Về Thời Dân Quốc Làm Đạo Diễn

Chương 6: "Mặt con quỷ ấy trắng toát, cái lười dài ngoẵng được cầm trong tay chứ chưa dán lên mặt."

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Edit: Đào siu nhìu xiềng

Beta: Chúi

Ngày mùng 3 tháng 12, vở hí được cải biên lại – 'Miếu Linh quan' chính thức ra mắt ngày đầu tiên.

Người mê kịch nối đuôi nhau vào hí viên Trường Nhạc. Vé vào cửa là hai hào, có ba hạng ghế: ghế thường, ghế chính ở đối diện và gần sân khấu, ghế lô. Ghế thường có giá rẻ nhất, còn muốn ngồi ghế lô thì tất nhiên phải bỏ thêm tiền. Ngoài ra còn bán trà nước, đồ ăn vặt các kiểu, tất cả đều là nguồn thu của hí viên.

Trong sân có bốn trăm chỗ ngồi, không bán hết vé, nhưng vì mặt bằng không rộng lắm, cộng thêm ngôn từ quảng cáo khoa trương thành ra thu hút được một số khách, nhìn sơ sơ cũng ngồi kín 7-80%, không đến nổi vắng tanh như chùa bà đanh.

Người yêu hí không đến xem cũng tham gia thảo luận. Dầu gì đấy cũng là hí viên lâu năm, kẻ xướng kì cựu. Họ không chỉ bàn luận về kịch mà còn phỏng đoán xem số mệnh tương lai của hai người này ra sao.

Có một vài người còn than thở thành tiếng.

Chương Đỉnh Hồ đến khá sớm, ông là người hâm mộ lâu năm của Ứng Tiếu Nùng, cũng là biên tập viên của Chuyên san kịch Kim Thanh, một nhà phê bình thường xuyên viết bài đánh giá các tác phẩm hí kịch. Kiểu như ông còn được gọi là nhà nâng đỡ, mục đích chính khi viết lời bình là để nâng đỡ diễn viên.

Cái thời Ứng Tiếu Nùng đắt show nhất, một ngày đi diễn tận vài chỗ, ông ta xem hết ở hí viên này rồi lại chuyển sang hí viên kia xem tiếp.

Nhưng từ sau khi Ứng Tiếu Nùng ký thỏa thuận hát cố định với một hí viên, ông ta xem vài lần mà cứ thấy khó chịu sao sao. Còn Ứng Tiếu Nùng trong hai năm qua cũng dần ít xuất hiện hơn trước.

Nhưng dẫu gì cũng là diễn viên 'Từng yêu thích', lần này Ứng Tiếu Nùng đến cứu cánh hí viên Trường Nhạc, trước đó Chương Đỉnh Hồ đã mua vé dắt cả đến ủng hộ. Bây giờ họ ra mắt phiên bản 2.0, Chương Đỉnh Hồ rảnh rỗi bèn gọi thêm bạn bè mua vé vào xem.

Một vị đi cùng phàn nàn đôi câu, rằng hôm nay mình muốn tới nhà hát Kim Thanh xem vở kịch mới tên 'Du thập điện' hơn, nghe đâu có tới tận 50 tấm phông màn, trong đó có cả khung cảnh địa ngục được vẽ bằng kỹ xảo tranh sơn dầu của phương Tây, trông rất chân thật, còn dọa trẻ con khóc thét nữa kìa.

"Nghe tôi nói này, có sửa thế nào cũng không diễn được mấy bữa đâu. Ông chủ của họ tới Thượng Hải học hỏi lấy kinh nghiệm mà không nỡ tiêu nhiều tiền, cuối cùng toàn học mấy thứ linh tinh đẩu đâu thôi, vở hí này mà hay mới lạ!" Logic của người bạn là như thế này, anh ta không muốn to tiếng ngay tại đây thôi, chứ để anh ta cãi thì phải cãi nhau tay đôi với Ứng Tiếu Nùng kìa.

Hơn thế nữa, người này biết rõ Chương Đỉnh Hồ là fan trung thành của Ứng Tiếu Nùng. Tuy rằng anh ta thấy Ứng Tiếu Nùng cũng thường thôi, nhưng đâu thể nói này nói nọ trước mặt Chương Đỉnh Hồ, thành thử đành đổ hết lên đầu Từ Tân Nguyệt vậy.

Trên thực tế, có rất nhiều người mê kịch cùng chung suy nghĩ với ông ta, thậm chí còn cho rằng vở kịch không được ưa chuộng là tại diễn viên thiếu sức hút...

Chương Đỉnh Hồ không nói gì, thực ra tận sâu đáy lòng ông cũng không coi trọng mấy, chỉ đến ủng hộ Ứng Tiếu Nùng mà thôi.

Hai người vào trong và "Ồ" lên. Họ thấy sân khấu được mở rộng ra rất nhiều, mặt tranh[1] rộng ít nhất 4 – 5 trượng [2], phần tiền đài [3] rất lớn, kéo dài về phía khán giả, để làm được điều đó người ta đã phải dỡ bỏ vài ghế ngồi.

[1] Mặt tranh: Là mặt phẳng nằm giữa sân khấu và khán giả, qua đó khán giả theo dõi diễn xuất, nơi treo màn chính của sân khấu.

[2] Trượng: Đơn vị đo độ dài của Trung Hoa xưa, 1 trượng = 3,33m.

[3] Tiền đài: Là phần diện tích sàn diễn mở rộng về phía khán giả. Khi đóng màn chính thì tiền đài nằm ở phía trước màn chính.

Khắp nơi từ mặt tranh cho đến tiền đài, rèm che, tất cả đều được lắp đặt các dãy đèn mới cóng với số lượng không hề nhỏ.

"Ái chà, vốn liếng của Từ Tân Nguyệt đều đổ hết vào đây rồi nhỉ."

Hai người ngồi xuống, lặng yên đợi vở kịch bắt đầu.

Trong lúc đó có người bán trà và đồ ăn vặt nhưng xưa giờ Chương Đỉnh Hồ không thích uống trà của hí viên, toàn tự chuẩn bị riêng thôi.

Chương Đỉnh Hồ đưa mắt nhìn quanh, thấy tờ báo tường dán trong sảnh giống y như đúc với áp phích ở bên ngoài. Ông lơ đãng quan sát nội dung được viết trên đó, nhưng lại bị chữ viết hấp dẫn ánh nhìn, bèn khen: "Chữ đẹp. Anh Quân mau nhìn kìa."

Người bạn đưa mắt nhìn và gật đầu bảo: "Thú vị đấy, nét chữ thanh lịch tự nhiên, nhìn kỹ còn thấy cái riêng của người họa sĩ!"

Chương Đỉnh Hồ gật đầu lia lịa: "Đúng vậy! Tôi đang nghĩ phải miêu tả thế nào đây, chắc hẳn người viết cũng biết vẽ."

—— Chữ trên áp phích do Kỷ Sương Vũ viết, để y nghe được thì kiểu gì cũng cười phá lên cho xem. Y làm đạo diễn không phải chỉ để vẽ bảng phân cảnh [4].

[4] Bảng phân cảnh: Hay còn gọi là storyboard. Hiểu một cách đơn giản nhất chính là những kịch bản quảng cáo hay bộ phim nào đó được phác họa thông qua các hình vẽ và được miêu tả một cách cụ thể, chi tiết từng phân cảnh.

Vở 'Miếu Linh Quan' do Ứng Tiếu Nùng diễn ngày hôm nay vốn là một ca khúc dùng trống lớn, sau này có nhà soạn kịch đổi sang dùng mõ, Ứng Tiếu Nùng lại biến nó thành hí kịch để hát, kết hợp với máy móc và phông nền mà Từ Tân Nguyệt thêm vào, lập tức thành hí Thái Đầu.

Nhân vật chính trong 'Miếu Linh quan' là Vương Linh Quan do Ứng Tiếu Nùng vào vai. Vị thần ấy là thần hộ pháp trong Đạo giáo, đứng đầu 500 linh quan, giữ việc xem xét thiện ác của nhân gian, có thể ra lệnh cho sấm và lửa, trừ tà chữa bệnh.

Câu chuyện kể về việc Vương Linh Quan hàng yêu. Ở nhân gian lúc bấy giờ có một người tu hành gan to bằng trời, ngụ lại miếu Linh quan, cố tình thể hiện các dấu hiệu, khiến Vương Linh Quan nhầm tưởng người này là sư phụ mình – Tát Chân Nhân đầu thai lịch kiếp, còn hỏa nhãn kim tinh lại trở thành vật trang trí.

Vương Linh Quan hiện thân qua lại thăm hỏi kẻ tu hành ấy, dùng pháp thuật giúp đỡ gã. Nhưng Vương Linh Quan chất phác quá, đôi khi biến khéo thành vụng, kết quả vô cùng hài hước.

Tuy nhiên, vì giúp đỡ phải tên lừa đảo nên đã gián tiếp làm liên lụy đến người vô tội. May thay, cuối cùng Vương Linh Quan cũng nhìn thấu mọi chuyện và ác chiến một trận với gã rồi tự mình đến địa phủ giúp người bị hại sống lại, trừng phạt cái ác đề cao cái thiện, mở ra một kết thúc có hậu, nơi ở hiền ắt gặp lành và ác giả ác báo.

Quả thực vừa nhẹ nhàng thoải mái vừa sôi động, so với vở tiên nữ múa thoát y thì đây xứng đáng là một tiết mục tuyệt vời hơn cả.

Bên trong hí viên đang huyên náo ầm ĩ, rèm che vừa kéo ra và ánh đèn sáng trắng như tuyết bỗng dần vụt tắt thì mọi người cũng yên tĩnh theo.

Xưa giờ tắt đèn bật đèn toàn là phụt một phát xong luôn, nhưng đèn ở hí viên Trường Nhạc thì khác, ấy thế mà tối dần chứ không hề đột ngột, tạo được bầu không khí, khiến người ta cầm lòng chẳng đặng phải dồn ánh nhìn về sân khấu.

Lòng Chương Đỉnh Hồ không nghiêng về bên nào, xưa nay xem kịch về đề tài quỷ thần toàn là hò hét ầm ĩ, sôi động thì sôi động đấy, nhưng so ra cứ thấy thiếu nét nghệ thuật thanh lịch nhã nhặn.

Sự thay đổi nho nhỏ ấy lại làm ông thấy khá hứng thú, chẳng biết điều khiển đèn kiểu gì mà được vậy.

Tới khi rèm che được kéo hết ra và trông thấy cảnh tượng trên sân khấu, ông giật mình sửng sốt!

Không hề có bối cảnh phương Tây tràn ngập như mọi người hằng quen thuộc.

Một 'bức tường trắng' sạch sẽ không tì vết, điểm thêm vài cành trúc và nguyệt môn [5] cong tròn ở chính giữa. Nhìn vào trong sẽ thấy góc mái cong cong, trên những tấm lụa mỏng rủ xuống vẽ các ô cửa sổ đầy độc đáo và khác lạ, kết hợp với ánh sáng chia không gian thành nhiều mặt khác nhau.

[5] Nguyệt môn: Là một loại cửa đi lại đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, hình tròn (giống như hình Mặt Trăng tròn) dành cho người đi bộ, sử dụng chủ yếu vào mục đích trang trí.Từng nét hấp dẫn đan cài, lấy màn che bằng lụa mỏng làm chủ đạo và một vài bối cảnh lác đác tạo nên một góc của miếu thờ kiểu Trung, nhìn cái biết ngay.

Đây là... Đây là...

Chương Đỉnh Hồ nghe bạn mình ngồi bên cạnh nhỏ giọng kêu lên: "Đây là phong cách của Hoa Hạ!"

Ông giật mình, như "mặt trời chân lý chói qua tim". Đúng vậy, đây chính là bối cảnh đậm màu sắc Hoa Hạ.

Bối cảnh ít, nhưng điểm xuyết vừa vặn, trong ảo có thực, rất đỗi thanh lịch và hấp dẫn, khiến người ta nghĩ tới thư pháp và hội họa truyền thống của Hoa Hạ.

Khung cảnh thanh tĩnh ấy làm Chương Đỉnh Hồ nhớ đến kịch thần thoại lộng lẫy của phương Tây. Nhưng bạn nhìn lên sân khấu mà xem, tất cả đều là nét đẹp thuộc về Hoa Hạ, điều ấy khiến cõi lòng Chương Đỉnh Hồ rúng động hơn cả ánh đèn ban nãy.

Ông từng đánh giá cao bối cảnh rực rỡ tráng lệ, nhưng ngày hôm nay thấy cái bối cảnh của 'Miếu Linh quan', bỗng nhiên có cảm giác rằng "Tất cả bối cảnh mình xem trước đó chẳng phải thứ gì tuyệt diệu."

Tuy đây là lần đầu khán giả toàn phòng thấy bối cảnh như vậy nhưng không một ai có dị nghị gì, trong mắt chỉ có tán thưởng và khen ngợi.

Lại kể đến dàn nhạc, nhạc công đàn đệm đã nhận quà của Ứng Tiếu Nùng rồi nên rất gắng sức, cái dùi nện xuống mặt trống với lực tay hung hãn tạo thành tiếng trống vang rền như tiếng sấm, làm nền cho sự xuất hiện của Vương Linh Quan.

Tới khi Ứng Tiếu Nùng mặc trang phục áo giáp vàng, khoác áo choàng đỏ sau lưng bước lên sân khấu với khí thế uy nghiêm mạnh mẽ thì ánh đèn lập tức thay đổi. Không gian xung quanh là ánh sáng vàng mờ mờ nhàn nhạt, duy chỉ có trên mình vị linh quan ấy mang ánh sáng rực rỡ chói lọi, thể hiện vị trí độc tôn cả trên trời lẫn dưới đất.

Hai mắt Vương Linh Quan bắn ra ánh sáng tứ phía, hệt như hỏa nhãn kim tinh thật sự, bên sườn sân khấu vang lên tiếng sấm đùng đoàng cộng thêm tia chớp nhấp nhoáng sáng lóa như tuyết. Ngay sau đó, vị linh quan ấy mở miệng niệm chú: "Say cuốn mây mù chốn lôi phủ, áo đỏ vấn vương nắng ngàn thu."

Đây là lời dẫn thường đọc sau khi nhân vật xuất hiện trên sân khấu. Người ta thường nói hát hí khó đan dẫn, nghĩa là có thể đọc lời dẫn hay không phụ thuộc vào thực lực diễn viên thế nào.

Giọng Ứng Tiếu Nùng trầm bổng du dương, hùng hậu mạnh mẽ, tràn đầy nội lực. Chỉ bằng hai câu dẫn mở đầu đã khắc họa rõ nét hình ảnh một vị linh quan oai phong lẫm liệt, đạp gió gọi sấm.

Cảnh mở màn ấy lập tức khiến phía dưới bùng nổ, âm thanh trầm trồ khen ngợi vang lên không ngớt.

Hay!

— Không biết hí viên Trường Nhạc làm cách nào tạo ra được ánh sáng màu vàng thế kia trong khi phạm vi xung quanh thì tối om hết cả. Mà ánh sáng chiếu trên người Ứng Tiếu Nùng cũng thu hút một cách hết sức tự nhiên, còn tiếng sấm như nét chấm phá làm bật lên thân phận thần sấm của ông.

Tất nhiên Chương Đỉnh Hồ cũng vỗ tay khen hay. Nếu để ông nói về thành công của phần mở màn thì ngoài giọng hát của Ứng Tiếu Nùng ra, còn phải kể đến sự phối hợp ăn ý của nhạc đệm, ánh sáng chắc chắn đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp tô đậm bầu không khí.

Nếu xưa kia Ứng Tiếu Nùng có được phong thái nhường này thì sao phải chịu cảnh bị chèn ép? Người hâm mộ lâu năm – Chương Đỉnh Hồ thấy phần thể hiện của ông hôm nay xuất sắc hệt như hồi còn nổi tiếng, mà không khỏi bùi ngùi xúc động.

Cảnh mở màn của phiên bản 'Miếu Linh Quan' trước đây náo nhiệt hơn thế này nhiều, bao nhiêu là diễn viên quần chúng lên sân khấu xếp hàng, sau lưng còn có tấm phông vẽ hình Thiên Cung lung linh lộng lẫy.

Nhưng hôm nay Ứng Tiếu Nùng chỉ có một thân một mình, sau lưng cũng trắng tinh sạch sẽ mang đến cảm giác nguyên sơ thuần chất, cảnh giản đơn mà giàu ý nghĩa!

Những khán giả khác xem kịch không nghĩ nhiều như Chương Đỉnh Hồ, họ chỉ có một suy nghĩ đơn giản thế này: Chẳng biết vì sao mà vị linh quan ấy vừa lên sân khấu đã oai phong và rực rỡ đến vậy, khiến lòng họ muốn hò reo, cảm xúc kích động mãi không chịu thôi.

Sân khấu cũng rất đẹp. Vẻ đẹp ấy không phải là kiểu thu hút mọi tầm mắt tập trung lên nó, mà là chất dẫn để người ta chú ý đến diễn viên và góp phần tô điểm thêm khí chất của họ.

...

Bấy giờ, ở mé sân khấu có một con quỷ thắt cổ đang ngồi chồm hỗm điều khiển ánh sáng.

Mặt con quỷ ấy trắng toát, cái lười dài ngoẵng được cầm trong tay chứ chưa dán lên mặt.

Đấy chính là Kỷ Sương Vũ kiêm mấy chức vụ liền...

Bởi vì nguyên nhân kỹ thuật, mỗi một dãy đèn trên sân khấu đều phải điều khiển riêng biệt, ngoài y ra thì còn có mấy nhân viên hậu cần của gánh hát hỗ trợ theo trình tự mà y đã căn dặn.

Ánh đèn sân khấu là thứ đắp nặn nên nhân vật, thứ công cụ sắc bén làm nổi bật bầu không khí. Giống như ánh sáng chiếu lên thân mình của Vương Linh Quan vậy, tạo được hiệu quả vang dội. Tuy rằng nó chưa bao giờ xuất hiện trên sân khấu vào thời nay, ấy nhưng mọi người đều hài lòng chấp nhận.

Nhằm tạo hiệu ứng ánh sáng, y đã mời người đến cải tiến đèn. Cũng có một số hiệu ứng không thể đáp ứng được với thiết bị và kinh phí hiện nay, ví dụ như hiệu ứng ánh sáng vàng lấp lóe là nhờ dán giấy màu lên chụp đèn và lợi dụng sự phản quang của vải vóc.

Sau đó nếu muốn dùng ánh sáng màu khác thì lại đổi qua giấy màu lam, giấy màu lục, cực kỳ phù hợp với tinh thần đề cao tiết kiệm của Từ Tân Nguyệt.

Tiếng sấm ấy à, đó là âm thanh tạo nên từ việc rung ván ép. Còn ánh chớp, chỉ cần dùng đèn công suất cao chiếu lên vật phản quang là mô phỏng được thôi.

Đây toàn là những kĩ năng thiết kế sân khấu hết sức cơ bản, vào thời nay trông thì mới lạ nhưng không quá ghê gớm. Chỉ cần vận dụng thích hợp thôi, hiệu quả sẽ tăng gấp trăm lần!

Vả lại bản thân Kỷ Sương Vũ muốn làm nhiều hưởng nhiều, đến cảnh Vương Linh Quan vào địa phủ, y còn phải lên sân khấu đóng vai quỷ thắt cổ, kiếm thêm tí tiền diễn vai phụ...

Kỷ Sương Vũ: Nhớ khi xưa biết bao người khuyên tôi chường mặt ra trước ống kính mà tôi chả thèm đồng ý, giờ vì miếng ăn phải ngậm ngùi lên sân khấu đóng vai quỷ thắt cổ, tôi thật là nghèo rớt mùng tơi nghèo rơi nước dãi hu hu hu hu hu hu.

Diễn viên ngồi trên hòm trong hậu trường chờ đến lượt lên sân khấu, nghe thấy tiếng khóc nức nở nghẹn ngào không rõ từ đâu tới, da đầu tê rần. Hôm nay diễn kịch quỷ thần chứ không phải mời gọi thứ gì bẩn thỉu đâu đấy! Xui xẻo quá xui xẻo quá, phải mau đứng dậy thắp hương cho sư tổ mới được.

...

Quay về chuyện dưới khán đài, Chương Đỉnh Hồ và các khán giả càng xem càng mê mẩn.

Phông nền biến đổi theo từng cảnh, khéo léo sử dụng các tấm màn sân khấu, im hơi lặng tiếng thay đổi.

Không hề dùng tới bất kỳ bối cảnh nào của phương Tây, sân khấu rộng lớn chỉ trang hoang vài cảnh đơn giản.

Muốn xem cảnh sôi động cũng có đây, thí dụ như ánh sáng và tiếng sấm rền rĩ, thí dụ như khi Vương Linh Quan thi triển phép thuật, kết hợp sấm và lửa với màn múa võ của Ứng Tiếu Nùng, trông hệt như một vị linh quan giáng trần. Có nhiều hình dạng ánh sáng khác nhau, thay đổi theo từng cảnh và bầu không khí.

Ngay cả người bạn muốn đi xem vở kịch có cảnh địa ngục vẽ theo phong cách tả thực cũng nhoài người về phía trước, khao khát được lại gần để xem.

— Đương nhiên thiết bị này là do tên quỷ thắt cổ lè lưỡi - Kỷ Sương Vũ đứng bên cạnh điều khiển công tắc đúng lúc, cúp cầu chì kết nối dưới khán đài và trên sân khấu. Hoặc dùng các chất hóa học như lưu huỳnh rubi, photpho đỏ và kali clorat tạo ra pháo, khói, tiếng động rộn rã giật nảy mình.

Vừa thấy cảnh tưng bừng náo nhiệt, khán giả lập tức hò hét khen hay. Vương Linh Quan có đủ hình dáng và thần thái, thêm tiếng sấm nổ, tất cả đều nhập tâm vào vở kịch, khiến hí viên như bị tiếng người ồn ào nhấc bổng lên.

Người bạn của Chương Đỉnh Hồ xem không chớp mắt, nào còn nhớ tới chuyện ban đầu mình muốn đi xem 'Du thập điện' gì gì đó chứ.

Chuyện khiến Chương Đỉnh Hồ phải cười thầm là, ông bạn này thận yếu, mỗi lần đi xem hí đều phải tìm cơ hội đi giải quyết nỗi buồn, ít thì 1 lần mà nhiều thì tới 3 – 4 lần.

Hôm nay xem vở 'Miếu Linh quan', Chương Đỉnh Hồ liếc mắt thấy bạn mình ôm bụng dưới, nửa bước chẳng rời, không chịu bỏ qua giây phút tuyệt vời nào.

Còn bản thân Ứng Tiếu Nùng càng hát càng sục sôi, đã rất lâu rồi ông chưa được hát thoải mái đến vậy! Đã rất lâu rồi dưới sân khấu không có nhiều người xem như thế, tiếng khen ngợp trời như vậy!

Ứng Tiếu Nùng chỉ cảm thấy hơi thở ứ đọng nơi l*иg ngực và phiền muộn phải chịu mấy ngày qua thoát ra ngoài, thật là sảng khoái!

Ông đã từng tự hỏi, chẳng lẽ kỹ thuật hát của mình đã không còn như trước, hay bởi Lê viên thay đổi quá nhanh, khó nắm bắt? Ngày hôm nay là minh chứng rõ rệt nhất, rằng ông - thanh đao báu chưa già.

Rồi ông nhìn khắp hí viên, lúc đầu chỉ độ 6-70% số ghế có người ngồi, trong suốt quá trình diễn, không ngừng có người bị tiếng sấm sét chân thật, tiếng hò hét nhiệt liệt bên trong hấp dẫn và bước vào. Thậm chí đến phần sau còn hết chỗ, phải bổ sung thêm vài vị trí.

Từ Tân Nguyệt đứng bên sườn sân khấu quan sát mà vui vô cùng. Thanh âm trầm trồ của khán giả khắp phòng, bầu không khí sôi nổi, quả thực không thua kém bất kỳ diễn viên nổi tiếng nào.

Anh ta xoa xoa hai tay nói: "Tình hình này liệu có thể diễn thêm được mấy ngày nhỉ?"

Kỷ Sương Vũ quăng cái lưỡi giả đi, hầu hết vai quỷ thắt cổ đều vẽ lưỡi ngay lên mặt, nhưng y và nhân viên hậu cần đã cùng nghĩ ra đạo cụ mới, chân thật hơn hẳn.

Y hỏi: "Ông chủ à, trong trường hợp khả quan nhất thì có thể diễn được mấy ngày?"

Từ Tân Nguyệt hơi do dự, bắt đầu ảo tưởng: "Cậu nói xem, liệu vở kịch này có diễn được liền tù tì 7 ngày không? Ở Bắc Bình bây giờ, những vở kịch siêu siêu ăn khách cũng diễn nửa tháng liền."

Ở Thượng Hải, cứ vở nào mới ra là diễn liền tù tì vài ngày, nhưng Bắc Bình thì khác, bình thường chỉ có 3 – 4 ngày thôi. Chỉ có tác phẩm của diễn viên nổi tiếng mới trụ được 7 ngày, chuyện diễn tới nửa tháng vốn là học tập theo Thượng Hải mà ra.

Từ Tân Nguyệt mong rằng vở kịch này sẽ thành công rực rỡ để kéo danh tiếng của hí viên lên, rồi tập thêm vài vài vở kịch nữa, từ đó hình thành vòng tuần hoàn thuận lợi, anh ta không dám mơ một vở kịch vừa ra lò trụ được lâu ngày.

Kỷ Sương Vũ chẹp miệng đầy tiếc nuối, mất công dàn xếp lại chỉ diễn được vài ngày, tiếc thật.

"Ông chủ, bán hết vé rồi ạ." Người của phòng bán vé đến báo cáo.

Bên trong hí viên đã chật ních người, không chừa một khe hở nào, nhưng nếu không bán vé nữa thì chẳng vắt được thêm một cắc nào.

Từ Tân Nguyệt trách tổ tiên nhà mình sao không mua miếng đất to to tí, xây cái rạp hát bé như mắt muỗi vậy, anh ta trừng mắt nhìn nhân viên bán vé: "Mở cửa chính ra cho tôi, bán thêm mấy vé đứng xem! Không mua vé không cho xúm vào!"

Kỷ Sương Vũ: "..."

...Đúng là gương mặt vàng trong làng vắt cổ chày ra nước!

...

Mãi đến khi xem trọn vẹn 'Miếu Linh Quan', Chương Đỉnh Hồ mới làm sáng tỏ suy nghĩ của mình. Ông hiểu ra rằng thành kiến của mình về vở kịch 'Miếu Linh Quan' từ đâu mà ra, và vì sao từ đầu đến cuối vở kịch này toàn nhận được những lời khen ngợi.

Bởi, kịch truyền thống của Hoa Hạ ngày nay toàn tham khảo kịch phương Tây, vẽ bối cảnh theo phong cách tả thực, thiết bị máy móc thịnh hành khắp nơi.

Còn bối cảnh của vở kịch này lại chỉ dùng một tấm vải mỏng, chút ánh sáng, một phiến ngói, đã đủ sức tạo nên một thắng cảnh, một nhân vật, một gian điện thờ đầy tính nghệ thuật.

Người dàn dựng bối cảnh ắt hẳn là một bậc thầy thiết kế sân khấu, am hiểu sâu sắc về những tinh hoa ẩn giấu trong kiến trúc Hoa Hạ.

Tất cả những thứ làm nền đơn sơ đẹp đẽ ấy, cùng các thiết bị ở cảnh cao trào trong vở kịch, càng làm rung động lòng người. Đắp nặn nhân vật thần thoại chân thật, lại chẳng để lộ dấu vết nào, khiến nội dung càng căng thẳng hồi hộp, mang lại cảm xúc vô biên.

Dưới bối cảnh đơn giản và đẹp đẽ ấy, máy móc trong phần cao trào của toàn bộ vở kịch càng thêm phần hấp dẫn và rúng động. Đắp nặn nhân vật thần thoại hết sức chân thật mà không có sơ hở nào, khiến nội dung kịch tính và lôi cuốn hơn.

Máy móc và bối cảnh trước đây luôn khiến Ứng Tiếu Nùng cảm thấy căng thẳng, phải cẩn thận từng li từng tí phối hợp với chúng.

Máy móc và bối cảnh bây giờ lại giúp Ứng Tiếu Nùng tạo ra một Vương Linh Quan hàng thật giá thật, khôi phục sự oai phong vào thời kỳ đỉnh cao, hoàn thành vai diễn một cách hoàn mĩ.

Trong lúc người khác đang mải tìm tòi làm sao cho máy móc tưng bừng hơn, sánh ngang với kịch phương Tây, thì vở 'Miếu Linh Quan' này đã mang đến cho Chương Đỉnh Hồ niềm thích thú khác hẳn: Đó là tình yêu với nét đẹp cổ điển chỉ thuộc về riêng Hoa Hạ.

Chương Đỉnh Hồ thầm nghĩ, tuy kịch thần thoại phương Tây lộng lẫy khiến người người khâm phục nhưng khách quan mà nói, không phù hợp bằng vở này.

— Tuy rằng bối cảnh phương Tây sinh động và chân thật, khiến lòng người rúng động, ấy nhưng sự kết hợp giữa ảo và thực này phù hợp với phong cách của hí kịch Hoa Hạ hơn, ví như trên sân khấu, nhân vật làm động tác "phi ngựa", khán giả nhìn cái khắc biết đang cưỡi ngựa; hoặc tay đẩy ra khép lại là mở cửa đóng cửa.

Câu nói "Dăm ba bước đã đi khắp thiên hạ, bảy tám người hóa hàng triệu hùng binh" [6] có nghĩa rằng, trong một tấc vuông là trời đất bao la, sau khi quay người, thời gian chảy trôi. Khán giả Hoa Hạ đã được hun đúc từ tấm bé, chẳng cần giải thích cũng hiểu rõ.

[6] Câu nói trong hí kịch, hiểu nôm na rằng những người diễn viên đã sáng tạo cả một thế giới, cả một đội quân ngay trên sân khấu chỉ với vài người.

Bởi vậy, người đến xem hôm nay đều hài lòng đón nhận tất cả những sắp xếp, thiết kế trên sân khấu, vô cùng nhập tâm vào vở hí.

Chỉ cần là người Hoa, sẽ thích bối cảnh theo phong cách vẽ chấm phá ấy.

Từ xưa đến nay, thứ họ nghe là ngụ ý trong câu, thứ họ ngắm là cảnh ẩn trong tranh, thứ họ hiểu là hàm nghĩa trong thơ, vẻ đẹp tưởng như giống mà lại hoàn toàn khác!

Chương Đỉnh Hồ rất tò mò, làm sao mà hí viên Trường Nhạc, gánh hát Hàm Hi và Ứng Tiếu Nùng có thể im hơi lặng tiếng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tài tình đến thế. Không ngoài dự đoán, Ứng Tiếu Nùng chắc chắn sẽ trở thành người hát hí hút khách nhất, có doanh thu phòng vé cao nhất.

Ngay khi ông về đến nhà, lập tức trải giấy mài mực, viết một áng văn cho Chuyên san kịch Kim Thanh kỳ mới nhất, dùng hết vốn liếng phê bình kịch của mình để ca ngợi, đặt tiêu đề là:

[ Bình luận về vở "Miếu Linh Quan" của hí viên Trường Nhạc – thêm diện mạo mới cho linh quan, dẫn đầu xu hướng sử dụng phông nền vẽ chấm phá vào những vở kịch xưa; dựng nên khung cảnh chốn Thiên Cung giữa một tấc vuông sân khấu đậm chất Hoa Hạ. ]