Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 83: Mộ Của Bà Cô Tổ

Theo như tôi được nghe thì hầu như nhà nào cũng có bà cô, ông mãnh rồi cô bé đỏ, cậu bé đỏ, tôi không hiểu về điều này nhiều nhưng với tính tình tò mò và hay khám phá của mình thì tôi thấy lạ. Tại sao lại lạ?

Bố tôi khi đứng lầm rầm khấn vái, tay chắp trước ngực đứng trước ban thờ gia tiên, tôi đứng cạnh thì hay nghe thấy câu “con kính lạy bà cô, ông mãnh, cô bé đỏ, cậu bé đỏ” mà tôi nhớ rõ trong cái tờ A0 bố tôi vẽ sơ đồ bằng bút dạ màu thì không có bất kỳ người nào tên như vậy, tôi cứ thắc mắc điều này nên có hỏi bà Già để được giải đáp.

- Ông mãnh là những ông đã mất khi còn trẻ mà chưa lập gia đình, hồi tao mới về cũng nhiều lần thấy ông mãnh nhà mày chiều tối hay về đấy, cứ ngồi trên xà nhà đung đưa chân rồi đòi ăn cơm rồi quậy phá, khϊếp khϊếp là.

- Vậy còn bà cô là ai ạ?

- Thì cũng là phụ nữ mất lúc trẻ mà chưa có chồng hay là lớn rồi ở giá đến lúc chết già, bà cô Tổ mày từng bị gặp chính là bà cô nhà mày đấy, tao ngày nào chả phải thắp 3 nén hương với chén nước mưa để cúng. Tao thấy mỗi nhà hình như chỉ có một bà cô Tổ vậy thôi, giống như quán xuyến việc trong nhà ấy mà.

- Ơ thế cứ ai mất lúc trẻ cũng thành bà cô, ông mãnh hả bà?

- Này thì tao không biết, tao đã chết đâu mà biết. Nhưng hồi trước ông bố tao có nói là không phải ai chết trẻ cũng thành bà cô, ông mãnh đâu, cái gì mà phải chịu đày đọa dưới ngục, bị giam cầm rồi cho làm phán quan, tao không biết mấy thứ đấy, có khi người sống tưởng tượng ra ấy chứ.

- Cháu thấy thi thoảng người lớn cũng gọi trẻ con là “ông mãnh” ý là gì thế bà?

- Thì kiểu chúng mày nghịch thì gọi vậy thì tao nói là ông mãnh hay nghịch phá đấy còn gì nữa.

- Thế cô bé đỏ, cậu bé đỏ là ai bà nhỉ?

- Là con trai, con gái mất lúc còn đỏ hỏn hoặc trong bụng mẹ ấy, như tao đây đẻ ra chết đến sáu, bảy đứa, chả nhớ nổi năm mất thậm chí còn chưa có tên thì làm sao mà nhớ hết cho nên gom hết vào mà gọi chung cho tiện.

Bà Già kê cái quạt nan ngồi phệt dưới nền nhà, miệng vẫn nhai trầu bỏm bẻm và kể, bà kể về những người con bà sinh ra đã mất, lâu nhất được hơn nửa năm còn nhỏ nhất mới chỉ vài ngày. Giọng bà kể về những cái chết ấy cứ đều đều, giống như những nỗi đau đã theo thời gian mà phai nhạt đi, hoặc cũng có thể do bà đã chứng kiến nhiều người con của mình chết trên tay nên nỗi đau ấy đã bị chai sạn, tôi không muốn bà kể chi tiết hơn về những điều mà khi nghe tự nhiên thấy lòng nặng trĩu, tôi chỉ nhớ là có khoảng ba lần tôi và bà nói về những chuyện này nhưng đã ám ảnh tôi trong nhiều năm. Tôi đã từng hỏi bà việc cắt dây rốn bằng cái gì thì bà bảo:

- Bằng liềm cắt cỏ, thời tao ai chả làm như thế.

Hồi ấy tôi đi học môn sinh học có nói về nhiễm trùng uốn ván, tôi nghĩ rằng đó có thể là một nguyên nhân gây ra nhiều cái chết của trẻ nhỏ thời các ông bà xưa. Tuy chỉ là một câu chuyện nhỏ, ngắn ngủi nhưng tôi cảm nhận rằng để sinh ra được bố tôi dường như gia đình đã phải mất đi nhiều người trước đó, và cũng vì thế tôi ý thức được rằng mạng sống của bản thân mình rất quý giá, có thể xem như những câu chuyện của bà đã giúp tôi có những bài học đầu tiên về việc nên sống như thế nào cho tốt.

Cứ mỗi lần tôi nghĩ đến bà cô Tổ nhà mình là tôi lại hãi, tôi thích nói chuyện gì thì cứ bình thường chứ mà cứ hở ra là động tay động chân là tôi chả muốn tí nào, cái chị Lý Ngọc Khuê kia cũng ghê nhưng chỉ cốc đầu và có vẻ cũng dễ dụ còn bà cô Tổ này quả nhiên không dễ, ngoài sự kính nể trong thâm tâm thì tôi mỗi lần đứng trước ban thờ vái bát hương của bà Tổ cô thì cứ thấy sống lưng lạnh toát, một nỗi sợ hãi vô cùng khó hiểu. Ma thì cũng có nhiều loại và có nhiều kiểu chọc phá nhưng mà nếu ma lại là bà cô Tổ của mình thì có cho thêm cả bao tải tiền tôi cũng chỉ dám vã mồ hôi từ chối không dám chọc đến. Nhỡ chọc bà cô Tổ giận sau đó trút lên người khác như hồi nhỏ tôi làm vỡ bát hương thì tim tôi sẽ không khỏe, tôi muốn có một trái tim khỏe.

Nhưng mà, sợ cái gì thì cái đó sẽ xảy ra, sợ ai thì người đó sẽ tới.

Vào một đêm sau khi nhặt được cái nhẫn vàng khoảng mấy ngày, tôi ngủ say giấc, cuộn tròn người trong cái chăn bông ấm áp trên tấm phản gỗ truyền thừa trăm năm nhưng không có giá trị nhiều về kinh tế, phải nhắc lại một chút về tấm phản không các bạn lại chẳng nhớ. Chả là hồi 1955, ông nội tôi khi bị đuổi ra khỏi căn nhà và mảnh đất của cha ông chỉ được phép mang theo vài thứ phục vụ sinh hoạt tối thiểu, còn tấm phản gỗ lim đã bị người ta lấy mất phần chân đế rồi ném hai miếng gỗ để ghép lại thành tấm phản ở ngoài sân, ông tôi đã xin lại được chính thứ tài sản vốn thuộc về mình và sau đó thì thay thế bằng những chân đế khác được làm bằng gỗ tạp. Ngoài tấm phản thì còn một bát hương cổ lâu đời, may do liên quan đến gia tiên nên người ta không vứt ra ngoài sân, bát hương này ai đó từng nói với tôi là từ đời Càn Long hay gì đấy, tôi cũng đã có ý định mang đi giám định nhưng lại thôi, tôi không quan tâm nó cổ đến đâu, tôi chỉ cần biết đó là thứ do các cụ nhà mình truyền lại cho con cháu để chăm sóc phần tâm linh là được rồi, có giá trị vài trăm triệu đi nữa thì liệu có dám bán hay không?

Tôi ngủ trên tấm phản gỗ lim đó và tự tưởng tượng rằng mình đang nằm ngủ trên cả bề dày lịch sử của gia đình, tấm phản gỗ lim là vật vô tri nhưng từ lúc hương vượng cho đến khi khó khăn thì nó vẫn được ông nội tôi sử dụng. Thời gian đã làm thay đổi nhiều, nhìn nó cũ kỹ và xước dăm đủ kiểu nhưng tôi không có ý định làm mới, tôi xem mỗi vết sứt nhỏ hay những đường gạch xéo hiện lên ở mép chính là dấu ấn thời gian, là hồn của một thứ gia truyền, nếu tôi sơn lại thì thật giống như mình sẽ xóa bỏ hết đi mọi thứ. Tôi cho rằng những suy nghĩ của mình khá là kỳ lạ, chắc không nhiều người giống như tôi.

Chả biết có phải do tôi nằm ngủ trên tấm phản truyền thừa ấy hay không mà tôi lại hay gặp nhiều thứ lạ kỳ.

Đêm ấy, lại có người kéo chân tôi, tôi thấy đôi tay lạnh ngắt chạm vào, cố co chân lại nhưng không đủ sức nên tỉnh giấc, tôi vẫn nằm nhưng ngóc đầu nhìn xuống thì ôi thôi, một bóng người mà trên đầu chít khăn mỏ quạ đang dùng hai tay kéo chân tôi, tôi không nhìn rõ đuộc khuôn mặt nhưng qua dáng dấp, chỉ trong tích tắc thì tôi nhận ra một người mà tôi rất sợ:

Bà cô Tổ.

- Mày dậy chưa?

- Em.... à cháu dậy rồi ạ.

Nghe tôi đáp lại, bà cô Tổ thả tay ra nên chân tôi thu lại được vào trong chăn, do đã có kinh nghiệm và không muốn bị ăn tát nên tôi vội vàng hỏi luôn khi vẫn đang nửa nằm nửa ngồi trên phản gỗ.

- Cụ có gì cần căn dặn cháu ạ?

Chả có tiếng đáp lời nên tôi ngẩng đầu và nheo mắt lại để cố nhìn xem nhưng cứ như có một màn sương đang che phủ vậy, rất khó để nhìn rõ.

- Dạ, cụ cần cháu làm gì cụ cứ nói ạ.

- Mày! – bà cô Tổ một tay chống nạnh, một tay chỉ vào tôi – mày có phải con cháu của cái nhà này không?

- Dạ?! Dạ đúng ạ, cháu... cháu đúng là con cháu của nhà mình ạ.

- Tốt, thế mày có biết tên của ta không?

- Dạ, dạ thưa cháu biết ạ, bà cháu có dạy cho cháu, bố cháu cũng đã có viết tên cụ trên giấy để sau này cháu nhớ ạ.

- Ừ - giọng nghe có vẻ hài lòng – khá, vậy là mày cũng đã biết được tên của ta. Còn mộ của ta, mày có biết không?

- Thưa cụ, dạ không ạ, cháu chưa được biết ạ.

- Thế mày có phải con cháu của nhà này không?

- Dạ có ạ.

- Đứng xuống đất! – bà cô Tổ quát làm tôi giật mình, tay bà chỉ xuống nền nhà – đứng xuống đó nghiêm vào.

- Dạ - tôi miễn cưỡng chui ra khỏi chăn rồi đứng xuống nền nhà, trời đêm đông nền nhà cũng lạnh lại đứng chân đất khiến mấy ngón chân của tôi cứ co lại – Cháu đứng rồi ạ.

- Mày là con cháu của ta, sau này thờ cúng mà đến mộ của ta mày cũng không biết, nói! Bây giờ nên nhận hình phạt như thế nào?

- Cụ ạ, chỉ là cháu còn nhỏ ạ, cháu ... không ai chỉ cho cháu mộ của cụ, bà... bà cháu thì già rồi không đi xa được. Nhưng cháu có biết mộ của ông nội cháu, cháu rất hay thắp hương và dọn cỏ ạ.

“Bốp!” lại bị tát, vẫn má bên trái, đau mà vẫn phải đứng im, nghĩ mãi tôi chả hiểu tại sao mình lại bị tát, đúng ra thì bố mình nên bị mới đúng chứ, mình có làm gì sai đâu.

- Ông nội mày cũng chỉ là con cháu của ta, mày đi dọn mộ cho nó còn mộ ta mày không thèm đếm xỉa, nói!, cái tát này đúng hay sai? – giọng bà cô Tổ có vẻ rất gay gắt, tôi chỉ biết cúi đầu, hai tay mân mê vạt áo – nói mau!

- Dạ, là cháu sai ạ.

Bà cô Tổ một tay chống nạnh, một tay chỉ vào mặt tôi.

- Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng. Mày đi mời bánh mời kẹo cả cái làng này còn ta, ta đây này, người phải quán xuyến công việc mấy đời của cái nhà này thì mày có đồng quà tấm bánh nào hay không? Mày ... mày.... ta phải tát cho mày thêm mấy cái nữa cho khôn ra mới được.

- Cụ...cụ ơi, cụ tha cho cháu, cháu xin nói thật là do cháu không biết mộ của cụ ạ, chứ nếu biết thì sao cháu lại dám bỏ bê.

- Mày nói hay lắm, ta có nghe cô thần miếu nói rằng mày là đứa ngoan và khéo miệng, khéo miệng thì ta thấy rồi còn ngoan thì chưa. Cháu của ta là phải ngoan, mày là cháu đích tôn mà dám đập bát hương của ta, nếu không phải mày còn nhỏ và là cháu đích tôn thì ta sẽ đạp cho mày một trận cho rơi xuống ao, cho chết đuối nghe chưa?

- Vâng, cháu....cháu biết lỗi ạ - tôi run lập cập – từ nay cháu sẽ thay đổi, cháu sẽ chăm lo đầy đủ cả việc hương khói cho cụ ạ, cháu hứa.

- Ta nói cho mày biết nhá, ta đây là bà tổ của mày, ta dạy mày thì không ai can thiệp được, mày đừng tưởng rằng mày có cô thần miếu bao che cho mày thì mày bố láo nghe chưa?

- Dạ, thưa cụ, cháu đời nào dám thế ạ, bà cháu, bố mẹ cháu vẫn dạy là phải biết nhớ đến tổ tiên vì có tổ tiên mới có cháu ạ. – tôi quỳ xuống luôn, tốt nhất là nên làm thế không lại ăn tát hoặc đá xuống ao thì toi mạng – cháu không quên ạ.

- Được xem như mày còn nhỏ chưa biết lễ nghĩa, bây giờ thì đi theo ta.

- Dạ đi đâu ạ? – tôi ngẩng đầu lên hỏi.

- Thì đi ra mộ của ta, nếu mày chưa biết thì ta sẽ chỉ cho mày.

- Ngay bây giờ ạ? – tôi ngoái đầu lên nhìn qua khe cửa, bên ngoài trời còn tối.

- Đúng, không đi bây giờ thì bao giờ, mày phải chứng minh lòng thành của mày chứ? Mày là con cháu của ta có đúng không?!

- Dạ, dạ đúng ạ.

- Đúng thì đi, quỳ đấy làm gì nữa?

Bà cô Tổ bước ngang qua người tôi, đi ra mở cửa rồi đứng nhìn tôi, tôi vội đứng dậy rồi bước ra theo, đi ra gần đến cổng thì tôi định quay vào.

- Mày đi đâu?

- Cháu vào lấy dao, cuốc và hương ạ.

- Không cần.

- Dạ, thưa cụ, dọn cỏ không cần dùng mấy thứ đó cũng được.

- Vậy ...?

- Mày có tay để làm gì?

Nói xong bà cô Tổ quay lưng bước đi, tôi đứng ngơ ngác nhìn đôi bàn tay của mình, mình phải dùng tay để dọn cơ à, thở dài não nề rồi tôi cũng lếch thếch chạy theo bóng người phía trước, cái dáng đi của bà cô Tổ tôi thấy sao cứ giống ai, chắc là bà H. Lớn rồi, cái kiểu tay vung ra phía nhìn rất đặc trưng khiến tôi nhớ ra. Tôi đi theo bà cô Tổ trong màn đêm gió lạnh thổi từng cơn, chả biết trên tay của bà cô Tổ từ bao giờ đã xuất hiện một cái món mê, không đội lên đầu mà cứ đeo bên tay trái, tôi vừa đi vừa chạy theo mệt muốn bở hơi tai. Đi qua Cầu Đình, tôi thấy bà cô Tổ của mình rẽ trái chứ không rẽ phải đi ra Cầu Khoai nên tôi thấy lạ, nhưng tôi không hỏi, dù sao ở làng tôi người ta cũng hay để mộ ở gần ruộng của gia đình, thậm chí ngay giữa ruộng nên không nhất thiết cứ phải chôn ở ngoài bãi tha ma Cầu Khoai. Từ Cầu Đình rẽ trái đi thẳng khoảng 200m thì đi xuống vệ cỏ bên đường rồi băng qua một cái cống nhỏ đi theo lối đi trong đồng. Lối đi trong đồng là những lối đi không lớn, tôi nhớ nó chỉ rộng bề ngang chừng 1m là nhiều nhất, đủ để trâu và người đi bộ đi còn hai bên là ruộng lúa, nếu nhìn từ trên cao, các lối đi trong đồng chắc sẽ giống như những đường kẻ ngang dọc y như trên bàn cờ tướng vậy.

Chả biết đi bao xa vì tôi vừa đi vừa chạy, chẳng cách nào có thể đuổi kịp bóng lưng người phía trước với cái váy đυ.p màu tối, áo cũng màu tối và khăn mỏ quạ chắc chắn màu đen, tay trái cầm cái nón mê còn tay phải đung đưa ra trước ra sau theo nhịp bước, bước chân rất nhẹ, có cảm tưởng như không chạm đất, không nghe thấy tiếng bước chân, bên tai tôi chỉ có tiếng gió rít từng cơn.

Đang đi tự dưng bà cô Tổ dừng lại, tôi nhanh chóng quan sát xung quanh thì chỉ thấy ruộng là ruộng, không có nấm mộ nào cả.

- Đến rồi.

- Dạ, thưa cụ là mộ cụ ở đâu ạ?

- Ở đây, ngay chỗ ta đang đứng.

- Hả? – tôi ngạc nhiên nhìn xuống lối đi phía trước mặt, không thấy nấm mộ nào cả. - Ở đây ạ?

- Ừ! – bà cô Tổ gật đầu.

Tôi tiến lại gần nơi bà cô Tổ đang đứng thì bà lui lại phía sau, tôi chỉ thấy chỗ đấy dường như có một chút xíu đất hơi nhô lên, cùng lắm thì bằng cái bát lớn đựng canh và nằm lệch một bên lối đi nhỏ trong đồng.

- Cụ ơi, là cái nấm nhỏ này ạ?

- Đúng.

- Tại sao? Cháu tưởng mộ là phải to chứ ạ?

- Trước đây nó to nhưng rồi thời thế thay đổi, tất cả khoảnh ruộng xung quanh đây đều là của ta nếu ta lấy chồng, cha mẹ ta đã nói với ta như vậy nên khi ta chết thì chôn luôn ở khu đất này, cũng là ruộng của gia đình, sau này ta không hiểu vì sao lại bị mất hết rồi ruộng thì chia cho nhiều người, người ta cứ đào lấn dần rồi trâu bò, người đi qua bao nhiêu năm nên từ một nấm mộ chỉ còn một nắm đất.

- Điều này ...

- Khi ông mày còn sống thì cũng có ra hương khói nhưng phải đến 20 năm nay mộ của ta chưa được đắp lần nào nên giờ mày thấy sao?

Tôi ngồi ngây ra, tôi không biết phải làm sao, tôi chả bao giờ nghĩ đến việc mộ của tổ tiên nhà mình lại ra nông nỗi này, chỉ như một cái bát canh lớn úp xuống dưới cỏ, tự nhiên tôi gục đầu xuống không nói gì, cảm giác như nghẹn nơi cổ họng. Một hồi sau tôi dùng tay nhổ cổ xung quanh chỗ nhúm đất ấy, cỏ được nhổ đi thì nền đất hiện ra giốn như một đống mối nhỏ, tôi không biết nên làm gì cho phải nên lẳng lặng bước đến những thửa ruộng xung quanh bê vài cục đất to và xếp lại cho cái chỗ đất hơi nhô cao đó có thể nhìn thấy rõ hơn.

- Cụ ơi, thế mộ ở đây mà người ta làm ruộng đào sát như thế này cụ có làm sao không?

- Ta không sao, kệ người ta, mấy cái ruộng này qua tay mấy người rồi nên người ta không biết cũng chẳng trách được nhưng nay ta đã chỉ cho mày rồi, phận làm con cháu thì mày phải tự biết mà tính.

- Vâng, cháu hiểu ạ.

- Thôi xong rồi thì đi về.

Nói xong bà cô Tổ đội nón mê lên đầu rồi sải bước đi nhanh, tôi lại gắng sức chạy theo, trời tối mà cảnh vật xung quanh chỉ ruộng là ruộng làm tôi chưa kịp nhớ rõ vị trí của nấm mộ, đường về bà cô Tổ còn đi nhanh hơn lúc đi, tôi đuổi theo càng không kịp, giống như có một khoảng cách cố định giữa hai người vậy, tôi có cố chạy thì cái bóng của bà cô Tổ lại nhanh, tôi dừng lại thở thì bóng ấy cũng dừng, tôi chả hiểu chuyện này là như thế nào.

Tôi thở hổn hển bước vào nhà, cửa vẫn mở, đèn dầu vẫn cháy tỏa ánh sáng yếu ớt, bà Già vẫn ngủ và tôi thấy hình như trên phản đang có người đang đắp chăn nằm ngủ, nhìn mái tóc rất quen.

.....

Tôi ngủ say cho đến sáng, bà Già lay gọi mấy lần tôi mới tỉnh, ngồi dậy trên phản mà tôi thấy người mình nhức mỏi như vừa lao động nặng, hai bàn tay với những ngón tay mỏi nhừ, chả lẽ đêm qua tôi đi nhổ cỏ thật hay sao?

Uể oải bước xuống khỏi tấm phản thì tôi nhìn lại mình một lượt, sao đi ra ngoài đồng mà người không bị lấm chút bùn đất nào ?

Mơ hay thật ?

Tôi cố nghĩ, cố nhớ lại xem đêm qua mình làm gì, rõ ràng là gặp bà cô Tổ và bị gọi dậy rồi đi theo ra cánh đồng phía trước làng. Tôi như người mất hồn ngồi ở trên bàn học ăn xôi lạc do bà Già mua sẵn cho, một hồi lâu tôi quay lại hỏi bà Già đang ngồi ở chỗ tích nước vối.

- Bà ơi, hồi xưa ấy, bà kể là ruộng nhà mình rất nhiều đúng không bà?

- Mày hỏi ruộng nào?

- Thì cháu hỏi chung chung thế, hỏi về ruộng mà ông bà có trước khi bị tịch thu ấy.

- Ruộng thì nhiều, cũng nhiều nơi nữa chứ không phải một chỗ. Sau đồng cũng có, bãi Bã Mía cũng có rồi cả khu Đất Sét, giờ tao cũng chả nhớ hết, hồi đấy tao có nhìn thấy bao giờ đâu, toàn ông mày. Hồi được chia lại ruộng mãi chỗ Quán Dê, đi làm xa xa là, bố mày phải gánh cơm lên cho tao với bà Trẻ.

- Thế có ruộng nào ở hướng trước làng không bà?

- Có mấy khoảnh ở phía trước làng, đâu như lối đi ra khu đầm sen bây giờ.

- Vậy có khoảnh nào mà ra khỏi Cầu Đình rẽ trái một đoạn rồi đi vào cánh đồng không bà? Đi xa xa.

- À có đấy, chỗ đấy có mấy lần tao đi cùng với ông mày đi tảo mộ bà cô trẻ nhà mày, sau này người ta chia ruộng rồi vào hợp tác đủ kiểu, hồi mới về tao cũng có ra tìm mộ nhưng mà mất nấm rồi, gần hai chục năm mọi thứ thay đổi, tao nghĩ có khi người ta san bằng mộ của bà cô trẻ nhà mày để làm ruộng rồi.

- Bà đi mấy lần rồi mà không nhớ à?

- Chả nhớ, nhớ làm sao được, mấy việc mồ mả cha ông tổ tiên toàn ông mày lo chứ. Mà sao tự nhiên mày hỏi?

- Đêm qua hình như cháu lại mơ thấy bà cô Tổ hiện về mách cháu là mộ còn ở đấy.

- Tao cũng đến khoảnh đất ấy tìm hai lần rồi nhưng không thấy, biết bao nhiêu là ruộng. Hồi xưa còn có cái cây to làm mốc, cây giờ cũng chả còn, nếu như mày nằm mơ có khi là bà cô Tổ mất lúc trẻ nhà mày hiện về mách thật, thế thì mày phải đi xem thế nào ngay.

- Cháu đang băn khoăn hay chỉ là mơ, liệu có đúng không?

- Đúng sai thì đi tự khăc biết chứ sao, để tao đi cùng mày.

- Thôi, cháu đi một mình cũng được, cháu nhớ là đi xa lắm, bà đi mỏi chân.

Bà Già không nói gì thêm, lại têm trầu rồi cho lên miệng nhai, tôi cho tất cả chỗ xôi còn lại vào miệng, phùng má trợn mắt lên nhai rồi vào buồng lấy một cái cuốc, một cái xẻng mang ra để ngoài sân, tôi chả biết giấc mơ kỳ lạ đó thật đến đâu nhưng hẳn là có điều gì đó mong muốn nên bà cô Tổ mới nhắc nhở như thế, không biết thì thôi, biết thì phải làm.

Vào nửa buổi (khoảng 9 giờ sáng), mặt trời lên cao cỡ ngọn sào thì tôi buộc cuốc, xẻng lên sau xe đạp, đội cái nón kết lên đầu rồi đạp đi, Chủ Nhật rảnh rang thì làm việc này cũng tốt nữa. Tôi ghé vào quán đầu làng chỗ bà cụ tôi quen mua gói bánh, chai nước cùng một thẻ hương, tiện gửi luôn cái xe đạp sau đó vác cuốc, xẻng đi ra đồng theo lối đi mà trong giấc mơ tôi đã đi, vừa đi tôi vừa bán tín bán nghi vì mơ lần này hơi lạ, mơ quá là thật luôn.

Trên lối đi nhỏ trong đồng, tôi đi một đoạn khá dài, tôi nghĩ cũng phải đến 800m thì quả nhiên tôi nhìn thấy mấy cục đất xếp chồng lên nhau phía bên trái lối đi, cỏ cũng được nhổ tương đối xung quanh. Tôi nhìn ngó xung quanh một hồi thì quyết định dùng cuốc để cuốc những tảng đất dưới ruộng rồi bê lên đắp thành một đống, tuy không cao lắm nhưng nhìn là phân biệt rõ với xung quanh dễ dàng. Sau khi đắp xong thì tôi lại dùng cuốc để cuốc lên những vạt cỏ xanh trên lối đi đắp lên bên rìa, sau một khoảng thời gian lao động cật lực thì đoạn lối đi đó chuyển từ màu xanh của cỏ sang màu vàng của đất.

Cả bó nhang tỏa khói nghi ngút, tôi quỳ xuống đất bên cạnh nấm mộ mới đắp vái như tế sao, cảm thấy trong lòng mình nhẹ bớt đi, tôi tự hứa trước nấm mộ rằng sẽ thường xuyên ra thăm để không bị mất nấm, nếu đất vơi đi thì tôi sẽ đắp lại, tôi mong bà cô Tổ sống khôn thác thiêng chứng giám cho, là vì tôi không biết chứ nếu biết có chuyện như này thì không đời nào tôi dám bỏ bê.

Đứng nhìn nấm mộ nhỏ hồi lâu rồi tôi vác cuốc xẻng ra về mang theo vỏ chai nước để trả, còn gói kẹo thì để lại, tôi lo lắng do nấm mộ nhỏ lại nằm ngay cạnh lối đi cũng nhỏ, chả biết người ta đi lại có phiền không nhưng phải tính kế sách lâu dài mới được, chứ tôi lo là đất này rồi có ai đó lạ gạt xuống ruộng thì không ổn.

Nhưng quan trọng là tôi đã nhớ rất rõ vị trí và tôi sẽ tìm cách nào đó để mọi thứ hợp lý hơn.

Tôi về đến sân nhà vác cuốc xẻng định cất đi thì bà Già đứng trên thềm mắng tôi.

- Mày bỏ cái cuốc xuống ngay, đi ra đồng về mà mày vác cuốc đi qua cửa nhà đấy hả?

- Hình như cháu tìm được mộ rồi đấy bà ạ.

- Thì mày cứ bỏ cái cuốc xuống rồi vào nhà kể cho tao nghe đã.

.....