Chuyện Xứ Lang Biang 1: Pho Tượng Của Baltalon

Chương 4

Nguyên kín đáo liếc bạn qua khóe mắt, hí hửng khi thấy Kăply bắt đầu quan tâm đến bí ẩn của ngọn đồi, và cái lối Kăply bị dính cứng vào câu chuyện chẳng khác gì chiếc lá bị hút vào vũng nước xoáy làm Nguyên khoái trá quá.

- A, kho báu đó, nếu có chắc là lớn lắm! - Nguyên hùa theo với cái giọng hân hoan trắng trợn như thể nó đã biết kho báu đó nằm ở đâu.

Nguyên không ngờ tiếng reo hò quá trớn của mình đã đánh thức Kăply. Và thằng này đã kịp nhìn nó bằng ánh mắt cảnh giác:

- Mày vẫn còn muốn rủ tao lên đồi sao?

- Nếu mày không đi thì tao đi một mình... - Nguyên thở dài và cụp mắt xuống với cái vẻ rất chi là vờ vịt. - Bởi vì trừ thầy Râu Bạc ra, khắp làng Ke không ai có thể xác nhận câu chuyện thầy kể là thật hay là dóc tổ.

Dù rất nghi ngờ vẻ mặt rầu rĩ như sắp sửa tử vì đạo của bạn, cái câu vừa rồi Kăply biết là Nguyên nói đúng. Nó đã từng hỏi ông ngoại nó, bạn của ông ngoại nó và bạn của bạn ông ngoại nó, những người có mặt ở cái làng này xấp xỉ một trăm năm, nhưng chẳng ai biết tại sao ngọn đồi phía sau trường có tên là đồi Phù Thủy, và cũng chưa có ai từng đặt chân lên đó. Có nghĩa là cái tên đó, cũng như cái lệnh cấm đó, đã có từ lâu lắm.

- Thế nhỡ những điều thầy Râu Bạc nói là thật thì sao! - Kăply thốt thành lời những lo lắng trong đầu. - Nếu trên đồi đúng là đang trú ẩn một mụ phù thủy thì bọn mình sẽ tan xác dưới đáy vực.

- Mày nghe đây! - Nguyên đập hai bàn tay vào nhau. - Những gì thầy Râu Bạc nói với bọn mình chưa hẳn là thật. Giả dụ thầy không cố tình hù bọn mình thì câu chuyện đó cũng xảy ra rất lâu rồi đúng không? Mày cố ra lệnh cho cái đầu của mày suy nghĩ đi! Có phải nếu mụ phù thủy kia vẫn còn ở trên đồi thì làng Ke hẳn đã xuất hiện lắm chuyện kỳ quái rồi không? Nhưng chẳng có chuyện gì đáng kể là kinh hãi cả, ngay một lời đồn cũng không. Ông mình, bà mình, ba mình, mẹ mình, rồi tới mình, có ai thấy gì đặc biệt đâu!

Kăply nghe lùng bùng hai lỗ tai. Nó lúc lắc đầu và đáp trả lời thuyết giảng tràng giang đại hải của thằng bạn bằng một câu cụt ngủn:

- Giờ tính sao?

- Chiều mai lên đồi.

Kăply ngước mặt lên nhìn bạn, nó thấp hơn Nguyên gần một cái đầu:

- “Bọn mình” lên á?

- Không có mày thì tao cũng vẫn đi.

Nguyên nói hùng hổ nhưng ánh mắt nó cho thấy nó đang mong Kăply nhận lời đi với nó đến chết đi được. Nhưng Kăply đã bất ngờ ngoảnh mặt đi chỗ khác:

- Chiều mai tao bận rồi!

Rồi cũng bất ngờ như thế, nó quay mặt lững thững bỏ đi. Nguyên nghệt mặt dõi theo lưng bạn, ngạc nhiên sao thằng Kăply không biến thành thứ gì đó, như một con cóc hôi hám chẳng hạn, quách cho rồi.
Chương 2: Đồi Phù Thủy
Nguyên có mặt ở chân đồi phía Bắc lúc hai giờ trưa. Leo lên đồi Phù Thủy từ hướng Nam như mọi lần, tức men theo Đường Lên Núi, chắc chắn gần hơn và dễ hơn, nhưng nguy cơ bị thầy Râu Bạc phát hiện lại cao hơn. Đến giờ này mỗi khi nhớ tới bộ mặt đỏ bừng như hơ lửa của thầy hôm qua, Nguyên vẫn còn hãi. Nó không hiểu được làm sao mà thầy Râu Bạc lại khó chịu với cái chuyện tụi nó mò lên đồi như thế. Thầy lo cho tính mạng của tụi nó thật hay quả tình thầy đang cất giấu bí mật gì trên đó.

Nguyên vừa nghĩ ngợi vừa dọ dẫm bằng cặp mắt không ngừng dáo dác đong đưa. Những lần trước, Nguyên nảy ra ý định lên đồi chỉ vì nghịch ngợm, vì khoái chơi ngông. Nó đã chán cái cảnh cả bọn chen chúc nhau thò đầu qua cửa sổ lớp học mỗi ngày để chỉ trỏ và bàn tán suông như một lũ chết nhát lắm rồi. Ý nghĩ trở thành người đầu tiên của làng Ke trong vòng một trăm năm nay đặt chân lên đồi Phù Thủy đối với nó thật hấp dẫn. Bữa nay, ý nghĩ đó còn sôi sục hơn do được đốt nóng bởi ngọn lửa háo hức khám phá bí mật của thầy Râu Bạc, cái bí mật mà nó tin là rất có thể thầy chôn dưới một gốc cây nào đó trên đồi.

Chốc chốc Nguyên lại dừng bước, đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, trên cằm và trên cổ. Mặt trời ban trưa trút xuống đầu nó từng bựng hơi nóng mặc dù nó cố tình lê bước dưới những tàng cây rậm.

Nguyên vừa đi vừa dừng, tới lần thứ mười thì đã đến lưng chừng đồi. Những lần trước Nguyên cũng chỉ leo lên tới khoảng này rồi lại quay xuống. Dường như có một nỗi sợ không tên đã níu lấy chân nó, bất chấp việc nó là đứa trẻ gan dạ nhất làng.

Nguyên đứng tại chỗ một hồi lâu, nghiêng tai nghe ngóng. Những ngọn gió vừa quăng mình rào rào trên ngọn cây vừa hú l*иg lộn khiến Nguyên thầy rờn rợn. Ở dưới thấp, gió hiền hòa hơn, lên cao bỗng như mọc thêm chân thêm cánh để dọa người. Rất nhiều lần Nguyên thấy mình bị bao bọc giữa vô số những tiếng sột soạt khả nghi chung quanh. Nguyên biết đó là tiếng những con thú nhỏ đang lén lút đi luồn trong bụi rậm nhưng có lúc nó lại không quả quyết được điều đó.

Nguyên lại đưa tay chùi mồ hôi trán, ước chi lúc này mọc ra thêm chừng mười hai con mắt để khỏi phải lo lắng ngoảnh tới ngoảnh lui nhặng xị.

Đang căng thẳng, một tiếng động lớn vang lên ngay sau lưng làm Nguyên giựt bắn cả người, tóc gáy đồng loạt dưng đứng lên còn trái tim rõ ràng là văng đi đâu cả thước. Nó quay phắt lại, mắt trừng trừng nhìn vô lùm cây đang lung lay dữ tợn.

Cho tới khi kịp quét mắt xuống đất và nhác thấy một bàn chân thò ra dưới bụi cây thì Nguyên cảm thấy không chỉ trái tim mà ruột gan phèo phổi nó cũng trôi tuột đi đâu mất. Miệng nó há to như miệng cống, từ đó một tràng hãi hùng l*иg lộn tuôn ra:

- A a a a a a a a a aaaaaaaaa...

Chắc chắn trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, bộ não của Nguyên đang bị hình ảnh mụ phù thủy trong câu chuyện của thầy Râu Bạc đè cho bẹp rúm.

Bàn chân dưới bụi cây bị tiếng thét của Nguyên lôi ra thêm một khúc, rồi lại lòi ra thêm một bàn chân nữa, và khi có đủ hai chân rồi thì cái hình thù trong bụi cây lồm cồm đứng dậy.

Nguyên như đứng tròng khi khuôn mặt đang toe toét cười của Kăply hiện ra sau đám lá xanh.

Không biết mất bao nhiêu lâu, lục phủ ngũ tạng mới trở về đúng vị trí trong cơ thể Nguyên. Nó hớp một hơi không khí, và giận giữ phun ra phèo phèo:

- Bộ mày không nghĩ ra được trò nào tử tế hơn hả Kăply?

Kăply cười hì hì:

- Cùng đi với mày lên đồi là cái trò tử tế nhất trong đời tao đó.

Nguyên nhăn nhó ôm ngực có cảm tưởng như nó vừa nuốt nguyên một quả táo to đùng:

- Tốt quá há? Suýt chút nữa tao đã chết ngắc trước khi chết vì rơi xuống vực rồi.

Hai đứa nhóc dọ dẫm đi tiếp. Lần đầu tiên có bạn đi cùng, Nguyên cảm thấy nắng như dịu đi trên đầu và gió bớt gầm thét hơn.

- Mày bám theo tao từ lúc nào thế! - Nguyên hỏi, tay vẫn còn xoa xoa nơi ngực.

- Từ lúc mày vừa ra khỏi nhà.

- Thế hôm qua mày bỏ đi là cố tình trêu tao đấy?

- Tao muốn coi thử mày gan cỡ nào... - Kăply cười khoái chí. - Hóa ra mày hét cũng to quá đó chớ!

Nguyên thò tay dứt mạnh một sợi tóc, gầm gừ:

- May mà tao còn sống để mà hét!

Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc hai đứa trẻ đã lên tới đỉnh đồi. Lúc này, Nguyên và Kăply đứng giữa đám cây cối um tùm, ở trên đầu chim từng bầy nháo nhác, những con chim lạ với những sải cánh dài không ngừng kêu quang quác.

Nguyên vẹt lá nơm nớp nhìn xuống chân đồi:

- Lũ chim làm náo động kiểu này chẳng biết thầy Râu Bạc có nghe thấy không há?

Nguyên cứ sợ thầy Râu Bạc biết tụi nó mò lên đồi Phù Thủy. Cứ theo thái độ của thầy hôm qua, có vẻ như thầy sẵn sàng nuốt sống tụi nó nếu biết tụi nó lại tự tiện lùng sục ngọn đồi.

Kăply đảo mắt nhìn quanh, nói giọng tỉnh khô:

- Thầy biết thì đã sao. Cùng lắm thầy chỉ hò hét như hôm qua thôi. Thầy đâu có nỡ làm hại bọn mình... Thực tình tao chỉ sợ mụ... mụ...