Nhờ ấn tượng với cụ vô văn địch từ lần đầu gặp sư béo dỏm, lại thêm quả chơi kéo co cùng đám xác mỡ bò, tôi đã không bị bỡ ngỡ khi nghe câu chuyện tự mình táng mình của dân tộc Cổ Cồng. Nhưng Julie và Nam, hai người trẻ được hưởng nền giáo cao cấp của thế kỷ 21 tiên tiến, lại không thể chấp nhận điều quá phi khoa học này.
“Tính chất căn bản của cái chết là không thể đảo ngược. Nếu có người được xác định đã chết mà lại thực hiện hành vi như khi còn sống thì người đó chắc chắn chưa chết.”
Julie nói với bà Diêu như vậy, cô tự phủ nhận chính điều mình vừa thấy, cô thà tin mình nhầm còn hơn.
Nam đồng ý với Julie, mặc dù cu cậu bị mê hoặc bởi màn che thần bí của thánh địa vùi thây thật, nhưng thân là một du học sinh tài xấu của thời đại mới, Nam chẳng thể nào nuốt trôi luận điểm người chết tự chôn được.
“Cháu nghĩ trường hợp này giống như chiếc điều khiển ti vi. Chúng ta không chuyển được kênh và nghĩ nó đã hết pin. Nhưng có khi đập mấy phát lại chạy như thường, lúc đấy mới biết rằng pin chỉ gần hết thôi.”
Thế nên luận điểm của Julie và Nam về cơ bản hiểu như sau: Bà lão Cổ Cồng đấy gần hết ‘pin’ rồi, sau đó bị tác động mạnh đập mấy phát liền bò dậy tự đi đến hố chôn mình. Nghe kiểu gì cũng thấy hổng lỗ chỗ nhưng ít nhất vẫn dễ tiếp thu hơn việc đảo ngược quan điểm về tử vong.
Tôi nhìn hai cô cậu bằng ánh mắt hết sức khâm phục, có thể tự tin đứng trước bà Diêu đưa ra lý luận không nắm chắc như thế, thật chẳng hổ câu nghé con không sợ cọp. Theo hiểu biết của tôi bà Diêu mà không dằn mặt bằng một tràng gâu gâu thì mới lạ.
Nhưng hóa ra bà Diêu đã sớm cùng Bạch Lang đi xem xét tình hình, còn chẳng buồn nghe nửa lời, Hai Tý thì tuy có tâm muốn giải thích, nhưng công vụ trong người không bỏ được. Cuối cùng chỉ có gã To, người anh trong cặp sinh đôi của băng điểm chỉ đỏ kiên nhẫn ở lại phổ cập kiến thức cho Julie và Nam.
“Thưa tiểu thư và công tử, quan điểm của anh chị ở trong giới hành hương tuy không sai nhưng tối nghĩa quá.”
Gã To rất thích dùng cách xưng hô cổ lỗ sĩ để mở lời.
“Chết là hết, ai dám bảo không. Tuy nhiên cái gì chết ở đây mới quan trọng anh chị à.”
Từ khi tiếp xúc với thánh địa tôi cũng đã suy nghĩ vấn đề này.
Bên ngoại tôi có người từng quy y cửa phật nên từ nhỏ tôi được hình thành một góc nhìn khá thoáng về thế giới tâm linh. Tôi không mê tín, chắc chắn, nhưng tôi tin có sự tồn tại của linh hồn.
Nếu thời điểm một người chết đi nhưng linh hồn của họ chưa chết, vậy người đó chỉ được tính là chết về mặt sinh học, đặt trường hợp ngược lại có người sống bình thường nhưng linh hồn đã chết, thì hiểu rộng ra họ chỉ tồn tại về mặt sinh học thôi.
Đêm trước hôm phải xuống biển sương mù thăm dò, tôi đã nói với sư béo dỏm suy nghĩ của mình, hắn lúc đấy nhìn tôi khinh bỉ:
“Chộ ngời ngời thế ni mừ hâm thế.”
Hắn mẹ nó không phải chú tiểu chắc! Sao một tí tín ngưỡng cũng không?
“Nói thiệt tau ngụp lặn trong thánh địa nhìu rùi. Chi cụng chộ nhơng chơ từng chộ ma.”
“Vậy trường hợp của cụ vô văn địch?”
Tôi đã nghĩ mạnh cỡ cụ chắc sau lưng có linh hồn cực kỳ cao cấp thao túng, hẳn là đạo sĩ vương tước vua chúa gì gì đó. Những người sinh thời từng chạy theo thuật trường sinh, khi chết linh hồn vẫn ôm hận muốn sống nên mới hóa thành cụ vô văn địch. Tưởng tượng của tôi có bao nhiêu hào hoa hoành tráng, ai dè sư béo dỏm một phát đập nát.
“Nỏ nỏ, chi là bị thi bến thui.”
“Như mấy bộ phim cương thi á?”
Nghe còn chẳng thuyết phục bằng học thuyết linh hồn của tôi.
“Nỏ, là virus bít suy nghĩ.” Sư béo dỏm thản nhiên đáp.
Này mẹ nó nghe có lý… bằng niềm!