Kăply gật đầu đáp, tránh nhìn vào mắt Mua, sợ nhỏ bạn đọc được những ý nghĩ ngổn ngang trong đầu mình.
Để lảng đi câu chuyện, Kăply nhìn thằng Tam và Bolobala đang cặp kè bên nhau, nói lớn:
- Lâu quá tao hổng thấy mày làm thơ đó, Tam.
Nguyên liếc vẻ lúng túng của Tam, mỉm cười đỡ lời:
- Đừng đòi hỏi nhiều thế, K’Brêt. Đôi khi suốt cả đời con người ta chỉ cần làm một bài thơ là đủ.
- Anh nói hay lắm, anh K’Brăk. – Êmê nhanh nhẩu vọt miệng, như thể cô nàng rình Nguyên từ nãy giờ. – Nhưng cho đến hôm nay anh vẫn chưa hề làm tặng em một bài thơ nào hết đó nha.
Vừa nói Êmê vừa nhìn Nguyên bằng ánh mắt mà đứa nào cũng thấy rõ là chứa đầy trách móc. Nguyên càng thấy rõ điều đó hơn ai hết, cho nên màu đỏ trên mặt Tam lập tức chạy qua mặt nó, nhanh còn hơn người ta đổi màu trên bảng quảng cáo điện tử.
Dứt một lúc bốn, năm sợi tóc, Nguyên làm một động tác giống như cười mà không phải cười, trông nó ngượng ngùng đến mức cuối cùng Êmê đành phải nói thêm một câu nữa:
- Em chỉ trêu anh thôi. Khi nào muốn nói gì với em thì anh gặp em anh nói thẳng chứ đâu cần phải làm thơ như thi sĩ Rchom Tam, anh K’Brăk há?
Khi nói như vậy, Êmê không biết nó càng làm cho Nguyên bối rối hơn nữa. Lúc nãy, mặt Nguyên dở cười dở khóc. Còn bây giờ rõ ràng là khóc thiệt rồi.
Chương 17: Người mất bóng
Rồi ngày thứ sáu mà hai đứa trẻ làng Ke chờ đợi cũng tới. Đêm hôm trước, Nguyên gần như không chợp mắt được, rõ ràng có cái gì đó chắn ngang giữa nó và giấc ngủ. Cũng như Kăply, nó nghĩ về tấm gương trong bí thất của ông K’Tul thì ít, mà nghĩ về hai chiếc ghế ngựa vằn thì nhiều. Và cũng như bạn mình, lòng nó trộn lẫn bao nhiêu là cảm xúc. Nó vừa nôn nao mong đến thời khắc được quay về làng Ke, nó nhớ mọi người ở làng, nhớ gia đình nhớ bạn bè, nhớ cả thầy Râu Bạc, nhưng đồng thời khi nghĩ đến chuyện rời bỏ xứ sở mà đến hôm nay nó đã cảm thấy vô cùng gắn bó, nghĩ đến chuyện chia tay và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại Êmê ở nhà và tụi Bolobala ở trường, tự dưng nó lại cảm thấy bùi ngùi không nở. Đó là chưa kể đến những người mà nó không thể nghĩ khác hơn là vô cùng thân thiết với nó như thằng Suku, nhỏ Păng Ting, thầy hiệu trưởng N’Trang Long, thầy Haifai, thầy Akô Nô, cả cô Kemli Trinh nữa – là người kể từ sau vụ Buriam đã giữ lời hứa “ta sẽ coi con như con của ta” bằng cách mỗi khi đi ngang nó, cô hay giúi vô tay áo chùng của nó khi thì một chiếc bánh Nhớ dai mua chỗ mụ Gian khi thì một túm cỏ xạ hương – thứ vật liệu dùng để pha chế nước tắm tình yêu khiến mỗi lần lôi ra khỏi túi nó cứ phải dáo dác nhìn xem có đứa bạn nào trông thấy hay không. Nguyên ít có dịp trò chuyện với cô Kemli Trinh, nhưng cái cách cô đối xử với nó, bất chấp việc cô phải dành nhiều thì giờ quan tâm đến thằng Mom (gần đây cô đã công khai chuyện thằng Mom với sự đồng ý vui vẻ của pháp sư Lăk), tất cả những điều đó cộng với tính tình dịu dàng, hiền lành của cô khiến Nguyên vô cùng cảm động, mặc dù đôi lúc nó thắc mắc hổng biết cô đã thấy con nhỏ Êmê quàng tay nó bao giờ chưa mà cứ hay nhét cỏ xạ hương vô túi áo nó.Nguyên nằm nghĩ ngợi miên man, nhắm mắt lại vờ ngủ, tin rằng như vậy Kăply sẽ không có cớ bắt chuyện, không biết thằng bạn nằm giường bên cạnh cũng đang thao thức và suy nghĩ lung tung không khác gì mình.
Có thể thấy rõ là đêm hôm đó Nguyên và Kăply đều bị ám ảnh bởi những chiếc ghế ngựa vằn nhưng rốt cuộc cả hai đã không hề nói với nhau về chuyện tụi nó sẽ làm gì nếu tìm thấy hai chiếc ghế đó trong bí thất của ông K’Tul, nhưng như vậy thì lẽ ra sáng hôm sau, trước khi cùng thằng Suku chun vô căn nhà kho, tụi nó cũng trao đổi với nhau về chuyện này mới phải. Vậy mà trên thực tế hổng có gì giống như vậy hết: tụi nó đứa nào cũng im im, từ lúc leo xuống khỏi giường, đi tắm, thay đồ rồi ngồi đợi Suku, cả Nguyên và Kăply đều tránh nhìn vào mắt nhau, nếu bốn ánh mắt lỡ giao nhau thì cả hai liền hấp tấp quay mặt đi, làm như thể nếu nhìn nhau lâu hơn chút nữa thì chắc nụi là cả hai sẽ òa ra khóc.
Dĩ nhiên Nguyên hiểu rõ những gì đang xảy ra trong lòng tụi nó, vì thế mà nó rất khó chịu về tình huống mà nó và Kăply đang rơi vào. Lúc mới lạc bước đến xứ Lang Biang, Nguyên nôn nóng tìm ra hai chiếc ghế ngựa vằn biết bao, mong muốn cháy bỏng nhất của nó trong lúc đó là bằng mọi giá phải thoát ngay về làng Ke, nhưng bây giờ thì Nguyên bối rối, thậm chí khổ sở khi bắt gặp những thay đổi trong lòng mình. Dù sao thì nó và Kăply cũng phải quay về làng. Điều đó không cần phải bàn cãi nhưng Nguyên biết là nó (và chắc chắn là cả Kăply nữa) chưa muốn xa rời xứ Lang Biang trong lúc này. Sứ mạng tìm kiếm báu vật chưa hoàn thành, sứ giả Buriăk và hữu hộ pháp Balikem đang quần quanh đâu đây, trong khi đó trùm Bastu sắp quay lại và lão Ôka Na lúc nào cũng sẵn sàng trỗi dậy như một nguy cơ tiềm ẩn. – trước bao nỗi rối ren đó, Nguyên cảm thấy ra đi trong lúc này chẳng khác nào một cuộc chạy trốn, nhất là tụi nó đang được bao nhiêu người kỳ vọng. Về hay không về? Nguyên tự hỏi không phải chỉ một lần, và cũng không chỉ một lần nó không tìm ra câu trả lời dứt khoát. Vì vậy mà nó không dám nhìn thẳng vào mắt Kăply và nó biết cũng với lý do tương tự mà Kăply không dám nhìn thẳng vào mắt nó. Bởi tụi nó thật khó mà chọn cho được một vẻ mặt phù hợp với tâm trạng đang rối bời và nhỡ đứa kia buột miệng hỏi về đề tài gay cấn đó thì đứa này thiệt tình không biết phải đáp làm sao. Cho nên tốt nhất (mà cũng có thể là xấu nhất) là chẳng nói gì hết, mặc dù Nguyên thấy rõ khi vờ làm ra vẻ không nghĩ gì đến những chiếc ghế ngựa vằn thì tụi nó lại càng có vẻ chỉ nghĩ về mỗi chuyện đó thôi.
Suku không biết nỗi lòng của hai bạn nên vừa đút đầu vô phòng, nó tưởng mình bị hoa mắt:
- Làm gì mà hai anh dầu dầu vậy? Em cam đoan bữa nay thế nào cũng mở được cánh cửa chết tiệt đó mà.
Thằng nhóc không nói ngoa. Khi đứng trước bí thất của ông K’Tul, nó đeo chiếc găng tự chế vào rồi áp tay lên hình bàn tay in lõm trên cánh cửa, lầm rầm niệm chú: trước vẻ mặt đau đáu của Nguyên và Kăply, cánh cửa đột ngột trượt qua một bên như có ai kéo mạnh.
So với căn phòng âm u phía ngoài, bí thất của ông K’Tul giống như đang phơi mình dưới nắng: một quả bí được phù phép đang tỏa sáng rực rỡ đằng góc phòng khiến bọn trẻ phải đưa tay lên dụi mắt bốn, năm lần trước khi đặt chân qua ngưỡng cửa.
Đồ đạc trong phòng bày la liệt, cũ kĩ, bụi bặm, trông như một cái nhà kho thu nhỏ. Nguyên và Kăply vừa bước vào phòng, ánh mắt lập tức xẹt ngang xẹt dọc và khi nhác thấy hai chiếc ghế ngựa vằn quen thuộc kê sát vách bên tay trái, trái tim tụi nó như muốn vọt ra khỏi l*иg ngực, trong một thoáng đứa nào đứa nấy đều bắt gặp cảm giác lạnh ngắt nơi sống lưng.
Hoàn toàn không tự chủ, cả Nguyên lẫn Kăply đều run rẩy nhích chân về phía hai chiếc ghế, nhưng mới đi được vài ba bước, cả hai thình lình đứng lại, đứa này liếc đứa kia để xem phản ứng của bạn mình nhưng dĩ nhiên là chẳng đứa nào trông thấy đứa nào khi cả hai đều trong chiếc áo tàng hình.
Kăply ngoái nhìn về phía bức vách sau lưng, nơi phát ra những tiếng lục đυ.c cho biết thằng Suku đang mò mẫm tuốt đằng đó, thở nhẹ một cái rồi ngoảnh sang chỗ mà nó tin là Nguyên đang đứng, hạ giọng thì thầm:
- Bây giờ sao?
- Sao ư?
Bằng giọng vo ve như muỗi kêu, Nguyên đáp lại câu hỏi của bạn bằng một câu hỏi khác, phân vân và ngơ ngác – điều Kăply thiệt tình không chờ đợi. Ngay lúc này đây, Kăply không nhìn thấy Nguyên nhưng nó vẫn ngạc nhiên mường tượng ra vẻ mặt hoang mang của thằng-bạn-đại-ca-nói-gì-cũng-đúng của mình.
- Về làng không?
Cuối cùng, Kăply quyết định hỏi thẳng, mặc dù khi hỏi như vậy thực sự nó cũng không biết nó đang mong đợi ở Nguyên câu trả lời như thế nào: rằng nên về làng ngay hay nên hoãn lại.
Câu hỏi vừa rời khỏi môi, Kăply ngóc cổ hồi hộp chờ đợi, không biết ở bên cạnh Nguyên đang nhắm mắt lại, như thể khi không nhìn thấy gì hết thì nó mới đủ can đảm để chọn lựa câu trả lời. Nhưng rốt cuộc thì Kăply vẫn không biết ý kiến của bạn mình như thế nào (và chắc cũng chẳng có ai biết hết). Trong lúc Nguyên sắp thất bại trong ý định trì hoãn việc bày tỏ thái độ và chuẩn bị đáp lời Kăply thì ở bức vách đối diện, tiếng thằng Suku thình lình vang lên: