Nạn đói và dịch bệnh hoành hành đã cướp đi sinh mạng của gần như cả một ngôi làng nhỏ, trong đó có thầy và u của Phụng. Nhiều người phải tha phương cầu thực, khi chết đói lại trở thành cái xác vô danh, bị người ta quăng xuống hố chôn tập thể, hoặc kéo lê ra ngoài đường mà đốt.
Đất nước chia cắt, cái đói khủng khϊếp khiến người chết như ngả rạ. Lần lượt nhìn thầy và u thoi thóp giã biệt cuộc sống, Phụng nén lại đau đớn, theo bước quân Việt Minh chống đối việc trưng mua lúa gạo, cùng đám thanh niên còn sức khỏe đánh phá các kho lúa của bọn Nhật.
Chính lòng yêu nước và hoạt động cứu đói của Việt Minh đã khiến nhân dân không còn e sợ sự đàn áp của chính quyền, họ vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh, Phụng đã cùng nhân dân khởi nghĩa chống lại Đế quốc Nhật Bản, buộc chúng bàn giao chính quyền trung ương và các địa phương trong nước.
Năm ấy, Phụng vừa tròn mười bảy tuổi.
Cuối tháng Tám, vua Bảo Đại chính thức thoái vị, Phụng nghe anh Đặng trong đám thanh niên xung phòng nói là trên tỉnh có đứa bạn giàu lắm, nó có cái đài phát, sẽ nghe được Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. Phụng háo hức lắm, sau đó mấy hôm cùng đám dân làng lên tỉnh. Một phần là muốn được cùng nhau ngồi nghe Tuyên ngôn từ Chủ tịch, phần khác cũng là cố gắng tìm được việc làm. Chứ dân làng cũng chết cả rồi, ruộng đồng tan hoang, muốn kiếm cái ăn trong chốn nghèo khổ lại càng khó.
Hôm đó, cả đám người nín thở quây quanh một cái đài bé tí xíu, nghe âm thanh rè rè hỗn loạn phát ra từ nó mà ai cũng hồi hộp, chỉ sợ bỏ lỡ những giây phút quan trọng nhất.
Giọng nói của Hồ Chủ tịch ấm áp vang lên, nỗi xúc động trong Phụng như trực trào trên khóe mắt. Cô nhớ thầy và u lắm. Nếu như được cùng thầy ngồi nghe bản Tuyên ngôn độc lập, ắt hẳn thầy sẽ cười rất hạnh phúc.
Thầy từng nói với cô: "Đợi ngày đất nước mình giành được độc lập, thầy sẽ dẫn con với u đi Hà Nội một chuyến nhé." Thế nhưng, thầy đã không còn ở đây nữa rồi...
Phụng len lén gạt nước mắt, ai ngờ anh Đặng lại để ý. Anh cười hỏi: "Mày xúc động phát khóc cơ à? Anh không ngờ mày mà cũng ủy mị như thế ấy."
"Đâu có, do em lo chuyện sau này thôi." Phụng lắc lắc đầu chối bay.
"Ờ, tao cũng định hỏi mày tính thế nào."
Phố phường nhộn nhịp, nhà nhà đem pháo ra đường đốt. Không khí tấp nập lại khiến Phụng có ít nhiều tủi thân xen lẫn hụt hẫng. Cô nói: "Em chẳng biết nữa, tính tìm việc trên này luôn. Chứ giờ cũng chẳng còn nhà cửa mà về."
Anh Đặng thở dài, một hồi lâu sau mới lên tiếng: "Hay là thế này đi. Chỗ thẳng Bảo có quen quản lý của một xưởng may lớn nhất cái tỉnh này, anh thử nói nó đánh tiếng xem thế nào, có gì cho mày vào làm được thì tốt quá."
Phụng nghe vậy liền rối rít cám ơn, "Việc gì em cũng làm được hết, chỉ cần có chỗ che nắng che mưa là được rồi anh ạ."
"Ờ, nhưng mày phải thật chăm chỉ đấy. Vì cái xưởng này của một dòng họ lớn có sức ảnh hưởng, đến bọn đế quốc cũng không tòm tem được đâu."
Nói gì thì nói, Phụng vốn dĩ là con gái thôn quê, đã quá quen với việc lam lũ cực nhọc. Có khổ, có khó đến mấy cô cũng chưa từng phàn nàn, thậm chí sống được đến tận bây giờ đã quả là kỳ tích. Cho nên mấy lời dặn dò của anh Đặng, cô cũng không để tâm quá nhiều.
Ngày tới xưởng may nhận việc, bác quản lý cũng vì cái ngoại hình da bọc xương của Phụng mà dè chừng. "Ở đây không chịu được nặng nhọc là bị đuổi ngay, tính công ngày làm thực lĩnh." Dứt lời, ông ta chỉ quanh xưởng, nơi cả mấy chục người đang hối hả ngồi may áo quần bên chiếc máy rè rè. "Nhìn đi, không có chỗ cho kẻ lười biếng đâu."
Anh Bảo nghe thế liền cười cười dúi vào tay quản lý một đồng tiền, "Chú này đừng nhìn mặt mà bắt hình dong. Con bé này cũng là thanh niên xung phong, có công với Tổ quốc mình đấy chú ơi. Thôi thì coi như chú nể tình đồng bào, nhận nó vào cho nó cái chỗ ăn ở. Chứ nhà nó dưới quê chết đói hết rồi còn đâu, nha chú!"
Quản lý liếc nhìn đồng bạc trong tay, hắng giọng rồi cho vào túi áo. "Chú là chú quý mày lắm mới nhận đấy nhé. Chứ để bà chủ biết cũng không hay đâu." Rồi ông mở xoàn xoạt quyển sổ, bắt đầu ghi, "Tên gì?"
Thấy anh Bảo huých mình một cái, Phụng mới giật mình ấp úng đáp, "Dạ, con tên Phụng ạ."
"Mày vào xưởng may họ Nguyễn rồi thì phải tuân theo quy tắc ở đây, chỉ cần phạm một lỗi nhỏ thôi là cũng sẽ bị đuổi. Vào được nơi này không dễ đâu, hàng trăm người muốn còn không được kia kìa. Mày cứ chăm chỉ chịu khó là có tiền, còn đâu thì đừng nhiều chuyện."
Phụng vâng dạ, sau đó theo chân quản lý tiếp nhận công việc trong xưởng.
Xưởng may nhà họ Nguyễn đã có thâm niên cả trăm năm, từ đời này truyền qua đời khác. Họ chủ yếu nhận may đồ cho tầng lớp quý tộc, những địa chủ giàu có. Đại đa số tầng lớp lao động nơi này sống nương tựa vào nhà họ Nguyễn, thế nên họ cực kỳ có tiếng nói trong cộng đồng. Thậm chí chính quyền người Pháp, người Nhật cũng chỉ có thể dè chừng họ mà không dám động tới.
Đôi lúc Phụng cũng thắc mắc lắm, nhưng mà quy định của xưởng may chính là cấm người làm bàn tán, tám chuyện. Nơi này có tới chục người giám sát, không để lọt bất kỳ kẻ nào ăn gian vải vóc bán ra ngoài kiếm lợi nhuận riêng. Hầu như chẳng ai dám nói chuyện với ai, cứ cắm mặt xuống máy may từ sáng đến tối mịt.
Ở đây được một tháng, Phụng bắt đầu có da có thịt hơn, trông tươi tỉnh đúng cái tuổi mười bảy của các thiếu nữ khác. Cô nhận những đồng tiền lương đầu tiên từ quản lý, biết là đất nước vẫn còn khó khăn lắm nên cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều.
Hôm ấy cô mua một bình rượu nếp ngon tới tặng cho anh Bảo. Anh vừa hít hà vừa gãi đầu cười tủm tỉm, "Mày lắm chuyện, chỗ đồng chí với nhau mà còn cả nể."
"Thì em cũng chỉ mua cho anh lần này thôi đấy, liệu mà giữ như báu vật vào."
Phụng bật cười, để lộ chiếc răng khểnh duyên dáng. Làn gió chiều thu thổi tới, kéo nhẹ mái tóc dài đen nhánh ôm lấy gương mặt trái xoan. Anh Bảo thất thần nhìn hồi lâu, mãi sau mới giật mình ngượng nghịu. "Dạo này ra dáng lắm rồi, tính bao giờ lấy chồng đây?"
"Em á? Đứa con gái quê mùa như em thì ai mà thèm ngó ngàng chứ."
Bảo không đáp lời, anh chỉ nhìn Phụng cười tủm tỉm.
Lúc chia tay, anh bất chợt nói, "Này, anh nghe bảo là mai bà chủ xưởng may sẽ tới kiểm tra đấy, mày cẩn thận vào. Mấy người nhà giàu khó tính khó chiều lắm."
"Anh đang nói anh đó à? Hèn nào vẫn ế."
"Mày thôi đi, đừng có được đằng chân lân đằng đầu nhá. Anh đây mà ế thì chẳng thằng trai phố nào có vợ."
Sáng hôm sau, đúng như anh Bảo nói, bà Hai của nhà họ Nguyễn đích thân tới xưởng kiểm tra định kỳ.
Quản lý mặc dù đã thu xếp chu đáo, nhưng ông vẫn đứng ngồi không yên. Từ sáng sớm đã đỏ mặt tía tai mắng nhiếc hết người này đến người khác, còn tự mình bày trí lại khu tiếp đón thật long trọng.
Phụng ở bên bộ phận may vá nên chỉ có thể ngồi bên máy may làm việc như ngày thường, thế nên cô không được nhìn bà Hai. Thấy mọi người ai nấy cũng đều căng thẳng, cô ghé tai hỏi nhỏ người ngồi bên cạnh: "Chị Tuyết ơi, sao hôm nay không khí đáng sợ thế ạ?"
Chị Tuyết là bà cô thích buôn dưa lê bán dưa cà, nên khi Phụng hỏi đúng chỗ nhột, thì cũng liếc trước ngó sau thì thầm, "Mày không biết đấy thôi, chứ bà Hai là một phụ nữ kỳ quái lắm. Nói chung tốt nhất đừng nên đắc tội, hậu quả chẳng lường được đâu."
Thật ra Phụng không quan tâm cho lắm việc này. Bởi một tháng thì chủ nhân xưởng may cũng chỉ ghé thăm có một lần thôi, Phụng còn làm ở bộ phận may nữa, nên chắc chắn cơ hội tiếp xúc chẳng nhiều. Cô nghĩ, cứ an phận làm tốt công việc, cuối tháng nhận lương là tốt lắm rồi.
Ấy vậy nhưng cuộc đời chẳng bao giờ như mơ.
Phụng nỗ lực ôm chồng thếp vải dày, cẩn thận lách qua từng bàn may. Khi chỉ còn cách bàn của mình vài bước chân, bất chợt chân lại vấp phải vật cản, cả cơ thể ngã nhào về phía trước, vải trên tay cũng bị hất tung.
Điều làm Phụng hoàn toàn không lường được, đó chính là lại kéo ngã thêm một người khác vừa bước tới.
Theo phản xạ, cô kéo người kia vào trong lòng mình, còn cái lưng khốn khổ đành đáp xuống nền gạch thô ráp. Đầu bị đập cho choáng váng, còn chưa kịp kêu lên đã nghe tiếng hô thất thanh của những người xung quanh: "Trời ơi bà Hai, bà có sao không? Trời ơi là trời, mau mau đỡ bà dậy nhanh lên!"
Bà... bà Hai?!
Phụng giật mình ngồi bật dậy. Nhưng giây phút đối diện với gương mặt xinh đẹp không có lấy một gợn biểu cảm kia, trong lòng cô bất chợt dâng lên dự cảm chẳng lành.
Người phụ nữ ấy vẫn giữ nguyên tư thế ngồi trong lòng Phụng, đôi mắt sắc lạnh như dao quét một đường trên gương mặt cô. Một thoáng ngẩn ngơ khiến cho Phụng cảm thấy dường như bản thân đang lầm tưởng: bà Hai vừa nhếch miệng cười?
"Bà Hai, bà có sao không ạ?" Quản lý hốt hoảng đỡ lấy cánh tay của bà Hai, sắc mặt ông tái lại, "Rách... rách rồi..."
Lúc này Phụng mới hoàn hồn lùi ra một khoảng, nhưng cô vẫn nửa ngồi nửa quỳ trên mặt đất trước mặt bà Hai. Mắt vừa nhìn thấy một đường rách dài trên tà váy đỏ thẫm của chủ nhân xưởng may, bàn tay cô liền trở nên lạnh ngắt.
Lần này tiêu tùng thật rồi, còn đáng sợ hơn cả cảm giác trực tiếp đấm liên tiếp vào mặt một thằng lính Nhật nữa.
"Rách rồi." Giọng nói nhẹ nhàng vang lên, nhưng lại khiến bầu không khí xung quanh trở nên ngưng đọng đến nghẹt thở. "Đây là chiếc váy yêu thích nhất của tao."
Sống lưng Phụng lạnh toát, cô cúi đầu trên sàn nhà. "Bà Hai, con... con biết lỗi rồi, xin bà hãy thương lấy con với, con mắc tội lớn rồi. Con sẽ sửa lại cho bà, con hứa. Xin bà đừng đuổi việc con."
Quản lý phẫn nộ rống giận: "Mày còn nói được à? Mau mau đuổi nó ra khỏi đây."
Mắt thấy mấy người định tiến tới phía mình, Phụng sợ hãi bật khóc. "Bà Hai, con xin lỗi. Xin bà rủ lòng thương con, con không còn nơi nào để đi nữa. Bà ơi, con sẽ sửa lại váy cho bà mà..."
Mặc cho Phụng van xin trong vô vọng, những người kia vẫn túm lấy cổ áo lôi cô đi. Cả thế giới dường như sắp sụp đổ trước mắt, thì giọng nói trong trẻo kia lại lần nữa vang lên: "Khoan, đem nó trở lại đây."
Lại một lần nữa, Phụng bị ép quỳ trước mặt bà Hai.
Bà Hai vẫn ngồi nguyên như vậy, mặc kệ cho người hầu muốn có ý đỡ. Phụng hoảng sợ cúi đầu không dám nhìn, cô cũng chưa từng nghĩ bản thân sẽ phải rơi vào hoàn cảnh như vậy.
"Tao không tin vào lời hứa, cho nên hãy thực hiện đi." Bà Hai bất ngờ ghé tai Phụng thì thầm. Hơi thở nong nóng phả xuống vành tai, khiến Phụng bất giác co người lại vì không quen. Lại nghe ra âm thanh cười cười, "Ngẩng mặt lên, mày không định đỡ bà dậy sao?"
Phụng giật mình, giọt nước mắt trên khóe mi lăn dài xuống gò má.
Bàn tay trắng mịn màng của bà Hai nâng lên, nhẹ nhàng chạm vào má Phụng. Cô hoảng hốt vội vàng né tránh, "Con... con xin lỗi ạ. Để con đỡ bà dậy."
"Ngây thơ thật đấy." Bà Hai không chút biểu tình mà thu tay, sau đó lạnh lùng hỏi, "Bao tuổi rồi?"
"Dạ, con mười bảy ạ."
Phụng run run nâng cánh tay của bà Hai, vụng về đón lấy vòng eo thon nhỏ ấy mà đỡ dậy. Cô cũng không còn tâm trí để cảm nhận ánh mắt sắc lẹm kia vẫn đang chăm chú hướng về phía mình.
"Vậy là bằng tuổi con Ngọc rồi."
Bà Hai phủi phủi bụi trên quần áo, Phụng ngờ nghệch làm theo, lấy tay phủi thật sạch vệt bẩn trên tà áo dài của bà.
"Đi, theo tao về nhà." Trước con mắt sững sờ của những người có mặt tại xưởng, bà Hai siết chặt lấy bàn tay đầy vết chai sần của Phụng. "Con Ngọc cũng đang thiếu người theo hầu. Còn mày, thì phải sửa lại cái váy này cho bà."
Quản lý kinh ngạc lắp bắp nói, "Bà Hai, con bé này tay nghề không tốt như những đứa khác, hay là..."
"Đừng có nhiều lời. Ở đây, kẻ nào cũng là người của nhà họ Nguyễn. Tôi muốn mang ai đi còn đến lượt ông nhắc nhở hay sao?"
Còn chưa để Phụng kịp hoàn hồn, bà Hai đã lạnh lùng kéo giật cô về phía trước.
"Bà chưa tha cho màyđâu, mày đừng vội mừng." Bên ngoài trời bỗng đổ cơn mưa, trượt từng hàng dàitrên chiếc xe ô tô đen bóng đậu trước cửa xưởng. "Mày nói được mà không làm được,thì sẽ phải trả giá đắt đấy."