Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 82: Vương Miện Cho Công Chúa

Cả đêm tôi đã rất khó ngủ, đôi lúc vô thức cười một mình trong chăn, thực sự tôi rất vui khi gặp lại chị Ngọc Hoa, bây giờ đã là Ngọc Hoa quận chúa, tôi không quan tâm đến chức vụ mà chị ấy mới được sắc phong, nó có lớn hay không, có thêm phép thần thông quảng đại nào hay không đều không quan trọng, tôi chỉ vui vì đã gặp lại và biết chị ấy an toàn, đấy mới là điều quan trọng nhất.

Chuẩn bị cho ngày giỗ của chị Ma, tôi đã đạp xe đến tận nơi chuyên làm đồ vàng mã, tôi nhớ nơi đó rất gần thị trấn Hồ, tôi muốn đặt làm một cái vương miện thật đẹp, là công chúa chắc phải có vương miện để đội lên đầu, điều này trong mấy câu chuyện cổ tích thì có vẽ minh họa, thêm mấy truyện của nước ngoài tôi cũng đã từng đọc, nhưng tôi thật không biết đặt làm vương miện như thế nào thì vừa ý chị, nên tôi cũng chỉ biết nói với nơi nhận làm rằng tôi cần đặt một cái vương miện công chúa màu đỏ cho con gái khoảng 17 tuổi để cúng giỗ. Ngồi đợi khoảng hơn một tiếng là tôi đã có thứ tôi cần, một cái vương miện được làm bằng giấy và nan tre cùng hai bộ quần áo bằng giấy đều màu đỏ, một con ngựa màu đỏ cho đủ bộ. Mặc dù tôi thấy chị Ma có thể bay được nhưng khi đã là quận chúa thì nên có một con ngựa cho đàng hoàng, tôi cũng nghĩ có nên đặt làm thêm gia nhân hầu hạ không, sau cùng tôi quyết chơi lớn, quay lại đặt thêm cả mấy hình nộm gia nhân, lên chức là phải có người hầu chứ. Những thứ tôi đặt lại ít người đặt làm nên đã ngốn của tôi một mớ kha khá nhưng tôi lại thấy rất hào hứng, tôi hi vọng chị Ma sẽ vui khi nhận được những món quà này.

Buổi chiều ngày giỗ, tôi mang tất cả những thứ mình đã chuẩn bị ra ngoài vườn, gần ụ rơm, bà Già cũng không hỏi gì nhưng đã làm giúp tôi một con gà luộc, một quả trứng và một bát cơm úp đầy, tôi đứng nhìn mọi thứ và thấy rất hài lòng, thế nên tôi nhanh chóng thắp hương và cắm lên bát cơm. Tôi quỳ xuống đất cầu khấn cho chị ấy sẽ mau nhận được những thứ tôi chuẩn bị và mau chóng cưỡi ngựa đi chơi. Tôi ngồi phệt xuống đất đọc truyện để chờ đợi cho hương tàn sau đó đốt hết mọi thứ tôi đã mau, ngọn lửa màu vàng đỏ cháy rực, tàn tro bay lung tung trong khu vườn bám cả vào những cành lá tươi.

- Sớm muộn cũng phải xây lại cái miếu thờ để mà có nơi hương khói, - bà Già nói với tôi trong bữa cơm tối – tính ra cái miếu cũ hồi trước bị sập cũng lâu lắm rồi, chắc hơn chục năm.

- Miếu hồi trước xây bằng đất hả bà? Hôi đầu cháu thấy còn nhiều ngói vỡ với một ít gạch vụn ở chỗ gò đất nhỏ gần bờ rào.

- Tao cũng chả biết cái miếu ấy do ai dựng nhưng thấy có lâu lắm rồi, thi thoảng trẻ chăn trâu với người đi làm đồng tiện cũng thắp nén hương, hồi xưa đất này là bãi ven làng mà, thấy dân nói là miếu lành nhưng hồi tao về tao cũng hãi.

- Bố cháu chắc bận việc nên chưa thấy đả động gì đến việc này, tính ra cũng mấy năm từ hồi cháu nghe bà H. Lớn nói rồi.

- Thôi cứ biết thế đã, mà sao nay mày cúng nhiều thứ thế?

- Nhà bạn cháu làm vàng mã, cháu mua ủng hộ ấy mà.

Tôi có tiền, bà tôi biết việc ấy nhưng không bao giờ hỏi tại sao tôi có nhiều hoặc đề nghị để bà giữ giúp, bố tôi thì vẫn tạt qua đưa tiền cho hai bà cháu một tháng đôi lần rồi lại đi ngay, ít khi có thời gian ngồi ăn tạm bát cơm với hai bà cháu vì ô tô đợi ở đầu làng, do đã vào mùa Đông nên việc buôn bán có phần chậm lại nhưng tôi nghe bố tôi nói là đã thuê thêm người, việc làm ăn khá phát đạt. Mùa Đông, mỗi lần về bố tôi hay mặc áo len bên trong còn khoác áo vest màu tối bên ngoài, tuy ăn mặc lịch sự nhưng tôi không thấy bố tôi giống một ông chủ lắm, trên TV thì ông chủ thường có bụng bự mà bố tôi thì gầy, tôi thấy ông giống một kỹ sư cần cù hơn, giá như hồi còn nhỏ bố tôi có cơ hội được học tập đến nơi đến chốn thì đất nước hẳn đã có thêm một ông kỹ sư rồi. Mỗi lần ghé về nhà thì trước khi đi bố tôi hay hỏi tôi còn tiền không và dúi cho 50.000đ, tôi cũng thấy bố có một cái điện thoại cầm tay màu đen, hơi to một tí, cỡ ½ viên gạch thẻ tôi hay thấy, có ăng-ten ở trên đầu và rút dài ra như đài radio, tôi tò mò lắm vì lần đầu tiên tôi thấy điện thoại có thể cầm bên người được, nếu tôi nhớ không nhầm thì cái máy đó hiệu Ericsson, tôi cũng hỏi bố và được cho nhìn thấy một cái sim màu vàng có hình trống đồng ở phía sau máy, số thì cũng rất dễ nhớ 0913305008, đã hơn 15 năm tôi không gọi vào số ấy, nhà tôi cũng không ai gọi, tôi tin rằng nó đã có một người chủ mới, sau cái điện thoại to đùng ấy thì một thời gian sau tôi lại thấy thay bằng cái nắp gập Motorola StarTAC V cũng màu đen nhỏ gọn và rút dài ăng-ten, đó thật sự là những thứ hiện đại và tuyệt vời.

Như lời đã hẹn, quả nhiên khi bà tôi ngủ say thì chị Ma xuất hiện, trong khi đó tôi đã ngồi đợi sẵn ở ngay chân ụ rơm vì trời khuya có nhiều gió, ánh trăng dường như cũng lạnh và đang tỏa xuống thứ ánh sáng yếu ớt xuống vạn vật. Chị Ma lần này hơi khác, tôi trố mắt nhìn cái vương miện màu đỏ trên đầu, rất giống thứ tôi đã đốt hồi chiều.

- Đúng là đội cái vương miện nhìn chị khác hẳn, rất giống công chúa nhé! – tôi cất lời khen ngay khi vừa nhìn thấy chị - đẹp hơn hẳn luôn.

- Lại bắt đầu rồi đấy ông tướng, cảm ơn em đã gửi nhiều thứ như thế.

- Thì lên chức công chúa chả phải cần có nhiều thứ mới sao, chị không thay bộ váy màu khác đi cho đẹp một thể.

- Đây là bộ đồ vía, chị rất thích mặc.

- Thế ngựa của chị đâu?

- Khi nào cần thì sẽ dùng, có thêm cả mấy gia nhân thật tốt đấy nhưng mà chúng nó cứ có mỗi một khuôn mặt cười, thấy buồn cười quá thể, hôm nào mua thêm một đứa khóc với một đứa mặt hề để làm trò nhé.

- Không thành vấn đề.

- Thế có muốn chị thưởng cho cái gì không nào?

- Chị thì giàu nhưng lại toàn mấy thứ em không thích nên em không cần, chị vui là được rồi.

- Ôi sau này không biết ai sẽ là người tốt số đây, được, vì em có lòng với chị nên chị sẽ xem xét việc này.

- Việc gì ạ?

- À thôi, nói chuyện khác.

Chị ma lần này lại ngồi lên bồn hoa đầu hồi, chỗ này bà tôi cũng đã dúi vào đấy mấy khóm hoa bỏng nhưng thấy chưa có ra hoa, chỉ có màu xanh của lá thôi, mà chỗ bồn hoa ấy thì đã có cái cột ăng-ten TV.

- Em có mua nải chuối rồi ít vàng mã thắp hương cho cái bà cụ chít khăn mỏ quạ ở đầu ngõ rồi đấy chị, không biết bà ấy có nhận được không ạ?

- Có, bà cụ ấy cũng sắp không còn ở đó nữa rồi, bà ấy đã được thưởng công giúp làng bằng việc sẽ siêu thoát.

- Thật mừng quá! – Tôi làm hành động vỗ tay và cười – Thế là lần sau đi qua chỗ ấy em cũng thấy không còn thấy lạnh lưng nữa.

- Cái đám thầy phù thủy đã bỏ chạy, chúng nó đang bị bệnh nặng rồi, số kiếp nuôi âm binh sớm muộn cũng là cái chết nếu dùng vào việc xấu, có thể xem là quả báo chúng nó phải nhận vì những việc sai trái đã từng gây ra trước đó.

- Em thấy hôm ấy trong thoáng chốc khi chớp giật, giống như mây đen với mây trắng vần vũ lẫn nhau, đó là âm binh sao ạ? Em thậm chí còn ngửi thấy mùi máu tanh và rất hôi nữa.

- Ừ, quan binh và âm binh đánh nhau, ở Cầu Khoai thì âm binh bị đánh tan tác tiêu tán gần như hết, riêng có lần vừa rồi chị thấy bảo là bên kia đông quá, triệu hồi đâu đó đến cả đạo quân toàn âm binh khát máu từng chết trận nên quan binh trong làng cũng vất vả nhưng Bạch Hổ thần xuất hiện thì bên kia sợ chạy phân nửa, đám còn lại chắc cũng tan.

- Mà em thấy hình như âm binh khác nhau chị ơi, có cả mắt đỏ như quỷ nữa.

- Thì âm binh cũng nhiều loại mà em, có tướng có quân chứ đâu phải ô hợp, thầy càng cao tay thì càng luyện được nhiều âm binh cao thủ nhưng mà – chị Ma thở dài – cái gì cũng phải đánh đổi cả, vong hồn hếu chịu nhận làm âm binh thì có cơ hội siêu thoát và đầu thai thành người nhưng khổ ở chỗ mấy thằng thầy phù thủy lại toàn dùng vào việc khuất tất, hại người. Chị cũng từng nghe nói những thầy pháp lực không cao siêu tuyển âm binh chỉ để làm giúp những việc giản đơn thay sức người, nhưng số này ít lắm. Em có còn nhớ mặt người em gặp hai lần trong đêm ở đầu làng chứ?

- Dạ có?!

- Nó đang chịu đi đày, chịu tội tình đày đọa để nâng cao pháp lực đấy, chị thấy gần đây nó rất hay đi ra hướng Tây chừng nửa tháng thì lại đi ngược lại.

- Sao lại đi đày ạ? Em nhìn như ma cà tưng ấy.

- Nó chấp nhận chịu như vậy để rút ngắn thời gian tu luyện.

Tôi rùng hết mình.

- Chị nói làm em nghĩ đến cảnh gặp anh ta lần vừa rồi em thấy sợ, anh ta có cái gì đó lạnh lạnh và quái quái, em không giải thích được.

- Em cảm nhận vậy cũng không sai, thằng đó chị nghĩ nó không có nuôi âm binh để đi đánh nhau nhưng chị không hiểu nó sẽ nuôi cái gì, ma xó thì không phải, có thể là một kiểu gì đó chị chưa biết.

- Mà chị, chị làm công chúa rồi, có được thêm cái gì không? Có được đi chơi xa hơn nữa không?

- Phong thì phong vậy thôi chứ quyền lợi có gì đâu, thường thì sẽ là cắt đất cho nhưng chị chả biết mình nên lấy đất ở đâu. – chị Ma cười vui vẻ - mà làm ma thì cũng có đói đâu mà cần đất trồng cây, nếu như là thời trước đây thì sắc phong sẽ do nhà vua ban nhưng giờ làm gì có vua, thôi thì có danh xưng cũng tốt.

- Mà chị này, chị có biết gì về chùa làng em không? – Tôi đổi chủ đề, tôi đang quan tâm đến chủ đề ngôi chùa vì dạo này thấy gần đây ở đó hay xảy ra chuyện – Em có nghe bà em kể vài chuyện về chùa làng em nhưng em nghĩ chị biết nhiều hơn.

- Chùa hả? Nhớ đâu là hồi chị đến đây là có chùa rồi thì phải nhưng mà đơn sơ lắm, lại rất nhỏ nữa. Cũng có một thời gian mỗi đêm chị nghe tiếng kinh trên chùa vọng xuống, khi ấy khác bây giờ, đứng từ vườn nhà mình nhìn gần như thẳng lên cửa chùa luôn, đêm khuya thanh vắng tiếng mõ và tiếng kinh nghe rõ mồn một.

- Mà cái này, em nghe nhiều người, à là nhiều ma nói là chị không hiền, mà rất ghê, có ... có phải thế không chị?

- Chị hả? – Chị Ma che tay lên miệng cười rung cả hư ảnh – Làm gì có ai xinh đẹp mà ghê gớm đâu, em đừng nghe người ta nói, chị là hiền nhất vùng luôn, em biết còn gì nữa, chị có bao giờ la mắng hay quát tháo gì đâu nào.

- Cũng phải, - Tôi gật gù – em cũng nghĩ chị hiền mà, những người xinh đẹp đều hiều lành, em cho là thế.

- Điều này là đúng, mà chùa làng em thì có từ lâu rồi đấy, chị chỉ nhớ là khi về đây đã cũ rồi, nghe nói đã có hàng trăm năm, có lẽ phải có từ thời Lý hoặc Trần đấy, có khi còn có trước cả làng này, chị cũng không chú ý lắm. Mà em cũng lưu ý cái chùa cẩn thận không lại có trộm, không phải lúc nào cũng may mắn như lần vừa rồi.

- Dạ.

- Thôi, em đi nghỉ sớm đi, chị đi chơi đây.

- Giờ này chị đi đâu nữa?

- Đi khoe, cưỡi ngựa đi khoe cả làng, phải cho cả làng biết là trong làng có một công chúa chứ. - Chị Ma có vẻ hớn hở đứng dậy - Giờ này sắp là giờ linh rồi, đi là gặp hết bọn nó, cho bọn nó thêm động lực để trở thành ma cũ.

Chị Ma nói xong là biến mất luôn, tôi ngơ ngác nhìn quanh, mà cũng đúng thôi, nếu đẹp thì phải đi khoe mà nhất là vừa được lên chức công chúa. Nhìn chị ấy có vẻ hớn hở tôi cũng vui lây.

.....

Trưa hôm sau đi học về, mới được nghỉ lễ Tết Tây xong nên tôi cũng chưa có dự định gì rõ ràng, nếu có cũng chỉ là rủ đứa nào đó cùng đạp xe lên thị trấn Hồ mua truyện về đọc, cuộc sống tự nhiên cứ tẻ nhạt kiểu gì. Tiền trong túi cũng vơi nhiều rồi, tính ra chắc chỉ còn khoảng Một triệu đồng mà chưa có những nguồn tài chính bổ sung nên tôi rất lo lắng. Học kì I của năm học cũng sắp hết, chắc chắn vẫn xếp vào nhóm học khá nên tôi cũng không lấy gì làm lo lắng, tôi còn biết bao nhiêu dự định phải làm phía trước.

Đạp xe vừa qua đoạn Cầu Khoai bắc ngang con kênh thì tôi thấy dưới đường như có cái gì đó hình tròn được phóng to như kiểu nhìn qua kính lúp và đang bị lún hẳn xuống mặt đường, nhưng tôi lại nhìn thấy cái vật ấy hiển hiện rõ ràng và nổi bật. Đạp xe qua mấy mét mà tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại, đạp thêm được một đoạn thì tôi vòng lại xem đấy là cái gì, dựng xe đạp ven đường tôi ngồi xuống nhìn vật tròn nhỏ giống như một cái nhẫn vàng nên tôi vội lấy trong cặp ra cái com-pa và dùng đầu sắt nhọn để cậy lên một cách dễ dàng, cầm cái nhẫn đó trong tay tôi thấy nó dẻo dẻo tôi nghĩ có khi lại là vàng giả vì màu vàng bị bám bụi bẩn nhiều, nhất là vệt bánh xe chèn qua. Tôi đã từng giúp bố tôi khò vàng khi còn nhỏ nên tôi nhìn thử phía mặt trong thì thấy có đúng số 9999 khắc chìm, tôi ngẩn người ra.

- Ơ, vàng thật này!

Tôi không tin lắm nhưng xem kỹ lại thì thấy có vẻ là thật, không phải đồ mỹ ký hoặc vàng tây, nhìn trước ngó sau chả thấy ai nên tôi cho vào túi rồi đạp thật nhanh về nhà để rửa sạch bằng bàn chải.

Đúng là một cái nhẫn vàng!

Cầm trên tay tôi vẫn không thể tin được, chả biết cái nhẫn này bán được bao nhiêu nữa mà đi bán cái này là phải lên tận thị trấn Hồ rồi.

- Mình lại có tiền rồi!

Nhẫn vàng ấy là hai chỉ, tôi nhớ là bán được đâu đó khoảng Sáu trăm năm mươi nghìn ở một cửa hàng trên thị trấn, đi vào bán mà cứ hồi hộp giống như thằng ăn cắp vậy, sợ người ta bảo là vàng giả hoặc đồ ăn trộm nên tôi đã nghĩ ra lý do nếu bị hỏi thì sẽ nói đi bán hộ bà.

Nhưng người chủ cửa hàng vàng chả quan tâm.

Số tiền ấy tôi mua cho bà Già một đôi tông Lào màu vàng, chỉ Hai mươi lăm nghìn mà bà tôi dùng đến hơn mười năm mới chịu đổi đôi khác, phần lớn bà toàn đi chân đất, chỉ khi có việc với chịu đi dép tông. Trước đó tôi cũng đã mua cho bà một đôi dép nhựa nhưng với bàn chân Giao Chỉ thì bà đi là hơi chật và không thoải mái.

Tôi cũng mua cho thằng R9 mấy tờ giấy to để nó vẽ Ca-đích trong truyện 7 Viên Ngọc Rồng, còn phần tôi dĩ nhiên mua truyện còn phần lớn là để dành tiêu từ từ, lúc cần còn có cái mà chi tiêu.

Chuyện nhặt được vàng lần đầu tiên này tôi giấu kín chả nói với ai.