Vào ngày hôm sau, khi tỉnh giấc Trịnh Mỹ Duyên đã nhìn thấy một chiếc xe lăn mới toanh ở trong căn phòng, kế bên cánh tay của cô còn là một thiết bị điều khiển xe.
Không biểu hiện gì, Trịnh Mỹ Duyên chỉ ngồi dậy, tay cầm lấy điều khiển để nhấn nút cho chiếc xe chạy tới gần. Đây là loại thiết kế thông minh, tiên tiến và hiện đại, trong nước không có sẵn loại xe này. Có lẽ, nó đã được đặt từ lâu và bây giờ mới có hàng về.
Trên ghế xe có một cuốn hướng dẫn sử dụng, Trịnh Mỹ Duyên mở ra và lướt mắt đọc. Chữ viết trong này đều là tiếng Anh, phía bên cạnh cuốn hướng dẫn vốn có tờ giấy viết tay lại bằng tiếng Việt cho cô, nhưng cũng không thể rõ ràng bằng bản gốc. Từng học chuyên ngành về du lịch nên Trịnh Mỹ Duyên rất khá tiếng Anh, những con chữ trong này không làm khó được cô.
Một lúc sau, xuất hiện ở ngoài đại sảnh, Trịnh Mỹ Duyên trả thẻ phòng lại cho nhân viên khách sạn. Thẻ được thu lại, còn tiền thì không, vì vốn tiền thuê phòng cô biết là ai đã trả.
Ra đến bến ngoài, còn có sẵn một chiếc xe taxi chờ cô cũng không biết là đã chờ từ khi nào. Người tài xế mở cửa xe và tận tình chào đón, giúp cô lên xe thật thuận lợi, anh ta cũng nói cho cô biết hành lý, đồ đạc của cô đều đã được cho vào cốp xe. Bây giờ cô chỉ cần thắt dây an toàn, và đợi cho đến khi xe dừng lại ở thành phố biển xinh đẹp Nha Trang.
Vài cái gật đầu, vài câu biểu hiện cho sự đồng ý, ngoài ra thì Trịnh Mỹ Duyên không hỏi cũng không thắc mắc bất kỳ chuyện gì, bởi vì cô biết tất cả những điều đó là từ ai.
Xe bắt đầu khởi hành, cô nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn những cảnh vật đang lướt qua mình. Lúc mới lên đây cảm giác bị ép buộc, lúc này như được giải thoát, nhưng… trong lòng cô lại không phải là cảm giác của vui vẻ.
…
Bà Trúc Anh thắp nén nhang khấn bái bàn thờ tổ tiên của nhà họ Dương.
“Con xin lỗi tổ tiên, vì giờ này con trai con vẫn chưa thể sinh ra được một đứa cháu cho nhà mình. Chấn Phong không có phước khi lấy vợ lần thứ nhất, nhưng mong rằng đến lần thứ hai thì phúc phần sẽ nhiều như nước rót tràn ly. Con xin tổ tiên phù hộ cho con trai con được con đàn, cháu đống, nối nghiệp cho gia đình nhà họ Dương. Cũng xin cho nó tránh được mọi tai ương, tránh những kẻ gieo rắc điều chẳng lành. Xin cho con gái nhà họ Trịnh không bao giờ có thể dính líu đến cuộc đời con trai con nữa.”
Đang khấn lạy thì nén nhang bỗng bốc khói thật nhiều, một hình ảnh quen thuộc lại khiến cho bà chủ gia đình nhà Dương kinh hãi lùi người đến mức tựa lưng vào cửa.
“Mẹ!”
“Lại là mấy cái câu này, lần nào khấn bái cũng nói hết! Nhưng hôm nay còn thêm cả con dâu của cô vô nữa à?”
Bà nội ngồi dưới sàn, tay cầm chiếc quạt giấy quạt lên quạt xuống.
“Ai đời lại như cô không? Cái con bồ nhí không có chút thân phận gì kia của thằng Phong, sao cô không xin cho nó tránh xa con cô ra, mà cô lại đi nài xin tổ tiên cho con dâu cô đi tránh xa chồng nó.”
Bà ngán ngẩm, lắc đầu: “Khổ, quá khổ! Tôi đi rồi nên cô muốn sao thì muốn phải không?”
“Mẹ, con…”
“Cô thế nào tôi còn chẳng rõ sao? Nhà họ Dương là cái gia đình có phép tắc, có nề nếp đàng hoàng. Thế mà, cô lại dung túng cho thằng Phong nó cặp bồ, phản bội người đầu ấp tay gối với nó. Tôi hết nói nổi cô rồi đấy?”
Bà Trúc Anh bị trách mắng nên đã không còn nghĩ đến việc sợ, bà đứng thẳng lên, mạnh dạn nói lại mẹ chồng: “Con không có dung túng, nhưng là vì cháu dâu của mẹ nó không có xứng đáng với Chấn Phong. Năm đó nó bỏ đi, bỏ mặc sống chết của chồng nó ra sao, mẹ cũng biết hết mà?”
Bà nội vẫn cái kiểu lắc đầu ngán ngẩm: “Thà khi đó nó đi, còn hơn ở lại rồi nhìn cảnh chồng, mẹ chồng lẫn cả chị chồng ủng hộ cho chuyện chồng nó nɠɵạı ŧìиɧ.”
“Trúc Anh, con cũng từng có cuộc sống hôn nhân, nếu ở tình cảnh như vậy thì con sẽ nghĩ sao? Ai mới là người sai trước đây hả?”
Dù bà nội có nói gì thì bà Trúc Anh nghe cũng không muốn lọt lỗ tai: “Người sai là con, con sai khi để Chấn Phong cưới con gái nhà họ Trịnh; cái nết không có, dung hạnh cũng không. Nếu làm lại được mọi chuyện, con dĩ nhiên phản đối cái hôn nhân đó. Điều quan trọng nhất vẫn là hạnh phúc của con trai con, của cháu trai mẹ thôi.”
“Cô dung túng cho con cô phá vỡ hôn nhân một vợ một chồng, phá vỡ thủy chung, thì cho dù nó có cưới con bé kia về cũng sẽ có ngày nó lại đòi bỏ. Nết, dung hạnh, nào có qua được cái miệng lưỡi của bọn con gái thích dụ dỗ, phá hoại gia đình nhà người ta. Cháu dâu của nội nó hiền lành, tốt bụng như vậy còn bị ép phải ra đi.”
Bà Trúc Anh tức tối: “Mẹ lúc nào cũng chỉ bênh Mỹ Duyên. Mẹ nghĩ nó hiền sao? Sự thật là nó chỉ giỏi nịnh nọt mẹ chứ hiền lành ở chỗ nào? Chồng nói một câu nó cãi ba câu đấy, chẳng qua là mẹ không để ý chứ con thì biết hết. Giả bộ, ngụy tạo hiền hậu thì chẳng ai qua được cái con cháu dâu đó của mẹ.”
Bà nội bỗng đập cây quạt một cái bụp xuống sàn: “Thế trong cái nhà này ai chịu quan tâm đến tôi? Ai sẵn lòng dỗ dành một bà già khó tính, đãng trí? Ai nhẫn nại đút cho tôi từng muỗng cháo những lúc tôi khó ăn, khó ở? Ai tối nào cũng đợi tôi ngủ mới dám quay về phòng? Cô có giả tạo được như thế không, cô làm được đến hơn một năm không?”
Bà Trúc Anh hạ mắt, miệng chẳng thể mấp máy nói. Vì trước đây những việc đó đều là Mỹ Duyên phục vụ cho bà nội, còn bà hay bị nhức mỏi, đau đầu nên là thường hay thoái thác.
“Những cái chuyện đó phận dâu con nó phải làm, cô lại đi bảo là nịnh nọt, là giả tạo? Còn cái chuyện con cô nó đi cặp bồ thì cô bảo là tốt, là thành thật à?”
“Hỏng, hỏng hết rồi! Con cái nó sai trái thì ba mẹ phải chỉ đường. Cô đằng này thì…” Bà nội lắc đầu, thở dài.
“Mẹ, thật ra con cũng chỉ là…”
Bà Trúc Anh đang nói thì luồng khói trắng lại xuất hiện cuốn theo bà nội cũng biến mất.
“Mẹ ơi, mẹ!”
Giật mình tỉnh giấc bà Trúc Anh mới nhận ra đấy chỉ là một giấc mộng mà thôi. Khi con sống mẹ chồng cũng đã có trách mắng bà về chuyện bạn gái của Chấn Phong, nay đến trong mơ bà cũng còn bị mắng nữa sao? Mơ thì cũng chỉ là ảo ảnh trong giấc ngủ, chắc mấy ngày nay người uể oải, lại lo lắng nhiều nên bà mới bị mơ như thế. Hồi nào đến giờ có khi nào là ngủ mơ vậy đâu, chắc chắn là do cơ thể đã quá mệt mỏi.
Bơm nhìn thấy bà chủ xuống phòng bếp, trán toát mồ hôi nhiều thì hỏi: “Bà bệnh hả bà?”
“Tôi không sao, pha cho tôi ly sữa đi! À mà thôi làm nước ép đi, nước ép dưa lưới.”
“Dạ.” Bơm mở tủ lạnh, lấy dưa để ép.
Bà Trúc Anh ngồi xuống ghế, thở ra hơi dài.
…
Cuối cùng, cũng đến được Nha Trang, may là cơn bão đã suy yếu và chỉ còn để lại những hạt mưa nhỏ. Nếu không Trịnh Mỹ Duyên có lẽ vẫn chưa thể quay lại nơi đây được.
“Tại sao lại đến chỗ này?” Cô ngạc nhiên khi mình bị đưa đến một ngôi nhà to rộng.
Anh tài xế lấy trong túi áo một chùm chìa khoá đưa cho cô: “Đây là nhà của cô, anh Phong đã dặn tôi đưa cô đến tận đây và đưa cho cô chìa khoá. Tôi đã làm xong nhiệm vụ, giờ tôi chỉ còn một việc là giúp cô mang hành lý vào bên trong nữa thôi.”
Trịnh Mỹ Duyên nhìn chìa khoá đang cầm trong lòng bàn tay, lạnh lùng nói: “Anh ta lại muốn tôi phải nợ ân tình.”
Sau đó cô lại nói: “Không cần phải mang hành lý vào, anh hãy đưa tôi đến một nơi khác, tôi sẽ trả thêm tiền.”
Anh tài xế ái ngại cười, sau đó nói thêm một chuyện cho cô nghe. Trịnh Mỹ Duyên nghe xong thì đành phải thu lại đề nghị vừa rồi, vì… cô chẳng còn cách nào khác.