Tam Quốc Chí

Chương 44

Thứ sử Đào Khiêm cử mậu tài, không theo, Khiêm cho là khinh mình, bèn bị bắt giam. Dục phải cúi mình cứu giúp mới được thoát. Cuối thời Hán đại loạn, quan dân miền Từ Châu phần nhiều tránh nạn đến Dương Châu, bọn Chiêu đều vượt sông về phía nam. Tôn Sách dựng nghiệp, sai Chiêu làm Trưởng sử, Phủ quân trung lang tướng; lên nhà bái mẹ của Sách, sánh ngang hàng với Sách, những việc văn võ đều giao cho Chiêu.

Ngô thư chép: Sách gặp được Chiêu, rất mừng, bảo rằng: "Ta đang theo việc ở bốn phương, dùng kẻ sĩ hiền tài là hàng đầu, ta đối với ngài không dám khinh thường vậy". Bèn coi trọng làm Hiệu úy, dùng lễ thầy bạn mà đối đãi.

Chiêu hễ nhận được thư sớ của kẻ sĩ đại phu phương bắc khen Chiêu là người hiền, Chiêu bèn giữ kín mà không nói ra vì sợ nghi có ý riêng, nếu nói ra lại sợ không hay, tiến lùi chẳng yên. Sách nghe tin, cười đùa nói: "Ngày xưa Quản Trọng làm Tướng quốc ở nước Tề, Hoàn Công một lời cũng hỏi Trọng

Phủ, (2) hai lời cũng hỏi Trọng Phủ thì làm bá chư hầu. Ngày nay Tử Bố hiền năng, ta dùng được ngài, công danh há chỉ riêng về ta chăng"!

Sách sắp mất, lấy em là Quyền gửi Chiêu, Chiêu đem bầy tôi lập mà giúp Quyền.

Ngô lịch chép: Sách bảo Chiêu rằng: "Nếu Trọng Mưu không nắm được việc thì ngàu nên tự nắm lấy. Nếu lại không thắng lợi thì nên thong thả về phía tây cũng chẳng có gì đáng lo".

Dâng biểu lên nhà Hán, lại gửi thư xuống các quận thành, các quan tướng trong ngoài đều sai giữ chức vụ. Quyền đau buồn chưa xem được việc, Chiêu bảo Quyền rằng: "Là người sinh sau cốt ở việc gánh vác cơ nghiệp của đời trước, nắm vững miếu đường để tạo nên công nghiệp vậy. Ngày nay thiên hạ sôi sục, bọn cướp đầy núi, ngài hiếu liêm sao lại nằm yên thương buồn, tỏ ý của kẻ thất phu"? Bèn tự đỡ Quyền lên ngựa, bày binh đi ra, sau đó lòng người biết được nơi mà mình theo về. Chiêu lại làm Trưởng sử của Quyền, trao việc như trước.

Ngô thư chép: Bấy giờ thiên hạ chia cắt, nhiều người tự giữ lấy mình. Tôn Sách nắm quyền ngày càng ít, ân trạch chưa thấm sâu, chợt một sớm mất mạng, quan dân cùng nương dựa nhưng cũng có kẻ khác giống. Đến lúc Chiêu giúp Quyền, vỗ về trăm họ, kẻ sĩ chư hầu tân khách ở trọ đều được yên lòng. Quyền hễ đánh dẹp thì để Chiêu ở lại coi giữ, nắm việc trong phủ trướng. Sau đó giặc Khăn vàng nổi dậy, Chiêu đánh dẹp chúng. Quyền đánh quận Hợp Phì, sai Chiêu đi riêng đánh Khuông Kì, lại đem các tướng đánh phá tướng giặc ở quận Dự Chương là bọn Chu Phượng ở Nam Thành. Tứ đấy ít khi tự làm tướng súy, thường ở bên tả hữu, làm người bày mưu. Quyền thấy Chiêu là bầy tôi cũ, đối đãi rất trọng hậu.

Sau đó Lưu Bị tiến cử Quyền làm Xa kị tướng quân, Chiêu làm Quân sư. Quyền hễ đi săn, thường cưỡi ngựa bắn hổ, hổ thường nhảy đến vồ lấy yên ngựa. Chiêu biến sắc mặt mà đến trước mặt nói: "Tướng quân sao lại làm thế? Là người đứng đầu, gọi là người thống lĩnh anh hùng, dẫn dùng người hiền, há phải là xua đuổi ở đồng nội, tỏ cái dũng với thú dữ đâu? Nếu có cái hại một sớm, chẳng phải bị thiên hạ chê cười sao"? Quyền tạ lỗi Chiêu nói: "Ta tuổi trẻ suy nghĩ không xa, vì thế mà thẹn với ngài". Nhưng vẫn không dừng được, lại làm xe đi bắn hổ, làm gian xe vuông, giữa không che lọng, chỉ có một người ngồi ở trong mà bắn ra. Bấy giờ có con thú rời bầy liền phạm vào xe, Quyền thường lấy tay đánh để làm vui. Chiêu dẫu can ngăn nhưng thường cười mà không đáp. Năm Hoàng Sơ thứ hai thời nhà Ngụy, sai sứ giả là Hình Trinh bái Quyền làm Ngô Vương. Trinh vào cửa, không xuống xe, Chiêu bảo Trinh rằng: "Về lễ nghi thì không được không kính, về phép tắc thì không thể không làm theo. Vậy mà ngài dám tự kiêu tự đại, há thấy Giang Nam nhỏ yếu không có một mũi đao dài thước tấc nào chăng"! Trinh liền vội xuống xe. Bái Chiêu làm Tuy viễn tướng quân, phong Do Quyền Hầu.

Ngô lục chép: Chiêu cùng bọn Tôn Thiệu, Đằng Dận, Trịnh Lễ chọn lễ nghi của nhà Chu, nhà Hán mà soạn định lễ nghi của triều đình.

Quyền ở tại Vũ Xương, đến đài câu cá, uống rượu say sưa. Quyền sai người lấy nước làm rượu mời bầy tôi, nói: "Hôm nay uống rượu đến lúc say ngã trong đài mới được nghỉ ngơi". Chiêu nghiêm mặt không nói, ra ngồi trong xe ở ngoài. Quyền sai người gọi Chiêu lại, bảo rằng: "Chỉ là cùng làm vui thôi, ngài há giận làm gì"? Chiêu đáp nói: "Ngày xưa vua Trụ làm gò hèm ao rượu ăn uống thâu đêm, lúc ấy cũng để làm vui, không cho là xấu vậy". Quyền im ỉm, có ý thẹn, bèn bãi hội rượu. Lúc trước,

Quyền muốn đặt chức Thừa tướng, mọi người bàn cử Chiêu. Quyền nói: "Ngày nay nhiều việc, gánh việc nặng nề, nhưng không được đãi hậu vậy". Sau đó Tôn Thiệu chết, trăm quan lại chọn Chiêu. Quyền nói: "Ta há chẳng trọng Tử Bố sao? Nhưng lĩnh việc quan Thừa tướng rườm rối, mà tính ngài ấy lại cứng rắn, có chỗ nói không nghe thì sinh ra oán giận, không ích được gì vậy". Bèn dùng Cố Ung.

Quyền đã xưng tôn hiệu, Chiêu lấy cớ già bệnh, dâng trả chức vị và quan quân mà mình thống lĩnh.

Giang Biểu truyện chép: Quyền đã lên ngôi quý, mời hội trăm quan, kể công cho Chu Du. Chiêu cử hốt (3) muốn khen tụng công đức, chưa kịp nói, Quyền nói: "Nếu theo kế của Trương Công thì nay đã thành kẻ xin ăn rồi". Chiêu cả thẹn, nép xuống đất rơi mồ hôi. Chiêu trung trinh thẳng thắn, có khí tiết của bậc đại thần, Quyền kính trọng Chiêu nhưng không dùng Chiêu làm Thừa tướng có lẽ là vì Chiêu từng cho rằng lời bàn của bọn Chu Du, Lỗ Túc là sai vậy. Thần là Tùng Chi cho rằng: Trương Chiêu khuyên đón Tào Công, cái chí ấy há không sâu xa chăng? Người này giữ vẻ nghiêm nghị, trao thân cho họ Tôn, nhưng thật là vào buổi nguy nan, mới gặp thời khốn cùng. Từ thời Sách đến thời Quyền, tài lược đủ để giúp, cho nên dốc lòng trợ tá để tạo nên công nghiệp, trên thì xưng thần với nhà Hán, dưới thì giữ gìn trăm họ. Cái kế đứng chân vạc vốn không phải là chí của người này vậy. Tào Công theo lẽ thuận mà nổi dậy, lấy nghĩa mà lập công, mong đó mà quét sạch miền Hoa Hạ, dẹp bằng miền Kinh Dĩnh, cơ trời vững bền là ở vào buổi ấy. Nếu mà nghe theo lời bàn của Chiêu thì sáu cõi hợp một, há có cảnh quân loạn liên miên để tạo thành cái tệ hại của buổi Chiến quốc (4) sao! Dẫu không có công với họ Tôn nhưng có nghĩa lớn với thiên hạ vậy. Ngày xưa Đậu Dung theo nhà Hán, cùng chìm nổi với nhà nước; Trương Lỗ hàng nhà Ngụy, truyền lộc nhiều đời. Huống chi nếu Quyền đem cả nước Ngô mà trông mong theo phục thì vinh sủng dày lớn thì đo đếm sao hết được! Vậy thì Chiêu bày mưu ấy, há không trung lại chính đáng sao!

Chuyển bái làm Phụ Ngô tướng quân, Ban á tam ti, đổi phong làm Lâu Hầu, thực ấp vạn hộ. Ở cửa nhà mình không có việc gì, bèn soạn sách Xuân thu Tả thị truyện giải và sách Luận ngữ chú. Quyền từng hỏi Vệ úy Nghiêm Tuấn rằng: "Khanh đọc câu tối nghĩa trong sách được không"? Tuấn nhân đó đọc câu "Trọng Ni ngồi" trong sách Hiếu kinh. Chiêu nói: "Nghiêm Tuấn thô lậu, thần xin giúp Bệ hạ tụng đọc". Bèn tụng câu "Những việc mà quân tử ưa làm". Mọi người đều cho là Chiêu biết cách ngâm tụng.

Chiêu hễ chầu gặp, nói lời hùng tráng, ý tỏ ra mặt, từng vì nói thẳng mà trái ý vua, quan Thị trung không cho vào gặp. Sau có sứ Thục đến, khen vua Thục có đức tốt mà bầy tôi chẳng ai chống, Quyền than rằng: "Nếu Trương Công ngồi đây thì bên ấy nếu không bị bắt bẻ thì cũng bị dỡ bỏ, há được tự khoác lác sao"? Hôm sau, sai quan Trung sứ đến thăm hỏi, nhân đó mời gặp Chiêu. Chiêu rời chiếu tạ ơn, Quyền đến quỳ ngăn lại. Chiêu đã ngồi yên, nghểnh mặt nói: "Ngày xưa Thái hậu, Hoàn Vương không đem lão thần gửi cho Bệ hậ mà lấy Bệ hạ gửi cho lão thần, cho nên thần dốc hết khí tiết để báo ơn dày, khiến cho sau khi chết mất vẫn có người khen tụng. Nhưng ý nghĩ nông cạn, làm trái ý vua, tự bỏ mình chìm trong bóng tối, vứt mình trong hang sâu, không nghĩ là được mời gặp lại, được vâng mệnh nơi màn trướng. Nhưng kẻ ngu này mong giúp nước, chí vẫn trung trinh, đến chết mới thôi. Còn như thay lòng đổi tính, tìm cầu vinh hoa là điều mà thần không làm được vậy". Quyền bèn tạ lỗi.

Quyền vì Công Tôn Uyên xưng thần, sai Trương Di, Hứa Yến đến Liêu Đông bái Uyên làm Yên Vương, Chiêu can ngăn nói: "Uyên phản Ngụy sợ bị đánh mới đi xa đến xin giúp, vốn không có chí theo ta vậy. Nếu Uyên đổi ý, muốn tự nêu rõ với Ngụy, khi ấy hai vị sứ giả không được quay bề, lại