làm Giao Châu Thứ sử. Con Bí là Chúng, làm Thượng thư bộc xạ.
Thiệu tự Hiếu Tắc, xem rộng các sách, ưa bàn làm cho người vui. Thủa trẻ cùng nổi tiếng với cậu là Lục Tích, còn bọn Lục Tốn, Trương Đôn, Bốc Tĩnh đều đứng hàng sau.
Ngô lục chép: Đôn tự Thúc Phương, Tĩnh tự Huyền Phong, đều là người quận Ngô. Đôn rộng lượng sâu sắc, trong sạch đạm bạc, lại giỏi văn thư. Tôn Quyền làm Xa kị tướng quân, gọi làm Tây tào duyện, chuyển làm Chủ bạ, ra làm Hải Hôn Lệnh, rất có đức hóa, năm ba mươi hai tuổi thì chết, Bốc Tĩnh cuối cùng làm Diệm Lệnh.
Từ dân thường trong châu quận cho đến kẻ sĩ bốn phương đều qua lại gặp nhau, hoặc nói chuyện xong thì đi, hoặc kết giao rồi lại chia tay, danh tiếng lan truyền, gần xa khen ngợi. Quyền lấy con gái của Sách gả cho. Năm hai mươi bảy tuổi, rời nhà đến làm Dự Chương Thái thú. Xuống xe tế mộ của người hiền thời trước là Từ Nhụ Tử, đãi hậu dòng dõi của người ấy; cấm những kẻ cúng tế say mê không theo lễ nghi. Những viên quan nhỏ mà có đức lành thì sai đến theo học, chọn kẻ tài năng cho làm quan huyện, dạy dỗ nêu thiện, do đó giáo hóa trổ bày. Lúc trước, người huyện Tiền Đường là Đinh Tư xuất thân từ quân lính, người huyện Dương Tiện là Trương Bỉnh sinh từ nhà dân thường, người huyện Ô Trình là Ngô Xán, người huyện Vân Dương là Ân Lễ nổi lên từ nhà thấp hèn, Thiệu đều tiến cử mà kết bạn với họ, giúp họ lập danh tiếng. Bỉnh gặp lúc tang, bèn tự giúp kết áo buộc dây tang. Thiệu vào lúc đến quận Dự Chương, lên đường sắp đi, vừa lúc Bỉnh bệnh tật, bấy giờ có mấy trăm người hộ tống, Thiệu bèn bảo tân khách rằng: "Trương Trọng Tiết có bệnh, nếu không đến chia tay thì sợ rằng không còn gặp nữa. Ta tạm quay về nói lời cáo biệt, các ông đợi nhau đây chốc lát". Người này chú ý đến kẻ sĩ, chỉ tỏ điều tốt đều đại khái như thế. Tư làm đến Điển quân trung lang, Bỉnh làm Vân Dương Thái thú, Lễ làm Linh Lăng Thái thú,
Con Lễ là Cơ soạn sách Thông ngữ chép: Lễ tự Đức Tự, sức yếu nên không ham chơi, hiểu biết hơn người. Thủa trẻ làm quan trong quận, mười chín tuổi làm Ngô Huyện thừa. Tôn Quyền làm Vương, gọi làm Lang trung. Sau cùng Trương Ôn làm sứ đến nước Thục, Gia Cát Lượng rất khen ngợi. Dần dần chuyển làm Linh Lăng Thái thú, chết ở sở quan. Văn Sĩ truyện chép: Con Lễ là Cơ, làm Vô Nạn Đốc, vì tài học mà nổi danh. Soạn sách Thông ngữ có mấy chục chương. Có ba con: Cự tự Nguyên Đại, có tài đức. Lúc đầu làm Thiên tướng quân của nước Ngô, lĩnh bộ khúc của nhà minh đi đắp thành ở Hạ Khẩu, sau khi bình Ngô, làm Thương Ngô Thái thú. Con út là Hựu, tự Khánh Nguyên, làm Ngô Quận Thái thú.
Xán làm Thái tử thiếu bảo. Người đời cho là Thiệu biết nhìn người. Tại quận năm năm, chết ở sở quan, con là Đàm, Thặng vậy.
Đàm tự Tử Mặc, tuổi đội mũ cùng bọn Gia Cát Khác là bốn người bạn của Thái tử, từ chức Trung thứ tử chuyển làm Phụ chính đô úy.
Lục Cơ chép truyện về Đàm rằng: Ban lệnh Thái tử giữ ở Đông cung, Thiên tử đang nêu ý dạy bảo, chọn dùng anh tài giảng dạy làm tả hữu. Bấy giờ người tài bốn phương tụ cả, bọn Thái phó Gia Cát Khác hùng tài hơn người, mà Đàm lại hiểu biết hơn đời, rất được kính trọng. Từ bọn Thái úy Phạm Thận, Tạ Cảnh, Dương Huy đều kẻ tài năng mà được khen, nhưng đều đứng dưới Đàm.
Giữa năm Xích Ô, thay Khác làm Tả tiết độ.
Ngô thư chép: Đàm mới vào phủ quan, dâng sớ kể việc, Quyền dừmg ăn khen hay, cho là hơn cả Từ Tường. Tĩnh nhã nhặn cao thượng, không màng khí khái, có kẻ vì thế mà chê trách, nhưng Quyền xét tài năng của người này, được đối đãi rất hậu, nhiều lần ban thưởng, rồi được gọi đến.
Hễ xem sổ sách chưa từng ghi chép, chỉ ghi nhớ trong lòng, biết hết sai lầm, quan lại cấp dưới do đó mà chịu phục. Bái thêm làm Phụng xa đô úy. Tiết Tống làm Tuyển tào thượng thư, cố nhường Đàm rằng: "Đàm tính tình cẩn thận, thấu đạo đạt lí, tài chiếu muôn vật, đức thỏa lòng người, thật là kẻ ngu này không hơn được vậy". Sau bèn thay Tống. Ông nội là Ung chết được mấy tháng, bái làm Thái thường, thay Ung làm Bình thượng thư sự. Bấy giờ Lỗ Vương là Bá được quý sủng ngang hàng với Thái tử Hòa, Đàm dâng sớ nói: "Thần nghe nói bậc có nước có nhà phải làm rõ dòng nhánh trưởng thứ, phân biệt lễ nghi trên dưới, khiến có cao thấp có khác, bậc thềm xa cách, như thế thì mới cắt dứt được nỗi lo cốt nhục nhờ ân, dòm ngó. Ngày xưa Giả Nghị bày kế trị an, luận thế của chư hầu, cho rằng thế mạnh thì dẫu thân cận nhưng tất có ý phản nghịch; thế mỏng thì dẫu xa cách nhưng tất giữ được lộc trọn vẹn. Cho nên Hoài Nam Vương là em trong họ, không hưởng lộc trọn đời, mất là do ở thế mạnh vậy; Ngô Nhuế là bầy tôi xa cách, chuyển ban phong ở nước Trường Sa, được là vì thế mỏng vậy. Ngày xưa Hán Văn Đế sai Thận phu nhân và Hoàng hậu ngồi cùng chiếu, Viên Áng rút chỗ ngồi của phu nhân, Đế có ý giận, đến lúc Áng kể lễ nghi trên và dưới, nêu giới hạn của người và heo, lúc ấy Đế mới vui lòng, phu nhân cũng hiểu ra. Nay điều mà thần nói là không có gì thiên lệch, chỉ là muốn giữ yên ngôi vị Thái tử mà phân biệt vị thứ của Lỗ Vương vậy". Do đó Bá có hiềm khích với Đàm. Bấy giờ con rể của Trưởng công chúa là con của Vệ tướng quân Toàn Tông là Kí làm tân khách của Bá. Kí vốn là kẻ hùa theo điều xấu, Đàm không tin dùng. Lúc đầu, em Đàm là Thặng cùng với Trương Hưu đánh miền bắc đến thành Thọ Xuân, bấy giờ Toàn Tông làm Đại đô đốc, đánh với tướng Ngụy là Vương Lăng ở Thược Bi, quân không lợi, quân Ngụy thừa thắng đánh hãm quân của Ngũ doanh tướng Tần Nghê; Hưu, Thặng gánh đánh chống, bèn chặn được quân Ngụy. Lúc ấy các con của Tông là Tự, Đoan cũng làm tướng, nhân lúc địch đã bị chặn, bèn đến đánh chúng, quân của Lăng rút lui. Lúc luận công ban thưởng, cho rằng ngăn địch là công lớn, đánh lui địch là công nhỏ, do đó Hưu, Thặng đều được bái làm Tạp hiệu tướng quân, Tự, Đoan được bái làm Thiên tướng, Bì tướng mà thôi. Cha con Kí thêm hận, cùng vu vạ Đàm.
Ngô lục chép: Cha con Toàn Tông thường nói ở trận Thược Bi thì Điển quân Trần Tuân giả tăng công của Trương Hưu, Cố Thặng, lại cho là Hưu, Thặng thông tình với Tuân. Hưu bị kể tội giam ngục, Quyền vì Đàm là người cũ, trầm ngâm không quyết, muốn sai Đàm tạ lỗi rồi tha cho. Lúc mở hội lớn, đem việc hỏi Đàm, Đàm không tạ lỗi, lại nói: "Bệ hạ để lời gièm nổi lên sao"! Giang Biểu truyện chép: Quan coi việc tấu là Đàm xằng bậy không cung kính, xét đáng tội nặng. Quyền vì Ung mà không xử tội ấy, chỉ đều bắt đi đày.
Đàm bị đày đi Giao Châu, lặng lẽ mà phát giận, soạn sách Tân ngôn có hai mươi chương. Trong chương Tri nạn có lẽ là tự thương xót mình vậy. Bị đày xa hai năm, vào lúc bốn mươi hai tuổi chết ở quận Giao Chỉ.
Thặng tự Tử Trực, giữa năm Gia Hòa cùng với cậu là Lục Mạo vì có lễ mà được gọi. Quyền gửi thư cho Thừa tướng Ung rằng: "Cháu quý là Tử Trực, danh tiếng hay đẹp, đến khi gặp nhau mới biết hơn cả điều mà ta nghe nói. Vì khanh mà khen". Bái làm Kị đô uý, lĩnh quân Vũ lâm. Sau làm Ngô Quận Tây bộ đô úy, cùng với bọn Gia Cát Khác bình người Sơn Việt, thu riêng được tám nghìn quân khỏe,
về đóng quân ở Chương Khanh, bái Chiêu nghĩa trung lang tướng, vào làm Thị trung. Sau trận Thược Bi, bái Phấn uy tướng quân, ra làm Kinh Hạ Đốc. Được mấy năm, cùng với anh là Đàm, bọn Trương Hưu bị đày đi Giao Châu, chết vào năm ba mươi bảy tuổi.
Chú thích
(1) Sái Bá Giai: chỉ Sái Ung tự Bá Giai, người quận Trần Lưu cuối thời Đông Hán, thông hiểu kinh truyện, thiên văn, âm luật, giỏi làm thơ phú, từng hạch tội hoạn quan mà bị đày lên miền Sóc Phương. Sau đó Đổng Trác nắm chính sự, ép về làm quan, Trác chết, bèn bị Đổng Doãn ép chết ở trong ngục.
(2) Quý Vũ Tử chết thì Tăng Điểm đến cửa nhà người ấy mà hát; Tử Triết gây nạn thì Tử Sản tự
suy xét luận nghị.: Quý Vũ Tử là đại thần của nước Lỗ, chuyên quyền vun vén riêng khiến cho nước Lỗ suy yếu, sau khi chết thì kẻ sĩ trong nước là Tăng Điểm vui mừng, đến trước cửa nhà Quý Vũ Tử mà hát.
(3) Thần tọa: tấm bài vị khắc họ tên người đã mất để thờ cúng thời xưa.
BỘ CHẤT TRUYỆN
Bộ Chất tự Tử Sơn, người huyện Hoài Âm quận Lâm Hoài.