Tiểu Tam Anh Yêu Em

Chương 141: Gây sự ở công ty (1)

Như lời đã hứa với Trịnh Mỹ Duyên, Diệp Thành đã nhanh chóng đến tìm cô và đưa cô đến gặp người bạn là chuyên gia trong lĩnh vực vật lý  trị liệu.

Vì đàn anh quá nhiệt tình nên Trịnh Mỹ Duyên mới đồng ý nghe theo, chứ trong thâm tâm thì cô đã không còn hy vọng gì về ngày cô có thể đi lại bằng đôi chân của mình.

“Cô có cảm giác gì không?” Bác sĩ hỏi sau khi đã thử gõ vào chân của cô.

Trịnh Mỹ Duyên lắc đầu. Nhìn vào ánh mắt của cô cũng có thể thấy cô không hề trông đợi vào một kết quả nào cả, dù vậy thì bác sĩ vẫn thử những cách có thể để khám cho cô và đưa ra một phương án để điều trị.

Trong số những điều không thể thì đã có một tia hy vọng, chân của Mỹ Duyên đã có một chút phản ứng. Bác sĩ qua đó có thể đánh giá là chân của cô ấy vẫn chưa bị liệt hoàn toàn, và còn cần làm thêm vài bước kiểm tra nữa để có đánh giá cụ thể hơn.

Sau khi ra khỏi phòng khám, Trịnh Mỹ Duyên mới nói với Diệp Thành: “Em thấy không cần phải kiểm tra thêm gì đâu, khả năng đi được của em quá thấp, làm kiểm tra sẽ thêm tốn kém thôi.”

Diệp Thành ngồi thấp xuống, anh nhìn cô rồi xoa nhẹ đầu cô một cái: “Anh bảo em đừng lo về tiền rồi mà! Với anh, em không cần phải ngại.”

Trịnh Mỹ Duyên mỉm cười nhẹ, cô nói: “Em chỉ không muốn anh vì em mà tốn kém, và còn là tốn công vô ích.”

“Từ khi nào em lại trở nên bi quan như vậy? Không giống em ngày xưa chút nào cả. Đừng suy nghĩ nhiều nữa, em phải thử cho mình một cơ hội thì mới biết có được hay không chứ!”

Trịnh Mỹ Duyên im lặng, cô hạ nhẹ mắt xuống rồi gật đầu. Diệp Thành thấy vậy thì cũng vui. Anh đứng dậy, đẩy xe cô đi qua những phòng đã được chỉ định.

Sau khi hoàn thành các bước kiểm tra, bác sĩ sẽ điều trị phục hồi chức năng tủy sống cho Trịnh Mỹ Duyên. Qua việc trị liệu này thì cô ấy sẽ phải tập đứng và đi lại bằng các dụng cụ hỗ trợ.

Vì chân của cô chưa bị liệt hoàn toàn, qua kiểm tra kỹ lưỡng đã cho thấy cô vẫn còn cơ hội để phục hồi. Tuy nhiên, để có thể đạt được kết quả như mong muốn sẽ cần bệnh nhân phải có ý chí mãnh liệt. Việc tập vật lý trị liệu nói nghe rất đơn giản, nhưng để thực hiện được hay không thì đó là cả một vấn đề. Muốn có thể đi lại bình thường ắt phải bỏ nhiều thời gian, chứ không phải là trong vòng vài ngày, hay một sớm một chiều là có thể đi được, nó còn khó khăn hơn là một đứa bé khi học cách đi. Cũng chính vì vậy người tập sẽ rất cần sự động viên, cổ vũ của người thân, nếu không thì họ sẽ rất dễ nản lòng.

Diệp Thành đẩy xe lăn của Trịnh Mỹ Duyên ra khỏi bệnh viện, anh vừa đi vừa nói với cô: “Em thấy không, anh nói là em hãy thử cho mình cơ hội mà! Điều quan trọng bây giờ là em cần phải cố gắng thôi, hãy kiên trì lên nhé!”

Nghe những lời động viên đó của đàn anh, Trịnh Mỹ Duyên nhẹ nhàng nói: “Cảm ơn anh!”

Cô nói lời cảm ơn nhưng cũng không có nghĩa là cô vui mừng vì mình có cơ hội được như lời anh ấy nói, mà chỉ là vì phép lịch sự trong đối đáp xã giao. Tận sâu trong đáy lòng của cô lại không phải là một niềm vui mà là một nỗi sợ. Cô sợ cảm giác ấy sẽ quay lại, sợ cái việc cô đã từng vấp ngã trong lúc tập vật lý trị liệu mà không thể đứng lên được. Đó là một cảm giác vô cùng tuyệt vọng.

Trịnh Mỹ Duyên đồng ý với Diệp Thành đến đây thăm khám cũng là vì cô tin mình hoàn toàn không còn khả năng nào cho việc tập luyện, anh ấy cũng sẽ từ bỏ việc khuyên cô. Nhưng không ngờ chân cô lại có kết quả ngược lại với niềm tin mà cô đã tin. Vấn đề là ở chỗ cô không muốn cảm giác bất lực đó quay trở lại, cho nên cô phải lựa lời mà nói với Diệp Thành là cô muốn từ chối thực hiện việc tập đi.

Khi về đến nhà, cuối cùng Trịnh Mỹ Duyên cũng đã nói ra những gì mà cô suy nghĩ cho Diệp Thành nghe.

Biết cô ấy có tâm lý không tốt về chuyện tập chân nên Diệp Thành đã ra sức khuyên: “Em đừng sợ, vì có anh đây! Anh sẽ cố gắng hết sức để giúp em! Đây là cơ hội tốt để em tập luyện, nếu để lâu khi em càng thêm tuổi thì chuyện này sẽ càng khó khăn hơn.”

“Nghe anh, đừng nản lòng như vậy!”

Trịnh Mỹ Duyên hạ đôi mi, che đi nỗi buồn trong mắt cô: “Em biết anh rất muốn giúp em, nhưng anh không thể hiểu được cảm giác của em đâu. Bấy lâu nay, em đã quen dùng xe lăn rồi, việc có đi được bằng chân hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa.”

“Sao em nói thế? Không đi đứng được thì làm sao em tự chăm sóc tốt cho bản thân?”

Trịnh Mỹ Duyên nâng mắt lên định nói thì Diệp Thành đã giành nói trước: “Đừng bảo với anh là lâu nay em vẫn sống tốt, vì anh sẽ không tin đâu. Nghe anh đi, hãy thử một lần nữa và cố gắng thêm một lần nữa, nếu như vẫn không được thì hãy tính đến chuyện từ bỏ được không?”

Mỹ Duyên vẫn còn lưỡng lự thì anh lại nói với cô: “Coi như công anh tìm bác sĩ giỏi cho em nên đừng phụ lòng tốt của anh.”

“Nào, gật đầu với anh xem!” Diệp Thành vuốt mái tóc cô.

Trịnh Mỹ Duyên cảm thấy khó xử, cũng bởi anh ấy quá nhiệt tình, và cũng bởi nếu cô không đồng ý thì là phụ một tấm lòng tốt. Nhưng… thật sự là cô vẫn không muốn trải qua cái cảm giác ấy, nó sẽ rất khó khăn.



Mấy ngày sau, tại công ty A, một cô gái ăn mặc sang chảnh tiến đến quầy lễ tân, cô ta yêu cầu gặp Tổng giám đốc. Nhưng công ty vốn có quy định không có lịch hẹn thì sẽ không được gặp ông Tổng, nên nhân viên tiếp tân đã không đồng ý cho người này vào.

“Cô có thể ghi lại thông tin, tôi sẽ trình lên cho Tổng giám đốc, nếu được sẽ liên hệ với cô và xếp lịch hẹn gặp.”

Nhân viên tiếp tân lịch sự đưa ra đề nghị. Mặc dù thế thì cô gái này cũng không có ý muốn chấp nhận lời gợi ý đó: “Tôi phải gặp ngay bây giờ, nếu không tôi làm ầm lên. Lúc đó, ông Tổng của các cô bẽ mặt thì cũng trách lên các cô không biết cách xử lý khéo đấy.”

“Xin lỗi cô, chúng tôi chỉ làm việc theo quy định nên mong cô thông cảm!”

“Nói tóm lại là cô không cho tôi vào chứ gì?”

“Xin lỗi nhưng tôi không thể, mời cô về cho!”

Cô nhân viên vẫn tỏ thái độ vui vẻ để nói chuyện, tuy nhiên ánh mắt của cô thì đang ngó đến bảo vệ đứng ở cửa ra vào. Anh bảo vệ để ý thấy nhân viên đang nhìn nên cũng biết là cô ấy đang ra khéo ám hiệu cho mình. Anh ta từ từ tiến đến, nếu cô gái kia định vào đây quậy phá thì sẽ lập tức bị lôi ra ngay.

Và quả nhiên là cô ta đã làm ầm lên, la lối gọi tên ông Tổng, nói mình bị cưỡиɠ ɧϊếp, bức ép rồi bị phũ phàng. Bảo vệ đã phải lôi cô ta ra ngoài. Nhưng cô gái này rất lì lợm và cố chấp, cô ta vì không muốn bị lôi ra mà đã níu kéo lại những gì bàn tay có thể với được để ngăn lại việc mình bị kéo đi. Cũng vì thế, mà chậu hoa trên bàn tiếp tân, hay máy tính cũng bị rơi xuống đất.

Chuyện này nhanh chóng truyền qua các phòng ban khác, và cũng nhanh chóng lọt đến tai Tổng giám đốc Dương Chấn Phong. Anh nghe qua lời thư ký nói thì đã biết người đến tìm mình là ai.

“Dám đến tận đây quậy phá sao?”

“Cô nói bảo vệ để cho cô ta lên đây!”

Thư ký hơi hoang mang: “Dạ nhưng…”

“Tôi nói cô không nghe hả? Bảo họ để cô ta lên đây!” Dương Chấn Phong tức giận lớn tiếng.

Thư ký cúi đầu: “Dạ vâng, tôi sẽ bảo ngay!”

Dương Chấn Phong kéo cà vạt nới ra một chút, miệng thở ra một hơi, nét mặt khá căng nên khi nhân viên đưa giấy tờ vào ký cũng run cầm cập. Làm việc với sếp lớn khổ cái là khi ông ta bực thì người nhân viên có nguy có biến thành tấm thớt, bởi thế phải dè chừng và cẩn thận mọi lời ăn tiếng nói mới được.

Thư ký đi ra ngoài đã nhấc điện thoại lên và gọi xuống cho bên bảo vệ yêu cầu họ cho cô gái gây rối kia lên phòng của Tổng giám đốc.