Trẻ con thì đứa nào cũng thích Tết vì được nghỉ học và có nhiều tiền mừng tuổi với ăn ngon ngủ trễ chẳng ai la mắng, tôi thì thích Tết vì nhà mình sẽ đông người chứ quanh năm tính ra cũng được ăn ngon rồi, tiền thì cũng có kha khá nên không quan tâm mấy, dĩ nhiên nếu có nhiều hơn thì vẫn là tốt, tiền có bao giờ thừa đâu. Tôi rất thích chiều 30 Tết cho đến Giao thừa vì cảm xúc rất đặc biệt, cái cảm giác chỉ còn vài tiếng nữa thôi là mình sẽ thêm tuổi mới, con số năm sẽ thay đổi một số, tôi từng nhiều lần ước thời gian cứ lặp đi lặp lại vào chiều 30 để tận hưởng cái cảm giác ấm cúng khi nhà mình đủ mặt không thiếu ai.
Bữa cơm chiều 30 Tết gọi là cơm tất niên, tôi luôn có ấn tượng bởi điều này kể cả cho đến khi tôi lớn lên, tôi không muốn tổ chức cơm tất niên vào ngày khác và nhất định chỉ muốn làm đúng chiều 30 Tết mới gọi là tất niên, tôi hơi bảo thủ hoặc xem như là sở thích đi vậy, tôi vẫn nhớ bà Già dặn tôi rằng không được ăn cơm tối 30 ở nhà ai vì đó là đêm trừ tịch, tôi vẫn luôn nhớ và chẳng mời ai ăn cơm tối 30 nhà mình, điều này nhiều người cũng đã quên đi vì nhiều lẽ, tôi thì nhớ. Có những năm 30 Tết tôi chỉ có một mình vì vợ tôi phải về bên ngoại thì tôi thường dành buổi chiều chạy đi mua sắm vài thứ cho ban thờ Thần Tài, Thổ Địa xem như một thú vui nhưng điều tôi thấy khó hiểu nhất là bao nhiêu cái Tết đã trôi qua mà tôi chưa bao giờ mua hoa đào hay hoa mai vì mỗi lần ra vựa để tìm thì tôi lại không ưng một cây nào, tôi đi tìm một cây giống như trong đầu mình tưởng tượng, nếu gặp sẽ mua nhưng lại chưa bao giờ gặp, nhưng không vì thế mà tôi cảm thấy thiếu không khí Tết.
Tết thì bao giờ cũng có nhiều thứ kiêng kị, bà Già luôn dặn tôi rất nhiều thứ như ngày mùng Một đầu năm không được gội đầu, không quét nhà, không vay mượn bất cứ thứ gì, không mặc quần áo cũ, không nói bậy, không giặt quần áo ..., thậm chí bà còn dặn sau này lấy vợ không được cho vợ về nhà ngoại vào ngày mùng một nhưng điều này thì tôi không làm theo vì thấy hơi vô lý. Tôi còn nhớ hồi tôi mới cưới nghe đâu là con gái đi lấy chồng phải mấy ngày mới được về thăm nhà mẹ đẻ, mẹ vợ tôi cũng kiêng kị dữ lắm, tôi biết vợ tôi nhớ bố mẹ nên tôi chở vọt về, mẹ vợ tôi thấy vậy cũng lo lắng nhưng tôi kệ, sau nhiều năm thì mẹ vợ tôi cũng chẳng kiêng kị việc mùng một con gái về nữa, thậm chí còn đề nghị việc ấy. Bởi vậy người ta nói ăn theo thuở ở theo thời, cái gì phù hợp thì mình ghi nhận, không phù hợp thì cũng nên loại bỏ bớt đi cho cuộc sống vốn đã nhiều gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.
Tôi nghĩ rằng mình và thế hệ của mình, thế hệ 8x, là thế hệ chuyển giao giữa cái cũ và cái mới nên cứ dở dở ương ương, nửa muốn giữ lại truyền thống nhưng nửa lại muốn được thoải mái, tôi tham lam nên thích cả hai, tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Từ lúc tôi 9 tuổi thì tôi chưa bao giờ đi ngủ trước Giao thừa, tôi thích ngồi nhìn đồng hồ nhảy qua năm mới rồi bước ra cửa nhìn trời nhìn đất nhìn mây và tự nói với chính mình rằng đã thêm một tuổi, dành ít thời gian để nhớ năm cũ xem có cái gì chưa tốt hay có làm việc gì không phải hay không... nói chung đó là khoảnh khắc rất thiêng liêng đối với tôi và tôi không muốn bỏ lỡ.
Gần một giờ sáng cả nhà đã ngủ, tôi lặng lẽ mang những thứ mình đã chuẩn bị sẵn ra thắp hương trong khu vườn, trên cái gò đất rất thấp. Từ hồi quen biết chị Ma thì tôi nhớ là chưa gặp chị ấy vào đêm Giao thừa bao giờ nhưng tôi luôn nhớ việc thắp hương, ai cũng vui vẻ cả, năm mới vừa đến mà. Tôi ngồi bó gối lặng nhìn những que hương đỏ lửa một lúc lâu trong gió khuya, tôi không biết, nhưng tôi muốn dành một chút thời gian vừa bước sang năm mới ngồi đấy để cho chị Ma bớt cô đơn, ai cũng được về nhà với gia đình còn chị ấy chả biết đi đâu, ai cũng muốn được người khác quan tâm kể cả ma. Ngồi trong khu vườn vào đêm Giao thừa, tôi cũng nghĩ đến việc mình nên xây cho chị ấy một ngôi nhà, tiền thì tôi chắc sẽ có đủ nhưng vấn đề tôi cứ băn khoăn chính là tôi không phải người lớn, tôi cũng không phải chủ nhà mà nghe nói muốn xây cái gì đó thì thì phải đi xem ngày, xem giờ... rất nhiêu khê mà xung quanh tôi thì thật sự là tôi chẳng quen biết ai. Nhưng có một điều tôi nhận ra, trong suốt quãng thời gian tôi biết chị Ngọc Hoa, chị ấy chưa bao giờ nhắc với tôi việc xây miếu, chỉ có bà H. Lớn là nhắc mà bố tôi thì chả hiểu vì sao lại chưa quan tâm đến điều này. Ai cũng muốn có một ngôi nhà, tôi nghĩ chị Ma cũng vậy nhưng chị ấy chưa nói nghĩa là có điều gì đó tôi chưa nên biết, cũng có thể bởi vì chị ấy không muốn được tìm thấy, thật nực cười nhưng đúng là tôi đã từng nghĩ như vậy.
Đêm Giao thừa 1998, tôi đã trải qua với nhiều suy nghĩ mông lung, tôi đã bước sang tuổi 14, tuy có cao lên một chút nhưng chắc không nhiều.
.....
Lại nói về nhà bà ngoại tôi Tết năm ấy, đầu năm mọi thứ đều suôn sẻ và mẹ tôi đã chở bà ngoại đi xem bói cho vững tâm, tôi vẫn nhớ là cậu Út chưa thoát ly khỏi làng được ngay sau dịp Tết vì một vài lí do nào đó mà tôi không rõ, vợ chồng cậu rời làng sau khi chuồng trâu và hố xí được xây cất ở vị trí mới.
Cậu Khuyên, người cậu đã nói đỡ cho tôi trong lúc tôi bị mắng vì tật nói leo trưa ngày 30 Tết, là người đẹp trai và cao lớn nhất trong số các anh chị em của mẹ tôi. Mùa hè năm 1998 cậu đột nhiên biến mất không ai biết đi đâu, vào khoảng thời gian này thì cậu Khuyên tôi chuyên bán thịt lợn quay Bắc Kinh, cậu chính là người đã truyền lại nghề cho cậu Út trước khi biến mất. Chừng hơn một tháng sau cậu mới gọi điện cho mẹ tôi báo rằng đang ở Sài Gòn, cậu dự tính rằng sau khi ổn định thì cậu trở ra đưa vợ và các con vào lập nghiệp ở trong ấy, cậu ấy đã làm theo kế hoạch đã nói, duy có đứa con gái lớn 11 tuổi thì gửi về quê ở với bà ngoại tôi một thời gian dài chừng gần 2 năm.
Cậu Khuyên là người được nhiều con cháu quý mến mặc dù chẳng giàu có gì, việc giàu có và việc được nhiều người quý mến không có lí do gì bắt buộc phải liên quan với nhau, tôi hiểu điều ấy. Cậu Khuyên vào Sài Gòn bắt đầu với việc bán thịt heo quay Bắc Kinh nhưng một thời gian sau đó lại chuyển sang nghề mổ chó, còn vợ cậu thì làm đậu phụ. Tôi và nhiều người biết đến cậu đều phải thừa nhận rằng cậu làm thịt chó rất ngon, xem như đó là một biệt tài đi, có người thích và không thích gϊếŧ chó, tôi thì không có ý kiến gì nhưng tôi thừa nhận mình thích ăn, đã từng thích ăn. Có lẽ cậu tôi thịt hàng nghìn con chó nên có sát khí, cậu đi đến đâu thì chó cả khu đó sủa vang, nhiều lần cậu vào nhà tôi chơi thì mấy con chó nhà tôi run như cầy sấy chui vào gầm giường cụp đuôi rên ư ử không dám thò mõm ra. Bây giờ thì cậu tôi đã từ bỏ nghề sát sinh được gần mười năm rồi nhưng bố tôi hay nhờ cậu mua giúp cho về nuôi, con nào cũng tinh khôn nhưng đều bị bắt mất hoặc bị đánh bả chạy về đến nhà thì nằm chết ngoài sân, tôi đã không ăn thịt chó vì lí do như vậy nhưng tôi không bắt ai phải ngưng việc ăn bởi vì quyền tự do của mỗi người, thịt chó rất ngon!
Cậu Khuyên lấy vợ cuối năm 1985, khi ấy cậu đang ở quê ngoài làm ruộng thì còn làm dân quân mãi đến năm 1992 mới rời làng đi tìm kế sinh nhai, cậu tôi kể rằng có một dạo làng tôi hay bị gặt trộm lúa vào ban đêm nên dân làng rất tức, đoán biết rằng cánh đồng hay bị gặt trộm tiếp giáp với làng Nghe nhưng chẳng bắt được tận tay nên cánh dân quân hồi đó bị dân làng la ó nhiều, một số gia đình bị gặt trộm còn đến phàn nàn trực tiếp tận nhà những thanh niên đang trong đội dân quân của thôn, vì thế mỗi khi chuẩn bị vào vụ gặt là đội dân quân rất vất vả mỗi đêm. Đội dân quan phải thay nhau đi tuần theo nhóm ba người cùng một khẩu súng CKC với một băng đạn, tôi nhớ là 7 viên. Vào một đêm cuối tháng tối trời khi cậu và hai người dân quân khác đi tuần ở cánh đồng nơi hay bị gặt lúa trộm, cậu tôi kể rằng cứ phải đi lom khom và ép sát mặt xuống đất để nhìn xem có cái bóng nào nổi trên nền trời màu xanh xám hay không, cánh đồng đó tôi không nhớ tên nhưng nó rất gần với bãi tha ma Cầu Khoai, quả nhiên ba người phát hiện ra có mấy bóng người đang gặt lúa nên hô to bắt giữ, những người ấy vội vàng bỏ chạy mất hút, ngoài một số lúa đã bị gặt nằm ngổn ngang trên thửa ruộng thì số đồ rơi lại còn có hai giỏ cua. Cậu tôi bảo hai người đi cùng cầm hai giỏ cua mang về cho mợ tôi làm đồ nhắm và dặn hai người mua rượu còn cậu sẽ ở lại mật phục chờ đám người kia quay lại tìm giỏ cua hoặc gặt trộm tiếp. Chờ mãi không thấy, nằm mật phục mỏi quá nên cậu Khuyên đi bộ lại bãi tha ma Cầu Khoai ngồi rình trên một nấm mộ xây khá lớn mà qua lời cậu kể thì tôi biết đó là mộ tổ của họ Đào trong làng. Phải nói rằng cậu tôi là người khá “cứng cựa” khi nửa đêm ngồi một mình giữa bãi tha ma. Cậu tôi ngồi rình một lúc lâu, cứ chốc chốc lại ghé mặt sát đất để quan sát cánh đồng thì thấy có bốn, năm bóng người thấp thoáng ở những ruộng lúa phía trước mặt khoảng hơn 40m.
- Đ.M.M mấy thằng trộm đây rồi, lần này chúng mày chết với bố.
Cậu tôi đứng phắt dậy và hô lớn.
- Tất cả đứng im, chúng mày chạy tao sẽ bắn!
Miệng vừa hô lớn thì chân đã chạy tới còn tay bóp cò bắn chỉ thiên liền ba phát súng nhưng khi cậu chạy đến nơi thì tuyệt nhiên không thấy một cái bóng người nào, lúc này thì cậu đã biết sợ vì gặp phải ma rồi, tay cầm súng run run và người lạnh toát nhưng miệng vẫn cố nói cứng.
- Tôi... tôi báo với ông bà khuất mặt biết nhá, tôi là dân quân đang có nhiệm vụ canh lúa cho làng, ông bà đừng trêu...trêu tôi.
Cậu tôi xách súng chạy một mạch về làng, do tiếng súng nổ giữa đêm khuya nên bác N., anh rể của mẹ tôi lúc này đã là trưởng thôn phải đạp xe xuống đầu làng để nắm rõ sự tình.
- Có bắt được thằng trộm nào không? – bác N. hỏi.
- Báo cáo anh, không bắt được được đứa nào, em thấy ma em sợ quá nên nổ súng.
- Thấy ma? Thấy ma sao lại nổ súng?
- Tại em tưởng trộm.
- Tưởng cậu cứng lắm ai ngờ cũng nhát nhỉ?
- Báo cáo anh là em hãi quá.
Và để cho bớt sợ, đêm ấy cậu tôi một mình uống hết cả chai 65 rượu, hai người bạn cùng làng của cậu thì chỉ uống chung hết gần một chai, sau đêm ấy thì cậu tôi biết sợ ma và không chịu mật phục một mình nữa.
Trong nhiều năm qua tôi đã từng nghĩ rằng chị Lý Ngọc Khuê, tức cô thần giữ của ở miếu nhà bà ngoại tôi, chỉ có một mình tôi nhìn thấy nhưng có vẻ như không phải như thế, trong một lần tôi gặp cậu Khuyên bên chén nước trà, tôi có gợi chuyện về việc bà ngoại mất thì 2000m2 đất chia cho 6 người con trai như thế nào, cậu nói đất đã chia đều cho mọi người nhưng riêng phần gò đất có ngôi miếu cũ thì tuyệt nhiên không ai dám chia chác, không ai dám xây tường rào ngăn ngôi miếu cũ mà được dặn là phải để như vậy cho mọi người trong làng ai muốn đến thắp hương thì cứ đến. Câu chuyện bên bàn trà sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu tự nhiên vợ của cậu, tức là mợ của tôi buột miệng nói về ngôi miếu cũ ấy.
Vào khoảng cuối năm 1987 khi mợ tôi mới sinh con gái đầu lòng, do ông ngoại tôi ốm nên bà ngoại lên viện chăm sóc, chỉ có mợ tôi, cậu Út và dì Thiết khi ấy còn nhỏ ở nhà, và vì cậu và dì tôi còn nhỏ nên mẹ của mợ ở làng bên cạnh sang chăm con gái. Đêm đầu tiên bà cụ dậy lúc 4h sáng để đun nước nóng thì vừa mới mở cửa nhà đã nhìn thấy trước mặt một cảnh khá kỳ khôi, một cái bóng rất lớn và sáng trắng với váy áo thướt tha bay từ ngôi miếu cũ ngang qua khu vườn trước nhà sau đó bay ra cổng rồi quay lại và biến mất ở cây duối, bà cụ sau khi chứng kiến cảnh ấy đã đứng chết lặng hồi lâu rồi quay trở vào nhà không dám đi xuống bếp. Đêm hôm sau, khi ngủ ở trên giường cùng con gái và cháu ngoại thì bà cụ lại nhìn thấy một người con gái mặc váy, đầu vấn khăn đứng thấp thoáng ngoài cửa sổ nhìn vào bà cụ. Sau hai đêm liên tục nhìn thấy như vậy thì không có đêm thứ ba nào nữa vì bà cụ sợ quá không dám ngủ lại, cứ đến chập tối là đạp xe về mặc cho con gái nói thế nào đi nữa cũng không chịu ở. Thật sự khi nghe được điều này thì tôi bất ngờ và hào hứng hơn hẳn, tôi đã quá vui và chợt nhớ ra mình cần phải ghi âm lại nếu không sẽ quên, đợi khi nào có dịp về quê nếu có cơ hội gặp chị Lý Ngọc Khuê tôi sẽ hỏi lại việc này cho rõ, nếu đã có người thứ hai thì chắc chắn sẽ có những người khác đã nhìn thấy chị ấy, tôi cảm thấy hơi tiếc vì đã không biết việc này sớm hơn chứ nếu không tôi sẽ tìm bằng được bà cụ ấy để hỏi cho rõ hơn về những gì bà đã nhìn thấy.
Chị Lý Ngọc Khuê là như vậy, có người đã nhìn thấy chị ấy đi dạo vào ban đêm, còn chị Ngọc Hoa công chúa thì sao? Có phải chỉ một mình tôi nhìn thấy hay không? Điều này thì tôi xin khẳng định luôn, đã có những người khác nhìn thấy nhưng thật buồn là họ đã vì thế mà chết mất rồi, đó là những câu chuyện dài mà tôi sẽ kể chi tiết hơn rất nhiều so với thông tin ít ỏi mà tôi thu lượm được từ người khác về chị Đẹp.
Mẹ tôi cho đến bây giờ vẫn rất sợ mỗi khi về nhà bà ngoại, tôi không biết mẹ tôi đã nhìn thấy gì hay cảm thấy gì nhưng mấy năm trước khi bà ngoại tôi mất, nửa đêm tôi vẫn phải phóng xe lên đón mẹ về ngủ ở nhà rồi sáng sớm lại chở mẹ tôi lên. Tôi cho rằng mẹ tôi đã cảm thấy điều gì đó nên bà cảm thấy không yên tâm chứ mấy ai lại sợ ngủ ở chính căn nhà mình đã sinh ra và lớn lên?
.....
Chiều mùng 4 Tết sau khi hóa vàng thì mọi người lại đi Hà Nội hết một lượt, tôi đứng hồi lâu ở cổng nhà với ánh mắt buồn rầu nhìn những người thân của mình đi khuất sau những đoạn rẽ trong ngõ, cảm giác vui sướиɠ hạnh phúc bao nhiêu khi gia đình về ăn Tết thì khi họ rời đi tôi sẽ buồn đến gấp đôi, đến truyện tôi còn chẳng muốn đọc, những ngày như thế đối với tôi là một ngày buồn tẻ vô vị. Tôi không thích phải chia xa nhưng tôi chưa bao giờ nói ra điều ấy vì tôi nghĩ mọi người trong gia đình cũng hiểu phần nào, nếu như tôi nói ra thì mọi người sẽ cảm thấy rất nặng lòng, thôi thì một mình tôi cảm thấy buồn nhất là được rồi.
Hơn 10h đêm thì tôi nghe thấy ám hiệu vang lên từ cánh cửa gỗ đầu hồi nhà, dạo này chị Ma thay đổi cách gọi tôi rồi, từ hồi lên làm công chúa và có con ngựa to đùng thì không cất tiếng gọi tôi mà hay dùng đất ném vào cửa. Tôi nhẹ nhàng bước ra ngoài sân và thấy chị Ma đang đứng cạnh ụ rơm còn con ngựa nửa thật nửa hư ảo thì có vẻ như đang dũi cái mũi của nó xuống đất như đang ngửi mấy cây cỏ trong vườn.
- Chúc mừng năm mới! – Tôi nói nhỏ với giọng rất vui.
- Chúc mừng năm mới! - Chị Ma đáp lời, giọng cũng có âm hưởng hân hoan lẫn trong tiếng gió thổi qua tai tôi. – Năm nay là phải hay ăn, chóng lớn đấy em nhé!
- Năm nay em ăn nhiều thì em sẽ cao hơn chị - tôi nói nửa đùa nửa thật – rồi chị sẽ phải ngước nhìn em vì em cao.
- Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, - Chị Ma cười với vẻ chế giễu tôi – Mặc dù chị cũng rất mong điều đấy.
- Chị nói thế ý là sao?
- Em sẽ không bao giờ cao hơn chị, trừ khi em có thể bay được.
Nghe vậy thì tôi buồn thiu vì trẻ con đứa nào cũng mong mình sẽ mau lớn và thật cao to.
- Cao thấp không quan trọng, quan trọng là em thông minh, chị không thích chơi với người ngốc đâu. – Chị Ma an ủi tôi – Thế năm nay có được mừng tuổi nhiều không?
- Em được mừng tuổi gần Hai trăm nghìn này chị.
- Là nhiều hay ít?
- Em nghĩ chắc là nhiều, bạn em có đứa được có gần Một trăm nghìn thôi.
- Chị mải du Xuân quên mất chưa mừng tuổi cho em, em lấy vàng nhé?
- Mừng tuổi mà chị, mừng tuổi em thấy người lớn cho tiền mà.
- Nhưng chị không có tiền, chỉ có vàng và bạc thôi, chị cũng đang tính đổi lấy một ít tiền để thi thoảng cho em mà ở làng này bọn nó chê vàng nặng không nhận - Chị Ma nhún vai tỏ vẻ không tin – Chị nghĩ bọn nó nghèo không đủ tiền để đổi ấy, chị biết thừa.
- Tiền em có nhiều rồi chị không cần phải lo, chị đi chơi đầu Xuân như thế có gì hay không?
- Năm nay chị không được đi xa như mọi năm, thấy bảo là đất đã lại chia lại rồi nên hơi hẹp nhưng không sao, Tết này đi chơi có kẻ hầu người hạ, thêm cả con ngựa này nữa nên bao nhiêu người nhìn.
- À chị, tiền hôm trước em đi đổi chỗ đồng xu ấy, còn nhiều do người ta đã trả lại rồi cho thêm cả tiền mừng tuổi, hay là .... hay là ...
- Làm sao, tiền đó chị đã bảo em cứ dùng đi, giữ làm gì.
- Hay là em xây cho chị một cái nhà nhé?
- Không cần, khi nào cần xây tự khắc có người xây, tiền chị cho thì em cứ dùng, giúp được ai thì giúp chứ, miễn em vui là được, chị không ngờ mấy người em giúp là những người tốt bụng, chị rất hài lòng nên đã tặng cho Thổ Địa nhà ấy một thỏi vàng, lão ấy sẽ phù hộ cho gia đình chủ nhà.
- Em cảm ơn chị.
- Vì điều gì? Chị có làm gì đâu?
- Vì đã giúp họ, họ làm sao biết được mà cảm ơn chị, em cảm ơn thay. – Tôi vừa nói vừa cười, nhìn chị Ma hôm nay lại đẹp long lanh như trước, chẳng còn tả tơi như hôm vừa đánh nhau với con Ma Trâu.
- Tiền lẻ mà cảm ơn cái gì, lão Thổ Địa nhà đó cảm ơn rồi. Mà chị nói em nghe, khả năng sắp tới sẽ có người đến làng dò xét tình hình để tìm vàng tìm của đấy, chẳng biết chúng nó nhắm đến nhà ai nhưng ngoài việc tìm của thì có khả năng còn yểm bùa nữa.
- Khi nào thế chị?
- Mới đầu Xuân giờ ai cũng mải chơi nên chị chưa rõ lắm nhưng chị sẽ báo cho em ngay khi chị biết tin.
- Dạ!
- Thôi đi ngủ đi, hôm nào chị đổi được tiền chị sẽ mừng tuổi cho em.
- Dạ, không cần mà chị.
- Lời chị nói rồi thì chị sẽ làm, không nuốt lời được, đi ngủ đi, giờ chị đi chơi đây.
Chị Ma trèo lên ngựa rồi chỉ vài bước chân là người và ngựa đã biến mất trong khu vườn.