Lê Bảo vốn dĩ luôn cho rằng việc giới thiệu Phụng vào làm tại xưởng may nhà họ Nguyễn là quyết định sai lầm. Vì vậy ngay khi biết không thể khuyên can con bé bỏ việc tại dinh thự, anh đã luôn âm thầm tự mình tìm hiểu chuyện về nhà họ Nguyễn.
Anh hỏi ông bô (1) rằng: "Trước thầy dạy học cho bà Hai nhà họ Nguyễn đúng không thầy?"
Thầy hơi khựng lại chút, nhưng rồi vẫn tiếp tục soạn bài giảng cho lớp bình dân buổi chiều.
"Không trả lời tức là đúng rồi đấy." Anh khẳng định.
Lúc này thầy Lê Tín mới buông bút, nhìn anh nghi hoặc: "Anh hỏi làm cái gì? Không lo mà tu chí làm ăn đi, tối ngày lo ba cái chuyện vớ vẩn."
"Nhưng nhà họ Đỗ nghe nói trước cũng không thua kém gì nhà họ Nguyễn, mà sao giờ lại chẳng còn ai ngoài bà Hai nhỉ?" Lê Bảo không quan tâm lắm tới lời ông bô, vẫn chìm đắm trong suy nghĩ của mình, "Đất biệt phủ cũng bán gần hết, chừa lại mỗi tòa chính để thờ cúng thôi. Thầy có biết chuyện gì đã xảy ra không thầy?"
Thầy lắc đầu: "Người làm ăn, vỡ nợ là chuyện thường thấy thôi."
"Cơ ngơi bao đời gây dựng, phải gặp biến cố thế nào mới vỡ nợ chứ thầy?"
"Như anh đấy, anh không lo tu chí thì sớm muộn cái nhà này cũng bỏ thôi."
Ông bô như thói quen, ngồi giảng giải cho anh một trận.
Gần tới giờ lên lớp, thầy Lê Tín gấp cuốn sổ, đoạn thở dài đứng dậy nói: "Nhà họ Đỗ trước kia còn có một cậu con trai."
Lê Bảo kinh ngạc hỏi lại: "Một người con nữa ạ?"
"Ừ, nhưng chết trẻ."
"Trên chiến trường hả thầy?"
"Không, nghe nói là do bệnh tật."
Đây đúng là chuyện mà anh chưa từng biết đến, cứ ngồi ngẩn ngơ trong phòng sách mãi mới đứng dậy bước ra bên ngoài. Vậy mà trước đến giờ anh cứ nghĩ hai cụ thân sinh họ Đỗ chỉ có một mình bà Hai, và nhận nuôi thêm ông hai nhà họ Nguyễn thôi.
Lê Bảo khoác thêm một chiếc áo măng tô, cầm chìa khóa xe ô tô đi vội ra ngoài cổng. Bà Sáu giúp việc thấy vậy kinh ngạc hỏi: "Ơ cậu Bảo, sắp tới giờ cơm rồi mà cậu đi đâu vậy ạ?"
"Cháu có việc ra ngoài chút. Bà bảo u cứ ăn trước đi nhé."
"Bà chủ lại giận cậu đấy. Cứ ở nhà ăn trưa đã rồi chốc hẵng đi."
"Nói với u là lúc về cháu mua chè cho u."
Bà Sáu biết là không cản được anh, nên đứng ở cổng nhìn theo xe anh mãi mới chịu vào nhà.
Không khí Tết tràn về khắp tỉnh, Lê Bảo lái xe qua những con phố xuân. Ngắm nhìn sắc hồng rực rỡ của phiên chợ Tết, anh suy tính một chút rồi đỗ xe lại mua cành đào nhỏ.
Trời rải cơn mưa phùn, càng ra xa khỏi trung tâm tỉnh không khí càng thêm lạnh hơn. Lái chừng thêm hơn nửa giờ đồng hồ nữa, anh mới cho xe tấp vào bên lề đường.
Phía trước là một ngôi làng nhỏ, từ xa chỉ thấy lác đác vài ngôi nhà cổ. Anh cầm cành đào đi bộ vào trong, ngắm nhìn xung quanh ruộng đồng hoang vắng, đìu hiu cô quạnh. Cũng không dám chắc là còn có người sinh sống tại nơi này hay không, hoặc có thể người dân trong làng bỏ lên tỉnh tìm việc làm hết rồi.
Đi một vòng đã ướt hết vai áo, cuối cùng anh cũng bắt gặp một sạp chè nhỏ ở trước đình làng. Nói là sạp nhưng cũng chỉ có cái bàn bày khay chè, dựng điếu cày cũ kỹ bên cạnh với dăm ba chiếc ghế gỗ xung quanh. Bà chủ cũng già lắm rồi, đang ngồi dựa vào thân cây hoa gạo nhắm mắt lim dim. Lê Bảo ngồi xuống ghế, anh đặt cành đào dưới chân rồi hắng giọng: "Cụ cho cháu cốc vối ạ."
Bà lão giật mình, nheo nheo mắt nhìn anh. Chắc trông anh có vẻ lạ lẫm nên gần phút sau cụ mới mở giỏ ủ lấy ấm tích, rót cho anh một cốc vối nóng. "Làm điếu thuốc lào không cháu?" Cụ hỏi.
Anh mỉm cười rút bao thuốc lá trong áo khoác ra đặt lên bàn, bà cụ biết ý không mời nữa.
"Cháu là người trên tỉnh à?" Bà cụ nhìn cành đào dưới chân anh, tò mò bắt chuyện, "Lần đầu tiên cụ thấy."
"Vâng, mọi năm Tết nhất thầy u cháu về dọn dẹp mộ phần cho tổ tiên. Năm nay cả hai đều bận việc nên cháu đi thay."
Lê Bảo bình tĩnh bịa chuyện, rồi lại giả bộ bâng quơ hỏi: "Lạnh như này sao cụ không về nhà nghỉ ngơi mà vẫn bày gánh bán?"
"Ôi dào, về thì cũng buồn. Ở ngoài này thi thoảng có người ghé nói chuyện dăm ba câu đỡ chán."
"Làng mình cũng neo người quá cụ nhỉ, cháu chẳng thấy ai."
Bà cụ cho miếng trầu vào miệng tóp tép nhai: "Chúng nó bỏ lên tỉnh làm việc hết rồi, còn toàn người già trẻ con ở lại thôi."
"Đói kém quá hả cụ?" Anh châm một điếu thuốc đưa lên miệng hút, "Cháu thấy đất ruộng làng mình có ít đâu, sao không thử tập trung trồng trọt?"
Bà cụ lắc đầu, thở dài: "Đất thì có, nhưng ngoài để chôn người chết ra thì không làm gì được đâu."
Lê Bảo thoáng sững người, nhưng rất nhanh anh đã đẩy cốc về phía bà cụ xin thêm cốc nước vối nữa. "Cháu có nghe thầy u từng nói về nhà họ Đỗ..."
Như đã gợi đúng chuyện, bà cụ vội "suỵt" một cái ngắt lời. Nhìn trước ngó sau xung quanh vẫn vắng vẻ đìu hiu, bà cụ mới kéo ghế ngồi dịch vào anh, hạ giọng nói: "Bé mồm bé miệngs thôi, không người nhà đấy nghe thấy, lại về hành đấy."
Anh trân trân nhìn bà cụ, sau đấy bật cười: "Nhà họ làm gì còn ai?"
"Không phải thế đâu."
Bà cụ xua tay, bắt đầu thì thầm: "Người ta đồn bởi vì hai cụ thân sinh nhà họ Đỗ chết oan, nên đất đai vườn tược để lại có bán cũng không ai sử dụng được."
"Chết oan ấy ạ?" Lê Bảo giật mình lặp lại.
"Ừ, cả làng này đâu đâu cũng là đất của biệt phủ nhà họ Đỗ năm ấy. Cứ hễ đào xới trồng trọt là y như rằng gia chủ hôm sau gặp nạn, hoặc là mất vụ trắng tay. Dần dần người dân trong làng mới bỏ đi nơi khác kiếm kế sinh nhai, để lại toàn người già với trẻ nhỏ."
Nếu thật sự đúng như bà cụ nói, thì năm đó nhà họ Đỗ đã có chuyện uẩn khúc xảy ra. Anh giả bộ như không tin: "Sao mà cụ biết những chuyện này?"
"Bà là gia nô cuối cùng rời khỏi nhà ấy, sau cái chết của hai ông bà chủ."
Lê Bảo biết hôm nay đã gặp đúng người, anh chủ động cầm ấm tích rót thêm một cốc nước vối đầy, mời ngược lại bà cụ. "Ô thế thì cụ là người rõ nhất luôn rồi. Mà sao cụ lại bảo gia chủ nhà ấy chết oan?"
Bà cụ chìm vào dòng hồi tưởng, cái nét sợ hãi kia đúng là của người đã từng trải qua: "Thời ấy ông chủ nghiện thuốc phiện, cờ bạc thua lỗ, lại còn bị mấy nhà buôn lừa hết tiền. Đất trong biệt phủ cứ bán dần đi để trả nợ, cuối cùng chẳng còn ruộng mà gieo cấy. Cậu Tuấn sau khi biết chuyện còn phải bỏ tiền túi ra để trả công nợ cho đám người hầu. Cụ thì không chứng kiến, thế nhưng cô Ngân với cậu Tuấn, là ông bà Hai nhà họ Nguyễn hiện tại ấy, bảo là có bọn nó đến đòi nợ hai cụ họ Đỗ, không đòi được nên ra tay gϊếŧ hại rồi lẳng xác ra vườn chuối sau nhà. Từ đấy là hai cụ cứ ám ở đó, không đi đâu cả."
"Dạ?! Gϊếŧ ngay trong biệt phủ á cụ?"
"Lúc đó xung quanh toàn là đồng hoang, đất biệt phủ cũng chỉ còn lại tòa nhà chính như bây giờ thôi, chẳng biết chúng nó lẻn vào nhà từ lúc nào. Cụ mạng lớn, hôm đấy lên tỉnh mang ít đồ cho cô Ngân nên mới thoát. Đến giờ nhớ lại lúc phát hiện xác của hai ông bà chủ vẫn còn thấy sợ."
Lê Bảo thật sự chấn động. Vốn dĩ anh chỉ định tìm hiểu mối liên hệ giữa hai nhà họ Đỗ và họ Nguyễn mà thôi, không ngờ lại biết được nhiều chuyện động trời hơn thế nữa. Anh hỏi: "Thế sau đó mọi người có báo quan không cụ?"
Bà cụ lắc đầu: "Cô cậu chủ bảo không cần thiết, rồi làm ma chay cho hai ông bà luôn. Vì nhà chẳng còn ai nên cụ cũng nghỉ việc từ đấy."
Cái chết của hai cụ thân sinh nhà họ Đỗ theo lẽ thường thì ông bà Hai sẽ phải báo với chánh quyền, thế nhưng lại vội vã mai táng luôn, chắc chắn là có ẩn tình. "Cụ theo hầu nhà họ Đỗ lâu vậy, thế có biết ông bà Hai là người như thế nào không ạ?"
"Cô chủ thì tôi không theo hầu, nhưng mà... cái này chỉ người trong nhà đồn đoán thôi, là hình như cô Ngân yêu đàn bà."
Lê Bảo không quá bất ngờ, bởi vì trong những lá thư Phụng nó gửi cho anh, thi thoảng con bé cũng đề cập tới. Dù không nhiều nhưng cũng có thể đoán già đoán non được phần nào.
"Còn cậu Tuấn thì chỉ là con nuôi thôi, nhưng mà chăm chỉ, cần cù chịu khó lắm. Cậu ấy hiền lành đức độ, còn gồng gánh trả nợ cho hai cụ nhà họ Đỗ. Trước khi tôi nghỉ, cậu ấy còn bỏ tiền túi ra để trả cho tôi hơn một chút, bởi vì biết con gái tôi bệnh nặng..."
Nghe không giống như ông Hai mà Lê Bảo biết.
"Giờ thi thoảng cậu ấy vẫn trở về nhà họ Đỗ để hương khói cho các cụ, nhưng mà lạ lắm. Mỗi lần gặp lại, cậu ấy đều lạnh lùng ngó lơ tôi, không còn niềm nở như trước đây. Đôi ba lần tôi còn thấy cậu ấy dẫn những cô gái trẻ về, chuyện gì thì chắc ai cũng đoán được rồi... Sau đó tôi cũng biết đường không hỏi thăm tới nữa."
Cơn mưa ngày một nặng hạt, bà cụ đứng dậy chuẩn bị dọn hàng. Lê Bảo cũng giúp bà thu mấy cái ghế xếp lên gánh. Anh chần chờ một chút, nhưng vẫn hỏi: "Cụ ơi, thế là nhà họ Đỗ bị ma ám thật ạ? Mà chỉ ông bà Hai mới về đó được hay sao?"
"Chắc là vậy, người dân trong làng cũng không ai dám bén mảng đến."
Trước khi đi, bà cụ như sực nhớ ra chuyện gì, ngẩng đầu bất ngờ nói: "Thật ra trước khi hai cụ nhà họ Đỗ mất ít hôm, thì cậu chủ có trở về."
"Ông Hai ạ?"
"Không, là cậu Lỉnh, con ruột của ông bà chủ."
Lê Bảo giật mình, anh vội hỏi: "Vậy cậu chủ Lỉnh khi ấy vẫn còn sống ạ?"
"Ừ, cùng đi học bên Pháp với cậu Tuấn, nhưng mà về sau. Được một thời gian thì cậu Lỉnh cũng đi theo hai ông bà, nghe nói là bệnh nặng."
Anh còn muốn hỏi thêm chút chuyện, nhưng trời lại đổ mưa lớn. Bà cụ vội vã gánh hàng trở về nhà, anh cũng không giữ cụ nữa. Anh cầm cành đào, đi một vòng xung quanh ngôi làng.
Giữa cánh đồng hoang vu, ngôi nhà cổ phủ đầy rêu xanh đứng lừng lững. Lác đác xung quanh đất ruộng có vài ba ngôi mộ, chẳng rõ là của nhà nào. Lê Bảo đến trước một ngôi mộ vô danh, cắm cành đào lên, giả vờ thu dọn cỏ dại xung quanh ngôi mộ. Đất biệt phủ trước đây giờ bỏ hoang, vắng lặng không một bóng người, lúc này anh mới đứng dậy đưa mắt quan sát ngôi nhà của họ Đỗ.
Tường gạch đỏ bao xung quanh ngôi nhà hai tầng, từ bên ngoài chỉ có thể thấp thoáng nhìn thấy một phần của tầng một và toàn bộ kiến trúc của tầng trên. Lê Bảo đi một vòng xung quanh căn nhà, anh dừng lại trước cổng chính. Lối vào cỏ dại mọc um tùm, che khuất gần hết phía ngoài sân. Anh thử đu người lên cổng để trèo vào, nhưng cổng quá cao so với những ngôi nhà bình thường khác, muốn vào trong chỉ có nước phá khóa mà thôi.
Nếu đúng là phong thủy nơi này không tốt, chẳng có lý nào bao đời họ Đỗ lại ăn nên làm ra như vậy. Theo góc độ tâm linh, thì hẳn là sau này đã có bàn tay ai đó can thiệp để bẻ thế đất, khiến xung quanh không người nào có thể đυ.ng vào được trừ thành viên nhà họ Đỗ. Lê Bảo đối với vấn đề này quả thực nửa tin nửa ngờ, bởi vốn dĩ anh luôn nhận được nền giáo dục hiện đại từ ông bô, nhưng một phần cũng đã từng nghe qua rất nhiều chuyện ma quỷ từ cụ mình – một thầy đồng quá cố.
Cho nên khi bà Sáu giúp việc giới thiệu cho anh một thầy pháp giỏi, anh cũng không nghi ngờ mà chủ động liên hệ với thầy ấy. Mặc dù cả hai mới chỉ trao đổi qua thư viết tay, hoặc vài chữ vỏn vẹn của điện tín, nhưng Lê Bảo biết ông Ba dường như đúng là người anh cần tìm.
Mưa nặng hạt, Lê Bảo từ bỏ việc tìm cách trèo tường vào bên trong nhà. Đúng giây phút anh định xoay người rời khỏi nơi này, thì bất chợt phát giác ở trên dãy hành lang của tầng hai thấp thoáng có bóng người.
Lê Bảo giật mình, không phải nơi này từ lâu đã không còn ai rồi sao? Hay là ông Hai nhà họ Nguyễn trở về?
Nghĩ vậy, anh cúi người lén vòng sang bên hông nhà, nấp vào một bụi cây để quan sát.
Kẻ kia vẫn đứng im bất động trước một gian phòng khóa kín. Kỳ lạ ở chỗ cái đầu ngoẹo hẳn sang một bên, tư thế đứng thật sự không giống người bình thường. Cứ như vậy hơn chục phút đồng hồ sau, hắn mới chầm chậm xoay người di chuyển. Từ chỗ anh vẫn có thể nhìn rõ một nửa gương mặt của đối phương, quả đúng là ông Hai nhà họ Nguyễn rồi. Nhưng sao cái cách ông ta bước đi, lại cứ như là lướt mà không chạm đất vậy?
Giữa cánh đồng hoang vắng, gió lạnh heo hút thổi. Bất ngờ ở trên hành lang, ông Hai dừng lại, chiếc đầu lệch về một bên xoay thẳng về phía Lê Bảo.
Anh đứng tim, bởi vì khoảnh khắc ấy anh nhận ra, kẻ kia không phải là người.
Gương mặt trắng bệch, teo tóp tới nỗi trơ lại đúng khung xương đầu lâu. Đôi mắt trũng sâu đen ngòm trân trân bất động nhìn thẳng về chỗ anh, trên miệng lộ ra nụ cười quỷ quyệt cùng hàm răng lỉa chỉa vô cùng man rợn.
Đúng là ông hai Tuấn nhà họ Nguyễn, nhưng lại không phải ông ta.
Lúc này, phía trước ngôi nhà bỗng vang lên tiếng động cơ xe ô tô, hình như có ai đó đang đi tới. Lê Bảo hơi nghiêng người nhìn ra cổng trước, thoáng thấy bóng hai người bước xuống xe. Bà hai Thanh Ngân mặt không chút cảm xúc, miệng làu bàu cái gì đó với người bên cạnh. Ông ta đang khệ nệ ôm một đống bao đất cát, xi măng từ trên xe thả xuống dưới đất. Anh giật mình nhận ra, đó mới chính là ông hai Tuấn.
Kẻ ở trên hành lang vừa mới giây lát trước còn đứng trân trân nhìn anh, hiện tại đã chẳng còn thấy bóng dáng.
Lại nghe giọng ông hai Tuấn bực bội vang lên: "Mày im mồm đi, nói lắm. Nhanh giúp tao một tay bê cái đống này ra đằng sau."
Hai người họ lách cách mở khóa cổng, lúc này mới thấy giọng bà Hai uể oải trả lời: "Muốn làm gì tự ông làm. Tôi nói rồi, sửa cái cột đấy cần phải thầy pháp cao tay, chứ không phải cứ bôi đống đất cát này vào là được."
"Mày nói nghe dễ lắm đấy. Giờ này thì bói đâu ra thầy pháp?"
"Chứ không phải do ông đem những thứ của nợ về đây nên mới vậy à?"
"Câm mồm đi. Để mai tao vời thầy về là được chứ gì?"
Lê Bảo không ở lại thêm nữa, anh lẳng lặng đi ra xa khỏi căn nhà. Như vậy đã đủ khẳng định, chắc chắn người nhà họ Đỗ đã sử dụng tà thuật với những mảnh đất thuộc khu biệt phủ trước đây, và hẳn cũng không ngoại trừ khả năng đất nhà họ Nguyễn cũng có điều tương tự.
Hôm đó khi trở về nhà, anh nhận được bức điện tín từ ông Ba: "Bến đò sông Đáy, hai giờ chiều mồng hai Tết Bính Tuất." Hơi khó đọc một chút, nhưng vẫn dịch ra đại khái ý như vậy.
Anh gấp gọn bức thư, ngoảnh đầu lại hỏi bà Sáu: "Cháu hỏi bà vài câu được chứ?"
"Vâng?"
"Sao mà bà biết ông Ba vậy?"
Bà Sáu ngừng tay lau dọn, đôi mắt mờ đυ.c mông lung nhìn ra ngoài cửa sổ. Mãi một lúc sau, bà mới thở dài ngồi xuống ghế mà nói: "Trước đây, người nhà ông ấy từng cứu bà một mạng." Bà chầm chậm xoa lên những vết sẹo lồi lõm dọc khắp cẳng chân, như lại chìm trong dòng hồi tưởng, "Bà bị người trong làng nghi oan, đuổi đánh tưởng bỏ mạng rồi. Cuối cùng được người nhà thầy ấy mang về cứu chữa, cũng ở lại đó phụ giúp thầy một thời gian. Sau này nhiều chuyện xảy ra quá, bà phát hiện ông ấy không chỉ là một thầy thuốc bình thường, mà còn là pháp sư. Sợ bà bị liên lụy nên bảo bà đi khỏi nơi ấy."
Lê Bảo kinh ngạc: "Ông Ba là thầy thuốc ạ?"
"Vâng, một người thầy rất giỏi. Cháu đã nghe qua tên thầy Dự ở tỉnh Nam Châu chưa?"
Anh gật đầu, trước đây hình như ông bô nhà anh có nhắc tới rồi. Nhưng vì lúc đó còn nhỏ quá, nên không bận tâm nhiều.
"Là ông ấy đó." Bà Sáu nói.
"Ông Ba là thầy Dự ạ?" Lê Bảo kinh ngạc thốt lên, "Ơ nhưng mà sao ông ấy lại đổi tên?"
Bà Sáu đứng dậy, khe khẽ thở dài: "Ông ấy rời khỏi Nam Châu, không còn muốn ai nhớ tới nữa." Đoạn bà xoay người đi, để lại một câu nói nặng trĩu tâm tình, "Ông ấy... đã mất tất cả rồi."
Lê Bảo không hỏi thêm lời nào nữa. Người đã muốn chôn vùi quá khứ dang dở, luôn là người đã từng chịu nhiều bi thương khó cách nào phục hồi.
Đã lâu không nhận được tin tức của Phụng, Lê Bảo cũng có chút sốt ruột. Trong tháng qua, đã nhiều lần anh tới cổng nhà họ Nguyễn xin gặp mặt Phụng nhưng đều bị quản gia nhà đấy khước từ. Anh không dám nghĩ con bé đã gặp chuyện chẳng lành, nên thi thoảng anh vẫn lén theo bà quản gia mỗi lần bà ta xuống xưởng may.
Cũng vì thế mà anh biết được kha khá chuyện.
Từ xa Lê Bảo đã thấy bà quản gia nhà họ Nguyễn lén lút đem vải bán cho một con buôn bên tỉnh khác. Anh ném điếu thuốc xuống dưới chân, chờ chiếc xe tải đi xa dần khỏi kho của xưởng may mới bám theo đằng sau.
Ra khỏi trung tâm tỉnh, tới đoạn đường làng vắng vẻ, anh nhanh chóng tăng tốc vượt lên, chặn luôn đầu chiếc xe buôn vải. Gã đàn ông bực bội ngó đầu ra khỏi xe quát: "Thằng điên kia, mày làm cái gì thế? Muốn ăn cướp hả? Có tin tao đâm chết mày không?"
Lê Bảo không nói năng gì, phăm phăm bước tới bên cạnh chiếc xe chở vải, dùng sức kéo mạnh gã đàn ông qua ô cửa kính xe, ném xuống dưới đất. Gã ú ớ còn chưa kịp phản ứng gì, đã bị anh dí chặt con dao lên cổ: "Hóa ra đây là con mọt của nhà họ Nguyễn đấy à?" Anh gằn giọng.
Qua ánh đèn ô tô rọi sáng, gã ta phát giác ra thứ lấp loáng sắc nhọn trong tay của Lê Bảo, mặt mũi tái mét. Gã lắp bắp trả lời: "Đừng... đừng gϊếŧ tôi..."
"Trả lời cho rõ, chỗ vải này ông cướp từ xưởng may nhà họ Nguyễn đúng không?"
Gã sợ hãi lắc đầu: "Không... không phải. Quản gia... thím Gia lén... bán cho tôi giá rẻ... Tôi không trộm cướp..."
Lê Bảo mạnh tay hơn, trên cổ gã đã để lại một vệt máu: "Giỏi nhỉ? Ông nghĩ sao nếu tôi báo việc này cho các bà chủ?"
"Tha mạng cho tôi, tôi xin cậu, tôi còn gia đình... Tôi bị lòng tham che mờ mắt, xin cậu..."
Gã ta sợ đến vãi đái cả ra quần, Lê Bảo cũng buông dao không dọa gã nữa. Anh hỏi: "Ban nãy ông nói chuyện gì với bà ta?"
"Thím Gia nhận tiền, rồi bảo tôi... bảo tôi sắp tới tìm giúp bà ta nhà thổ ở tỉnh bên..."
Anh nhíu mày, gắt: "Để làm gì?"
"Dạ bẩm cậu... để bán một con bé người hầu bên nhà họ Nguyễn vào làm đĩ."
"Cái gì?!"
Lần này thì anh nổi điên thật rồi. Anh đấm mạnh lên thân xe của gã làm gã giật nảy mình, lại quỳ rạp xuống van xin tha mạng.
"Bà ta nói bán ai? Tên con bé đó là gì?" Lê Bảo cố gắng giữ bình tĩnh.
"Thím ấy không có nói rõ, chỉ bảo là một con bé khùng điên thôi ạ."
Anh rút bao thuốc lá ra, hút hết điếu này đến điếu khác. Khi đã trấn tĩnh lại, anh trầm giọng lên tiếng: "Bà thím đó đã dắt gái cho ông lần nào chưa?"
"Dạ chưa từng... Hôm nay bà ta mới đề cập tới."
Vậy là cái Phụng tạm thời có khả năng vẫn còn an toàn trong nhà họ Nguyễn. "Hôm nay tôi tha cho ông, nhưng nếu có lần sau tôi sẽ đốt cả đường làm ăn của ông đấy."
"Lạy cậu tha mạng."
"Còn nữa, ông phải làm cho tôi một chuyện."
Gã vội vội vàng vàng gật đầu. Lê Bảo lạnh lùng nói: "Lần tới bà ta có đem đứa con gái nào xuống, dắt nó đến chỗ tôi."
Trước Tết âm lịch, gã nhà buôn vải tỉnh bên báo tin cho Lê Bảo rằng hôm đấy gã đã đợi rất lâu nhưng không thấy thím Gia tới như lần hẹn trước. Cuối cùng lão nghe ngóng từ bọn người trong xưởng may nhà họ Nguyễn, là bà ta đã phát điên rồi. Sau đó cũng không thấy xuất hiện nữa, hình như đã được bà Cả đưa về quê chữa bệnh.
Nhưng Lê Bảo biết, thím Gia chưa từng rời khỏi dinh thự trên đỉnh núi kia. Người nhà bà ta nói rằng chưa từng nghe đến chuyện thím đổ bệnh, việc trở về quê lại càng không có.
Vậy bà ta hiện đang ở đâu?
"Sắp tới thầy u định bầu cử cho ai?" Lê Bảo bâng quơ hỏi trong khi giúp u bày ban thờ.
"Tự dưng lại quan tâm chuyện này?"
"Thì u cứ thử nói xem."
Không giống như ông bô kiệm lời, u của Lê Bảo nhẹ giọng đáp: "Ai đủ tốt thì bầu cho người đấy. Miễn là nhân dân no đủ chứ gì."
Lê Bảo giả bộ vu vơ hỏi: "U thấy bà Cả nhà họ Nguyễn như thế nào?"
"Anh để ý cô Ngọc nhà đấy rồi à"
"U nghĩ đi đâu ấy."
U bật cười, ngồi xuống phản gỗ tiêm trầu bỏ vào miệng nhai. "Vợ của cậu cả nhà họ Nguyễn ấy à, u cũng không tiếp xúc qua lại nhiều nên không rõ. Thầy con đợt trước có dạy học cho cô Ngọc, nhưng được thời gian thì thầy không dạy nữa. Nghe đâu là vì cách giáo dục của nhà đó không ổn, thầy con nhiều lần khuyên can rồi, nhưng họ bỏ ngoài tai nên thầy không tới nữa."
"Thầy giận là vì nhà họ Nguyễn cứ nhốt cô Ngọc đúng không u?"
"Có lẽ vậy. Nhiều lúc u không hiểu bà Cả nhà đó có thực sự yêu thương con mình không nữa."
U đáp lời rồi bước xuống phản, xỏ đôi guốc mộc chuẩn bị ra ngoài. Trước khi đi, u bỗng nhiên nói: "Bà Cả trước đây là người hầu theo nhà họ Trần. Nhưng cách đây mười mấy năm, nhà đấy đột nhiên chết bất đắc kỳ tử trong một đêm, thế nên tính ra chỉ còn mỗi bà ấy thôi. Nhưng mà sau khi làm ma chay cho nhà đấy xong, bà Cả cũng không trở về đó nữa. Dần dần người ta cũng quên mất bà ấy là con hầu bước ra từ nhà họ Trần."
Chuyện càng lúc càng phức tạp, khi quá khứ của gia chủ nhà họ Nguyễn đều có liên quan tới những cái chết bất đắc kỳ tử.
Thật sự phải tìm cách đưa cái Phụng ra khỏi nơi đó càng sớm càng tốt.
Chiều mùng hai Tết Bính Tuất, Lê Bảo đánh xe ra bến đò sông Đáy. Bời vì đang trong dịp lễ Tết nên bến đò vắng tanh, thi thoảng mới có một hai con đò chở khách cập vào bến.
Anh đứng trên bậc thềm châm thuốc hút, mắt mông lung nhìn từng con sóng lăn tăn tấp vào bờ. Thật ra anh không quan tâm cái gì đang diễn ra ở nhà họ Nguyễn, vì vốn dĩ trước giờ anh và nơi đó cũng chẳng quan hệ. Có điều chính anh lại là người đem con bé Phụng vào nhà đấy, thế nên nếu nó có mệnh hệ gì chắc anh sẽ day dứt cả đời.
Đôi khi việc bản thân mình làm, chỉ là khiến nửa đời còn lại sống trong bình an.
"Cậu Bảo đấy phải không?"
Một giọng nói trầm ấm vang lên bên tai, Lê Bảo kinh ngạc quay sang bên cạnh nhìn người vừa xuất hiện. Khác với tưởng tượng của anh, đứng trước mặt anh là một người đàn ông trung niên với mái tóc hoa râm cùng gương mặt hiền hậu. Thầy mặc bộ quần áo màu nâu sồng giản dị, bên ngoài khoác thêm một chiếc kaki chống rét. Trên tay thầy cầm theo chiếc cặp đen, vai đeo một túi vải nhỏ gọn gàng.
Thật không giống những thầy pháp mà Lê Bảo đã từng thấy.
Anh mỉm cười đến bên cạnh thầy, lịch sự chào hỏi: "Thầy Dự."
Kinh ngạc thoáng hiện lên trong mắt thầy, nhưng rất nhanh thầy liền đáp: "Lâu rồi không ai gọi thầy như vậy."
"Để cháu cầm túi giúp thầy. Xe cháu ở ngoài kia."
Tiết trời xuân không làm dịu đi gió lạnh thấu, Lê Bảo lên tiếng hỏi: "Thầy ngồi đò có mệt không?"
"Ngồi vài giờ nên không sao cả."
Chặng đường về cả hai đều kiệm lời khiến không khí có phần hơi gượng gạo. Thầy Dự lại là người chủ động gợi chuyện trước: "Vấn đề này cháu đã nói với hai cụ nhà chưa?"
Lê Bảo lắc đầu: "Thầy u cháu lên thành phố đôi ba hôm rồi. Cháu cũng chẳng biết mở lời với hai cụ như thế nào cả."
Về tới nhà đã thấy bà Sáu đứng chờ sẵn ngoài cổng. Vừa nhìn thấy thầy Dự, bà liền bật khóc nghẹn ngào: "Thầy ơi..."
Thầy mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ vỗ lưng của bà Sáu: "Bà vẫn khỏe mạnh là tốt rồi."
Lê Bảo thu xếp chỗ nghỉ cho thầy Dự, cũng không vội nói về những chuyện tâm linh xảy ra xung quanh nhà họ Nguyễn và họ Đỗ. Dù sao thầy cũng đã tới đây rồi, không phải ngày một ngày hai là có thể giải quyết xong xuôi.
Đêm đó trời quang mây tạnh, trăng treo cao rọi bóng qua ô cửa sổ. Vậy mà Lê Bảo lại trằn trọc không ngủ được, lòng anh cứ bồn chồn bất an. Anh ngồi dậy, uể oải xỏ dép đi xuống nhà.
Ấy vậy mà lại thấy có ánh đèn dầu lập lòe ở phòng khách. Hóa ra là thầy Dự vẫn đang ngồi đọc sách bên chiếc bàn nhỏ xếp cạnh cửa sổ.
"Thầy không ngủ được hay sao? Lạ nhà hả thầy?" Anh lên tiếng hỏi khẽ.
Hình như thầy cũng kinh ngạc vì sự xuất hiện của anh. Thầy gấp sách lại, lắc đầu mỉm cười: "Thức quen rồi, giờ nằm nhiều đau người."
Anh không đáp lời, tiện tay pha một ấm chè nóng mang đến ngồi xuống cạnh thầy.
"Uống không sợ mất ngủ hả?" Thầy hỏi.
"Đằng nào cháu cũng không ngủ được, ngồi lại với thầy một lát."
Hương thơm dìu dịu của chè hoa nhài thoảng vào không gian, nhấp một ngụm đăng đắng ở đầu lưỡi, nuốt xuống lại có cảm giác ngọt ngào ấm áp, lòng anh cũng đỡ bất an hơn. Lại nghe thầy bảo: "Phúc phần nhà cháu lớn lắm, là do tổ tiên đã tạo đức suốt bao đời. Nếu vẫn đi theo kế nghiệp các cụ sẽ là phước lành cho các con các cháu."
Lê Bảo kinh ngạc nhìn thầy, lát sau thở dài thườn thượt: "Cháu học dốt lắm, căn bản không thích học. Làm sao mà trở thành thầy giáo giỏi được?"
Thầy Dự bật cười: "Chưa thử thì làm sao biết."
Nụ cười của thầy hiền từ lắm, Lê Bảo cứ bán tín bán nghi về việc thực tế thầy vốn dĩ là pháp sư. Anh buột miệng hỏi: "Thầy có con không thầy?"
Dứt lời, không gian rơi vào lặng thinh. Thầy Dự hướng ánh mắt mông lung ra khoảnh sân bên ngoài cửa sổ, không rõ là đang nghĩ gì. Lúc Lê Bảo ngại ngùng định chuyển chủ đề, thầy bất ngờ đáp lời: "Đã từng."
Lời của bà Sáu lúc trước như thoảng qua bên tai: Ông ấy... đã mất tất cả rồi.
Lê Bảo nhận ra bản thân đã chạm vào vết thương lòng của thầy, anh gãi đầu định lên tiếng xin lỗi. Thế nhưng thầy Dự đã nhanh chóng chuyển chủ đề: "Tổ tiên nhà cháu đã từng xuất hiện người có căn quả, không phải tất thảy nhưng âu cũng là số mệnh. Chú ý con cháu về sau hẳn sẽ có người tương tự. Sớm nhận ra, đi đúng đường sẽ tạo thêm nhiều phúc."
Giờ thì anh tin người đàn ông trước mặt chính là pháp sư mà anh đang tìm rồi.
"Ngủ chút đi. Chốc dậy dẫn thầy tới mảnh đất của nhà họ Nguyễn."
Dứt lời thầy Dự đứng dậy, vỗ vỗ vai anh rồi đi lên phòng nghỉ ngơi. Anh nhìn cuốn sách thầy để lại trên bàn, tựa đề "Một đời tạo phúc, một đời bình an", thoáng ngẩn người một chút, rồi cầm cuốn sách trở về phòng.
Trưa mồng ba Tết, trời đổ mưa tầm tã. Lê Bảo cẩn thận lái xe lên ngọn núi quanh co, hướng đến dinh thự nhà họ Nguyễn. Từ lúc di chuyển tới khu vực này, thầy Dự chỉ lặng im quan sát bốn bề. Đôi mắt thầy sáng quắc lên, thần sắc cũng trở nên khác thường, không giống như lúc gặp gỡ ngày hôm qua.
"Lạ thật." Đột nhiên thầy lẩm bẩm.
"Sao vậy thầy?"
"Cứ đi thêm chút nữa xem sao."
Lê Bảo lái xe vượt quá cổng dinh thự, rồi vòng lại tấp dưới một hàng cây chờ đợi. "Họ không cho vào đâu. Chúng ta đợi ở đây, khi nào có xe người nhà ấy về ắt sẽ mở cổng."
Thầy Dự không đáp, ánh mắt thầy trân trân nhìn lên tầng mái của tòa dinh thự cổ. Càng lúc hàng lông mày thầy càng nhíu chặt hơn, không hiểu đã cảm nhận được những gì.
Y như Lê Bảo dự đoán, chừng hơn nửa giờ sau có hai chiếc xe hơi nối đuôi nhau đi vào trong dinh thự. Anh nhân cơ hội đạp chân ga, phóng thẳng vào khoảnh sân rộng lớn của nhà họ Nguyễn.
Người vừa xuống xe là bà Cả. Thấy anh, nét kinh ngạc trên gương mặt bà liền chuyển sang lạnh nhạt: "Cậu chủ nhà ông bà Lê Tín đấy à? Cậu có biết cậu vừa xâm nhập bất hợp pháp trên đất nhà tôi không?" Rồi bà nhìn vào trong xe anh, nhăn mày hỏi, "Mời cậu và người kia đi khỏi đây, không chúng tôi sẽ báo cảnh sát can thiệp."
Lê Bảo chỉ muốn kéo dài thời gian một chút, nên anh lịch sự đáp trả: "Thứ lỗi, mặc dù hơi đường đột nhưng bà chủ không cần phải phản ứng gay gắt như vậy. Tôi tới đón người rồi sẽ đi ngay."
Mưa nặng hạt đã ướt đẫm vai áo, bà Cả không quan tâm mà nói: "Người nhà họ Nguyễn, cậu muốn đem đi là được hay sao? Tất cả những người ở nơi này đều thuộc sự quản lý của tôi. Nếu tôi không cho phép, thì không ai được bước chân ra khỏi đây cả."
Tự nhiên Lê Bảo lại cảm thấy buồn cười. Người đàn bà này còn chưa lên chức chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thế mà đã ngạo mạn như nắm hết quyền lực trong tay. Anh vẫn nhẹ giọng: "Vậy chuộc người thì như thế nào? Tôi muốn đem cái Phụng đi."
Sắc mặt của bà Cả càng thêm khinh thường. Bà đi tới bên cạnh anh, thở dài: "Cậu đến muộn một chút rồi, con bé đấy nó đã bỏ trốn từ sớm hôm nay."
"Sao cơ?! Bỏ trốn?" Lê Bảo kinh ngạc thốt lên.
"Đúng vậy. Người cậu muốn tìm đã không còn ở đây rồi."
Anh siết chặt nắm tay, im lặng không đáp. Anh biết con bé không thể trốn khỏi nơi này, khi chỉ dựa vào một thân một mình nó. Hơn nữa, dù có cơ hội, nó nhất định cũng sẽ mang cô Ngọc theo. Nói bỏ trốn thì thật buồn cười.
"Bây giờ mời cậu ra khỏi đây, đừng để tôi phải nhắc lại lần nữa." Dứt lời, bà Cả lạnh lùng xoay lưng, hất cằm ra lệnh cho đám người ở, "Tiễn cậu chủ Lê."
Một đám đàn ông vạm vỡ chầm chậm tiến về phía Lê Bảo. Lúc này thầy Dự mới bước xuống xe, kéo tay anh, từ tốn khuyên bảo: "Bà ấy nói người không còn ở đây nữa, chúng ta mau đi tìm thôi."
"Thầy..." Anh nhăn mặt khó hiểu.
"Đi thôi."
Đành bất lực trở lại xe. Trước khi ngồi vào ghế lái, bỗng một nữ hầu gái vội vã đi ngang, va mạnh vào anh. Người cô bé ướt đẫm, mặt mũi cũng tái nhợt. Bất chợt cô bé cầm lấy tay anh, nghiến răng nghiến lợi nói: "Bà chủ bảo mời anh đi cho. Dù anh có là cậu chủ nhà nào, thì chậm một chút cũng sẽ bị đánh."
Lê Bảo ngẩn người trong giây lát, cuối cùng hất tay cô bé kia ra. Anh gằn giọng nói: "Tôi đi là được chứ gì? Các người đúng là một lũ điên."
Lại nghe tiếng cười thoải mái của bà Cả từ trên bậc thềm dinh thự. Bà ấy nói: "Cậu Bảo chú ý lời ăn tiếng nói, đừng để mất mặt thầy Lê Tín."
Lê Bảo biết mình đang ở đất nhà họ Nguyễn, nên cũng không đôi co thêm lời nào. Anh ngồi vào trong xe, cho xe quay đầu chạy thẳng ra khỏi cổng.
Nhưng đi được một đoạn, anh vội vã tấp vào lề đường. Mảnh giấy mà cô hầu gái ban nãy dúi vào trong tay đã ẩm ướt, thế nhưng hàng chữ viết nguyệch ngoạc bên trên vẫn chưa bị nhòe đi: "Phụng bị bà Cả đưa đi rồi, cô Ngọc cũng vừa mới chạy trốn."
Lời nhắn của nữ hầu gái nhà họ Nguyễn khiến cả anh lẫn thầy Dự đều chấn động. Thầy nói: "Mau ngược về trong tỉnh, đi xung quanh tìm xem. Cô chủ hẳn chưa đi xa được đâu."
Lê Bảo gật đầu, vội vàng tăng tốc.
"Ban nãy thầy có cảm nhận được gì không thầy?" Anh sực nhớ ra, vội hỏi.
"Lúc đầu thầy thấy lạ, bởi đất của nhà họ Nguyễn lại như đất vô chủ." Thầy Dự nghiêng mặt nhìn ra ngoài cửa kính, không rõ cảm xúc ẩn hiện trong đáy mắt của thầy, "Hóa ra người duy nhất mang dòng máu của nhà họ đã rời khỏi đây rồi, nên tà thuật yểm lên xung quanh dinh thự đang bất đầu xáo trộn khó lường."
Rõ ràng những lời này vào tai Lê Bảo cứ ù ù cạc cạc. Anh khó hiểu hỏi lại: "Là sao hả thầy? Nhà họ Nguyễn cả đống người mà."
"Thầy cũng chưa rõ được, nhưng chúng ta còn phải tìm một mảnh đất nữa."
"Dạ?!"
Dưới bầu trời âm u, điểm sáng duy nhất lại chính là đôi mắt của thầy Dự: "Đất nuôi đất, tà thuật song song."
Đương nhiên, Lê Bảo vẫn không hiểu gì. Nhưng trong khoảnh khắc khi thầy Dự vừa dứt lời, không hiểu sao mảnh đất hoang vu của biệt phủ nhà họ Đỗ lại hiện lên trong tâm trí. Anh không nắm bắt được, bởi trong đầu còn vội vàng với mong muốn tìm kiếm người nhiều hơn.
Suốt dọc đường vào tỉnh không thấy bóng dáng của cô Ngọc, đảo một vòng mọi ngõ ngách cũng chẳng thấy đâu. Cứ vậy trải qua mấy giờ đồng hồ, lòng anh rối như tơ vò.
Phụng cũng không rõ bị đem đi nơi nào, e rằng lành ít dữ nhiều. Giờ người gần gũi với nó nhất là cô Ngọc cũng đang bỏ trốn chẳng biết nơi đâu. Anh như mất phương hướng, cứ lái xe trong vô định.
Thầy Dự bên cạnh thở dài: "Về nhà đi đã, rồi chúng ta tìm cách."
Mưa phùn nhẹ rơi rải xuống con phố vắng trong ánh chiều buồn. Lê Bảo thở dài, đẩy cánh cổng bước ra ngoài. Cả ngày loanh quanh mệt mỏi mà chẳng có kết quả gì khiến anh vô cùng chán nản, từ ý định cứu người ban đầu dần trở nên mông lung. Anh đưa điếu thuốc lên miệng, lục tìm chiếc bật lửa trong túi quần.
Thế nhưng ngay khoảnh khắc ấy, trước mặt Lê Bảo bỗng có người ngã nhào xuống đường. Anh giật mình, định thần lại mới thấy đó là một cô gái trẻ. Vội vã tiến tới giúp đỡ, không ngờ gương mặt kia lại vô cùng quen thuộc.
"Anh Bảo, Phụng... anh cứu Phụng... cứu em ấy... Em ấy gặp nguy hiểm."
Kinh ngạc, anh vội vã gạt mái tóc lòa xòa của đối phương. Trong giây lát nhận ra cô gái kia, bỗng nhiên hi vọng mong manh lại được thắp sáng: "Ngọc? Em là con bà Cả nhà họ Nguyễn đấy phải không?"
"Cứu... Cứu Phụng..."
Ngọc thều thào rồi ngất lịm trong vòng tay anh. Lê Bảo vội vã bế em ấy bước vào trong sân, miệng hô gọi: "Thầy Dự, bà Sáu ơi."
Nghe giọng anh thảng thốt, cả thầy Dự lẫn bà Sáu đều bước ra xem. Vừa nhìn thấy Ngọc, gương mặt thầy đã tối sầm lại. Ánh mắt thầy lạnh lẽo, con ngươi chợt sáng quắc dị thường. Thầy nói: "Đem vào nhà, đốt cho thầy mấy vòng trầm hương. Trên người cô gái này quá nhiều tà khí, chậm một chút e khó giữ nổi mạng."
- Hết chương 19 -
Chú thích:
(1) Ông bô: Một cách gọi bố, cha của người Việt xưa