Tam Quốc Chí

Chương 40

Tôn Phụ tự Quốc Nghi, là em của Bôn vậy. Làm Dương vũ tướng quân, giúp Tôn Sách bình ba quận. Sách đánh bảy huyện của quận Đan Dương, sai Phụ sang phía tây đóng đồn ở Lịch Dương để chống Viên Thuật và chiêu dụ người cô lẻ, tụ hợp dân li tán. Lại theo Sách đánh huyện Lăng Dương, bắt sống bọn Tổ Lang.

Giang Biểu truyện chép: Sách đã bình định Giang Đông, đuổi Viên Dận. Viên Thuật rất giận Sách, bèn ngầm sai sứ giả lén đem ấn thao trao cho cừ súy ở Đan Dương người huyện Lăng Dương là bọn Tổ Lang, sai phát động người Sơn Việt, tụ đại quân, mưu cùng đánh Sách. Sách tự lĩnh tướng sĩ đánh Lang, bắt sống hắn. Sách bảo Lang rằng: "Lúc trước mi đánh úp ta, chặt yên ngựa của ta; nay ta lĩnh quân dựng nghiệp, trừ bỏ uất hận, chỉ chọn dùng người, thông tình với thiên hạ mà thôi. Không hại mi đâu, mi đừng sợ hãi". Lang rập đầu tạ tội. Liền phá gông, ban cho quần áo, bái làm Môn hạ tặc tào. Kịp lúc quân về, Lang cùng với Thái Sử Tử cùng đi trước dẫn đường, mọi người cho là vinh dự.

Sách sang phía tây đánh úp Lư Giang Thái thú Lưu Huân, Phụ đi theo, tự đi trước quân sĩ, có công. Sách cho Phụ làm Lư Lăng Thái thú, vỗ yên các thành, chia đặt trưởng lại, chuyển làm Bình nam tướng quân, Giả tiết, lĩnh chức Giao Châu Thứ sử. Sai sứ giả qua lại với Tào Công, việc lộ, Quyền ngầm bắt Phụ.

Điển lược chép: Phụ lo Quyền không giữ được Giang Đông, nhân lúc Quyền ra đến huyện Đông Dã, bèn sai người đưa thư gọi Tào Công. Người đi đường đến báo, Quyền liền về, vờ như không biết, cùng với Trương Chiêu gặp Phụ; Quyền bảo Phụ rằng: "Anh có vui vẻ gì chăng, sao lại gọi người khác"? Phụ nói là không phải vậy, Quyền nhân đó ném thư cho Chiêu, Chiêu đưa cho Phụ xem, Phụ thẹn không nói được gì. Bèn chém hết người thân cận của Phụ, chia bộ khúc của Phụ ra, đày Phụ đến miền đông.

Mấy năm sau thì chết. Con là Hưng, Chiêu, Vĩ, Hân, đều cho làm quan.

Tôn Dực tự Thúc Bật, là em của Quyền vậy. Kiêu hùng tráng liệt, có phong thái của anh là Sách. Thái thú Chu Trị cử hiếu liêm, quan Tư không mời.

Điển lược chép: Dực còn có tên là Nghiễm, tính giống Sách. Sách sắp mất, bọn Trương Chiêu bảo Sách nên đem quân trao cho Nghiễm, nhưng Sách gọi Quyền đến đeo lấy ấn thao.

Năm Kiến An thứ sáu, làm Thiên tướng quân, lĩnh chức Đan Dương Thái thú, bấy giờ hai mươi tuổi. Sau rút cuộc bị tả hữu là Biên Hồng gϊếŧ, Hồng cũng liền bị gϊếŧ.

Ngô lịch chép: Vợ của Dực là Từ thị, có tiết hạnh, nên xếp tiếp nhau với bọn Quy Lãm, cho nên chép sau, ở trong Tôn Thiều truyện.

Con là Tùng làm Xạ thanh hiệu úy, phong Đô hương hầu.

Ngô lục chép: Tùng giỏi giao thiệp với người khác, khinh tiền của, ưa bố thí. Giữ Ba Khâu, nhiều lần mưu tính được mất với Lục Tốn. Từng có lỗi nhỏ, Tốn đối mặt trách Tùng, Tùng có vẻ không bằng lòng, Tốn thấy Tùng chưa hiểu, bảo Tùng rằng: "Ngài nghe qua không đến nỗi thô lậu, nhiều lần bị xét đến, cho nên theo ý mà nói hết ra, lại đổi sắc mặt, là sao"? Tùng cười rằng: "Ta cũng tự gắng mà làm việc như thế, há có mong gì"!

Năm Hoàng Long thứ ba thì chết. Thừa tướng của nước Thục là Gia Cát Lượng gửi thư cho anh là Cẩn rằng: "Đã nhận đối đãi nồng hậu của miền đông, truyền trao cho con em. Lại nữa con là Kiều có tính tốt vì người ấy mà thương xót. Thấy người ấy có lúc trao đồ vật cho Lượng, cảm kích rơi lệ". Tiếc xót Tùng như thế, vì con nuôi của Lượng là Kiều kể lại cho nên thế.

Tôn Khuông tự Quý Tá, là em của Dực vậy. Cử hiếu liêm, mậu tài, chưa được dùng thì chết vào lúc hơn hai mươi tuổi.

Giang Biểu truyện chép: Tào Hưu ra Động Khẩu; Lữ Phạm đem quân chống lại. Bấy giờ Khuông làm Định vũ trung lang tướng, sai Phạm phóng lửa, đốt cháy cỏ lúa để làm thiếu lương thực, Phạm liền tấu xin đưa Khuông về quận Ngô. Quyền liền sai Khuông lập thành họ Đinh, ngăn cấm suốt đời. Thần là Tùng Chi xét truyện gốc chép rằng "Khuông chưa được dùng thì chết vào lúc hơn hai mươi tuổi", vậy mà Giang Biểu truyện chép là Lữ Phạm ở Động Khẩu, Khuông làm Định vũ trung lang tướng. Nếu đã làm Định vũ thì không phải là chưa được dùng. Vả lại Tôn Kiên chết vào năm Sơ Bình thứ hai; trận Động Khẩu xảy ra vào nào Hoàng Sơ thứ ba, từ lúc Kiên chết đến đây là ba mươi mốt năm, nếu bấy giờ Khuông vẫn còn sống thì truyện gốc không nên chép là chết vào lúc hơn hai mươi tuổi vậy. Đây có lẽ là Quyền có người em khác là Lãng, nhưng Giang Biểu truyện chép nhầm cho là Khuông vậy. Danh vị của Lãng thấy chép ở Tam triều lục và Chí lâm của Ngu Hỉ.

Con là Thái, là rể của họ Tào vậy, làm Trường thủy hiệu úy. Năm Gia Hòa thứ ba, theo Quyền vây Tân Thành, trúng tên bay chết. Con của Thái là Tú, làm Tiền tướng quân. Tú là tông thất rất thân thiết, lĩnh binh ở ngoài, Hạo chẳng bằng lòng. Năm Kiến Hành thứ hai, Hạo sai Hà Định đem năm nghìn người đi săn ở Hạ Khẩu. Lúc đầu, trong dân đều nói là Tú sắp bị mưu gϊếŧ, mà Định đi săn nơi xa, Tú bèn sợ, buổi đêm đem vợ con và mấy trăm thuộc hạ trốn sang nhà Tấn. Nhà Tấn lấy Tú làm Phiếu kị tướng

quân, Nghi đồng tam ti, phong Cối Kê Công.

Giang Biểu truyện chép: Hạo cả giận, đổi họ của Tú thành họ Lệ. Tấn kỉ của Can Bảo chép: Tú ở tại nhà Tấn, mới nghe tin Hạo hàng, bầy tôi cùng chúc mừng, Tú xưng bệnh không cùng chúc, hướng mặt về phía nam rơi lệ, nói: "Ngày xưa Thảo nghịch tướng quân vào tuổi đội mũ làm một chức Hiệu úy mà dựng nghiệp, nay vua đời sau đem cả miền Giang Nam mà vứt đi, lăng mộ tông miếu ở đấy thành gò hoang. Trời xanh thăm thẳm hỡi, đấy là loại người gì"! Triều đình khen ngợi. Tấn chư công tán chép: Ngô bình, giáng làm Phục ba tướng quân, lĩnh vị Khai phủ như cũ. Giữa năm Vĩnh Ninh thì chết, truy tặng chức Phiêu kị tướng quân, Khai phủ. Con là Kiệm, tự Trọng Tiết, làm Cấp sự trung.

Tôn Thiều tự Công Lễ; bác ruột là Hà, tự Bá Hải, vốn là họ Du, cũng là người quận Ngô. Tôn Sách yêu thích, ban họ là Tôn, xếp vào họ hàng.

Ngô thư chép: Hà là con trong họ của Kiên, sinh từ người cô họ Du, sau đó lại lập thành họ Tôn. Hà tính tình thẳng thắn, nói lắp bắp mà làm nhanh nhẹn, có khí tiết, rất chăm chỉ. Thủa trẻ theo Kiên đánh dẹp, thường làm tiền phong, sau đó lĩnh quân tả hữu, trông coi việc trong phủ, đối đãi làm người tim bụng, lại theo Sách bình miền Ngô-Cối, theo Quyền đánh Lí Thuật, phá Thuật, bái làm Uy khấu trung lang tướng, lĩnh chức Lư Giang Thái thú.

Sau đó làm Tướng quân, đóng ở kinh thành. Lúc trước, Tôn Quyền gϊếŧ Ngô Quận Thái thú Thịnh Hiến,

Cối Kê điển lục chép: Hiến tự Hiếu Chương, tính khí nhã nhặn, cử hiếu liêm, bái làm Thượng thư lang, rồi chuyển làm Ngô Quận Thái thú, vì bệnh mà bỏ quan. Tôn Sách đã bình định miền Ngô-Cối, gϊếŧ kẻ anh hào của miền ấy, Hiến vốn có tiếng cao, Sách rất ganh Hiến. Lúc trước, Hiếu thân thiện với Thiếu phủ Khổng Dung, Dung lo Hiến không tránh được họa, bèn gửi thư cho Tào Công rằng: "Năm tháng không dừng, thời tiết trôi đưa, vụt đến hôm nay đã được năm mươi tuổi. Ngài vừa trọn đầy, Dung tròn lẻ hai. (5) Những người hiểu biết trong thiên hạ rơi rụng gần hết, riêng người quận Cối Kê là Thịnh Hiếu Chương vẫn còn. Người này bị họ Tôn gây khó, vợ con chết mất, riêng mình còn sống, lẻ loi buồn khổ, nếu để cho bên ấy làm hại người thì người này không được sống trọn tuổi đời vậy. Xuân thu truyện chép: "Chư hầu có kẻ đánh diệt nhau, nếu Tề Hoàn Công không cứu được thì Hoàn Công cho là thẹn". Ngày nay Hiếu Chương thực là anh hùng trong đám trượng phu, kẻ sĩ trong thiên hạ khen là có danh tiếng, vậy mà thân không tránh khỏi bị giam tù, tính mạng không được trọn ở sớm tối, do đó tổ của ta (6) không còn được luận bàn việc được mất với bạn bè, Chu Mục cũng vì ghế mà soạn bài Tuyệt giao vậy. Nếu ngài sai một sứ giả đến, mang một lá thư thước tấc thì Hiếu Chương được cứu, cái đạo giúp bạn cũng được nêu rõ vậy. Ngày nay bọn sinh sau vui dựa theo bậc sinh trước, có người được bàn luận phải trái với Hiếu Chương; Hiếu Chương là có tiếng nổi trong thiên hạ, dân khắp chín cõi cùng khen ngợi. Vua Yên mua xương của ngựa khỏe, không phải là để vứt ở giữa đường, mà là để dụ gọi con ngựa khỏe khác vậy. (7) Riêng ngài giúp đỡ nhà Hán, xã tắc sắp mất mà cứu vớt được; cái thuật giúp đỡ, thực là vì được lòng người hiền. Ngọc châu không có chân mà tự đến được, là vì người ta thích nó vậy. Huống chi người hiền lại có chân! Yên Chiêu Vương đắp đài để tôn Quách Ngôi, Ngôi dẫu tài ít mà còn được đãi hậu như thế, rút cuộc dốc hết lòng để báo đền vua sáng, cho nên Nhạc Nghị từ nước Ngụy đi đến, Kịch Tân từ nước Triệu bỏ sang, Trâu Diễn từ nước Tề chạy lại. Trước kia nếu Quách Ngôi nguy khốn mà Chiêu Vương không cứu, sắp chìm đắm mà Chiêu Vương không vớt thì kẻ sĩ có cánh muốn bay cao cũng chẳng ai ngoảnh về phía bắc sang nước Yên vậy. Nói như thế, tự ngài đã biết, nay ta nói lại là muốn ngài thêm kính cái nghĩa ấy, thực là không nói hết được". Do đó gọi làm Kị