Tam Quốc Chí

Chương 42

(6) Tổ của ta: chỉ Khổng Tử, vì Khổng Dung là dòng dõi của Khổng Tử cho nên nói thế.

(7) Vua Yên mua xương của ngựa khỏe, không phải là để vứt ở giữa đường, mà là để dụ gọi con ngựa khỏe khác vậy: vua Yên là Yên Chiêu Vương. Theo Chiến quốc sách chép: Yên Chiêu Vương muốn tìm người hiền, Quách Ngôi nói rằng: "Thần nghe nói có một vị vua thời xưa dùng nghìn vàng để tìm mua ngựa nghìn dặm (chỉ ngựa khỏe, mỗi ngày chạy được nghìn dặm), ba năm không mua được, cận thần bảo vua rằng: "Xin đi tìm". Vua sai đi. Ba tháng sau, tìm được ngựa nghìn dặm nhưng ngựa đã chết, chỉ mua được xương ngựa mất năm trăm vàng, quay về báo vua, vua cả giận nói: "Ta muốn tìm mua ngựa sống, sao lại mua ngựa chết hết mất năm trăm vàng"? Cận thần nói: "Ngựa chết mà mua phải mất năm trăm vàng, huống chi là ngựa sống! Lòng thiên hạ tất biết vua biết mua ngựa, nay ngựa tất đến". Do đó không cần đi tìm nữa, có ba con ngựa nghìn dặm tự đến. Nay vương muốn cầu kẻ sĩ, trước là Ngôi, nếu Ngôi được tin dùng thì huống chi những người hiền hơn Ngôi"! Chiêu Vương dựng đài mà bái Ngôi làm thầy. Do đó kẻ sinh ranh nhau đến nước Yên. Nhạc Nghị từ nước Ngụy đi đến, Kịch Tân từ nước Triệu bỏ sang, Trâu Diễn từ nước Tề chạy lại.

(8) Thanh-Từ-Nhữ-Bái: chỉ vùng Thanh Châu, Từ Châu, quận Nhữ Nam, nước Bái.

(9) Từ-Tứ-Giang-Hoài: chỉ vùng Từ Châu, sông Tứ, sông Giang, sông Hoài.

(10) Quy Mệnh: chỉ vua Ngô là Tôn Hạo, sau khi hàng nhà Tấn đựoc phong làm Quy Mệnh Hầu, sử nhà Tấn thường gọi là Hạo là Quy Mệnh Hầu hoặc Quy Mệnh.

NGÔ THƯ QUYỂN 7 - Trương Cố Gia Cát Bộ truyện

Trương Chiêu, Cố Ung, Gia Cát Cẩn, Bộ Chất

GIA CÁT CẨN TRUYỆN

Gia Cát Cẩn tự Tử Du, người huyện Dương Đô quận Lang Nha.

Ngô thư chép: Tổ tiên là người họ Cát, vốn là người huyện Gia quận Lang Nha, sau dời đến huyện Dương Đô. Huyện Dương Đô có người họ Cát ở đấy trước rồi, người thời ấy gọi họ là Gia Cát, (1) nhân đấy đặt làm họ. Cẩn thủa trẻ đến kinh sư, đọc sách Mao thi, Thượng thư, Tả thị xuân thu. Lúc mẹ mất, để tang rất có hiếu, thờ mẹ kế cũng rất cung kính, rất có đạo của người con. Phong tục thông chép: Cát Anh làm tướng quân của Trần Thiệp, có công mà bị gϊếŧ, Hiếu Văn Đế truy tặng, phong con cháu tước Hầu ở huyện Gia, nhân đó đặt tên họ ấy. Sách này không giống so với lời mà Ngô thư chép.

Cuối thời Hán tránh loạn đến Giang Đông. Gặp lúc Tôn Sách chết, anh rể của Tôn Quyền người huyện

Khúc A là Hoằng Tư gặp Cẩn mà khen lạ, tiến cử cho Quyền, cùng bọn Lỗ Túc đều được đãi làm khách, sau làm Trưởng sử của Quyền, chuyển làm Trung tư mã. Năm Kiến An thứ hai mươi, Quyền sai Cẩn đi sứ đến nước Thục kết thân với Lưu Bị, gặp nhau bàn việc công với em là Lượng, lúc lui hội không gặp mặt riêng. Nói chuyện can gián Quyền chưa từng nói thẳng, ít thấy được phong thái, chỉ nói sơ qua để tỏ ý; nếu có lời chưa hợp ý thì bỏ ra mà nói riêng, thong thả mượn việc khác mà nói lại, lấy vật khác mà so sánh, do đó Quyền từ từ hiểu ra. Ngô Quận Thái thú Chu Trị là tướng được Quyền tiến cử, Quyền từng có ý trông mong vào người ấy, lại vốn đã kính trọng, nhưng người ấy lại tự nhún nhường, do dó giận dỗi không thôi. Cẩn đoán biết việc ấy nhưng không dám nói rõ, bèn mượn lấy ý riêng để tự hỏi, rồi viết thư trước mặt Quyền, bàn qua lí lẽ, dõi theo lòng ý Quyền mà cân nhắc. Viết xong, đem trình Quyền, Quyền mừng, cười rằng: "Ý ta rõ rồi. Cái đức của họ Nhan (2) khiến cho người khác cũng thấy gần gũi, là nói về việc này chăng"? Quyền lại trách mắng Hiệu úy Ân Mô, không biết định tội ra sao, bầy tôi phần nhiều khuyên can, Quyền lại càng giận, nói lí lẽ với họ, riêng Cẩn im lặng, Quyền nói: "Sao chỉ Tử Du không nói"? Cẩn rời chiếu nói: "Cẩn với bọn Ân Mô gặp buổi châu quận nghiêng lật, vật sống chết cả, bỏ phần mộ tổ tiên mà mang già trẻ đi cắt cỏ lau, theo về giáo hóa, ở giữa buổi lưu li, gặp được phúc nuôi chứa, vậy mà không tự thân gắng sức, không báo đáp được một phần nhỏ, lại còn khiến cho Mô riêng mình phụ bội ân huệ, tự hãm vào tội lỗi. Thần tạ lỗi cũng không kịp, thật là không dám nói nữa". Quyền nghe thế mà thương cảm, bèn nói: "Vì riêng ông mà tha cho hắn".

Sau đó theo đi đánh Quan Vũ, phong Nghi Thành Hầu, làm Tuy nam Tướng quân thay Lữ Mông lĩnh chức Nam Quận Thái thú, trú ở Công An. Lưu Bị sang đông đánh Ngô, Ngô Vương xin hòa, Cẩn gửi thư cho Bị rằng: "Trộm nghe cờ trống đã đến thành Bạch Đế, chỉ lo có bầy tôi bên ấy bàn nghị cho rằng Ngô Vương đánh lấy châu này, bức hại Quan Vũ, lúc ấy oán sâu họa lớn, không được hòa thân, đấy là dốc ý vào việc nhỏ mà không chú ý đến việc lớn vậy. Xin thử vì Bệ hạ mà luận việc nặng nhẹ và việc lớn nhỏ rằng: Nếu Bệ hạ nén giận giảm oai, soi xét lời Cẩn nói thì kế có thể lập xong, không cần đáp lại với bầy tôi vậy. Bệ hạ cho rằng Quan Vũ là người thân nhưng sao bằng được Tiên đế? (3) Những việc lớn nhỏ của Kinh Châu sao bằng được việc của cả nước? Nếu cùng gây oán thì ai sẽ gánh vác trước sau? Nếu xét đạo lí thì dễ như trở bàn tay vậy".

Thần là Tùng Chi cho rằng: Lưu Bị lấy miền Dung Thục làm cửa sông, miền Kinh Châu làm cột cán, Quan Vũ diễu binh ở miền Miện, Hán, chí lấn nước lớn, dẫu giúp vua dựng nghiệp bá nhưng công chưa hẳn đã thành, chỉ là diễu oai nơi xa, cướp chiếm sơ lược. Tôn Quyền ngầm mang lòng ác, giúp nhà Ngụy trừ hại, đấy là cắt bỏ quân giúp vua của tông tử, (4) hoãn kế dời đô của Tào Công, (5) phá kế cứu vớt khuôn phép nhà Hán, đến thế mới thôi. Nơi mà cờ nghĩa (6) phất đến là đến tại chỗ họ Tôn vậy. Cẩn nói nghĩa lớn để trách Bị, chỉ là trút họa cho người mà chẳng nói rõ lí lẽ; vả lại Bị, Vũ đối với nhau như tứ thể, (7) lúc đùi tay bị hại thì căm giận đã sâu, há dùng lời văn sáo rỗng mà làm chuyển ý được chăng! Chép thư này vào truyện, thật là hao phí giấy mực vậy.

Bấy giờ có người nói rằng Cẩn sai người thân đi riêng qua lại với Bị, Quyền nói: "Ta với Tử Du có lời thề sống chết không đổi, Tử Du không phụ lại ta cũng như ta không phụ lại Tử Du vậy".

Giang Biểu truyện chép: Cẩn đến tại Nam Quận, có người ngầm vu vạ cho Cẩn. Lời ấy có đồn thổi ra ngoài, Lục Tốn dâng biểu nói rõ là Cẩn không có việc ấy, nên đến làm yên lòng Cẩn; Quyền đáp thư nói: "Tử Du theo ta giúp việc nhiều năm, ân như cốt nhục, hiểu rõ về nhau, người này nếu không phải đạo thì không làm, không phải nghĩa thì không nói. Ngày trước Huyền Đức sai Khổng Minh đến đất

Ngô, ta từng bảo Tử Du rằng: "Khanh với Khổng Minh cùng cha mẹ sinh ra, vả lại em theo anh, về nghĩa cũng thuận, sao lại không giữ Khổng Minh ở lại? Nếu Khổng Minh ở lại theo khanh thì cô sẽ gửi thư gửi Huyền Đức nói là Khổng Minh tự theo ta rồi". Tử Du đáp ra rằng: "Em thần là Lượng đem thân theo người ta, chức phận đã định, về nghĩa chẳng có hai lòng. Em thần không ở lại cũng như thần không sang bên kia vậy". Lời này đủ thấu ý thần minh. Nay há có việc như thế? Ta lúc đầu nhận được thư xằng bậy ấy, liền bọc lại đưa cho Tử Du xem, lại tự tay viết thư trao cho Tử Du, liền được đáp lại, bàn về khí tiết của vua tôi trong thiên hạ, đều đã định rõ. Ta với Tử Du có thể nói là có thần minh giao tiếp, người ngoài không thể xen ngăn được vậy. Biết khanh báo ý đến, ta liền đóng kín để trao cho Tử Du, khiến cho khanh biết ý ta".

Năm Hoàng Vũ thứ nhất, chuyển làm Tả tướng quân, coi việc quân ở Công An, ban Giả tiết, phong Uyển Lăng Hầu.

Ngô lục chép: Bọn Tào Chân, Hạ Hầu Thượng vây Chu Nhiên ở Giang Lăng, lại chia quân chiếm Trung Châu, sai Cẩn đem đại quân đến cứu giúp. Tính Cẩn thong thả, biết đạo lí, bày kế sách, nhưng không biết ứng biến lúc gấp vội, dùng binh lâu ngày không nghỉ, Quyền do đó mà trông ngóng. Kịp đến mùa xuân nước sông dâng, bọn Phan Chương lấy thuyền bè làm hàng rào ở trên sông, Cẩn đến đánh cầu nổi, do đó bọn Chân rút chạy. Dẫu không có công lớn nhưng lấy việc trọn quân giữ cõi làm công.

Ngu Phiên vì nói thẳng mà bị bắt đi đày, riêng Cẩn thường xin tha cho hắn. Phiên gửi thư cho người thân rằng: "Gia Cát nhân ái, theo trời giúp người, lời bàn hay đẹp của người ấy là để cứu ta vậy. Nhưng ta ác sâu tội lớn, bị ghét nặng nề, dẫu có Kì Lão (8) xin giúp, nhưng ta lại không có cái đức của Dương Thiệt, (9) khó mong được cởi trói".