Mắt Mèo Hoang Dại

Chương 23: Ma Hốc Củi (Thượng)

Quãng thời gian lịch sử mà nhân loại đã trải qua, kéo dài vô số năm tháng. Cũng kèm theo đó là sự xuất hiện những tích chuyện hết sức ly kỳ mà mỗi một vùng đất đều tự tô vẽ thêm về sự huyền ảo của nó.

Rừng rú có lắm ma cỏ, người xuôi có những con ma chết oan uổng đội mồ sống lại để tìm kẻ ác đã reo rắc tội lỗi cho họ. Đi đâu cũng đều gặp những chuyện mang sắc màu đầy yếu tố tâm linh nên xuất hiện lắm kẻ sinh ra cái tục truyền miệng về những điều trong cõi huyền ảo.

Trong những câu chuyện được truyền miệng ấy, lại có thực có hư không biết rõ sao mà tả. Nhưng nếu nó đã tồn tại thì ắt hẳn là phải có nguyên nhân, hoặc chí ít ra thì kẻ đã bịa đặt ra những thứ ấy để thêm mắm thêm muối vào cho ly kỳ cũng phải nghe từ tai của một kẻ khác.

***

Kể đến đồng bằng thì có giống loài ma nước, ma da, ma thần vòng, ma gọi hồn... Mà vùng cao thì cũng có lắm loại ma rừng như ma cà rồng, ma thác đuối, ma hốc củi... Những loài ma này đều mang trong mình những đặc tính khác nhau, nhưng chung quy ra thì cái giống loài ma quỷ nếu đã còn trên nhân thế ắt hẳn đa phần sẽ quấy quả người sống theo cách của chúng. Quấy quả ở đây có thể hiểu theo nghĩa tốt, hoặc theo nghĩa xấu. Nghĩa tốt là dù chúng có chủ tâm hại người, nhưng sau cùng lại muốn thúc đẩy con người ta đi đến cái thiện để sửa đổi bản thân. Nghĩa xấu là chúng táng tận dùng thứ năng lực huyền bí để ám ảnh, để gϊếŧ hại, hoặc chỉ là một thứ thói quen khi lúc chúng còn sống thường hay làm vậy, vô tình gây nên sự khó chịu cho người khác.

Nơi vùng cao tồn tại một loài ma quỷ thường xuyên gây nên sự khó chịu cho dân bản xứ. Chúng không có ác ý, nhưng đôi khi sự đùa nghịch một cách thái quá của chúng đã gây nên những tội ác đáng trách.

...

Bà Chắn dốc gánh củi địu lên lưng, rồi bàn chân bà nhanh thoăn thoắt đi theo lối đường mòn ở ven dốc đồi, chạy hì hục xuống dưới chân đồi để kịp về nhà trước khi trời tối.

Bà Chắn năm nay đã ngoài năm mươi tuổi, vốn cũng đã nên nghỉ ngơi ở nhà với độ tuổi này. Bởi vì bà đã có con, có cháu. Con bà cũng ba mươi mấy tuổi đầu rồi, cháu bà thì cũng đã ngấp nghé sắp lớn cao bằng ngọn cỏ lau.

Nhưng bà không nghỉ ngơi, là bởi vì nhà bà nghèo. Con trai bà lấy vợ đã lâu mà chỉ sinh được đứa cháu gái, không có cháu trai khỏe mạnh để đi rừng thay bà. Con trai bà tên A Sinh, là một người đẹp trai khỏe mạnh trong bản.

A Sinh từ khi lấy vợ thì chẳng mấy khi ở nhà mà toàn xuống núi để đi làm thuê. Nhưng cũng chính vì A Sinh đi làm thuê, nên cuộc sống của gia đình bà mới không bị thiếu đói, không giống như hầu hết các hộ trong bản, chỉ quanh năm mùa rẫy nên không đủ ăn.

Sắc trời dần ngả sang màu vàng óng, rồi chuyển mỡ gà, lại đến đỏ au. Đấy chính là ánh hoàng hôn theo cách mặt trời lặn ở vùng này.

Ở đây người ta có tục thường tối kị không hay về muộn, đặc biệt là trời vào đêm thì họ sẽ không bao giờ băng qua rừng, lội qua suối. Họ cho rằng nếu họ làm như vậy là phải tội với thần rừng, sẽ bị ma rừng theo đuổi, phá hại.

Khi đêm xuống, nếu chưa kịp về bản, thì tốt nhất là nên tìm một cái chòi canh rẫy nào gần đấy, chui vào đó đốt lửa ngủ tạm. Nếu trốn trong chòi canh rẫy và có ánh lửa, lũ ma rừng sẽ không biết rốt cuộc trong chiếc chòi đó có bao nhiều người, vì vậy mà không dám giở trò trêu chọc.

Khi bà Chắn ở trên đỉnh đồi, cạnh mép rừng tre thì trời đã đổ mỡ gà. Và giờ đây khi bà xuống đến lưng chừng đồi, thì sắc mặt trời đã chuyển sang đỏ au. Vậy có nghĩa là đêm nay bà không còn kịp về nhà nữa. Vì từ lưng chừng đồi cho tới bản, đi cũng phải mất hơn một tiếng đồng hồ, có về kiểu gì cũng dính phải trời đêm.

Bà Chắn suy nghĩ hồi lâu, bèn gác bó củi để tạm qua một chỗ, rồi bắt đầu đảo mắt nhìn quanh tìm rẫy. Khu vực này đã là ở rất xa bản Cọ, vốn rất ít người sẽ tới đây để canh tác. Thế nhưng không hẳn là không có người làm nương ở đây. Qua sắc sáng nhá nhem của trời chiều muộn, bà Chắn có thể dễ dàng nom thấy cách đấy không xa, giữa một đám cây bụi um tùm có một cái chòi canh nương cũ kĩ. Cái chòi ấy ẩn nấp sau đám cây dại, rất khó mà nhìn thấy. Nhưng đối với một người đi rừng tinh tường như bà Chắn thì không khó để nhận ra nơi đó có một cái chòi.

Cái chòi cao độ đầu người, sàn cách mặt đất chỉ độ bảy mươi xen ti mét. Độ cao như thế chỉ để người canh nương tránh những loại dã thú nhỏ.

Bà Chắn không ngần ngại đi thẳng về phía ấy, dùng dao phát tạm đám cây bụi cho lộ ra một lối đường đi quang đãng. Cái chòi cũ kĩ dần lộ ra trước mắt bà. Gỗ chòi đã chuyển màu đen, trong chòi sực nức lên mùi nấm mốc rất khó chịu.

Cái chòi này hẳn là một cái chòi canh nương vào mùa, mà trước đây người chủ của nó đã dựng tạm lên. Chỉ có điều nhìn tình cảnh này thì bãi nương này đã bị bỏ hoang đến mấy mùa rẫy, bằng không đám cỏ dại cũng chẳng thể mọc tốt được đến như thế.

Giữa khu rừng vắng, lại có một căn chòi nghiễm nhiên đứng sừng sững, khiến cho người ta có cảm giác hơi u tịch. Cái màu đỏ au của bầu trời với cái sắc tối đen của không gian khiến người ta nhìn vào mà chỉ như muốn ngộp thở bởi những khung cảnh quá đỗi bí bách.

Bà Chắn mau lẹ mở cánh cửa gỗ, rồi chui tọt vào trong chòi. Lại đem mồi lửa ra nhóm tạm vài thanh củi. Gánh củi này vừa đủ để gia đình bà Chắn sống qua cái lạnh trong vòng một tuần. Vốn ra thì chỉ đi một hôm là có đủ củi, mà vẫn về kịp. Nhưng hôm nay cũng bởi vì bà Chắn vướng bận một chuyện nên thành ra mới về muộn như thế.

Chuyện là hồi chiều bà đi ngang qua con suối gần rừng nứa, bà phát hiện có một con nai đang bị mắc kẹt ở một cái khe đá dưới suối. Nó vùng vẫy cố thoát hồi lâu mà không được nên đã thấm mệt và nằm gục xuống mặt nước. Bà Chắn khi đi qua chỗ ấy thấy con nai bị mắc kẹt thì mừng lắm. Bà vụng về trèo ra chỗ khe đá nơi con nai bị mắc kẹt, tính lấy dây rừng buộc vào cổ nó. Rồi gỡ cho chân nó khỏi mắc kẹt. Lại đem nó về nhà thì cũng được một bữa thịt thơm ngon, còn có thể bán được chút tiền nữa.

Nhưng con nai đó quả thật là khôn lanh, ban đầu nó giả vờ ngoan ngoãn nằm im để bà Chắn gỡ cái chân bị mắc kẹt của nó ra khỏi khe đá. Rồi ngay sau đó, chỉ chờ khi thoát được cái chân ra là nó đã vùng lên l*иg lộn chạy như bay. Bà Chắn cũng đã có tuổi, vốn sức khỏe cũng đã có phần giảm sút. Thế nhưng không chỉ vì lý do ấy mà bà làm vuột mất con nai. Mà lý do bà làm vuột mất con nai ấy là bởi vì quá đỗi bất ngờ trước hành động của nó. Nó vụt khỏi tay bà khiến cho bà ngã chới theo, đầu đập xuống mặt đá, máu chảy be bét. Cũng còn đỡ là trong cái rủi còn có cái may. Bà bị đập đầu vào đá nhưng không bị thương nặng, chỉ bị xước sát nhẹ sơ sơ.

Vì vừa vụt mất con nai đang tiến ngẩn tiếc ngơ nên bà Chắn cứ ngồi yên một chỗ như mất hồn một lúc lâu. Sau đó lại còn phải tốn thời gian đi tìm mớ lá nhai vụn đắp lên vết thương ở trán để cầm máu. Thành ra một buổi đi rừng lần này khiến bà Chắn bị lỡ mất giờ về sớm.

Giờ này ngồi trong căn chòi, bà chắn đem bã lá nhai vụn gỡ xuống để xem xét. Máu trên trán bà đã rịt hẳn không còn chảy nữa, nhưng vẫn còn rất đau. Bà Chắn ngồi tựa vào mép chòi làu bàu đi làu bàu lại trách cứ mình dại dột. Đáng lẽ ra bà phải nên cẩn trọng buộc một đầu dây vào một nơi chắc chắn, rồi mới gỡ cái chân bị mắc kẹt cho con nai.

Nghĩ đi nghĩ lại thì mọi sự dại dột cũng đã qua rồi, bà Chắn chỉ có thể ngồi đó than vãn mà thôi.

Bà Chắn rút từ đáy gánh gủi ra vài thanh củi nhỏ, chất thành đống cho ngay ngắn rồi cho mồi lửa đốt lên. Đêm tối ở nơi vắng vẻ, lại không chuẩn bị thêm đồ ăn để sẵn. Bà Chắn chỉ có thể ngồi ôm cái bụng đói đang sôi réo lên sùng sục, cố nhắm chặt mắt lại để ngủ. Mong sao giấc ngủ có thể xua tan đi được cái đói, cái lạnh.

Đêm vắng, tiếng động loẹt quẹt bên ngoài căn chòi cứ vang lên đều đều. Rồi dân dần chợt xuất hiện âm thanh như tiếng bước chân người tiến đến gần căn chòi. Nhưng những bước chân ấy lại chỉ dám lởn vởn ở bên ngoài chứ không dám tiến thêm. Tiếng thì thầm bàn tán xôn xao vang lên đều đặn như của người nói chuyện với nhau. Bà Chắn nghe thấy hết, nhưng vẫn giả vờ nằm im không hề phát ra một tiếng động, chỉ cố nhét thêm củi vào đám than để lửa cháy đượm thật to.

Một lúc sau, cái tiếng động thì thào ban nãy mới dần biến mất, tiếng bước chân cũng nhỏ hẳn và xa dần. Bà Chắn đoán rằng đó là lũ ma rừng, chúng đi tuần đêm và chỉ chờ có người nào lạc lõng là sẽ bắt mất hồn, đem hồn về xào huyệt của chúng ở trong núi để gϊếŧ hại.

Lũ ma rừng ấy thường rất ác độc, chúng hành động tàn bạo và vi phạm những luân thường đạo lý của tự nhiên. Chúng là những kẻ chết oan uổng, những kẻ có tính cách lập dị vô tình chết, hoặc đôi khi cũng chỉ là những tay thợ săn chết bởi lũ lợn lòi hiện hồn lởn vởn xung quanh để dọa dẫm người.

Lũ ma rừng thường đi thành bầy thành lũ, chúng gặp kẻ bơ vơ thì sẽ dụ giỗ cho vào thác đá, cho tự u mê mà đập đầu vào đá chết đi để người sống nhập bọn với chúng. Còn khi gặp nhiều người đi cùng nhau, thì chúng không dám tiến lại gần. Vì khi ấy người ta có thể cảnh giác cho nhau, một kẻ u mê thì có thể sẽ được một kẻ khác cảnh tỉnh. Lũ ma rừng thường chỉ là những loại ma vất vưởng nên không có nhiều năng lực để có thể đem nhiều người cùng dụ giỗ. Vì lý do ấy, khi gặp một nhóm người đông ở lại rừng, chúng sẽ chỉ đi nhìn qua rồi bỏ đi. Giống như một cục xương khó gặm mà vẫn muốn nhìn ngắm một lần cho thỏa.

Lần này, chúng đi ngang qua căn chòi và có cảm giác là có người sống. Nhưng lại không rõ trong chòi có bao nhiêu người. Ánh lửa phát ra mạnh nên mắt của loài ma rừng bị lóa. Thế nên vì không đoán biết được, vừa rồi bọn chúng cũng chỉ dám lượn lờ một chốc quanh căn chòi rồi bỏ đi ngay.

Bà Chắn nghĩ lại, thường ngày bà vẫn hay đem những chuyện này kể lại cho đứa cháu gái nhỏ nghe. Nhưng bà cũng chỉ muốn dọa nạt nó, chứ đời bà chưa bao giờ gặp phải chuyện ấy. Vậy mà đêm nay chính tai bà đã nghe thấy lũ ma rừng bàn tán với nhau, lại còn ở trong chính cái tình cảnh mà lúc nào cũng có thể bị chúng bức hại.

Bà Chắn cố nhắm mắt lại, mong sao trời đêm có thể mau chóng trôi qua để bà còn có thể về nhà. Thi thoảng, ở bên ngoài căn chòi, lũ ma rừng lại có lượn lờ quay lại, nhưng cũng một chốc rồi lại bỏ đi ngay. Những khi ấy, bà Chắn phải nhanh trí dụi củi cho lửa cháy thật to để dọa cho chúng sợ, rồi mới dám ngủ tiếp.

Đến sáng, bà Chắn vẫn đang trong tình trạng mơ mơ màng màng. Khi tia nắng mai đầu tiên chiếu rọi xuống, là bà Chắn đã ngồi dây và thu lượm lại hết chỗ củi còn thừa lại đêm qua để đem về nhà. Chỉ qua một đêm thôi mà số lượng củi bà Chắn đốt mất đã kha khá. Bà đang nghĩ ngợi xem mình có nên quay lại rừng nứa một lần nữa để lấy thêm củi. Nhưng khi bà bước ra khỏi căn chòi, bước xuống mặt đất thì bà đã nom thấy có một gánh củi sẵn ở đó dựa sát vào mép chòi.

Bà Chắn reo lên:

- May mắn cho tôi rồi!

Bà không nghĩ ngợi liền đem bó củi đó hợp với bó củi của mình, tạo thành một bó lớn. Bà địu gánh củi trên lưng rồi phăm phăm bước theo lối đường mòn ở sườn đồi về bản.

Dẫu vậy, bà Chắn chẳng biết rằng, ngay từ cái lúc ấy, bà đã vô tình đem về nhà một thứ sinh vật huyền bí, một loài ma rừng ám ảnh gia đình bà trong suốt một thời gian dài.

...

Bóng dáng bà Chắn lẩn khuất ở đầu con đường mòn tiến vào bản Cọ. Một cái thân người nhỏ thó chạy nhanh thoăn thoắt từ trong một căn nhà gỗ, chạy về phía bà Chắn reo lên nói:

- A bà về, bà có bắt được con chim nào cho cháu không? Con chim rừng?

Thân người ấy chính là đứa cháu gái của bà Chắn, nó tên A Nụ. A Nụ nhiều lần cứ nhắc đi nhắc lại với bà Chắn, dặn bà đi rừng là nếu bắt được chim rừng ngủ gật thì phải đem về cho nó. Nó lần nào cũng vậy, chỉ cần bà Chắn đi về từ đầu bản là nó sẽ đem chuyện này ra để hỏi trước tiên. A Nụ thích mấy con chim cu gáy, mấy con sáo đá...

Bà Chắn mỉm cười, xoa đầu A Nụ rồi nói:

- Bà không bắt được con chim rừng nào cháu à, nhưng sâu nứa thì chắc có.

Bà Chắn nói xong thì liền trỏ vào một đám nứa còn non xanh, lẫn trong đám củi khô mà bà mang về. Ở trong đám nứa non xanh ấy, thường hay có một loài sâu trắng rất lành, có thể ăn được. Sâu trắng vừa bổ vừa ngậy nên ai cũng thích.

A Nụ đang buồn rầu vì bà Chắn nói không bắt được chim ngủ gật, mà nghe đến sâu nứa thì liền tươi tỉnh ngay. Nó reo lên:

- Thích quá, lần nào bà đi rừng về cháu cũng được ăn sâu nứa. Sâu nứa rừng bản cọ mình là tuyệt nhất!

Đứa trẻ tung hô liền hồi, bà Chắn cũng gật gù rồi lật đật chui vào nhà đặt gánh củi xuống đất. Rồi lọc ra những cây nứa xanh non mơn mởn. Bắt đầu chẻ nứa tách đốt nứa để tìm sâu. Những con sâu nứa trắng ngà, trốn trong hốc nứa, ngọ nguậy qua lại liên hồi. Chúng chỉ ăn nứa nên cũng có một mùi thơm rất đặc trưng. A Nụ chẳng chờ chế biến, mà vừa thấy một con sâu nứa được bóc tách ra từ tay bà Chắn là đã bỏ tót con sâu đó vào trong miệng, mắt lim dim như đang hưởng thụ một thứ cao lương mỹ vị nào đó vậy.

Đang trong lúc tách nứa lấy sâu cho A Nụ ăn, thì từ phía cánh cổng tre ngoài vườn, có tiếng huyên náo rộn quanh. Tiếng chó sủa râm ran nhiễu loạn như đang tức tối một điều gì đó cứ vang đều. Một cái dáng người cứ hao hao cao gầy dần xuất hiện, đi đứng loạng choạng, tay cầm cái tẩu thuốc đang không ngừng rít nhả ra khói trắng.

Người đó chính là A Sầu, là con rể của bà Chắn. Cả nhà A Sầu đã mất vì trận bệnh dịch, chỉ còn mỗi hắn còn sống. Nên sau khi lấy vợ thì hắn không ở nhà, mà cũng chuyển đến nhà vợ ở luôn.

Vợ A Sầu là Mủa Lý, cũng là con gái bà Chắn, là em gái A Sinh. Mủa Lý đảm người mà A Sầu ngày trước cũng nổi tiếng là người săn giỏi. Cả hai người vốn là một đôi tình lữ rất đẹp mà nhiều người đều ngưỡng mộ trong bản. Chỉ là sau này, A Sầu đi xa nhiều nên bị dụ dỗ vào thuốc phiện. Từ một người khỏe mạnh đầy sức vóc, A Sầu giờ này chỉ còn lại cái vóc người khô cong không còn sức sống.

A Sầu lúc nào cũng cầm chặt khư khư cái tẩu thuốc. Hắn giờ không đi trồng lúa nữa, mà chỉ trồng thuốc phiện để hút. Thi thoảng thì lên rẫy để trích lấy nhựa đem bán xong lại về. Tiền bán nhựa cây thuốc phiện, A Sầu để vào bài bạc với bọn lêu lổng trong bản hết.

Thế nhưng mặc dù A Sầu không bao giờ chăm lo đến gia đình, không làm nương làm rẫy cùng vợ, mà chỉ chăm chăm tối ngày hút thuốc phiện bài bạc. Hắn cũng không bao giờ lấy từ nhà một xu, cho dù là thứ đồ thứ đạc gì của nhà vợ hắn vẫn để nguyên vẹn, đủ thấy hắn vẫn còn nhân tính. Ngay cả cái đồng bạc trắng là lễ bà Chắn tặng hắn khi hắn về nhà vợ ở rể, vốn là của hắn, mà hắn bài bạc cũng không dám lấy đến.

Thấy A Sầu chếnh choáng bước về nhà, bà Chắn lập tức thúc giục A Nụ vào nhà lấy giúp hắn chút nước cho hắn uống. Giờ này Mủa Lý không có ở nhà, và đã lên nương, phải đến tối mới về.

A Nụ chạy ra đưa cho A Sầu cái gáo nước lạnh. A Sầu uống ực một hơi hết sạch, rồi lại chui vào trong nhà nằm lên giường ngủ say như chết.

Bà Chắn tách hết đám nứa non xong, lại đem củi xếp gần khoanh bếp. Rồi nhanh chóng đi làm những việc lặt vặt trong nhà, trưa đến thì nấu cơm cho A Nụ ăn.

Tối đến, khi trời mới nhá nhem mỡ gà là đã thấy cái bóng dáng Mủa Lý thoăn thoắt xuất hiện ở đầu bản.

Độ đâu năm phút sau, cả A Sinh cũng xuất hiện, sau lưng anh là vợ của mình. Vợ A Sinh là Mủa Tình, là người cùng bản Cọ. Mấy năm trước vì để cưới Mủa Tình, A Sinh đã phải bán con lợn duy nhất trong nhà để thách cưới mới lấy được Mủa Tình.

Mủa Tình đảm đang tháo vát lắm, lại hay buôn ở chợ huyện nên cũng có nhiều tiền. Mà A Sinh cũng đi làm thuê ở huyện, thành ra trong bản thì gia đình A Sinh là gia đình có nề nếp và tính ra là có của nhất.

Thấy bố mẹ và cô về, A Nụ vui lắm. Tối ấy cứ tíu tít như con chim họa mi nói suốt đêm. A Sinh nhìn con thì chỉ cười và xoa đầu, nhớ lại hồi bé A Sinh cũng ngây thơ như vậy. Nhưng lớn rồi thì có nhiều chuyện phải suy nghĩ, cũng không còn được hồn nhiên như con trẻ nữa.

Thấy A Sầu vẫn đang ngủ, A Sinh không tiện đánh thức hắn ta dậy. Cả nhà chỉ ăn cơm cho nhanh xong rồi đóng cửa cài then đi ngủ sớm.

Hôm nay đã bắt đầu vào mùa xuân, ngày mai trong bản sẽ tổ chức rất nhiều trò chơi vui để chào đón mùa xuân. Chính vì lý do ấy nên Mủa Tình và A Sinh mới đồng thời về nhà vào lúc này.

Khi đến giữa buổi đêm, những người trong nhà đều đã ngủ say hết thì A Sầu chợt tỉnh lại. Hắn bỗng khát nước, khát một cách ghê gớm và cảm thấy rất đói.

Biết hắn thường hay thức dậy vào lúc khuya, nên Mủa Lý đã để phần sẵn cơm nắm cho hắn ở dưới bếp. A Sầu theo thói quen lại chạy xuống bếp để ăn cơm, gã vừa uống nước vừa ăn cơm mà nhai nhóm nhém rất đắc ý.

Ăn xong, cơn thèm thuốc của hắn chợt ập đến. A Sầu nghĩ ngay đến cái tẩu hút thuốc của mình. Hắn mon men tới gần cái giường lúc trước hắn nằm, cái giường trơ trọi chẳng có một thứ gì mà chỉ có duy nhất một cái gối. A Sầu mò ở dưới gối cố tìm cái tẩu thuốc, nhưng lạ thay là hắn tìm mãi tìm mãi mà chẳng thấy cái tẩu thuốc của hắn đâu cả. Cái tẩu thuốc của hắn đã đi đâu mất rồi? Hắn tự hỏi mình như vậy.

A Sầu cố tìm đi tìm lại thêm một lần nữa. Sau cùng gã cũng chẳng tìm được, cơn thèm thuốc lại ập đến khiến A Sầu mụ mị, hắn gào rú kêu lên:

- Trời ơi, nó lấy mất cái tẩu của tôi rồi!

Tiếng A Sầu vang thất thanh giữa đêm, kêu gào thảm thiết cứ như ai đang đánh đập gã, miệng gã thì cứ trào ra thứ nước rãi mà không sao ngừng lại được.

Tiếng kêu gào rú của gã, dường như ngay lập tức đánh động khiến cho A Sinh, Mủa Tình, Mủa Lý đồng loạt thức dậy. Bà Chắn cũng cố dụi mắt nghển cổ lên nhìn xem có chuyện gì xảy ra.

A Sinh đi xuống giường, mở to mắt cho tỉnh táo, đi đến trước mặt A Sầu mà gặng hỏi:

- A Sầu, mày làm sao thế?

A Sầu khóc hết nước mắt rãi bày nói:

- Nó lấy mất cái tẩu của tôi rồi, cái tẩu tôi mất hai mùa nương trồng thuốc phiện thì mới mua được, giờ cũng đã mất rồi, quân ác độc.

A Sầu vừa nói vừa gào lên, còn gào thẳng vào mặt A Sinh cứ như khẳng định A Sinh chính là kẻ đã trộm mất cái tẩu thuốc của mình.

A Sinh hơi tỏ vẻ tức giận nhưng vẫn bình tĩnh nói:

- Mày im mồm đi, chắc nó chỉ ở quanh đây thôi. Mày tìm kĩ đi rồi sẽ thấy!

A Sầu lắc đầu nói:

- Không tìm thấy đâu, không tìm thấy đâu. Nhất định là con Mủa Lý nó muốn tôi bỏ thuốc phiện nên đốt mất cái tẩu của tôi rồi!

A Sầu nói xong liền vùng vằng đứng dậy, xông thẳng vào trong nhà túm lấy áo Mủa Lý rồi quát lên:

- Cô nói đi, có phải là cô đã đốt mất cái tẩu của tôi rồi hay không?

Mủa Lý hoảng sợ xua tay nước mắt rơi đầy mặt không nói được câu nào, cũng không biết trả lời sao cho vừa lòng A Sầu. Đang trong lúc A Sầu quát nạt tra hỏi vợ như thế, thì chợt một tiếng thét thất thanh khác kêu lên:

- Trời ơi, tiền của tôi!

A Sinh nghe ra đó chính là tiếng của Mủa Tình, liền chạy vào trong nhà đến nơi Mủa Tình nằm. Thì thấy nét mặt cho đang thảng thốt, vẻ mặt xám ngắt. Một tay cô sờ dưới gối, tay còn lại loạng choạng như đang muốn tìm thứ gì đó khắp nơi.

A Sinh vội vàng hỏi:

- Mủa Tình, tiền làm sao rồi?

Mủa Tình lúc này cũng rơi nước mắt nói:

- Hơn mười triệu em để dưới gối, để sang xuân nhà mình mua xe máy, giờ cũng mất rồi!

A Sinh khi này mặt cắt không còn giọt máu, nét mặt sa sầm quay sang nhìn A Sầu gào lên:

- Mày im ngay đi, tao cũng bị mất tiền đây. Cái tẩu thuốc của mày có bằng mười triệu của tao không?

Thế nhưng A Sầu vẫn không dừng lại, vẫn cứ tra hỏi Mủa Lý không dứt. Mủa Tình khóc nức nở, một lát sau vẻ mặt chợt chuyển oán độc nói với A Sinh:

- Thôi rồi, nhất định là thằng A Sầu nó lấy tiền, nó đem đi đánh bạc hết. Nó giả vờ làm mất cái tẩu thuốc để mình không nghi ngờ gì đấy thôi.

A Sinh nghe Mủa Tình nói như thế thì cũng cảm thấy có lý, anh liền đi tới gần A Sầu, xốc cổ áo hắn lên và quát:

- Tiền của tao đâu?

A Sầu sức yếu như con mèo hen, bắt nạt Mủa Lý thì còn được. Chứ còn như A Sinh làm việc nặng cả ngày lại cơ bắp cuồn cuộn thế kia thì gã không sao chống nổi. Bởi thế cho nên khi nãy gã nghi là có người trong nhà lấy cái tẩu của gã, nhưng cũng chẳng dám động nói đến là A Sinh, là Mủa Tình, mà chỉ dám động đến vợ gã là Mủa Lý mà thôi.