Nghe Tiểu Đào nói, tôi vội vàng đi tìm thím Đại hỏi cho ra lẽ, thím Đại cũng ngay thẳng trả lời, không nói dối vòng vo.
- Thì tôi cũng muốn tốt cho cô, thấy cậu mợ đang cần tìm người... tôi nghĩ ngay đến hoàn cảnh của cô nên mới đưa cô đi gặp cậu mợ.
Tôi bực dọc nhưng vẫn kìm chế được một hai:
- Nhưng thím cũng phải hỏi qua ý của con chứ, thím tự ý làm vậy... thím thấy tội nghiệp con không?
Thím Đại lúc này cũng không còn mạnh miệng được nữa, thím ấy dịu giọng:
- Ờ thì... tôi không hỏi ý của cô là tôi không đúng thiệt nhưng tôi cũng vì muốn tốt cho cô thôi... cũng đâu có nghĩ gì nhiều đâu.
Tôi nhìn thím Đại, thấy sự áy náy trên mặt bà ấy là có thật chứ không phải chỉ là nói cho có, trong lòng cũng cảm thấy đỡ khó chịu hơn phần nào. Nghĩ nghĩ, tôi mới nói với thím ấy:
- Sau này có gì thím nhớ nói với con trước nha, chứ để như hồi nãy... kỳ lắm.
Thấy tôi cũng không có ý trách móc, thím Đại coi như cũng thoải mái hơn:
- Ừ tôi biết rồi nhưng mà chắc không có chuyện gì nữa đâu, cậu mợ Tư cũng không chịu cô mà.
Nói rồi, bà lại vỗ vỗ vai tôi, an ủi:
- Thôi, cậu Tư tánh khí hào sảng ngay thẳng nghĩ gì nói đó... cô cũng đừng để bụng làm gì, hen?
Nhắc đến hai chữ "cậu Tư" tôi tự dưng lại thấy dị ứng, đúng là đẹp người thì cũng phải đẹp nết chứ cái nết quá trời quá đất vô duyên thì ai mà độ cậu cho nổi. Ban đầu còn ấn tượng bởi vì cậu Tư đẹp trai quá chừng, giờ nghe nhắc tên là muốn đấm cho phát chết luôn. Đã vậy còn thêm tên gì đó ói lên ói xuống, nghĩ mà tức cái mình.
Xuống bếp để tiếp tục làm công chuyện của mình, tôi cứ bực tức cả ngày, đến chiều tan làm về nhà mà vẫn thấy không vui trong lòng. Mọi người thường hay bảo là đẹp nết còn hơn đẹp người nhưng riêng tôi cảm nhận, một cô gái có vẻ ngoài xấu xí thì sẽ chẳng có ai để ý đến. Nếu nghèo mà xinh thì còn được thương cảm chứ nghèo mà còn xấu... lại chỉ biết đổ tại số phận của mình nghiệt ngã. Chả nhẽ người kém về nhan sắc thì không được tôn trọng, không được yêu thương hay sao?
Khẽ thở dài... chung quy cũng không trách được bọn họ, mỗi người có một cách nhìn nhận sự việc khác nhau mà. Làm sao tôi bắt họ phải biết tôn trọng tôi trong khi đó họ là chủ, còn tôi là tôi tớ được. Nghe đã thấy chênh lệch quá nhiều về giai cấp rồi... chịu thôi!
................................
Chuyện hôm đó tôi không kể cho cha mẹ biết vì sợ cha mẹ bắt tôi nghỉ việc không cho tôi đi làm nữa, mà sau chuyện lần đó, thím Đại cũng có chút ưu ái cho tôi hơn, bà ấy cho tôi lên vị trí phụ bếp, công việc nhàn hơn là quét dọn rửa bát. Nói chung nhan sắc không có cũng đỡ được phần nào các mối quan hệ nam nữ linh tinh, bởi nhìn tôi xấu quá có ma nào thèm ngó ngàng tới đâu. Mà như vậy cũng tốt, nhà tôi vừa nghèo vừa nợ nần nhiều, trước khi trả hết nợ cho cha với ông ngoại, chắc tôi sẽ không dám tính đến chuyện yêu thương một ai đâu.
Sáng nay như thường khi, tôi theo thím Đại ra chợ nhỏ ở trong làng mua ít rau củ, bình thường thì một tuần thím Đại đi chợ huyện 2 lần, còn rau củ thì mua ở chợ làng cho tươi ngon. Thức ăn mua từ chợ huyện về sẽ được chế biến cho vào tủ đông, ở đây cũng chỉ có nhà các vị tai to mặt bự là có tủ lạnh, tivi, máy lạnh các thứ... chứ nhà của dân trong làng đến điện còn không có đủ tiền để kéo về sử dụng thì nói gì là mua sắm thiết bị điện. Cỡ 10 hộ dân thì chỉ có được 4,5 hộ có điện để dùng, còn lại thì dùng ké hoặc là không dùng luôn. Như nhà tôi là nằm trong số dùng ké điện với nhà Tiểu Đào, đến tháng thì chia nhau ra mà trả tiền điện. Mà điện dùng chung thì yếu ghê lắm, chỉ dám bật đèn vào ban đêm cho có chút ánh sáng chứ cũng không dám dùng điện vào mục đích gì khác. Thứ nhất là điện yếu, thứ hai là sợ không có đủ tiền trả tiền điện cho ông Thành. Nói chung là cơ cực và bất tiện nhiều thứ lắm, nhưng sống đâu thì quen đó, tôi cũng tập dần thích nghi chứ cũng không dám đòi hỏi gì thêm.
Đi chợ về, tôi phụ thím Đại xách đồ vào nhà bếp, khu bếp ở riêng biệt phía sau, không dính dáp với khu nhà của chủ ở nên cũng được thoải mái không gò bó lắm. Đang khệ nệ xách đồ thì ở đâu xuất hiện ra một anh chàng trẻ tuổi chặn ngang tôi lại, mặt mày anh ta tựa như hoa, ngũ quan cực kỳ đẹp, nụ cười mỉm lại làm toát lên vẻ lịch sự thân thiện vô cùng. Tôi nhìn anh chàng này mà có chút thẩn thờ, trông vừa quen mà lại vừa lạ, đã vậy còn phấn khích khi được nhìn thấy trai đẹp nữa chứ, tim cứ như là đập nhanh hơn vài nhịp...
- Cậu Năm!
Thím Đại vừa chào hỏi vừa huých tay tôi, tôi thấy vậy cũng nhanh trí gật đầu chào anh chàng truớc mặt:
- Dạ cậu Năm!
Cậu Năm cười nhẹ, giọng cậu ấy khá là trong trẻo:
- Không cần phải cung kính vậy đâu, tôi tìm cô bữa nay là muốn xin lỗi cô.
Tôi ngạc nhiên, tròn xoe mắt nhìn cậu ấy:
- Dạ... xin lỗi?
Cậu Năm có chút áy náy:
- Ừ chuyện hôm bữa tôi nôn ói trước mặt cô đó... cô nhớ chưa?
Nôn ói... à tôi nhớ rồi... nhớ liền luôn đó.
Tôi gật gật đầu:
- Tôi nhớ...
Cậu Năm ngập ngừng đôi chút, cậu im lặng khoảng mấy giây rồi mới lên tiếng giải thích với tôi:
- Bữa đó... tôi say quá nên mới ói nhiều như vậy... chứ không phải là do cô đâu... ý của tôi là... là vì tôi say, mà say thì dễ nôn ói... hoàn toàn không phải do gương mặt của cô... cô hiểu ý tôi không?
Giải thích xong, cậu ấy lại chăm chú đợi câu trả lời từ tôi. Tôi nhìn anh chàng truớc mặt, tự dưng lại thấy có chút buồn cười, khẽ gật gật, tôi nói:
- Tôi hiểu ý cậu rồi, là vì cậu say nên mới ói chứ không phải như cậu Tư nói... là vì tôi xấu quá khiến cậu buồn nôn... đúng không cậu?
Cậu Năm gật gật như gà mổ thóc:
- Đúng... ý của tôi là như vậy... cô hiểu rất đúng rất chính xác.
Tôi lại tròn xoe mắt nhìn cậu, tôi nói:
- Vậy... tôi hiểu rồi, tôi cũng không nghĩ gì nhiều đâu, cậu yên tâm. Nếu không có gì nữa thì tôi xin phép về làm công chuyện kẻo trễ giờ cơm.
Cậu Năm gật gật, thấy vậy tôi mới xoay người bước đi. Ấy vậy mà mới đi được mấy bước, cậu Năm đã vòng đến trước mặt tôi, cậu nói bằng giọng hết sức chân thành:
- Anh Tư là người ăn nói ít khi suy nghĩ trước, cô cũng đừng buồn vì những lời nói của ảnh. Tôi thấy cô cũng xinh mà, trong mắt mỗi người đều có cách nhìn nhận khác nhau... người đó thấy không xinh nhưng chưa chắc người khác cũng thấy giống như vậy. Cô rất xinh... nhưng là xinh một cách khác biệt... cô hiểu chưa?
Tôi có hơi ngớ người, trong lòng không dám tin là cậu Năm lại nói những lời an ủi động viên tôi như vậy. Lại nhìn vẻ mặt chân thành nghiêm túc của cậu, tôi nhất thời có chút dao động không rõ nguyên nhân. Cậu ấy là chủ, có nói những lời nặng nề như cậu Tư thì tôi cũng không dám trách móc nửa lời chứ nói chi là cậu lại quan tâm tới cảm xúc của tôi như vậy. Nói sao bây giờ nhỉ... anh chàng này... tính tình đường hoàng tình cảm quá luôn ấy chứ...
Tôi cúi thấp đầu, giọng lí nhí:
- Cậu Năm... tôi cảm ơn cậu.
Cậu Năm thấy tôi hiểu ý, cậu vui vẻ gật gật:
- Có gì đâu mà cảm ơn, tôi chỉ sợ cô tự ti thôi... mỗi người sinh ra trên đời này đều là đáng quý... đừng vì lời nói chủ quan của ai mà làm bản thân mình không vui. Thôi, cô đi làm việc của mình đi, không làm phiền cô nữa.
- Dạ!
Cậu Năm rời đi, tôi vẫn cứ đứng nhìn theo bóng lưng của cậu, trong lòng vô thức cảm thấy ấm áp dễ chịu vô cùng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tôi tới đây sống lại có một người khác giới nói với tôi những lời như thế này. Như trước kia thì tôi không nói, còn như bây giờ... thật hiếm người không chê vẻ kém sắc kinh hoàng của tôi. Thật là đáng quý!
- Ê, đừng có đứng đó mơ mộng nữa... xuống phụ nấu cơm nhanh đi.
Nghe tiếng thím Đại nhắc nhở, tôi vội lấy lại tinh thần, liền nói:
- Con có mơ mộng gì đâu...
Thím Đại lườm nguýt tôi:
- Tao nhìn mày là biết liền, mà cái này tao nói trước... đừng nói là cậu Năm mà ngay cả cậu Tư hồi bữa mày gặp mày với tới cũng không được đâu. Đừng có ôm mộng rồi vỡ mộng thì khổ cái đời mày.
Tôi càm ràm:
- Con có ôm mộng gì đâu thím, chẳng qua thấy cậu Năm tốt với con nên con thấy quý cậu vậy thôi mà.
- Ừ thì tao dặn vậy để mày biết chừng mà cư xử, tao từng chứng kiến cả chục con ôm mộng rồi vỡ mộng khóc lóc đòi chết lên chết xuống rồi. Nhà này giàu lắm con ơi, không môn đăng hộ đối thì đừng mơ tưởng tới.
Tôi cười cười, cũng không lấy những lời đó mà giận dỗi khó chịu, bởi thím Đại nói đúng, dân đen như bọn tôi thì tốt nhất đừng mơ tưởng mà làm khổ cái thân. Người giàu kẻ bình thường mà có yêu nhau thật lòng cũng khổ sở trăm bề chứ nói gì là người nghèo sơ nghèo xác như bọn tôi. Thôi đi, quý là quý tấm lòng của cậu thôi chứ tôi không có ôm mộng được làm chim phượng hoàng đâu, cứ làm chim sẻ sống qua ngày cũng là quý lắm rồi.
- Thôi đi nấu cơm thím ơi, mấy chuyện này đối với con nó xa vời lắm, con không dám nghĩ đến đâu.
- Ừ coi vậy mà khôn đó con...
..............................
Bẫng được một thời gian, công việc của tôi ở nhà chủ cũng thành thục hơn trước, cha tôi với thằng Toàn cũng vừa được tăng lương, cuộc sống nhà tôi đỡ khó khăn hơn trước rất là nhiều. Tiền lương của tôi đem về để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà, còn tiền lương của cha với thằng Toàn thì để dành trả nợ. Nói chung cũng chưa khá lên được nhưng như vậy đã là tốt lắm rồi.
Sáng nay vừa ra khỏi cửa, tôi đã nghe mọi người tụm năm tụm ba bàn tán xôn xao chuyện cậu Hai nhà ông Độ. Đúng là hôm qua tôi có nghe phong phanh là cậu Hai bị bệnh gì đó có vẻ nặng, ông bà chủ với mọi người hoảng loạn hết cả lên. Nhưng nghe là nghe vậy thôi chứ cũng có liên quan gì tới tôi đâu, ai nói thì nghe chứ cũng không dám tò mò chuyện của chủ. Cứ tưởng là nhà ông Độ kín miệng lắm, ai dè mới hôm qua mà sáng nay trong làng đã rần rần lên. Thì cũng không định nhiều chuyện đâu nhưng mọi người đã mất sức nói, tôi mà không bỏ công ra nghe thì phụ công mọi người quá...
- Cậu Hai chắc là giống cậu Ba rồi... bị là anh em sinh đôi mà.
Người trước vừa dứt câu, người sau khác đã tiếp lời:
- Bà nói cũng phải, đợt cậu Ba chết tôi còn nhớ như in... lúc đó mới cưới bà nhà... hai vợ chồng tôi đi coi rõ mồn một mà.
Lại một người nữa lên tiếng:
- Nghe đâu cậu Hai cậu Ba là do Bà Hai đi cầu đi khẩn, mà dòng thứ con cầu khẩn nó khó nuôi dữ lắm. Cái cậu Hai này đáng lý chết từ nhỏ chứ không phải cậu Ba đâu... ai dè cậu Ba chết trước, mà chết lúc nhỏ nữa... bữa chôn tôi cũng có đi coi... mà mấy ông mấy bà còn nhớ cái vụ kia không?
Tôi nhích đến gần chút để nghe cho rõ hơn, chuyện nhà ông Độ cũng ly kì phết.
Nghe người kia hỏi, mọi người bắt đầu nháo nhào lên:
- Phải ông nói cái vụ... lấy vợ cho cậu Ba không? Phải không?
- Tôi cũng biết vụ đó... nổi tiếng khắp vùng này mà.
Tôi lại lấy làm tò mò, người dịch sát lại chút nữa, miệng cũng hỏi tới:
- Là vụ gì vậy các bác?
Thấy tôi chưa biết, mọi người liền kể:
- Con nhỏ này mới tới chắc đâu có biết... cậu Ba nhà ông Độ chết trẻ măng hà, chừng mười mấy tuổi chứ nhiêu... mà chết xong quậy phá quá hay sao đó... ông Độ mới bỏ tiền ra mua một xác chết con nít trạc tuổi cậu để về làm vợ âm phủ cho cậu. Cái con nhỏ đó dễ thương lắm, tao thấy mặt luôn mà.
Vài người tò mò:
- Sao ông thấy mặt được hay vậy? Tôi nghe nói che mặt mà có thấy được đâu?
Ông chú hếch mặt hãnh diện:
- Tôi chứ có phải mấy người đâu, đã đi coi là coi cho tới cùng... con nhỏ dễ thương mà chết trẻ quá... nghĩ thấy cũng tội. Tôi còn thấy rõ cảnh đưa con bé đó vô quan tài chung với cậu Ba mà... hai người nằm song song... con bé đó người còn ấm... rõ ràng là mới vừa chết luôn đó.
- Ghê vậy hả?
- Ừ, cái làng này có tục là vậy, chết trẻ chết yểu chưa vợ con gì là phải như vậy... vậy vong hồn mới không về quấy phá gia đình. Mà nói chung bây giờ thì cũng hiếm, tại nghèo quá tiền ăn tiền chữa bênh không có mới chết, mà đã nghèo rồi thì lấy tiền đâu ra mà cưới vợ gả chồng cho người chết... quậy thì tôi cũng đành chịu chứ tiền đâu mà ra. Như nhà ông Thành đó... giàu quá chừng giàu thì bỏ chút tiền ra mua đứt đời trai thằng Sửu có là gì.
- Ông nói cũng phải...
Tôi nghe từ đầu đến cuối mà da gà muốn dựng hết lên, ở đâu mà ra cái tục lệ kỳ lạ vậy nhỉ, ở chỗ tôi sống trước kia đâu có vậy đâu. Chết thì là hết chứ, hoặc có nợ nần hay oan khuất gì thì để Diêm Vương gia xử lý chứ sao lại như vậy? Chả nhẽ chết rồi cưới vợ thì xuống dưới "Suối Vàng" sẽ được động phòng rồi sinh con đẻ cái hay sao ta? Vấn đề này rõ là nan giải quá đi mất!
- Cũng không biết cậu Hai nhà ông Độ có qua khỏi không, cậu đó cũng hiền... cũng hy vọng cho cẩu sống được...
Một người chậc lưỡi nuối tiếc:
- Cậu Hai đẹp trai lắm, đẹp nhất trong mấy cậu luôn... đẹp quá mà chết thì uổng phí của trời. Mà cậu Ba chết rồi, giờ cậu Hai mà đi theo nữa... Bà Hai chắc chết theo chứ sống gì nổi nữa.
- Ông Độ ổng thương cậu Hai này lắm... dễ gì ổng để con trai ổng chết như vậy.
- Thì cũng mong là như vậy...
Nghe một hồi, thấy gần trễ giờ làm tôi mới vội vàng chạy thục mạng đến nhà chủ. Vừa chạy vừa nghĩ về chuyện vừa nãy, thoáng chốc lại thấy sởn da gà. Bởi mẹ tôi nói đúng, vùng đất này kỳ lạ lắm, sống phải cẩn trọng chứ không thôi là mang họa như chơi. Đâu mà tâm linh dữ vậy không biết nữa à?
Nhà chủ tôi hôm nay náo nhiệt hơn thường ngày, loáng thoáng còn nghe được tiếng khóc thút thít của chủ nhà. Cổng lớn hôm nay không đóng nên tôi cứ thế mà đi vào, vừa bước vào vài bước lại thấy một vị mặc bộ đồ màu nâu bước ra, trông kiểu quần áo thì giống như một vị thầy pháp. Đi kế bên vị ấy là một người đàn ông chắc là trạc tuổi mấy cậu nhà này, kế bên nữa lại là cậu Tư. Ba người bọn họ bước ra, vị thầy nhìn thấy tôi, tôi cũng lễ giáo cúi đầu chào thầy ấy. Lúc tôi ngước lên, tôi lại thấy ông ấy nhìn tôi cười nhưng rất nhanh sau lại không thấy nụ cười khi nãy nữa. Tôi lại nhìn chằm chằm về phía ông ấy, thoáng chốc lại thấy mình giống như vừa hoa mắt, bởi rõ ràng biểu cảm trên mặt ông ấy rất nghiêm nghị, làm gì giống như là vui vẻ mà cười với tôi?
Cậu Tư tiễn hai người kia ra cổng, chiếc xe hơi sang trọng mở cửa sẵn để chờ hai vị kia lên. Tôi cũng tò mò đứng dõi theo, lại thấy cậu Tư rất cung kính với vị thầy mặc đồ nâu trước mặt. Hai người một trẻ một trung niên lên xe ra về, cậu Tư nhìn thoáng theo một chút rồi cũng quay người bước vào trong. Lúc cậu Tư vừa quay vào, tôi thấy cậu ấy nở nụ cười rất sảng khoái, rồi tự dưng thấy tôi nhìn, cậu ấy liền chau mày, có vẻ như bực dọc đi nhanh đến trước mặt tôi:
- Cô lén theo dõi tôi phải không?
Tôi nhìn cậu ấy, hai mắt mở to vì sững sờ, chưa kịp nói gì thì cậu ấy đã nhảy vào miệng tôi ngồi sẵn, giọng sang sảng:
- Tôi nhìn thấy cô lần trước, phải mất mấy ngày mấy đêm mới hoàn hồn lại được... cô làm ơn đừng lảng vảng trước mặt tôi nữa được không? Cô không tự soi gương mỗi ngày à? Cái mặt xấu như ma thế này mà vác đi nhìn hết người này đến người kia... bộ không biết nhục hả?
Tôi cứng họng, người giận đến run lên, thấy tôi im lặng không nói gì, cậu Tư lại cười khinh miệt:
- Biết thân biết phận dùm cái, làm ơn đi... né xa tôi dùm đi... tôi thấy cô lần nữa thì đừng trách tôi đuổi cổ cô. Mẹ nó, âm hồn bất tán mà!
Dứt câu, cậu Tư hậm hực bực tức quay người đi thẳng vào trong, để tôi đứng ngoài sân vừa ê mặt với đồng nghiệp vừa tức cành hông mà không nói được lời nào. Xin phép cho tôi chửi tục một chút chứ... mẹ nó... tên này có bị đa nhân cách không vậy? Tự mãn đến mức này là cùng mà!
Không muốn quan tâm đến chuyện của gia đình phức tạp này nữa, tôi quay người đi thẳng xuống bếp làm công chuyện của mình. Mợ Tư vô phước lắm mới lấy phải một tên đàn ông vô duyên như cậu Tư, vô duyên mà cứ tưởng mình hài hước... nực cười!
...............................
Nghe mọi người bảo nhau cậu Hai có vẻ qua không khỏi, đã mấy ngày rồi mà cậu vẫn không ăn uống gì, cả ngày chỉ nằm thϊếp đi thôi, cũng không cho ai bước vào phòng, nghe đâu là bị bỏ bùa bỏ ngãi hay đại loại là bị nguyền rủa gì gì đó. Tôi thì nghe người này chút, người kia chút chứ cũng có rõ ất giáp gì đâu. Mà có vẻ là tình hình của cậu Hai xấu thật, cả Tiểu Đào và thím Đại đều nói như vậy mà. Tiếc thật, nghe đồn cậu Hai đẹp trai lắm, tôi còn chưa kịp nhìn thấy cậu thì cậu đã... haiz!
Hết giờ làm, tôi nói với Tiểu Đào mấy câu rồi cũng nhanh chóng ra về, bữa nay thím Đại cho tôi miếng thịt heo quay, lát nữa về thằng Toàn với cha tôi lại được một bữa no nê, thằng Toàn em tôi nó khoái cái món thịt heo quay này lắm. Hí hửng xách túi thịt về nhà, vừa đi vừa hát ngêu ngao nhìn cánh đồng trồng cải xanh mơn mởn mà thích mắt thật. Ước gì mớ rau cải này được giá để bà con có thêm tiền nuôi sống gia đình mình, chứ rau củ trồng ra cứ mất giá hoài... thiệt, ai mà làm lụng vất vả hoài cho nổi.
- Ê... ê!
Có tiếng xe hơi chạy phía sau, lại có tiếng kêu của ai đó, tôi mới vội vàng quay lại nhìn xem. Cứ tưởng là ai, hóa ra là cậu Năm đang ngồi trên xe, thấy cậu, tôi liền cúi đầu chào hỏi:
- Cậu Năm!
Cậu Năm cho dừng xe, cậu mở cửa bước xuống xe rồi đi tới trước mặt tôi, bữa nay cậu mặc áo sơ mi trắng quần âu dài trông lịch lãm quá chừng. Thấy tôi nhìn, cậu cười hỏi:
- Thấy tôi đẹp trai không?
Tôi gật gật:
- Đẹp trai, cậu Năm rất đẹp trai.
Cậu Năm cười ha hả:
- Ừ, khen tôi đẹp trai... vậy thì thưởng.
- Thưởng gì hả cậu?
Cậu ấy lại cười, giọng rất dễ nghe:
- Đợi tôi đi thành phố về, tôi mua quà cho cô... giờ tôi cũng không có gì để cho cô hết.
Hai mắt tôi mở to tròn nhìn cậu:
- Cậu đi thành phố hả? Cậu có thể mua cho tôi... bánh ngọt được không?
Cậu Năm ngạc nhiên hỏi lại:
- Bánh ngọt? Là bánh gì?
Tôi phấn khởi trả lời:
- Là bông lang trứng muối, phô mai tan chảy...
Cậu Năm kinh ngạc nhìn tôi:
- Cô cũng biết những bánh này à? Cô hình như không phải dân ở đây?
Tôi gật gật:
- Tôi... tôi dân khác tới mà... tôi thèm những loại bánh đó quá... nếu được... cậu mua cho tôi được không... tôi về xin tiền mẹ trả lại cho cậu?
Cậu Năm bật cười:
- Ra vậy... được rồi, nếu mua được tôi mua cho cô... tôi chỉ sợ tôi quên thôi.
- Vậy cậu... nhớ mua dùm tôi nha... nhớ mua nha cậu...
Cậu Năm gật đầu:
- Ừ tôi nhớ rồi, sẽ mua cho cô... cũng trễ rồi... có cần tôi đưa cô về nhà không?
Tôi lắc đầu từ chối:
- Dạ không cần đâu, nhà tôi ở kia là tới, cậu bận việc thì đi trước đi, coi chừng trễ giờ làm của cậu á.
- Vậy tôi đi trước, vài ngày nữa gặp cô sau.
- Dạ!
Chào hỏi xong, cậu Năm liền lên xe rời đi, chiếc xe hơi sang trọng chạy nhanh ra khỏi con đường làng rồi tiến thẳng ra đường lớn. Tôi nhìn theo xe, lại tự hỏi thầm trong bụng mình... biết tới khi nào thì tôi mới được trở lại thành phố đây nhỉ? Cuộc sống khá giả trước kia... tôi thật sự nhớ lắm rồi!
Sáng của hai ngày sau, anh tài xế xe của cậu Năm hôm trước vừa thấy tôi tới đã chặn ngang tôi lại, anh ta nói nhỏ vào tai tôi:
- Chừng nào em về thì nói anh... anh đưa bánh cho em, là cậu Năm dặn anh mua cho em đó.
Tôi hí hửng hỏi lại:
- Bánh bông lang... bánh tan chảy?
- Ừ, chừng nào về thì ghé lấy... đưa giờ người ta dị nghị anh mất công...
- Dạ... dạ!
Cả ngày đi làm tôi trông cho hết ca, vừa được tan làm, tôi liền phi tới chỗ anh tài xế lấy túi bánh rồi nhét vào trong giỏ của mình, hí hửng đi nhanh về nhà. Cuối cùng thì tôi cũng được nếm lại mùi vị của bánh bông lang rồi... thích thật...
Cậu Năm... cậu ấy thật tốt!
__________________