Gọi đại thần lên chầu, từ Thừa tướng Ung trở xuống đều can ngăn, cho rằng Uyên chưa tin được mà đãi sủng quá trọng, vẫn nên sai mấy trăm quan quân hộ tống bọn Thư, Tống, nhưng Quyền rút cuộc không nghe.
Thần là Tùng Chi cho rằng: Quyền làm trái lời can ngăn của mọi người, giữ ý tin theo Uyên, không có phép tắc đánh dẹp, chẳng có kế sách khôi phục. Ban mệnh cửu tích, lại dùng vạn người, đấy há không phải yêu dân, rất hôn ngược sao? Ở trận ấy, không chỉ mê thôi đâu, thực cũng là vô đạo.
Uyên quả nhiên chém bọn Di, đem đầu họ đến nhà Ngụy, thu hết đồ quân. Quyền cả giận, muốn tự đánh Uyên,
Giang Biểu truyện chép lời Quyền giận nói: "Trẫm đã sáu mươi tuổi, việc khó dễ trong đời, chưa từng không trải qua, gần đây bị con chuột từ chối, khiến khí tức giận bốc lên như núi. Không tự đem con chuột này ném xuống biển thì không còn mặt mũi nhìn muôn nước. Nếu có nghiêng lật thì cũng không cho là tiếc".
Bọn Thượng thư bộc xạ Tiết Tống ra sức can ngăn mới thôi. Năm đó, Quyền đến Tân Thành quận Hợp Phì, sai Tướng quân Toàn Tông đánh huyện Lục An, đều không thắng mà về.
Ngô thư chép: Trước đây, bọn Trương Di, Hứa Yến cùng đến Tương Bình, có hơn bốn trăm quan thuộc đi theo. Uyên muốn đánh bọn Di, Yến, chia dân chúng của họ trước, đặt ở các huyện của quận
Liêu Đông, lấy bọn Trung sứ Tần Đán, Trương Quần, Đỗ Đức, Hoàng Cương cùng hơn sáu mươi quan quân, đặt ở quận Huyền Thố. Quận Huyền Thố ở phía bắc quận Liêu Đông, cách nhau hai trăm dặm, Thái thú Vương Tán lĩnh hai trăm hộ cùng trông cả ba bốn trăm người. Bọn Đán đều ở trong nhà dân, trong mong vào ăn uống trong dân. Đợi được hơn bốn mươi ngày, Đán cùng Cương bàn nói: "Ta ở xa làm nhục mệnh nước, tự trốn ở đây, khác gì với chết mất? Nay xem quận này, thế lực rất yếu. Nếu cùng sớm chung lòng, thiêu đốt thành quách, gϊếŧ trưởng lại ở đây, vì nước rửa nhục, dẫu sau này bị gϊếŧ, cũng không lấy làm tiếc. Ai lại cùng bọn xấu sống lâu mà bị bắt giam thế này"? Bọn Cương cho là phải. Do đó ngầm hẹn ước với nhau, hẹn buổi đêm ngày mười chín tháng tám thì phát động. Giữa hôm đó, thuộc hạ là Trương Tùng tố cáo, Tán bèn hội quân sĩ đóng cửa thành. Bọn Đán, Quần, Đức, Cương đều trèo thành chạy được. Bấy giờ Quần bị thương ở đầu gối, không theo kịp bọn, Đức thường giúp đi cùng. Hang núi cao vυ't, đi được sáu bảy dặm, vết thương thêm nặng, không đi được nữa, nằm trong đống cỏ, ôm nhau khóc lóc. Quần nói: "Ta không may thương nặng, chết cũng không còn lâu, các ông nên nhanh đi đường, may mới thoát được. Nếu giữ nhau, cùng chết ở trong hang tận này thì ích gì"? Đức nói: "Trôi dạt vạn dặm, sống chết cùng nhau, không nỡ bỏ nhau". Do đó dục Đán, Cương đi trước, riêng Đức ở lại giữ Quần, hái lấy quả để ăn. Đán, Cương chia tay được mấy ngày, đến được chỗ của vua Cao Câu Li là Cung, nhân đó tuyên chiếu cho vua Cao Câu Li là Cung và Chủ bạ, chiếu nói là đồ ban tặng bị người quận Liêu Đông đánh cướp. Bọn Cung cả mừng, liền nhận chiếu, lệnh sai người theo Đán đi đón bọn Quần, Đức. Năm đó, Cung sai hai mươi lăm quan Tạo y hộ tống bọn Đán về, tấu biểu xưng thần, cống nghìn tấm da chồn, mười tấm da chim hạt kê. Bọn Đán gặp Quyền, không kìm nổi vui buồn. Quyền khen họ, đều bái làm Hiệu úy. Được một năm, sai sứ giả là Tạ Hoành, Trung thư Trần Tuân đến bái Cung làm Thiền vu, ban thêm đồ trân bảo áo mặc. Bọn Tuân đến cửa An Bình, sai Hiệu úy Trần Phụng gặp Cung trước, nhưng Cung đã nhận ý chỉ của U Châu Thứ sử của nhà Ngụy rồi, sai đem sứ Ngô đến chuộc tội. Phụng nghe tin, quay về. Cung sai bọn Chủ bạ Tạc Tư, Đái Cố ra cửa An Bình gặp với bọn Hoành. Hoành liền bắt trói hơn ba mươi người làm con tin, Cung do đó tạ tội, dâng mấy trăm con ngựa. Hoành mới sai Tư, Cố nhận chiếu thư, vật ban trao cho Cung. Bấy giờ thuyền của Hoành nhỏ, chở tám mươi con ngựa mà về.
Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba, chiếu rằng: "Dùng quân lâu ngày không nghỉ, dân khổ vì lao dịch, có năm không được mùa. Nay nới tha cho bọn trốn tránh, không cần hạch tội".
Tháng năm mùa hạ, Quyền sai bọn Lục Tốn, Gia Cát Cẩn đóng quân ở Giang Hạ, Miện Khẩu; bọn Tôn Thiều, Trương Thặng hướng đến Quảng Lăng, Hoài Dương; Quyền đem đại quân vây Tân Thành quận Hợp Phì. Bấy giờ Thừa tướng của nước Thục là Gia Cát Lượng ra huyện Vũ Công; Quyền cho là Ngụy Minh Đế không thể đi xa, nhưng Đế sai quân giúp Tư Mã Tuyên Vương chống Lượng, tự đem quân thủy đánh phương đông. Chưa đến Thọ Xuân, Quyền rút về, Tôn Thiều cũng bãi binh. Tháng tám mùa thu, lấy Gia Cát Khác làm Đan Dương Thái thú, đánh người Sơn Việt. Đầu tháng chín, sương nuối hại lúa. Tháng mười một mùa đông, Thái thường Phan Tuấn bình người Man Di ở quận Vũ Lăng, việc xong, về Vũ Xương. Chiếu lập lại tên huyện Khúc A thành huyện Vân Dương, tên huyện Đan Đồ thành huyện Vũ Tiến. Giặc ở quận Lư Lăng là bọn Lí Hoàn, La Lệ làm loạn.
Mùa hạ năm thứ tư, sai Lữ Đại đánh bọn Hoàn. Tháng bảy mùa thu, có mưa đá. Nhà Ngụy sai người đem ngựa xin đổi lấy châu cơ, phỉ thúy, đồi mồi, Quyền nói: "Đấy là cái mà ta không dùng, vả lại có ngựa, sao lại lo mà không cho trao đổi"?
Mùa xuân năm thứ năm, đúc tiền lớn, một thoi tiền giá năm trăm tiền cũ. Hạ chiếu sai quan dân chuyển
đồng, tính giá trị của đồng. Đặt phép tắc cấm tự đúc tiền. Tháng hai, người quận Vũ Xương nói là có sương ngọt giáng xuống ở điện Lễ Tân. Phụ Ngô tướng quân Trương Chiêu chết. Trung lang tướng Ngô Xán bắt được bọn Lí Hoàn; Tướng quân Đường Tư bắt được bọn La Lệ. Từ tháng mười không có mưa như mùa hạ. Tháng mười mùa đông, sao chổi xuất hiện ở phương đông. Giặc ở quận Bà Dương là bọn Bành Đán làm loạn.
Tháng giêng mùa xuân năm thứ sáu, hạ chiếu rằng: "Để tang ba năm là phép thường của thiên hạ, là lúc đau xót nhất của tình người vậy; người hiền theo lễ mà để tang, kẻ không tốt cũng bắt phải làm theo. Thời bình đạo chính, trên dưới không rối, quân tử không ép lòng người, cho nên ba năm không đến nhà của người để tang. Đến như lúc có việc thì bỏ lễ để theo việc cần làm, nhưng vẫn phải mặc đồ tang mà làm việc. Cho nên phép tắc của thánh nhân là có lễ không phải lúc nào cũng làm theo. Gặp tang cũng không bỏ lễ không phải phép xưa vậy, đại khái là nên theo từng lúc, được nghĩa thì mất ân vậy. Ngày trước đặt phép tắc, trưởng lại giữ chức thì chốc lát phải giao lại, nếu cố phạm cấm, dẫu theo từng tội mà vẫn bị trừ bỏ. Nay đang lúc việc lớn, nhà nước có nhiều nạn, hễ là quan lại đang coi việc đều phải dốc hết lòng, làm việc công trước mà làm việc riêng sau, nếu không vâng theo là rất sai vậy. Các quan trong ngoài phải thay nhau bàn bạc, các việc phải đúng, làm rõ phép độ". Cố Đàm bàn, cho rằng: "Bỏ tang mà làm việc, nhẹ thì không đủ để cấm cái tình của con hiếu, nặng thì không bị tội phải chết. Dẫu hình pháp thêm nghiêm, nhưng thì kẻ làm trái tất ít . Nếu có kẻ phạm pháp, nếu tăng hình phạt thì về tình lại không nỡ, nếu giảm hình phạt thì hình pháp không dùng được. Kẻ ngu này cho rằng trưởng lại ở xa nếu không báo tin thì không biết được sự tình. Như việc chọn người thay, nếu người làm sai thì phải tăng hình phạt, vậy thì trưởng lại không phạm lỗi bãi chức, con hiếu không phạm tội nặng". Tướng quân Hồ Tống bàn cho rằng: "Phép tắc để tang dẫu đã có phép thường, nhưng nếu không đúng lúc thì cũng không làm được. Nay đang có việc quân thì nhà nước dễ bỏ qua, nhưng trưởng lại gặp tang, biết có hình cấm, nhưng vì việc công cũng dám phá bỏ được, nếu nghĩ đến nỗi nhục không tránh được thì không mưu tính việc làm kẻ phạm pháp, đấy là vì cái tính coi khinh hình pháp nên như thế. Lòng trung với nước, tình hiếu với nhà, đã là bầy tôi, há trọn được hết? Cho nên làm tôi trung thì không được con hiếu. Nên đặt rõ điều mục, nêu rõ đó là tội chết, nếu mắc lỗi thì không tha, gϊếŧ để ngăn gϊếŧ. Làm gương ở một người thì sau đó tất hết". Thừa tướng Cố Ung cũng tấu nên thêm tội nặng. Sau đó có Ngô Lệnh là Mạnh Tông gặp tang mẹ mà bỏ tang, rồi bị bắt đến Vũ Xương chịu tội. Lục Tốn tấu là Tông là người đức hạnh, nhân đó xin tha, Quyền mới giảm một tội. Sau không ai dám làm theo, do đó bèn dứt.
Tháng hai, Lục Tốn đánh bọn Bành Đán, năm đó đều phá chúng. Tháng mười mùa đông, sai Vệ tướng quân Toàn Tông đánh úp huyện Lục An, không thắng. Gia Cát Khác dẹp người Sơn Việt xong việc, lên phía bắc đóng quân ở quận Lư Giang.