Ba bố con tôi đứng trước nấm mộ của bà cô Tổ im lặng một hồi lâu, hai anh em tôi đứng cạnh nhau hết nhìn bố rồi lại nhìn nấm mộ, tôi huých vai mấy lần rồi hất hàm mấy cái thì thằng em mới hiểu ý bước lên phía trước đặt những thứ mà nó đang xách trên tay xuống rìa mộ và bày biện lên.
- Mộ xây hết bao nhiêu tiền? – Bố tôi lên tiếng hỏi tôi sau một hồi im lặng.
- Con không biết ạ,con thấy bà bảo là khoảng Bảy trăm thì phải...
- Mày... mày tìm được là do bà cô Tổ dắt ra đây hả?
- Con cũng nằm mơ thôi ạ, bà Già cũng từng nói là có mộ ở khu vực này nhưng mất nấm vì cảnh vật thay đổi.
- Bố cũng quên khuấy đi việc này! – Bố tôi thở dài một hơi, người chùng xuống – Cái này là sơ suất của bố...
- Bà cô Tổ đã phạt bố hay sao?
- Đêm qua bố nằm mơ thấy mình quỳ cả đêm, muốn đứng dậy không được, cứ như có ai ấn vai mình xuống, lúc gà gáy tỉnh dậy thấy đầu gối với hai chân đau nhức, bố được bảo là sáng phải ra đây tảo mộ, kể ra thì cũng phải 20 năm rồi bố không đến đây. – bố tôi lại thở dài và tự lắc đầu – Nay bị bà cô Tổ trách phạt thì cũng là phải.
- Bố có bị tát không bố? – Em trai tôi ngước lên hỏi.
- Không, làm sao?
- Con với anh N. mỗi người đều bị tát hai cái đấy, đau lắm!
Bố tôi quay sang nhìn tôi, tôi cười ngượng gãi đầu.
- Con gặp bà cô Tổ hai lần, cũng bị tát vì con không biết nên đã trót gọi bà cô Tổ là chị.
-Thế chứng tỏ là cái phản gỗ nhà mình có vấn đề, lần trước bố ngủ một đêm trước ngày giỗ ông mày thì cũng thấy sự kỳ lạ, cảm giác như có ai muốn nhắn nhủ điều gì?! – bố tôi hai tay chống nạnh, đầu ngẩng lên trời chả hiểu nhìn cái gì – Phản gỗ này bố có từng nghe là có từ hồi ông cụ cố, cũng là tài sản duy nhất có giá trị mà ông nội chúng mày mang theo được sau cải cách.
Hai anh em tôi im lặng nhìn nhau, mặc dù cỏ dại xung quanh mộ chẳng có gì nhưng tôi cũng ngồi xuống dọn lấy lệ, cái gì cũng mới thì làm gì có cỏ dại mà nhổ.
- Thôi dọn dẹp mau để bố thắp hương!
Chừng nửa tiếng sau thì ba bố con tôi rời cánh đồng và về nhà, trong khoảng thời gian chờ hương tàn tôi cũng kịp kể ngắn gọn cho bố vài điều về bà cô Tổ mà mình đã trải qua, em trai tôi còn bổ sung thêm việc nhìn thấy con mèo trắng ở ngoài bãi tha ma khi hai anh em đi tảo mộ ông nội. Hai anh em tôi ngồi phía sau đứa cầm cuốc đứa cầm xẻng, trước khi về đến nhà bố tôi ngoái lại căn dặn.
- Mấy chuyện này chúng mày đừng có nói với mẹ mày, mẹ mày tính nhát gan mà nghe được chắc không dám ngủ trên tấm phản ấy nữa, có khi còn trốn lên nhà bà ngoại chúng mày ngủ đấy!
- Vâng! – Hai anh em tôi trả lời đồng thanh rồi cùng gật đầu để thể hiện sự quyết tâm không để lộ cho mẹ tôi biết.
Tôi dặn em trai mình mấy lần việc này, nếu kể cho mẹ biết thì mẹ sẽ không ngủ ở nhà nữa thì nó sẽ phải chịu tội, nó nghe thế gật đầu như bổ củi, miệng liên hồi hứa với đảm bảo và cam kết sẽ kín miệng. Vì bố tôi nhắc đến nhà bà ngoại nên tôi sực nhớ ra là chưa lên đó thắp hương cuối năm cho chị Lý Ngọc Khuê, cả tháng trời nay tôi đã quên khuấy đi mất việc thắp hương cho chị ấy.
- Bố ơi! - tôi lên tiếng hỏi khi ba bố con đã ngồi ở trong nhà – Mộ ông nội nhà mình bố có nhớ là chuyển về chỗ Cầu Khoai lúc nào không?
- Hồi cuối năm 1970, đủ ba năm thì dời mộ về chỗ đấy, khi ấy bố mới học có lớp ba.
- Ui! Thế thì cũng gần 30 năm rồi còn gì nữa?!
- Người sống thì lâu chứ người chết thì nhanh lắm! – Dứt lời, bố tôi rút thuốc lá ra châm lửa, mắt bố tôi lim dim. – Để bố thu xếp thời gian và xem ngày giờ rồi xây cái mộ đàng hoàng cho ông nội chúng mày...
- Mà bố cho con hỏi, con ra ngoài Cầu Khoai nhiều lần rồi, mộ chôn ở đấy thì chẳng có hàng có lối và cứ san sát nhau nhưng tại sao riêng có mộ của ông nội thì bên cạnh lại có một khoảnh đất trống?
- Hồi bốc mộ đưa về đấy thì còn trống nhiều mà, có quy củ gì đâu, thích đào huyệt chỗ nào thì đào, bà H. Lớn nhà mày là người quyết định việc mộ chôn ở chỗ nào chứ thời đấy bố còn nhỏ không biết gì. Chúng mày thấy đấy, mộ của ông nằm hơi thấp hơn những chỗ xung quanh, chắc là bà H. Lớn lại dựa vào phong thủy để chọn ấy mà!
- Phong thủy là gì ạ? – Tôi thắc mắc.
- Bố cũng không biết mấy cái đấy, còn bên cạnh mộ ông chúng mày có khoảnh đất trống như vậy chắc là do dân làng người ta sợ ở chỗ trũng thì mưa ngập đấy thôi, có gì đâu mà lạ, tiện thì bố kể cho hai anh em mày nghe vài thứ.
Tôi chạy vội vào buồng lấy mấy cái ghế nhựa ra ngồi nghe bố tôi nói, bố ngồi trên tấm phản còn hai anh em ngồi cong lưng dưới ghế ngẩng đầu lên nhìn.
- Thế bố có biết vì sao mộ Tổ nhà mình lại phải đi chôn ở xa thế không? Con thấy phải đi xe máy mãi mới tới, làng mình hết đất hay sao ạ? – Tôi một lần nữa nêu ra thắc mắc của mình.
-Các cụ xem đất thì bảo chôn ở đấy, nghe đâu cũng muốn chôn ở gần làng nhưng chẳng hiểu sau đó có chuyện gì. Mộ Tổ là mộ chung của cả dòng họ, phần đấy ông trưởng họ nắm rõ nhất chứ bố không biết, chúng mày chỉ cần quan tâm đến mộ Tổ ngành nhà mình là được rồi!
- Tổ ngành ạ? Là gì ạ?
- Họ nhà mình cũng tương đối đông, bố nhẩm tính ra cũng phải đến 6,7 nhánh khác nhau. Nhánh nhà mình mấy đời trước thì bố nghe mấy cụ cao niên nói là có 5 cụ là anh em ruột với nhau, mấy cụ bà thì chẳng nhớ có những ai vì lâu quá rồi! Năm cụ này đẻ ra nhiều con cái trong đó có cụ nội nhà mình, cụ nội nhà mình thì có mỗi ông nội mày là con trai rồi đến bố, tính ra bố là giỏi hơn các cụ rồi vì có tận hai thằng. – bố tôi vừa kể vừa cười – Cụ nhà mình chắc là em út nên bây giờ trong cả cái chòm chỗ gần Đề Đổ thì ai cũng trên vế nhà mình cả, tính gọn là 4 nhà.
Bố tôi ngưng lại để nhìn xem hai anh em tôi có theo kịp không, hai chúng tôi đang mở to mắt, vểnh tai để nghe dĩ nhiên là kịp rồi.
- Nếu hai anh em mày không biết được hết họ hàng thì cứ nhớ hỏi nhà hay xem nhà là sẽ biết mình vai trên hay vế dưới. Ngay góc khu Đề Đổ đoạn dẫn vào nhà bà ngoại đến chỗ cái ngõ nhỏ thì có hai nhà đều là vai trên, phía sau hai nhà đó anh em mày Tết này đi chúc Tết sẽ thấy có thêm khoảng ba nhà khác, chính là xưa kia anh em ruột nên đất được chia sát nhau. Cụ nhà mình là con út nên ở với bố mẹ được chia sau cùng, sau cải cách Nhà nước thu hồi thì đất ấy bây giờ chia năm chia bảy cho mấy nhà khác.
- Cái này bà cũng kể cho con rồi, con cũng biết sơ sơ...
- Ngoại trừ cái khóm đấy ra thì tất cả những nhà khác kéo dài mãi đến tận cánh đồng gần nhà bà ngoại chúng mày cho đến mé giáp khu Trên thì đều là vai dưới, chúng mày là vai trên, hiểu chưa?
- Dạ hiểu ạ!
Bố tôi đứng dậy hỏi tấm phản và đi lại cửa sổ nơi có bàn học của tôi, mở cửa sổ ra rồi vẫy hai anh em tôi lại gần, tôi không hiểu lắm vì đầu hồi nhà thì có gì đặc biệt để nhìn ngắm đâu?!
- Chúng mày nhìn thấy không? – bố tôi chỉ tay về hướng rìa bụi tre, xa xa tôi vẫn nhìn thấy núi Thiên Thai với hai cái lô cốt từ thời Pháp.
- Núi Thiên Thai hả bố?
- Không phải, hai anh em mày nhìn thấy cái gò đất ở kia không, kia kìa! – bố tôi chỉ tay rồi nhìn chúng tôi – Cái gò đất kia kìa, thấy chưa?
- Dạ rồi ạ! – Hai anh em tôi đồng thanh.
- Cái gò đó xưa kia lớn lắm chứ không nhỏ như thế đâu, lúc bố còn nhỏ thì còn lại lác đác vài nấm mộ chứ trước đó chắc là nhiều, bố vẫn hay ra đấy chơi vì nhà mình rìa làng, tre nhà mình hồi đấy cũng chẳng dày ken đặc như bây giờ.
- Cái gò đấy còn một cái mả đấy bố, con thấy rồi!
- Đúng, trên gò đó còn một cái mả đất khá lớn, những mả khác sau khi di dời thì người ta đào đất sạch hết đi làm thành ruộng chia cho mọi người, chỗ đấy lúc đào xong cái gò cho thấp bằng mặt ruộng xung quanh thì chia cho các xã viên của hợp tác xã, những người được chia thường trồng rau, khoai lang, khoai tây chứ không trồng lúa... Và điều quan trọng nhất! - bố tôi nhấn mạnh – Mả Tổ ngành nhà mình chính là đang nằm trên gò đất ấy, nhớ chưa?
Tôi nghe xong mà thấy tai mình lùng bùng, từ đầu đến chân như có luồng điện chạy, tôi cảm thấy quá đỗi ngạc nhiên nên nhất thời đứng như tượng gỗ chẳng biết nên nói gì. Nếu đó là mộ Tổ ngành nhà tôi như bố tôi nói thì cái cảm giác thân quen khi nửa đêm tôi nằm dựa bên ngôi mộ sẽ dễ lý giải hơn, nhưng tôi lại cảm thấy gai người khi nhớ lại mấy lần mình đi qua đó cứ thấy như có ai đứng nhìn mình hay muốn nói điều gì, nhớ đến đoạn này thì tôi thở hơi mạnh, bố tôi lay vai tôi mấy lần.
- Mày có nghe không đấy?
- Con... con có ạ!
- Nghe mà sao mặt đần ra thế kia?
- Con bất ngờ vì chả bao giờ nghĩ mả Tổ nhà mình lại ở ngay gần, ngày nào con cũng nhìn thấy!
- Có gì mà lạ?! - Bố tôi chép miệng – Nhà mình mới ở đây có 40 năm trong khi mả Tổ thì có từ đời nào rồi, thời trước xung quanh đây toàn là gò đống chứ lấy đâu ra bằng phẳng. Ngay sau lũy tre nhà mình kia kìa, mấy cái ruộng kéo dài đến tận lối đi ra đồng đó cũng là có sau hợp tác đấy, mấy cái ao đằng trước hay đằng sau nhà mình đều được đào lúc bố còn bé tí để nuôi cá với nuôi bèo cho lợn chứ mấy cụ kể là trước đây thì rìa làng chỉ đến bên nhà hàng xóm mình thôi!
Nghe lời bố tôi kể lại thì trong đầu tôi đã có những hình dung cơ bản về địa thế xung quanh nhà mình nửa thế kỷ trở về trước.
- Sao mấy bác không xây mộ Tổ nhà mình bằng xi-măng luôn hả bố?
- Các bác con đông cháu nhiều, lo miếng cơm manh áo còn tất bật nên cũng chưa để ý tới, để qua năm có đám cỗ mà gặp thì bố sẽ đề cập đến việc này, quyết định vẫn là ở mấy bác trưởng chứ bố chẳng quyết được. Mà thôi, kể cho anh em chúng mày như vậy là nhiều rồi, nhiều quá lại chẳng nhớ được. Tí nữa bố đi mua vôi có đứa nào đi không?
- Con tính lên nhà bà ngoại, mẹ chắc lên trên ấy rồi! – Tôi từ chối.
- Con đi với bố! – Em trai tôi im lặng từ đầu bây giờ cũng lên tiếng.
- Được, đi mua ít vôi về tiện thì bố con mình quét lên mấy cái cây luôn cho đỡ mối mọt.
Sau khi ăn uống xong thì tôi đạp xe đi ra đầu làng mua thêm gói mứt Tết và thẻ hương sau đó đạp xe lên nhà bà ngoại, mẹ tôi đúng là đang ở đấy thật, nhà bà ngoại tôi có nhiều người về ăn Tết nên rất đông vui, tôi cúi chào các bác, các chú, các mợ mỏi hết cả cổ, mọi người chuẩn bị cho bữa cơm Tất niên sẽ diễn ra vào buổi trưa, tính hòm hòm cũng phải ba mâm tất cả. Trên ban thờ gia tiên lúc này trưng đủ các loại hộp mứt, bánh trái của các bác, các cậu, tôi đã đạp xe lên gửi quà Tết cho bà từ hôm 27 nhưng lại quên béng đi việc mua đồ cúng cho chị Lý Ngọc Khuê.
- Thằng N. mày đi đâu đấy?
Một bác là anh ruột mẹ tôi lên tiếng hỏi khi thấy tôi cầm hộp mứt và thẻ hương đi ra hướng ngôi miếu.
- Cháu mang đồ này ra miếu ạ!
- Ngoài đấy đã có rồi!
- Cháu biết ạ, nhưng mà hôm trước cháu lên gửi quà Tết với thắp hương lại quên ngôi miếu chưa có gì!
Bác tôi không hỏi thêm nữa, việc tôi làm kể ra cũng không có gì lạ, chỉ lạ ở chỗ tôi là một đứa nhỏ mà thôi. Sau khi thắp mấy nén hương thì tôi khấn vái, tôi cũng chỉ biết chúc chị Lý Ngọc Khuê có một cái Tết thật vui vẻ và cảm ơn chị ấy trong một năm qua đã giúp đỡ tôi, chỉ dạy cho tôi nhiều thứ mà tôi chưa biết, khi tôi khấn xong và cắm mấy que hương vào bát hương trên bệ thờ thì thấy gió thổi làm cây duối rung rinh những tán lá. Tôi đứng im ngẩng đầu lên nhìn một hồi rồi vái thêm ba vái sau đó lui ra sau tính trở lại vào nhà, bỗng nhiên đâu đó trong tiếng gió nhẹ văng vẳng bên tai giọng nói của chị Đẹp.
- Ta được biết gia đình này sắp có người chuẩn bị đi làm ăn xa nhưng nếu cái chuồng trâu, chuồng lợn và cả cái hố xí vẫn còn để trước mặt ta thì sẽ không làm được trò trống gì đâu!
Tôi sững người quay lại nhìn xung quanh một hồi, gió vẫn thổi nhẹ nhưng tôi không thấy hình bóng nào lẩn khuất, tôi quay lại nhìn phía trước quả thật thấy rằng nếu mỗi ngày ngồi hóng gió dưới gốc cây duối trên gò mà toàn mùi phân trâu, phân lợn thì quả thật là khó chịu nhưng mà đây không phải nhà tôi, mà kể cả đây là nhà tôi thì tôi cũng có thể làm gì được chứ?
Mẹ tôi bảo tôi ở lại ăn cơm Tất niên nên tôi ở lại, tôi có những thói quen rất khác người, ví như chuyện ăn cơm Tất niên vậy, ở đây đông vui và vì đông vui nên tôi không có mặt cũng không sao nhưng ở nhà thì chỉ có hai bà cũng đang chuẩn bị bao nhiêu là cơm canh, nếu nhà tôi có thêm một người thì sẽ vui hơn. Chả biết có phải những suy nghĩ này có từ hồi nhỏ hay không nhưng vào các dịp lễ, tết tôi thường dự Tất niên qua loa ở nhà người quen rồi mau chóng về nhà, thậm chí 10 năm qua tôi cũng cố gắng dự Tất niên ở nhà vợ sau đó về một mình trước để hương khói, tôi muốn nhà tôi lúc nào cũng có người. Chẳng biết có phải như thế hay không mà những dịp Tết nhà tôi lại trở thành nơi tụ tập của những đứa em và đứa cháu, chẳng đứa nào hẹn, chẳng có đứa nào gọi điện báo, chúng nó cứ đến bất tử như vậy.
Các cháu nội ngoại có một điểm chung là rất thích đến nhà tôi và xin ngủ lại mặc dù nhà tôi chẳng có cái gì để chúng nó chơi, may cái đứa nào đến chơi thì cũng ngoan, lắm khi tôi nghĩ nhà mình có thể mở nhà trông trẻ được. Mọi người lý giải rằng do tính tôi dễ lại quý trẻ con, không to tiếng với chúng nó bao giờ nên chúng nó thích. Có thể đúng, lúc nhỏ tôi không muốn ai la mắng mình nên khi lớn tôi cũng không muốn la mắng trẻ con mấy khi trừ lúc nó quá quậy và nhắc nhở không nghe. Mà có đợt vợ tôi còn chán chẳng muốn quét nhà vì nếu chỉ xách cái chổi lên quét và lau dọn sạch sẽ thì y như rằng một lúc sau sẽ có cháu đến chơi và nhà lại thành bãi chiến trường, những dịp vợ tôi ở chơi bên nhà ngoại và tôi ở nhà một mình thì vợ tôi hay hỏi.
- Nhà có sạch không anh?
- Vẫn sạch!
“Vẫn sạch”, tôi không muốn trả lời là “sạch” bởi vì cháu tôi mới qua chơi, quả nhiên cuộc sống đúng là có những điều thật khó mà giải thích cặn kẽ, nhưng tôi cũng may mắn vì vợ tôi yêu trẻ con hơn cả tôi nhưng được cái nghiêm khắc, tôi thì chẳng nghiêm khắc được như thế và nếu là cháu gái thì tôi rất khó từ chối yêu cầu của chúng nó, lúc xưa tôi cưng em gái còn bây giờ thì cưng cháu gái, thứ tình cảm thiên vị này không thay đổi trong suốt những năm qua.
Bữa cơm Tất niên ở nhà bà ngoại tôi đúng là phải chuẩn bị đến ba mâm vì còn cả đám trẻ nhỏ, đồ cúng bày kín cả ban thờ gia tiên từ miến gà, cơm nếp, bánh chưng mới luộc, gà cúng, giò chả... đủ cả, khói hương nghi ngút. Giá như cả năm ngày nào cũng được ăn ê hề như vậy thì tốt biết mấy. Nếu tôi ăn ở nhà thì phần tôi sẽ là hai cái đùi, bà Già lúc nào cũng để phần riêng cho tôi, nhưng Tết có hai đứa em về nên chúng nó mỗi đứa sẽ một cái, tôi không tranh, dù sao tôi cũng ăn nhiều rồi. Một con gà luộc thì tôi thường không ăn đầu, phao câu, chân gà hoặc lòng mề vì tôi nghĩ những thứ như chân con gà đi đất, mỏ con gà dũi đất còn phao câu nó ị, ruột thì toàn phân gà nên tôi chả ăn, tôi cũng là người không biết nhậu nên lớn rồi tôi cũng ít khi ăn. Mẹ tôi bảo rằng tôi được chiều, ăn thì cứ phải thịt thăn và gà thì phải là đùi.
- Bây giờ lớn thì có cái cứt mà sướиɠ thế nhá, mày là bố trẻ con rồi còn định giành phần với con mày à?
Mẹ tôi hay mắng tôi như vậy mỗi lần gia đình làm cơm họp mặt, chỉ có mỗi vợ tôi là chiều tôi nên mua cả đùi gà về chiên cho hai bố con ăn, thế nên tôi yêu cô ấy, con trai tôi cũng vậy.
Cậu Út đứng trước ban thờ thắp thêm một lượt hương nữa, ba que hương vừa được cậu Út cắm vào bát hương gia tiên lập tức cháy ở phần chân sau đó cháy lan sang những chân hương đã cắm trước đó, chỉ trong phút chốc trên bát hương gia tiên rất lớn đã bao trùm một ngọn lửa đỏ rực hừng hực cháy. Tôi nhìn thấy mọi người chạy lại và chắp tay khấn vái còn tôi thì ngồi ở trường kỷ trố mắt nhìn. Lửa cháy một lúc thì tắt, mọi người có mặt ở đấy nét mặt hoang mang thấy rõ, mẹ tôi, người phụ nữ vốn sợ những điều kỳ bí thì hốt hoảng thật sự.
Quanh bàn uống nước sau đó là khoảng 10 người lớn bao gồm cả bà ngoại tôi, mọi người bàn luận về việc bát hương gia tiên tự nhiên cháy vào cuối năm có thể là điềm không lành, cũng có người nói là do tàn lửa bắt cháy vì từ sáng nhiều người thắp hương quá, cho dù lý giải thế nào thì cũng thấy không yên tâm cho nên sau cùng mọi người tính đầu năm mới sẽ đi xem bói thử, liệu các cụ có điều gì không hài lòng hay không. Tôi lúc này đang ngồi hóng chuyện ở bên giường, tôi đang nghĩ đến câu nói của chị Lý Ngọc Khuê và sự việc hóa chân hương có liên quan đến nhau hay không.
- Thằng Út nãy mày thắp hương khấn xin cái gì ? Một bác lên tiếng hỏi.
- Thì em cũng chỉ báo với các cụ là qua Tết sẽ đi làm ăn xa thôi mà, có gì đâu, em cũng không cầu xin điều gì.
Nghe cậu tôi nói như thế, tôi đoán rằng có sự trùng hợp rồi.
- Hay là do chuồng trâu với hố xí nhà mình đặt ở đầu hồi phía trước cửa miếu khiến cho cô Thần miếu giận ạ?
Nhưng có vẻ như tôi đã nói điều không nên nói.
- Không được nói leo! - bác tôi quát - Trẻ con biết cái gì mà tham gia chuyện người lớn?!
- Cháu... cháu xin lỗi ạ, cháu... cháu lỡ miệng... - Tôi bối rối đứng lên và cúi đầu lí nhí đáp lại.
- Sao con lại nghĩ liên quan đến cái miếu? - Mẹ tôi đến gần chỗ tôi đang đứng - Miếu đấy sao liên quan đến các cụ nhà mình được?!
- Con... con không biết ạ, tự nhiên con nghĩ thế thôi mà!
- Cái miếu đấy trước tao cũng kể cho nó nghe mấy lần rồi! - bà ngoại tôi lên tiếng - Xưa bố chúng mày còn sống đã phá đi xây ra mạn bụi tre mà sau đấy ốm đau liên miên, có người mách phải xây lại chỗ cũ đấy, chúng mày quên à?
- Chuyện đấy bọn con biết, nhưng miếu mạo thì liên quan gì đâu?! - bác tôi đưa ra ý kiến - Từ hồi xây lại cũng gần 20 năm có vấn đề gì xảy ra đâu nào?!
- Nhưng lời trẻ con vô tình mà hữu ý đấy anh ạ! Cháu nó không biết gì mà tự nhiên lại nói ra điều này em nghĩ mình phải cẩn thận. Đầu năm để U với mấy chị em đi xem thế nào còn tí nữa anh em mình ra thắp nén nhang ngoài miếu, thật là em cũng không chú ý việc này lắm...
Mọi người quay ra bàn bạc với nhau nên tôi thoát nạn bị truy vấn và bị mắng.
- Con xin lỗi mẹ!
- Lần sau không được nói leo như thế nghe chưa!
- Vâng...
Những ngày đầu năm sau đó mẹ tôi chở bà ngoại đi lên Trằm nhờ một ông thầy lớn tuổi xem giúp, tôi nhớ mẹ tôi có mang theo một nắm đất và một chân hương lấy từ bát hương gia tiên nhà bà ngoại. Tôi không biết ông thầy đã nói gì nhưng sau đó chuồng trâu và hố xí quả nhiên được di dời sang nơi mới, nằm ngay sau bếp của nhà bà, nghĩa là đầu hồi mé Đông của ngôi nhà trên của bác cả thay cho mé Tây tức là đầu hồi của ngôi nhà dưới, ngôi nhà đã dành phần cho cậu Út từ khi ông ngoại tôi còn sống.
Sau khi đi đưa bà ngoại đi xem về, mẹ tôi nhìn tôi với ánh mắt rất lạ như muốn nói điều gì đó nhưng lại thôi.