sa tẩu thạch” mấy thầy phù thủy cao tay dùng để theo dõi, ám toán người khác. Trước đây ta có đọc sách thì được biết phép này chỉ có người Tàu mới dùng, thầy người Việt không được dạy. Từ cuối đời nhà Trần đã không còn thấy ai nói đến phép này, nếu có người biết dùng cái phép tưởng rằng đã thất truyền thì hẳn không phải người đơn giản. Ngươi dùng lá của con bé Hoa để đến đây là một quyết định đúng, "Phi sa tẩu thạch" không phát hiện để đi theo được vì phép ấy không có tác dụng với người âm. Ta phải thừa nhận là con bé Hoa này được đi nhiều quả nhiên biết cách đối phó với những việc bất ngờ.

- Chị ấy muốn em lên báo cho chị, chị ấy cho rằng có thể những người ấy sẽ dùng thuật che mắt và những thuật khác để lấy những thứ trong kho của chị, khiến chị sẽ phải trông một cái kho rỗng.

- Hừ, lẽ nào lại có chuyện ấy, thật hoang đường! Đứa nào đến đây mà không đọc đúng thần chú, coi không đúng mặt ta thì ta sẽ vặn cổ từng đứa!

- Nhưng nếu chị bị che mắt, bịt tai thì...

- Không thể có chuyện đó!

- Em cũng mong như thế ạ... – tôi ngưng một lát rồi nói tiếp – Nhưng cũng nên đề phòng chị à, lần trước chả phải đã có người định làm gì với bát hương của chị đó sao?!

Chị Đẹp im lặng không nói gì, chị ấy quay mặt nhìn về phía lũy tre giống như đang suy nghĩ mông lung. Tôi không biết nên nói gì thêm nên cũng đành im lặng chờ đợi.

- Thảo nào chiều hôm qua có hai người lảng vảng phía ngoài bụi tre ngó nghiêng vào đây, ta không chú tâm nhiều nên nghĩ chúng vô hại, bọn này to gan!

- Cũng ...cũng có hai người ạ?

- Ta nhớ là vậy, chúng nó ngó nghiêng một lúc lâu rồi bỏ đi, ta cũng không nghe chúng nói gì nhưng không quan tâm, giờ ngươi nói thì ta chợt nhớ lại.

- Ch...chị tính như...như thế nào?

- Tai ta không nghe thấy thì không sao nhưng vặn cổ đám này thì cần phải nhận được mặt chúng nó. Ta nghĩ rằng những đứa đấy đang đi điều nghiên (điều tra và nghiên cứu) địa hình để lập một danh sách các nơi cần tiếp cận.

- Nhà em chiều hôm qua cũng có hai người như vậy, họ đã hỏi mua cây duối của nhà em. Chị Ngọc Hoa nói rằng cây duối ấy không liên quan gì đến chị ấy nên em có thể bán nếu muốn nhưng cây duối này xuất hiện cùng thời điểm với chị nên... - tôi hơi ngập ngừng – Nên chị Ngọc Hoa nghĩ rằng cây này là cây bản mệnh của chị chứ không đơn giản chỉ là cây trồng để đánh dấu ạ!

- Ta sinh ra vào năm Nhâm Thân, mệnh Kiếm Phong Kim tính ra là hợp với mệnh Thổ nhưng cái cây này được trồng sau cùng trong trận pháp. Cây này quả thực là dùng để đánh dấu vị trí kết thúc của trận pháp nên bọn nó tìm là phải. Ta ở đây cũng đã lâu chỉ có cái cây này bầu bạn, đã nhiều lần người nhà ngươi tính chặt đi nhưng không được... – Chị Đẹp hai tay đan vào nhau đi về phía hàng tre, không gian yên ắng khiến tôi có thể nghe được tiếng lá cây khô xào xạc như có bước chân đạp lên – Cái cây này chỉ phụ, chúng nó nhất định sẽ đào hầm ếch thăm dò.

Đứng gần nhìn hàng tre đang lay động nhẹ theo những cơn gió thổi một hồi thì chị Đẹp quay người lại chỉ tay vào ngôi miếu.

- Dưới nền cái miếu này khoảng một gang tay là một nền bằng phẳng trước đây là của ngôi miếu cũ, khi cụ 5 đời của nhà ngươi về thấy miếu đã hư hại chỉ còn cây, chính ông cụ đã tự tay làm miếu đúng ở vị trí cũ – chị Đẹp đi lại sát ngôi miếu và ngồi xuống chỉ rõ cho tôi – Ta cảm cái ơn đấy nên có trả công nhưng ông cụ không lấy, bởi vì thế nên con cháu của ông cụ ta cũng không muốn làm khó. Nếu ta làm khó thì đất này không ai ở được ngươi hiểu chứ?

Tôi ngồi chồm hổm bên cạnh gật đầu liền mấy cái, chị Đẹp này không nói đùa đâu.

- Chúng nó chắc chắn nếu đến sẽ đào móng cái miếu này để tìm và khả năng chọn ngày không trăng hoặc trước khi trăng lên. Có ánh trăng thì âm khí sẽ thịnh, trái ngược với ban ngày mà đêm nay trăng tròn vành vạnh chúng nó sẽ chưa làm.

- Sao chị nghĩ như thế?

- Đào trộm ban ngày không được, ban đêm trăng lên thì âm khí cũng lên, trăng càng cao thì âm khí của vong hồn càng mạnh, từ giờ Hợi đến hết giờ Dần đấy. Chả phải con bé thôn nữ kia đã chỉ cho ngươi giờ Ngọ ba khắc đi đổ mắm tôm sao?

- Sa...sao chị biết? Chị không đi đâu sao chị biết việc ấy?

- Muốn không ai biết tốt nhất là đừng làm, mấy chuyện của ngươi thì ma quỷ trong cái làng này đều có biết, ta cũng nghe từ Thổ địa – chị Đẹp nhìn tôi lườm lườm – Cái thứ bẩn thỉu đó nhà ngươi có tính đổ lên chỗ ta không?

- Không! Tuyệt đối không ạ, em chỉ dùng để đối phó với người xấu, chị đẹp lại tốt bụng như này sao em phải hại chị?!

- Tốt, ta biết ngươi không dám. Ma quỷ làng này không hẳn tất cả đều thích ngươi đâu, ngươi giúp được đứa này thì lại gây thù với kẻ kia.

- Em... Em...

- Không phải sợ, phần lớn ma quỷ làng này chả nhận mặt được ngươi, thứ nữa chúng nó cũng không muốn dây vào cái con dở người mà dạo này đêm hôm mang gươm mang kiếm đi ngồi lê hết chỗ nọ chỗ kia... – Chị Đẹp ngồi xổm y như tôi, hai tay để lên đầu gối rồi tì cằm lên - Ta thật không hiểu sao con bé quê mùa ấy lại có thể là Công chúa được, nhìn nó giống giặc cỏ hơn. Ngươi có thấy vậy không?

- E... em không bao giờ nhận xét về người thân của mình ạ, cũng như ai hỏi về chị thì em chỉ khen chị đẹp chứ em không có kể chị khó tính – Tôi thật thà.

- Ngươi là đứa lẻo mép, điều này ta biết ngay từ đầu, lưỡi của ngươi giờ vẫn còn nói được nghĩa là ngươi biết nên nói cái gì và không nên nói cái gì.– chị Đẹp bật cười – Mà ngươi không chịu làm người hầu của ta, ta và ngươi không có liên quan gì tại sao ngươi lại cất công lên đây báo cho ta? Ta không nghĩ con bé thôn nữ cầm kiếm đi khắp làng kia là người tốt bụng như vậy, ngươi thì ...chỉ là một đứa bé khéo mồm.

- Chị Ngọc Hoa tốt bụng, chị ấy bảo em báo cho chị và em thì cũng không muốn chị trông một cái kho rỗng. Chị Ngọc Hoa nói không muốn chị vạn kiếp bất phục.

- Hzzz... – chị Đẹp đứng dậy – Nó lại động lòng trắc ẩn chắc là cùng cảnh nhưng ta sẽ không cảm ơn đâu, còn ngươi thằng bé họ Lý, nếu ta qua được cái hạn này thì nhất định ta sẽ báo đáp ngươi!

- Em không cần báo đáp đâu chị, nếu quả như con cháu của người chủ đến lấy thì chị siêu thoát em cũng mừng... Còn nếu như không phải con cháu của người chủ kho đến lấy thì chị có việc làm rồi cũng siêu thoát. Em lo bọn họ đào trộm thì chị cứ phải ở đây với cái kho rỗng em không đành lòng.

- Ngươi có biết không? Dòng họ Lý chỉ vì sự yếu mềm mà làm mất cơ nghiệp của Tổ tiên, điều này ta chẳng bao giờ nghĩ lại truyền thừa đến cha ta, ta rồi đến cả ngươi... – chị Đẹp thở dài thêm một lần – Nếu ta không mủi lòng thì đã xẻo con giống của ngươi mà không cần đe dọa còn ngươi thì cũng toàn lo mấy chuyện bao đồng.

Tôi im lặng lắng nghe vì tôi cũng không biết nên đáp lời như thế nào, hiểu biết của tôi có hạn.

- Nhưng điều này khiến ngươi khác những người mà ta từng gặp, tốt bụng không tạo nên sự quý tộc. Muốn là quý tộc nhiều đời vững chắc thì phải được lòng dân, ngươi được lòng ma quỷ thì chẳng làm quý tộc được nhưng chắc chắn ngươi sẽ có nhiều may mắn. Tiếp theo ngươi tính sẽ làm gì?

- Những người kia đi điều nghiên thì em cũng sẽ đi thám thính họ, em có cái lá này họ không nhìn thấy.

- Phải cẩn thận, những thứ lá này chỉ che mắt người âm chúng ta nếu ngươi không muốn gặp nhưng với con người thì họ vẫn sẽ cảm nhận được ít nhiều cái khí của ngươi, ngươi phải nhớ như vậy!

- Dạ! – Tôi gật đầu tỏ vẻ sẽ ghi nhớ.

- Ngày mai ở nhà này có người sẽ đi xa chỉ còn bà cụ.

Tôi thoáng ngẩn người ra rồi nghĩ đến việc cậu Út sẽ cùng vợ đi Hà Nội, như thế thì chỉ còn bà ngoại ở nhà thật rồi.

- Thôi ngươi về nghỉ đi!

- Vâng, nếu có thêm tin tức gì em sẽ báo cho chị!

Tôi khẽ cúi chào chị Đẹp rồi bước đi băng qua khu vườn phía trước cửa nhà bà ngoại, văng vẳng bên tai là tiếng chị Đẹp thì thầm.

- Nếu có chuyện xảy ra ở đây, làm gì ở đây thì hãy mặc đồ màu xanh tất cả.

Tôi không hiểu tại sao chị Đẹp lại dặn với theo như vậy nhưng thói quen đã hình thành trong tôi chính là không nên hỏi mà chỉ nên làm theo, nếu ai đó muốn bảo vệ tôi thì đó là lời khuyên sinh tử.

Tôi về gần đến cổng nhà thì thở nhẹ và đi nhẹ như sợ ai đó sẽ nghe thấy, thật ra cẩn thận như vậy là thừa vì 8 viên sỏi nhỏ vẫn nằm im dưới cột tre ngoài cổng. Tôi đi hẳn vào trong nhà, nấp sau đống rơm rồi mới lấy lá vối ra khỏi miệng sau đó mới bước vào nhà.

- Giờ cơm mày còn đi đâu, tao ngồi chờ nãy giờ?!

- Cháu chạy ra đầu làng tí thôi mà...

- Thôi, ngồi xuống ăn cơm. Mày ra đầu làng làm gì mà quần áo bẩn thế kia?

- Chắc cháu không chú ý lúc tì vào bức tường ngoài sân đình ấy mà.

---

127. Chiều hôm sau là ngày Chủ Nhật, sau một giấc ngủ sưng mắt gần tới trưa thì đầu giờ chiều tôi đạp xe ra đầu làng, trời còn nắng nên trẻ con hay người lớn cũng chỉ lác đác mấy người. Tôi vào quán của bà cụ Kh. ngồi uống nước.

Hôm qua lúc đi học về tôi đã hỏi Chắc Gạo việc có người mua duối, nó bảo có người đến xem và chỉ trả có Hai trăm nghìn nên bà nó không bán, người ấy cũng chẳng mặn mà trả giá thêm. R9 thì khi được hỏi như vậy chỉ lắc đầu vì không có ai đến hỏi nhưng nó bảo có nghe loáng thoáng việc mấy người đi hỏi mua duối ở bên mé khu Tây và cả mé khu Trên nữa. Tuy thông tin chẳng có gì nhưng ráp nối vào thì tôi nhận định rằng bọn họ chỉ tìm kiếm những cây duối nằm ở rìa làng như nhà Chắc Gạo, nhà tôi hay nhà bà ngoại còn nhà R9 ở giữa làng nên họ không quan tâm. Nhận định này đúng hay sai cần có thời gian mới đoán biết được nhưng giống như trước đây, nếu là sai thì vẫn tốt hơn chẳng có nhận định nào. Sai thì đó là kinh nghiệm còn nếu đúng thì có thể chiếm nhiều lợi thế, xem như đoán biết được kế hoạch của đối phương.

- Làng mình có người đến tìm mua duối đấy, nhà bà có không ạ?

Tôi gợi chuyện với bà cụ Kh. Đang nằm trên võng, tay phe phẩy cái quạt nan, miệng nhai trầu bỏm bẻm.

- Nhà tao làm gì có, đất đai có tí nào thì con cái xây nhà và với sân hết rồi!

- Không ở thì xây làm gì phí tiền thế bà?

- Tao chia hết chẳng còn cái gì sất, nhỡ đâu tao chết thì đỡ cãi nhau, của đứa nào đứa ấy xây!

- Làng mình chả biết có ái bán được không chứ bên xã là cháu nghe đám bạn cháu nói là có bán được đấy bà ạ!

- Cái đám thừa tiền, cây đấy thì mua làm gì?! Chiều qua họ mua được 1 cây của nhà ai bảo là gửi tạm ở kia kìa! – bà cụ Kh. nhỏm dậy cầm cái quạt chỉ về hướng đầu hồi của ngôi đình làng – Mấy người ấy bảo để gom lại rồi chở đi một lần, cái thứ đấy đợi đến Tết mồng thất (khẩu ngữ ý nói ngày không có trong lịch, chỉ điều không bao giờ xảy ra) cũng chẳng có ma nào ăn trộm mà gửi với chả gắm.

Tôi đi lại đầu hồi của đình làng để nhìn thân cây duối cong queo nằm sát chân tường, chẳng có gì đặc biệt, thứ này để đây thì ma chê trộm trách. Ngó nghiêng chẳng có gì nên tôi quay lại uống nốt cốc Coca còn phân nửa, mới đưa lên miệng thì thấy có hai xe máy đi qua Cầu Đình và rẽ vào quán nước, tôi nhận ra một trong số bốn người ấy.

- Bà ơi cho con mấy chai nước nhờ!

Một người đàn ông bước vào quán lên tiếng gọi, bà cụ Kh. rời khỏi võng lấy nước cho khách. Người đàn ông tôi đã từng gặp là người bước vào sau cùng với cái mũ lưỡi trai trên đầu, ông ta thoáng ngạc nhiên nhìn tôi còn tôi thì hơi cúi đầu cười xem như lời chào, chẳng họ hàng, chẳng có thiện cảm lại là người thiên hạ thì tôi cũng lười lên tiếng.

- Bà cháu có đồng ý bán cây duối không cháu? – Người đàn ông đội mũ lưỡi trai hỏi tôi sau khi đã rít một hơi thuốc lào.

- Mấy trăm nghìn bà cháu không bán đâu, cháu hỏi bà cháu rồi, bà cháu cần Hai triệu!

- Nhà thằng bé này có cây duối mục ngoài bờ tre... – người đàn ông đội mũ lưỡi trai trên tay vẫn còn cầm cái đóm chỉ qua tôi như để giới thiệu với những người đi cùng – Bà nó đòi Hai triệu mới bán!

- Cây đấy có gì mà 2 triệu, 500 nghìn là được giá lắm rồi cháu ạ! – một người khác trong nhóm nhìn tôi, cười và nói như vậy.

- Nhà mày có cây duối để bán luôn à? – Bà cụ Kh. chen vào hỏi tôi.

- Có một cây bà ạ, cũng phải mấy trăm năm rồi. Các chú đây trả 500 nghìn mà bà cháu không bán, bà cháu đang cần 2 triệu xây cái tường gạch mà bố cháu thì không chịu cho xây vì liên quan đến phong thủy gì đấy cháu không biết.

- 500 nghìn là bán được rồi, quý báu gì cây đấy?! – Bà cụ Kh. như muốn khuyên tôi.

- Đúng đấy, bọn cháu cũng nghĩ giá đấy là được rồi, hời. – Người đàn ông đội mũ lưỡi trai nói thêm vào.

- Cháu thì không quan tâm lắm ạ vì tiền bạc thì cháu có thiếu gì đâu?! – tôi nói với bà cụ Kh – Bà xem, tại bà hôm Rằm ở chùa mách với bà cháu là cháu tiêu hoang, bà cháu mắng một chặp đấy! Sau bà mà mách nữa là cháu không mua ở đây, không làm khách quen của bà nữa!

- Cái thằng này, tao chỉ vui miệng nói chuyện với bà mày chứ tao mách bao giờ, tao còn khen mày ngoan nên bố mẹ mày chiều. Mày là dạng sướиɠ nhất cái làng này rồi còn gì?!

- Chả sướиɠ ạ, mỗi tháng bố mẹ cháu cho cháu có 500 nghìn! Bà tính xem bao giờ mới đủ mua cái xe máy để đi học cấp 3?!

- Mày cứ được voi đòi tiên, mấy đứa bạn mày ra đây uống nước phải chia đôi còn mày thì... – Bà Kh. quay sang nói với mấy người đàn ông đang lắng nghe câu chuyện. – Cái thằng này nó cũng tốt tính, bố mẹ nó cho nhiều tiền để nó ở nhà với bà nội nó. Nó mua quà bánh ở quán tôi đúng là chả bao giờ hỏi giá. Đấy, các chú xem, nó còn dọa không mua quà ở quán của tôi đấy!

- Cháu đùa thôi mà! - tôi cười hềnh hệch rồi với tay lấy thêm hai chai Coca với hai hộp bánh – Của cháu hết bao nhiêu?

Miệng tôi hỏi nhưng tay đã rút tờ 50 nghìn đồng ra đưa cho bà cụ Kh.

- Thừa để chiều tối cháu ăn gì thì lấy thêm không thì mai bà nhá!

Tôi lên tiếng chào mấy người đàn ông ngồi trong quán, tôi đoán họ nghe hết câu chuyện nhưng tỏ ra không quan tâm, tôi đồ rằng chỉ cần tôi về thì họ sẽ khai thác sự giàu có của tôi qua bà cụ Kh., tha hồ mà hỏi, bà cụ có khi còn bơm thêm vào sự giàu có của tôi ấy chứ đùa.

- “Nếu lừa được mấy người này thì mình biếu bà cụ 50 nghìn vì công nói tốt”.