Tam Quốc Chí

Chương 18

Mùa xuân năm Xích Ô thứ nhất, đúc tiền lớn đáng nghìn tiền cũ. Mùa hạ, Lữ Đại đánh giặc ở quận Lư Lăng, xong, về Lục Khẩu. Tháng tám mùa thu, người quận Vũ Xương nói là có kì lân xuất hiện. Quan coi việc nói rằng kì lân là điềm ứng thái bình, nên đổi niên hiệu. Chiếu nói: "Mới đây có chim đỏ đậu ở trước điện, trẫm tự thân thấy, nếu thần linh báo điềm lành thì nên đổi niên hiệu thành năm Xích Ô thứ nhất". Bầy tôi tấu rằng: "Ngày xưa Vũ Vương đánh Trụ có điềm báo quạ đỏ, vua tôi cùng xem, rút cuộc có thiên hạ, sách vở của thánh nhân ghi chép đấy là điềm lành nhất, cho rằng vì gần đây việc đã tốt, mà tự thân thấy thì đã rõ rồi vậy". Do đó đổi niên hiệu. Bộ phu nhân chết, truy tặng là Hoàng hậu. Trước đây, Quyền tin dùng Hiệu sự Lữ Nhất, Nhất tính tàn ác, dùng hình pháp khắc nghiệt. Thái tử Đăng nhiều lần can gián, Quyền không nghe. Các đại thần do đó chẳng ai dám nói. Sau này Nhất phạm tội gian, việc phát lộ, bắt gϊếŧ; Quyền nhận lỗi trách mình, rồi sai Trung thư lang Viên Lễ báo lỗi với

các Đại tướng, nhân đó hỏi việc được mất thời ấy. Lễ về, lại hạ chiếu trách mắng bọn Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Chu Nhiên, Lữ Đại rằng: "Viên Lễ về nói là gặp nhau với Tử Du, Tử Sơn, Nghĩa Phong, Định Công, cùng nói các việc trước sau thời nay, đều không tự coi việc của dân, không chịu bày tỏ liền ngay, lại đùn đẩy cho Bá Ngôn, Thặng Minh. Bá Ngôn, Thặng Minh gặp Lễ, khóc lóc tha thiết, lời lẽ cay đắng, đến nỗi mang lòng sợ hãi, không có ý tự yên. Nghe đến đây thì ta buồn bã, trong lòng tự thấy lạ. Sao vậy? Xét nghĩ thánh nhân không làm việc có lỗi, người sáng suốt là tự thấy mình vậy. Người ta nâng đặt, sao cho vừa đúng, nếu chỉ muốn vì mình mà làm trái với ý dân, sao nhãng không tự nghĩ, cho nên các ông nghi ngờ thôi; nếu không thế thì sao lại dẫn đến như thế? Từ khi ta dấy binh năm mươi năm nay, trăm việc thuế khóa lao dịch đều lấy ở dân. Thiên hạ chưa định, bọn xấu vẫn còn, quân dân chăm chỉ, thực là điều các ông biết rõ. Nhưng làm khổ trăm họ, chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Cùng các ông làm việc, từ nhỏ đến lớn, nay tóc đã hai màu, để nói trong ngoài đủ để lộ rõ, việc công tư phân chia, đủ cùng giúp nhau. Hết lời can gián là điều mà ta mong ở các ông; cứu vớt lỗi sai, ta cũng mong vậy. Ngày xưa Vệ Vũ Công đã qua tuổi khỏe mạnh mà vẫn chăm tìm người giúp đỡ, thường tự than trách.

Giang Biểu truyện chép: Quyền lại nói: "Thiên hạ không có con cáo trong trắng, mà có cái áo lông cừu trong trắng, đấy là cái mà dân làm nên vậy. Người làm lẫn tạp thành thuần nhất, há chẳng làm được? Cho nên dùng được sức dân thì không ai địch nổi ở thiên hạ, dùng được trí dân thì không sợ lỗi với thánh nhân vậy".

Vả lại kẻ áo vải buộc dải da kết bạn với nhau, trở thành hòa hợp, nhơ bẩn vẫn không khác. Ngày nay xác ông cùng ta làm việc. Dẫu còn nghĩa vua tôi, nhưng gọi là cốt nhục thì cũng không là sai. Phúc lộc vui buồn cùng hưởng với nhau. Tỏ lòng không dấu, mưu kế không khác, coi việc đúng sai, các ông há được thảnh thơi mà thôi sao! Cùng thuyền vượt sông, ai lại cùng khác? Tề Hoàn Công làm Bá của chư hầu, có điều hay thì Quản Tử chưa từng không khen ngợi, có điều sai thì Quản Tử chưa từng không can ngăn, không cho can ngăn cũng không ngừng can ngăn. Nay ta tự xét không có cái đức của Hoàn Công, mà các ông can ngăn chưa ra khỏi miệng, vẫn giữ lấy nghi ngờ. Do đó nói rằng, ta so với cái tốt lành của Tề Hoàn Công, không biết các ông so với Quản Tử thì thế nào? Lâu ngày không gặp nhau, nhân việc đáng cười này mà cùng bàn nghiệp lớn, sửa sang thiên hạ, nay còn có ai? Như trăm việc quan trọng được mất thời nay, ta vui nghe kế lạ để sửa điều không được".

Tháng ba mùa xuân

Giang Biểu truyện chép chiếu tháng giêng của Quyền rằng: "Quan Lang là bầy tôi túc vệ, là kẻ sĩ vâng mệnh từ thời xưa vậy; vậy mà gần đây có vẻ không dùng quan này. Từ nay chọn ba người đều dựa vào bốn phép thử, không được dựa vào lời lẽ sáo rỗng".

năm thứ hai, sai sứ giả là Dương Đạo, Trịnh Trụ, Tướng quân Tôn Di đến quận Liêu Đông, đánh tướng giữ thành của nước Ngụy là bọn Trương Trì, Cao Lự, bắt được trai gái của chúng.

Văn sĩ truyện chép: Trụ tự Kính Tiên, người nước Bái. Cha là Lễ, học thức sâu rộng. Vào lúc Quyền làm Phiếu kị tướng quân, lấy Lễ làm Tòng sự Trung lang, cùng Trương Chiêu, Tôn Thiệu sắp đặt lễ nghi. Trụ là con út của Lễ, có tài cả văn võ, lúc nhỏ được biết tên, cử hiền lương, dần dần chuyển làm Kiến An Thái thú. Bọn tân khách của Lữ Nhất ở quận phạm pháp, Trụ bắt giam ngục, xét tội. Nhất mang giận, sau đó ngầm vu vạ Trụ. Quyền cả giận, gọi Trụ về, bọn Phan Tuấn dâng biểu cầu xin, được thả. Sau bái làm Tuyên tín hiệu úy, đến cứu Công Tôn Uyên, đã bị quân Ngụy phá, trở về làm Chấp kim ngô. Con là Phong, tự Mạn Quý. Có tài văn lại đức hạnh, thân với Lục Vân, cùng làm thơ qua lại với Vân. Tư không Trương Hoa mời gọi, chưa đến thì chết.

Thần là Tùng Chi nghe nói Tôn Di là người miền đông, không phải họ hàng của Quyền vậy.

Người quận Linh Lăng nói là có sương ngọt giáng. Tháng năm mùa hạ, đắp thành ở huyện Sa Tiện. Tháng mười mùa đông, Tướng quân Tưởng Bí xuống phía nam đánh giặc người Di. Bộ đốc Liêu Thức mà Bí lĩnh gϊếŧ bọn Lâm Hạ Thái thú Nghiêm Cương, tự xưng là Bình nam tướng quân, cùng em là Tiềm cùng đánh các quận Linh Lăng, Quế Dương; các quận Uất Lâm, Thương Ngô thuộc Giao Châu nhiễu động, có mấy vạn quân. Sai Tướng quân Lữ Đại, Đường Tư đánh chúng, hơn một năm đều phá được.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba, chiếu nói: "Vua không có dân thì không lập được, dân không có lúa thì không sống được. Gần đây đến nay, dân phân nhiều bị bắt lao dịch, có năm lại khô hạn, lúa trong năm bị giảm, mà quan lại có kẻ không tốt, có lúc cướp đoạt của dân, dẫn đến đói khổ. Từ nay về sau, các quan Thái thú, Bộ đốc phải xem xét kẻ nào không theo hình pháp, vào lúc cày bừa mà dùng lao dịch để quấy nhiễu dân, phải bắt trói báo lên". Tháng tư mùa hạ, đại xá, hạ chiếu lệnh các quận huyện sửa thành quách, dựng lầu gác, đào hố vét kênh để phòng giặc cướp. Tháng mười một mùa đông, dân đói, hạ chiếu mở kho thóc để cứu giúp dân nghèo khó.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ tư, có tuyết lớn, mặt đất lấp sâu đến ba thước, chim thú chết quá nửa. Tháng tư mùa hạ, sai Vệ tướng quân Toàn Tông cướp miền Hoài Nam, khơi đê Thược Bi, đốt lầu gác ở huyện An Thành, thu bắt dân chúng huyện ấy. Uy bắc tướng quân Gia Cát Khác đánh huyện Lục An. Tông đánh với tướng Ngụy là Vương Lăng ở Thược Bi, hơn vạn người bọn Trung lang tướng Tần Hoảng chết trận. Xa kị tướng quân Chu Nhiên vây thành Phàn, Đại tướng quân Gia Cát Cẩn đánh lấy huyện Tổ Trung.

Hán Tấn xuân thu chép: Linh Lăng Thái thú Ân Lễ nói với Quyền rằng: "Nay trời bỏ họ Tào, càng thêm vỡ lở, đang lúc tranh giành mà cho trẻ con nắm việc. Bệ hạ tự thân cầm quân, nhân lúc loạn mà đánh lấy, nên quét sạch miền Kinh Dương, phát cả bọn khỏe gầy, sai bọn khỏe cầm kích, bọn gầy chuyển chở, phía tây sai người Ích Châu đem quân đến miền Lũng Hữu, cấp đại quân cho bọn Gia Cát Cẩn, Chu Nhiên coi việc ở Tương Dương; sai bọn Lục Tốn, Chu Hoàn đi riêng đánh Thọ Xuân, đem xe lớn vào miền Hoài Dương, Lệ Thanh, Từ Châu. Nếu vùng Tương Dương, Thọ Xuân khốn vì bị đánh, từ miền Trường An về phía tây phải chống quân Thục thì dân miền Hứa, Lạc tất bị rời rã; tự nhau dao động, dân tất làm nội ứng, tướng súy bỏ chạy, làm mất thế lợi; một quân thua vỡ thì ba quân lìa ý, rồi nên ruổi ngựa kéo xe đến dẫm xéo thành ấp, thừa thắng mà đuổi lên phương bắc, đến định miền Hoa Hạ. Nếu không đem hết quân đi, chỉ đem ít ỏi thì không đủ dùng cho việc lớn, dễ phải rút lui về; lúc ấy dân mệt uy giảm thì bấy giờ lực kiệt, đấy không phải là kế phát binh vậy". Quyền không theo lời này.

Tháng năm, Thái tử Đăng chết. Tháng đó, Thái phó của nước Ngụy là Tư Mã Tuyên Vương đến cứu thành Phàn. Tháng sáu, đem quân về. Tháng nhuận, Đại tướng quân Cẩn chết. Tháng tám mùa thu, Lục Tốn đắp thành ở huyện Chu.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ năm, lập con là Hòa làm Thái tử, đại xá, đổi niên hiệu Hòa Hưng thành Gia Hưng. Trăm quan tấu xin lập Hoàng hậu và bốn vị Vương, chiếu nói: "Nay thiên hạ chưa định, muôn dân mệt mỏi, lại nữa người có công có kẻ chưa được ghi chép, kẻ đói rét vẫn chưa được cứu giúp, vậy mà cắt xét đất đai phong cho con em, ban tước vị cho thê thϊếp, ta rất không nên làm. Nên bỏ lời bàn này". Tháng ba, người huyện Hải Diêm nói là có rồng vàng xuất hiện. Tháng tư mùa hạ, cấm dâng nạp cho vua, sai Thái quan giảm món ăn ngon. Tháng bảy mùa thu, sai Tướng quân Niếp Hữu,