Về Thời Dân Quốc Làm Đạo Diễn

Chương 5: "Nhưng những con chữ này, có nét riêng, lại có khí thế."

Edit: Đào siu nhìu xiềng

Beta: Bơ

Thư viện Côn Luân nằm ngay bên cạnh tổng bộ của tòa soạn Côn Luân, mang phong cách phương Tây. Nếu chỉ nhìn mỗi kiến trúc của tòa nhà này, không để ý đến dòng người tới lui tấp nập, Kỷ Sương Vũ cảm tưởng như mình vẫn còn ở thời hiện đại.

Không hổ là thư viện có chỗ chống lưng lớn, sách báo sưu tầm đa dạng phong phú, đủ loại sách ngoại nhập, còn có cả tập san học thuật nước ngoài.

Tuy nhiên số lượng tập san kiểu này khá ít nên không thể tùy tiện cho bên ngoài mượn, điều này không đặc cách riêng cho bất cứ ai, thành ra chỉ có thể bỏ công tự chép lại. Tới chỗ chỗ nhân viên công tác trả 10 văn là có giấy bút để ghi rồi.

Kỷ Sương Vũ bèn trả tiền, nhận bút lông và giấy.

Thời này cũng đã có bút máy, bút bi và bút chì rồi. Bởi vì tính tiện dụng nên cũng được ưa chuộng không kém gì bút lông. Ở các lớp học kiểu mới, bài tập về nhà vẫn yêu cầu dùng bút lông viết, thế nhưng đã có rất nhiều học sinh thích chuyển qua dùng bút máy, bút chì.

Bởi vậy, không phải vì Kỷ Sương Vũ keo kiệt, mà là bút chì của thư viện đã bị mượn hết rồi...

Cũng may ngày bé Kỷ Sương Vũ từng được học thư pháp với người lớn trong nhà, bắt đầu học với bút lông mềm, khi viết bút lông cứng thành công còn thường xuyên viết chữ cho các bộ phim hay áp phích của mình, vì vậy viết bút lông chẳng có gì đáng sợ.

Việc rắc rối nhất của y chính là tìm thấy tập san mà mình cần.

Chẳng hạn như Kỷ Sương Vũ muốn tìm tác phẩm viết về biến trở, lúc hỏi nhân viên của thư viện lại chỉ nhận được vẻ mặt mờ mịt của đối phương.

Thủ thư ở đây vốn là học sinh đến làm thêm. Cậu chàng nhìn Kỷ Sương Vũ một lượt, thái độ chuyên nghiệp hỏi có phải anh nhớ lộn thuật ngữ rồi không? Anh có muốn quay về hỏi lại rồi đến đây không? Dẫu người ta niềm nở đấy, nhưng vẫn không giấu nổi thái độ nghi ngờ.

Ở Bắc Bình có một câu nói: Chỉ cần nhìn mũ trên đầu một người là có thể biết được gia cảnh đối phương thế nào, thậm chí là làm nghề gì. Cái mũ nỉ Kỷ Sương Vũ đang đội là loại mà dân cu li kéo xe hay dùng.

Y ăn mặc như vậy đến mượn tập san khiến người khác nghi ngờ rằng y còn chả đủ trình độ học sinh nhà nghèo... Có đi học nổi không? Có khi là chân sai vặt chạy đến đây mượn sách hộ người ta ấy chứ?

"Hỏi ai cái gì cơ? Tôi muốn tìm bài viết về máy điện trở ấy." Kỷ Sương Vũ bận cắm đầu vào tìm tập san nên cũng chẳng cẩn thận suy nghĩ lời nói vừa nãy của thủ thư. Y bất chợt hiểu ra, "Hay là do từ được phiên dịch ra không giống!"

Kỷ Sương Vũ hiểu rõ rồi bèn tìm tiếng nước ngoài, bấy giờ mới phát hiện hóa ra vấn đề đúng là ở khâu phiên dịch. Máy điện trở mà y muốn tìm, ở thời này gọi là "Ánh sáng và bóng ảnh của dụng cụ chỉnh độ sáng".

Kỷ Sương Vũ như vớ được vàng, vội vàng tranh thủ thời gian tìm chỗ chép lại.

Nhân viên thư viện rối rắm nhìn theo bóng lưng y, nghe khẩu ngữ của người này nom có vẻ đã từng du học phương tây, trông mặt mũi vóc dáng cũng không giống người làm công việc tay chân... Vậy mà sao lại sa sút tới mức ăn mặc như này..

...

Kỷ Sương Vũ ngồi xuống, chuyên chú sao chép lại. Chẳng biết từ lúc nào xuất hiện hai người đàn ông trung niên mặc âu phục đứng ở bên cạnh nhìn y mấy lần, họ trò truyện với nhau, tỏ ý khen ngợi: "Bộ... Tiên sinh, ngài xem, thư viện Côn Luân này hoan nghênh mọi tầng lớp trong xã hội, quả thực là niềm hân hoan của giáo dục, tin vui với những học sinh hoàn cảnh nghèo khó."

Người đàn ông còn lại để râu dài cũng gật đầu tán đồng: "Đúng vậy, nơi này cũng được sắp xếp trông nom cẩn thận, rõ ràng, chỗ nào ra chỗ ấy. Chu Bảo Đạc có phong thái hệt mẹ mình khi xưa, tốt lắm, không uổng niềm tin của tôi."

Hai người đi cũng đã thấm mệt, bèn ngồi xuống bên cạnh.

Bọn họ nhất thời nổi hứng, thay thường phục đến thư viện Côn Luân xem đôi chút, thấy nơi đây ngay ngắn ngăn nắp, có học sinh ra vào mượn sách, có dân chúng tới đọc báo, lòng vui mừng khôn xiết.

Còn Kỷ Sương Vũ ấy hả, chép lấy chép để nãy giờ nên cảm thấy cổ tay hơi nhức. Lúc ấy y mới nhận ra ở cạnh mình có hai người đang ngồi nhưng không đọc sách, chỉ yên tĩnh ngắm nhìn mọi người xung quanh. Y đã luyện được một thân công phu mặt dày nên liền cất lời: "Xin chào ngài. Không biết ngài đã dùng bữa chưa?"

Người đàn ông râu dài hơi sửng sốt, "Rồi chứ."

Kỷ Sương Vũ: "Ngài chưa phải rời đi luôn chứ?"

Người đàn ông râu dài đáp: "...Chưa đâu, cậu có chuyện gì à?" Từ đầu ông ta đã hoài nghi có khi nào Kỷ Sương Vũ nhận ra mình là ai, nhưng nghe lời tiếp theo, thấy thái độ lại không giống như vậy.

Kỷ Sương Vũ vui vẻ, "Không biết tôi có thể mượn bút máy của ngài dùng một chút không? Tôi sắp phải về rồi mà việc chép sách này lại chậm quá, bút chì cũng bị mọi người mượn hết cả." Y nhìn thoáng qua bút máy đút trong túi quần của đối phương.

Người đi cùng muốn nói gì đó nhưng ông đã giơ tay ngăn lại, hào phóng lấy bút ra đưa cho Kỷ Sương Vũ.

Kỷ Sương Vũ tháo nắp bút ra nhìn qua, thì ra là ngòi vàng đấy. Y hiểu rõ giá trị của cây bút này không thấp, bèn chắp tay nói: "Vô cùng cảm ơn, ngài yên tâm, tôi sẽ cẩn thận."

Y tranh thủ thời gian tiếp tục chép, đúng là dùng đầu bút cứng có khác, tốc độ nhanh hơn hẳn.

Hai người đàn ông kia lại tiếp tục nhỏ giọng nói chuyện với nhau.

"Bút có đầu cứng quả thật viết nhanh và tiện hơn hẳn bút lông, bảo sao học sinh đều muốn đổi, không thích dùng bút lông để làm bài tập." Một người trong đó nói.

Người để râu cũng gật đầu đồng tình, không tệ thật, không chỉ lớp học mà trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, viết bút máy thì tốc độ cũng nhanh hơn. Ngay cả ông cũng có bút máy, tuy rằng cách cầm bút vẫn hệt như khi dùng bút lông vậy.

Nhưng ông gật đầu xong lại không nhịn được thở dài: "Bút máy, bút chì viết thì nhanh đấy, nhưng chúng cũng chỉ là công cụ mà thôi. Chữ từ bút lông, có thể nói là nghệ thuật đấy. Học trò của tôi khi sang phương Tây học tập đã lấy ra những bức thư pháp của người Hoa Hạ. Giới mỹ thuật phương Tây vô cùng yêu thích, họ còn muốn học hỏi để sáng tạo. Đây là nghệ thuật đặc biệt của Hoa Hạ! Tôi chỉ sợ trong tương lai, người người đều dùng bút máy, bỏ quên việc luyện viết. Dần dà qua mấy đời người, thư pháp Hoa Hạ cũng chẳng có được một bậc thầy."

Người đàn ông để râu dài này hiển nhiên đam mê thư pháp. Người đi cùng thấy tâm trạng ông đi xuống bèn chuyển chủ đề khác: "Nhưng nhờ những thứ thực dụng thế này mà bây giờ, các nhà thư pháp cũng không mải mê tìm cách nâng giá trị thường thức lên cao. Âu cũng là một điều tiến bộ. Chúng ta đều nói, rằng chữ nghĩa đẹp thì tương lai càng suôn sẻ thuận lợi. Tôi còn muốn xin ngài viết cho mình một bức đấy. Từ lâu đã được nghe ngài là bậc thầy lớn trong giới, phong cách và nét chữ phóng khoáng, muôn hình vạn trạng."

Người đàn ông ấy cười ha ha: "Viễn Cốc à, đừng nói quá vậy chứ. Bậc thầy giới thư pháp ngày nay phải kể tới Đàm Hữu An, Mạc Hoài Lâm. Đặc biệt là Đàm Hữu An, sở hữu bảng chữ mẫu khắc đen trắng. Còn tôi chỉ là một kẻ có niềm yêu thích thư pháp, ngày thường chủ yếu dành thời gian cho những việc tầm phào, dung tục mà thôi."

Trong lúc cả hai đang bàn luận, học sinh nghèo khó ngồi bên cạnh hình như đã chép sách xong, trả lại bút máy cho bọn họ, không ngừng nói cảm ơn rồi thu dọn đồ, vội vã rời đi.

"Học sinh trường nào thế này, bất cẩn quá." Người đàn ông râu dài lẩm bẩm, giọng điệu hệt như một vị trưởng lão. Thì ra ông thấy đối phương đánh rơi một tờ giấy xuống mặt đất.

Ông khom lưng nhặt lên, lật mặt giấy lại, phút chốc hai mắt mở to.

"Sao vậy?" Người đi cùng thấy nét mặt ông khác thường bèn hỏi, "Học sinh này sao chép thứ gì không tốt sao?"

"Cũng không phải cái gì ghê gớm lắm, thế nhưng nét chữ này..." Người đàn ông ấy mừng rỡ nói, "Tuyệt lắm! Tuyệt!"

Cậu học sinh nghèo này hầu như viết chữ khá nguệch ngoạc cẩu thả, có vài chỗ lại đều đặn ngay ngắn hơn một chút. Điều kỳ diệu ở đây chính là từng con chữ dường như được thêm vào bút pháp truyền thống, rắn rỏi tự nhiên, thậm chí còn pha chút phong cách của mẫu chữ khắc!

Người Hoa dùng bút máy, chẳng qua vì để nhanh và tiện hơn. Vả lại bút máy ra đời không phải vì để viết chữ của Hoa Hạ, chỉ khi viết chữ nước ngoài mới càng thuận tay. Hệt như lúc nãy ông nói vậy, nó là một công cụ mà thôi.

Nhưng những con chữ này, có nét riêng, lại có khí thế. Không phải cứ là chữ thì sẽ được xưng là thư pháp!

Nhất là những ký tự thông thường này, vừa có nét đặc trưng của chữ mẫu vừa không mất đi vẻ cứng rắn ngay thẳng như dùng bút đầu cứng — Cuộc tranh cãi giữa hai trường phái bia học (phái tôn sùng thư pháp khắc bên bia đá) và thϊếp học (phái tôn sùng thư pháp được chép trên giấy, lụa...) từ xưa đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Đến những năm gần đây mới bắt đầu tìm cách kết hợp hai mẫu chữ lại với nhau, nhưng chỉ có số ít những nhà thư pháp, ví dụ như Đàm Hữu An thành công.

Người để râu dài không nhịn được mà nói: "Chữ của cậu học trò này, so ra thì kém các bậc thầy trong giới, nhưng nó được thêm vào đó vẻ đẹp riêng của mẫu chữ khắc. Đã vậy đây còn là chữ viết ra từ bút máy chứ, có cốt cách riêng, quả là độc đáo."

Bây giờ ông mới biết, thì ra bút máy không chỉ đơn thuần là một công cụ?

Ông càng nhìn càng thấy mới lạ độc đáo, sinh lòng hiếu kỳ. Ông không thể nhịn thêm được nữa, bèn ngẩng đầu lên nói: "Cậu học trò đó đâu rồi? Mau mau tìm cậu ta đến đây. Chữ viết này cẩu thả quá, bảo cậu ta nghiêm túc viết chữ đi, tôi muốn xem cách cậu ta dùng bút như thế nào!"

Nhưng Kỷ Sương Vũ đã sớm đi mất tiêu rồi còn đâu. Y nào nghĩ được nhiều đến thế, rất nhiều năm về sau, lối thư pháp dùng bút đầu cứng này đã phát triển tột bậc. Mà thân là người xuyên qua như y, từ lúc bắt đầu luyện thư pháp đã quen việc phải giữ lại được nét đặc trưng của con chữ được viết bằng bút lông đầu cứng khi chép lại mẫu chữ khắc của người xưa bằng bút máy.

Hai người kia tìm một lượt chẳng thấy Kỷ Sương Vũ đâu, người đi cùng thì đỡ, chứ còn người để râu kia là kiểu người một khi không đạt được mong muốn thì tim gan cồn cào. Trong lòng ông có một đống vấn đề không thể tháo gỡ, không kiềm nổi mà thở ngắn thở dài.

Người đi cùng ông vội nói: "Có lẽ trong sổ theo dõi bạn đọc của thư viện có ghi lại."

Cả hai mau chóng lật tìm trong sổ, phát hiện ra người này chẳng ghi trường mình theo học là gì, ngay cả cột tên cũng chỉ ghi đúng một chữ 'Kỷ', ai nấy đều trợn tròn mắt ngạc nhiên. Cái cậu này cứ như đang cố tình không để bọn họ tìm được mình vậy.

— Ở thời hiện đại, Kỷ Sương Vũ không ít lần từng ăn mệt vì tiết lộ thông tin cá nhân quá nhiều, phải nhận vô số cuộc gọi chào hàng, thành ra có thói quen không để lại thông tin thật của mình.

Người đàn ông để râu khe khẽ thở dài, tiếc nuối nói: "Mấy ngày nữa tôi phải tới Thượng Hải rồi. Nhờ cậu Viễn Cốc để ý giúp tôi, xem có thể tìm được cậu học trò này không."

Kỷ Sương Vũ không hề hay biết, tâm tư y đều đặt cả lên hí viên Trường Nhạc, chỉ cho rằng mình đã mang đến một bản thiết kế sân khấu đẹp quá mức cho phép.

Tuy rằng ngày đó làm rơi mất một tờ nhưng cũng may nó không gây ảnh hưởng gì lớn. Y nhân lúc bản thân vẫn còn nhớ bèn ghi trọng điểm ra giấy, từ đó cũng không đến thư viện lần nào nữa mà tiếp tục công việc của mình.

Từ Tân Nguyệt kẹt xỉ, trong khi tất cả mọi người trong gánh hát đều muốn được ăn cơm, một ngày không làm việc là một ngày nhịn đói. Vì vậy y bắt tay vào làm ngày ngày đêm đêm, vội vội vàng vàng muốn xong chuyện thiết kế lại sân khấu.

Đến lúc Kỷ Sương Vũ bắt đầu sửa mấy ngọn đèn, lại tìm Từ Tân Nguyệt đòi tiền.

Từ Tân Nguyệt lơ mơ: "Không phải đã đưa cho cậu 50 đồng rồi sao?"

Kỷ Sương Vũ: "Sao mà đủ."

Từ Tân Nguyệt: "50 đồng mà còn chưa đủ nữa???"

Kỷ Sương Vũ so với anh ta còn kích động hơn: "50 đồng mà đủ hả???"

Từ Tân Nguyệt: "..."

Đệt đệt đệt! 50 đồng đương nhiên không đủ!

Lúc Từ Tân Nguyệt ra giá, nghe Kỷ Sương Vũ đồng ý luôn mà anh ta còn thấy thần kỳ.

Nhưng mà, cái này chính là... Tại sao lại vậy chứ...

Từ Tân Nguyệt rối như tơ vò.

Kỷ Sương Vũ khoanh tay, cất giọng khuyên lơn: "Ông chủ à, không có thêm tiền, sân khấu này làm được có phân nửa, 50 đồng kia có thể làm ngài lỗ nặng đấy."

Từ Tân Nguyệt: "!!!"

Anh ta kinh hãi nhìn Kỷ Sương Vũ: "Cậu, cậu..."

Thì ra cậu muốn đánh chủ ý này ư...!

Lúc này anh ta mới hồi thần lại, hóa ra lúc trước Kỷ Sương Vũ đáp ứng ngay và luôn vì căn bản y không hề nghĩ tới chuyện giữ đúng lời hứa.

Nhưng mà bây giờ nhất định đã xuất hiện chi phí chìm [1] rồi, Từ Tân Nguyệt nào chịu bỏ. Vả lại chuyện Kỷ Sương Vũ muốn khoản tiền thứ hai cũng không coi như quá lớn, vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được. Anh ta cứ thế ôm đầu hết nửa ngày, nhịn đau đưa tiền cho Kỷ Sương Vũ...

[1] Chi phí chìm (Sunk cost): Là chi phí đã xảy ra và không thể tránh được cho dù nhà quản trị chọn phương án kinh doanh nào hay vì bất kỳ sai lầm nào trong quá khứ. Ví dụ, team Ườn bỏ tiền ra mua một truyện nằm trong top để edit nhưng ai ngờ lại không hợp gu, cho dù chọn drop hay edit tiếp thì khoản tiền đã bỏ ra đó là chi phí chìm.

Lúc Kỷ Sương Vũ rời đi, người dọn sân khấu đứng đó nghe lén nháy mắt ra hiệu hỏi y: "Sư phụ, bây giờ đủ rồi sao?"

Cái người ở hậu đài này học được mấy chiêu mà bây giờ vô cùng nhiệt tình với Kỷ Sương Vũ, gọi y là sư phụ hẳn hoi.

Kỷ Sương Vũ bật cười: "Hôm khác tôi lại biểu diễn thêm cho cậu xem, làm sao hốt sạch hầu bao người ta."

Kỷ Sương Vũ nhiều lần giày vò hành hạ Từ Tân Nguyệt, đã thế còn nhân lúc cõi lòng đối phương tan nát mà giật dây anh ta bán mấy tấm phông đi, bảo rằng làm vậy có thể hồi vốn. Đừng tưởng thời điểm này có nhiều yêu cầu khắt khe với phông nền như vậy, có vở hí hát lời tả mùa xuân nhưng có thể dùng phông nền là mùa thu kia kìa.

Vì vậy cái phông này của bọn họ ấy à, có thể bán được cho người khác dùng tốt.

Hí viên cũng chia ra ba bảy loại, nếu như hí viên cùng cấp bậc không mua thì bán cho hí viên hạng khác thấp hơn chứ sao.

Từ Tân Nguyệt bị hành hạ đến mức yếu ớt mong manh không chịu nổi, ban đầu còn ầm ĩ kêu là người ta thích phông nền của phương Tây. Bây giờ lại cảm giác mình đã bị lừa đến mức này rồi, thành bại đều do một hành động cả, giờ anh ta chỉ mong có thể hồi vốn, đem bán quách cái đống phông nền bị lừa mua kia đi.

...

Lúc này có người mê xem hí tin tức linh thông, biết được chuyện hí viên Trường Nhạc muốn sửa vở diễn mới 'Linh quan miếu' này, tất cả đều thì thầm bàn luận với nhau, nhưng đa số đều không đánh giá cao.

— Nếu Từ Tân Nguyệt lại đi thêm một chuyến tới Thượng Hải để lấy kinh nghiệm cũng tốt, nhưng những ngày này anh ta không đi, mà tập trung lo chuyện bán phông. Dân cùng nghề trong thành lại càng lười qua lại, sửa thì có thể thay đổi được cái gì chứ.

Từ Tân Nguyệt nào biết được những lời bàn tán ra vào kia của người ta, chuyên tâm ra sức vào vở hí mới, còn muốn tự tay viết áp phích hí kịch.

Áp phích hí kịch chính là poster tuyên truyền, hai chữ ấy ở thời này cũng đã sớm có.

Bây giờ có báo tường dán bên trong hí viên, người đưa tin dán lên trước cửa hí viên, cả cửa thành, áp phích nhỏ trên đường phố vân vân... Nếu muốn tuyên truyền số lượng lớn thì có thể trả tiền để báo chí đăng tin.

Từ Tân Nguyệt dựa vào những điểm chính gánh hát đưa ra, tự mình sáng tác phần giới thiệu vắn tắt nội dung vở hí, còn có thêm mấy lời quảng bá: Ngày mùng 3 tháng 12, vở hí mới về quỷ thần mang tên 'Linh quan miếu' của hí viên Trường Nhạc sẽ diễn ra, mang màu sắc mới lạ, từng phân cảnh đều kí©ɧ ŧɧí©ɧ hấp dẫn, kể chuyện vị đại linh quan trên trời dùng lửa và sấm sét thu phục yêu quái...

Kỷ Sương Vũ liếc nhìn hai lần: "Ông chủ à, viết bảo thủ quá!"

Từ Tân Nguyệt khiêm tốn nói: "Viết thế nào?"

Kỷ Sương Vũ cầm bút lên, bút Từ Tân Nguyệt dùng là bút lông. Y lập tức gạch đoạn 'từng phân cảnh đều kí©ɧ ŧɧí©ɧ hấp dẫn' đi, thay bằng mấy cụm 'Trời đất đều phải kinh sợ' 'Trăm năm khó gặp được'.

Từ Tân Nguyệt kinh ngạc nhìn Kỷ Sương Vũ, chao ôi lá gan tên này... Sao lại có thể tâng bốc đến mức ấy chứ, nâng khéo quá cơ.

"Thảo nào có thể lừa tiền của tôi được..." Từ Tân Nguyệt mất mát nói.

Kỷ Sương Vũ giả bộ mình không nghe thấy gì hết trơn.

Tuy nhiên ông chủ vẫn rất hài lòng với tờ áp phích này, ngay lập tức cầm tờ báo ấy, dặn người đem đi dán.

Thậm chí anh ta còn muốn xem người ta dán cái tở ở cửa hí viên ra sao, cứ đứng ở trước cửa nhìn chằm chằm, hẳn đối phương để tâm lắm.

Kỷ Sương Vũ cũng đi theo xem thế nào, y định xuống chỗ phòng bán vé xem tình hình buôn bán ra sao. Việc ấy có liên quan tới chuyện y có thể được ăn thịt hay không đấy, không ai có thể tự tin khẳng định mình nắm chắc trăm phần trăm, chẳng qua y không lộ ra trước mặt nhà đầu tư thôi.

Vừa vặn lúc đó ông chủ của cửa hàng vải đến, nói đôi câu với Từ Tân Nguyệt, lại quan sát tờ giấy thông báo kia. Trông thấy cụm 'Trời đất đều phải kinh sợ' thì khe khẽ thở dài, cảm thấy Từ Tân Nguyệt đang thổi phồng quá mức.

Lại còn dùng sấm sét và lửa thu phục yêu quái nữa, chắc lại dùng pháo bông có photpho đỏ chứ gì, quê bỏ cha.

"Ngọc Câu à, sức khỏe mẹ cháu quan trọng hơn, nếu như khó khăn quá thì còn có thể tìm chú. Thua keo này bày keo khác, nhất định có thể xây dựng thành công." Ông chủ cửa tiệm vải chân thành nói.

Ngọc Câu là tên tự của Từ Tân Nguyệt, mà những lời này của lão không phải là ý kêu anh mượn tiền tôi. Lúc trước từng có người muốn mua lại khu đất này của Từ Tân Nguyệt, chính là nhờ ông chủ tiệm vải này đến cùng nói chuyện.

Cái người muốn mua đất cũng là người trong Lê viên. Có rất nhiều người muốn hùn vốn vào mua quách hí viên Trường Nhạc để sửa sang lại, đổi tên mới để khai trương, dựa theo hình thức sân khấu nổi nhất ở Thượng Hải, làm thành kiểu dáng của phương Tây.

Tất nhiên hát vẫn là hát kịch truyền thống, buôn bán vẫn là việc buôn bán của Lê viên, chẳng qua hiện tại sân khấu hí kịch đều đang chạy theo xu hướng Tây hóa cả. Thậm chí có những hí viên diễn hí kịch nhưng lại đổi tên thành sân khấu XX hoặc nhà hát XX.

Với lại, bọn họ không keo kiệt như Từ Tân Nguyệt, còn có ý mời chuyên gia bối cảnh có tiếng ở Thượng Hải về.

Hí viên Trường Nhạc nằm ở vị trí tốt, nếu không nhờ có cơ hội này thì còn lâu mới giành được đất ở đây.

Bởi vì có người cùng nghề với nhau, bọn họ tự cho là mình nhìn chuẩn, tin tức linh thông, mới chắc chắn hí viên Trường Nhạc sập tiệm là chuyện đã định.

Từ Tân Nguyệt cảm thấy rất xui xẻo, nhưng cũng không thể nói mấy lời khó nghe, chỉ biết sa sầm mặt mày, gân cổ lên nói: "Vở hí mới của chúng cháu chắc chắn sẽ nổi. Cố thêm ít bữa nữa là thu được lãi ngay."

Ông chủ tiệm vải cười ha ha, đầy thương cảm với con châu chấu sau mùa thu này.

Kỷ Sương Vũ núp sau lưng Từ Tân Nguyệt tránh gió lạnh, thò đầu ra, lạc quan vui vẻ: "Vở hí mới này của chúng tôi muốn một phát nổi tiếng đấy, hoan nghênh ngài đây mua vé ủng hộ."

Gã thấy y lớn lên đẹp đẽ cũng không khó chịu, còn cười híp mắt nói: "Ái chà? Vậy kẻ hèn này sẽ đợi đến lúc được nghe danh tiếng nơi đây vang xa."

Hai con mắt Từ Tân Nguyệt trợn trừng lên như sắp rớt ra ngoài tới nơi vậy. Chờ gã đi rồi, anh ta bực tức đi vài vòng tại chỗ, giơ tay lên gào lớn: "Tôi muốn tiền!!!"

Mấy người ở trong phòng bán vé chán quá lăn ra ngủ đều bị đánh thức. Có chuyện gì thế, chuyện gì thế, đứa nào nghèo đến mức điên rồi vậy.

Ra xem ra xem, á à, là ông chủ bọn mình, không lo không lo.

Đào siu nhìu xiềng: Em bé Kỷ Sương Vũ viết chữ siêu đỉnh từ bé nhá. Mà có ai nhận ra ảnh của chương 4 và chương 5 là ảnh nhà Ườn tự làm không nhỉ =))))))))