Trở Lại 30 Năm Trước

Chương 9

An Na đẩy cửa ra, thấy trong phòng làm việc có hai cái bàn lớn đặt cạnh nhau, trên bàn xếp đầy tài liệu và sách vở bài tập. Bởi đang đúng giờ tan học, bên trong phòng có vài giáo viên, có người đang uống nước, có người đang soạn bài.

An Na khẽ gõ cửa.

– Xin cho hỏi, có hiệu trưởng Lý trong này không ạ?

Một người phụ nữ khoảng trên năm mươi tuổi ngẩng lên.

– Là tôi. Cháu là…

An Na vội cúi chào:

– Chào hiệu trưởng Lý, cháu là Lý Mai cháu gái của cô Lý Hồng ạ…

– A, là cháu à, vào đi…

An Na vâng dạ đi vào.

Hiệu trưởng Lý là phó hiệu trưởng, đeo kính lên, đánh giá An Na một lượt.

– Nghe nói cháu đã tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp?

– Vâng ạ…

– Có mang theo bằng tốt nghiệp không?

– …Dạ, lúc đi cháu quá gấp mà quên mang…

– Trước đây dạy học chưa?

– Rồi ạ. – An Na đích xác đã từng đi dạy, là giáo viên ngữ văn và Anh văn.

– Biết đánh đàn không?

– Biết ạ.

Hiệu trưởng Lý ra hiệu An Na theo mình đến phòng làm việc bên cạnh, bảo cô ngồi xuống trước cây đàn piano đặt ở góc, đàn một bản.

Piano là loại đàn cũ đòi hỏi phải liên tục đạp chân, nhưng đối với An Na thì không thành vấn đề. Cô ngồi xuống hỏi:

– Hiệu trưởng muốn cháu đàn bài gì ạ?

– Tùy cháu. – Hiệu trưởng Lý nói. Lúc nói thế, ánh mắt lóe sáng sau cặp kính.

An Na nhớ đến tấm hoành phi nhìn thấy lúc tới nhà ga, vì vậy đàn bài “Học tập theo tấm gương Lôi Phong, lại đàn tiếp bài “Cháu nhặt được một phân tiền bên đường”.

Hiệu trưởng Lý rất hài lòng, cùng An Na quay trở lại phòng làm việc, ôn hòa nói:

– Rất tốt. Đây có bản kê khai cháu về điền vào, ngày mai sẽ có thông báo cho cháu. Ở trường này cấp 4 mới bắt đầu học âm nhạc, cháu dạy âm nhạc cho cấp bốn đến cấp sáu nhé. Tiền lương dạy thay mỗi tháng 32 đồng, cuối tháng còn phát thêm năm cân than.

Vậy là đã qua sát hạch rồi ư, An Na vừa mừng vừa lo, vội vàng vâng dạ.

Hiệu trưởng Lý đẩy cặp kính, mỉm cười:

– Tiểu Lý, tôi rất tin tưởng cháu mới đồng ý để cháu dạy thay ở khóa này. Chớ xem thường sự nung đúc tình cảm sâu đậm của bọn trẻ với âm nhạc. Có biết vì sao cô giáo lúc trước lại bị từ chối không? Là lên lớp lại dạy cho bọn chúng nghe thể loại hoàng – sắc của Đặng Lệ Quân. Đây là vấn đề tư duy cá nhân rất lớn đấy.

An Na ngây ra một chút, cẩn thận hỏi:

– Hiệu trưởng, cháu tưởng giáo viên kia nghỉ là vì sắp sinh con ạ…

– Là mang thai, nhưng tôi không cần cô ta đi dạy nữa. – Hiệu trưởng Lý gõ bút vào mặt bàn, – Loại ca khúc tầm thường này khiến cho nam nữ thanh niên nước ta tinh thần yếu đuối ủy mị, mà cô ta cũng chỉ là một nạn nhân. Tôi nhất quyết không cho phép cô ta tiếp tục ảnh hưởng đến các em học sinh được. Chỗ tôi có một quyển sách, cháu lấy về xem kỹ, tiếp thu sự khuyên bảo của tôi, để tránh giẫm phải vết xe đổ.

Nói xong đưa quyển sách cho An Na.

An Na nhận lấy, vừa thấy tên sách thì mắt trợn tròn. Tên sách là “Làm thế nào phân biệt được ca khúc hoàng – sắc”, nhà xuất bản âm nhạc nhân dân xuất bản từ mấy năm trước, tác giả đều là nhạc sĩ nhất đại, còn có vài người cực kỳ nổi danh mà cô cũng biết. Mở ra xem lướt qua, phát hiện bài hát đầu tiên được dùng làm tài liệu để phản bác chính là Hồi ức màu hồng, những trang sau có có rất nhiều ca khúc Cảng đài mà cô biết.

– Tôi cũng biết, có nhiều nơi đã bắt đầu bị bầu không khí xấu này ảnh hưởng rất nặng nề, tôi không cần biết, tôi chỉ biết trường học của chúng ta thì cần phải quản lý chặt. Cháu thấy đúng không?

– Vâng vâng…

– Làm tấm gương sáng cho người khác, không thể bôi son màu lông họa mi, không được mặc trang phục kỳ dị, ví dụ như quần jean, hay quần ống loe gì đó. Nhảy cái khác thì được nhưng không được đi nhảy disco. Loại văn hóa tao nhã không thể đánh đồng với loại thô tục kia được. Có làm được không?

– Được ạ…

Hiệu trưởng Lý rất hài lòng với thái độ của An Na, gật đầu, gọi người dẫn An Na đi điền bản kê khai, việc phỏng vấn coi như đã xong.

……

An Na cầm quyển “Làm thế nào phân biệt được ca khúc hoàng – sắc” về nhà, đầu óc vẫn choáng váng, chưa thích ứng được việc mình đã có một công việc ở thời đại này.

Lý Hồng vẫn đang sốt ruột đợi tin, thấy An Na trở về lập tức hỏi tình hình, biết đã được chấp nhận, ngày mai đi làm luôn thì vô cùng phấn khởi, hớn hở nói:

– Cô đã nói cháu được mà. Một tháng hơn 30 đồng, so với giáo viên chính thức thì ít hơn nhiều, nhưng vẫn tốt hơn là không có việc làm, ăn mặc tiết kiệm một chút, một năm là có thể tiết kiệm đươc 108 đồng rồi.

An Na gật đầu.

Lý Hồng tâm trạng rất vui, buổi tối làm thêm hai món ngon. Cơm nước xong, Tiểu Ny không chịu ngồi yên mà chạy sang nhà hàng xóm họ Trương để chiếm chỗ ngồi xem ti vi.

Trong tivi đang chiếu phim Bến Thượng Hải rất nổi tiếng, đang đến đoạn Ngọc diện tiểu sinh Phát ca cùng với Triệu Nhã Chi yêu trong đau khổ khiến cả nước phát cuồng. Bài hát Bến Thượng Hải mà An Na vô cùng quen thuộc đang rất thịnh hành, ngay cả đứa trẻ mấy tuổi cũng đều hát đến thuộc làu làu. Tiểu Ny tối nào ăn cơm xong cũng đều đến nhà hàng xóm để xem tivi.

Lý Hồng cũng rất mê Hứa Văn Cường, là fan trung thành của Phát ca, chỉ khổ nỗi phải lo trông cửa hàng nên không thể đi xem được. Thấy An Na không đi xem, mấy tối nay khi sắp đến giờ phim thì đều nhờ An Na giúp trông cửa hàng, mình thì tranh thủ đi xem phim.

Tối nay cũng thế, Tiểu Ny đi trước, lúc đến giờ phim, Lý Hồng sốt ruột bảo An Na trông hàng giúp, sau đó vội vàng chạy qua nhà hàng xóm.

Giờ bán hàng cao điểm của buổi tối đã qua, cộng thêm thời tiết lạnh, nên cũng không có người nào đến mua hàng. An Na ngồi dưới ánh đèn chân không mờ mờ, vừa sưởi ấm vừa lật xem quyển Làm thế nào phân biệt ca khúc hoàng – sắc để gϊếŧ thời gian, bỗng nghe có giọng nói quen quen:

– Cho bao thuốc, Bạch Phù Dung!

An Na ngẩng đầu lên, bất ngờ khi thấy Lục Trung Quân đứng ở ngoài quầy hàng, nhìn mình, như đang chờ lấy bao thuốc. An Na giật mình kịp phản ứng, vội vàng rút một bao thuốc đưa cho anh, nhận ba đồng.

Lục Trung Quân cầm bao thuốc xé ra rút ra một điếu, lại xin cô tí lửa.

An Na lại vội vàng lấy bao diêm ra quẹt lên cho anh.

Lục Trung Quân ghé sát lại châm thuốc, ánh lửa từ que diêm soi rõ gương mặt tuấn tú của anh.

An Na phát hiện người đàn ông này cũng rất đẹp trai.

Lục Trung Quân châm thuốc xong rít một hơi, ánh mắt lia xuống quyển sách mà cô tiện tay đặt trên mặt quầy. An Na lấy vội quyển sách cất xuống dưới.

Lục Trung Quân liếc cô một cái, bỏ về.

An Na đoán anh đi ngang qua nên tiện đường mua bao thuốc, nhìn bóng anh biến xuất sau bóng tối ở đầu ngõ, chiếc đồng hồ đặt bên cạnh cũng chỉ vào chín giờ, chuẩn bị đóng cửa nhưng lại bất ngờ thấy cô Lý Hồng dắt Tiểu Ny về.

Tiểu Ny mắt đỏ hồng, sắc mặt cô Lý Hồng cũng đen thui.

– Sao thế ạ? Phim còn chưa mà? – An Na hỏi.

– Tức lắm. – Lý Hồng la lên, – Là tivi thôi mà, cô cũng sẽ đi mua một cái, làm như cô không mua nổi ấy.

Thời đại này ti vi cũng đã thông dụng, nhưng ở Hồng Thạch Tỉnh, nhiều nhà có tivi lại không nhiều. Vợ chồng hàng xóm họ Trương là công nhân viên, điều kiện cũng khá, nên có cái tivi trắng đen, gần đây lại có bộ phim truyền hình hot, nên tối nào cũng chật kín người.

An Na hỏi rõ ngọn ngành, Lý Hồng than thở một lúc mới hiểu. Thì ra đám trẻ con của nhà họ Trương bắt nạt Tiểu Ny, không cho Tiểu Ny xem ké. Người lớn dù không công khai có tranh chấp gì với cô Lý Hồng, nhưng mấy năm trước bởi vì xảy ra một số chuyện xung đột, sự việc đã được giải quyết, hiện tại dù không thể hiện rõ là không cho hai người đến nhà mình xem nhờ ti vi, nhưng thái độ không muốn rất rõ ràng. Lý Hồng tức giận, kéo Tiểu Ny về bằng được.

– Sau này không thèm đi xem nữa, nghe không. – Cô Lý Hồng khuyên Tiểu Ny.

Tiểu Ny mắt đỏ hoe.

– Ôi, không sao không sao. – An Na vội ôm lấy cô bé, – Cô nói này, cô xem bộ phim này rồi. Trình Trình được gả cho A Lực, Hứa Văn Cường cưới người khác, cuối cùng bị quan – thương liên kết bắn chết.

– Hu hu…

Vừa nghe được cái kết cục kia, Tiểu Ny khóc òa lên…

Cô Lý Hồng nói:

– Sao lại thế được, Mai Mai, cháu bị nhầm không? Đây mà là kết cục à? Hai người đó xứng đôi như thế cơ mà, cô vẫn mong họ kết hôn với nhau đấy.

An Na bất chợt ý thức được mình đã vô tình trở thành một spoiler rồi, vội vã nói thêm:

– Cháu đoán bừa thôi.

Lý Hồng thở phào, bảo An Na đóng quầy, đóng cổng, dẫn Tiểu Ny về phòng tắm rửa đi ngủ.

Sáng sớm hôm sau, Tiểu Ny đã nôn nóng chờ bà ngoại mình đi mua tivi. Cô Lý Hồng do dự một hồi, cuối cùng vẫn tiếc tiền, nói chờ sang năm tích cóp được tiền thì hẵng mua. Tiểu Ny thất vọng, nhưng nó là đứa bé ngoan ngoãn, buổi sáng An Na đi làm tiện đường đưa cô bé đi nhà trẻ, nó không chút than vãn nào. An Na tội nghiệp cô bé vô cùng, chỉ hận mình không có tiền, nếu có, cô sẽ lập tức đi mua một cái ngay, cũng chỉ có mấy trăm đồng mà thôi.

Trước khi đến thời đại này, An Na chưa từng ý thức được tiền lại quan trọng đối với mình như thế. Nhưng bây giờ, chỉ có vài ngày ngắn ngủi, cô đã cảm nhận được một đồng tiền thôi cũng quan trọng đến mức nào rồi.

Bất kể sau này cô có dự định gì, là ở lại nơi này hay quay về thành phố S, cũng phải nghĩ cách kiếm được thật nhiều tiền.

….

An Na bắt đầu công cuộc làm cô giáo dạy nhạc trường tiểu học rồi.

Toàn trường chỉ có một giáo viên nhạc, cấp 4 đến cấp 6 tổng cộng có mười hai lớp, từ thứ hai đến thứ 7 đều học, mỗi lớp đều có tiết âm nhạc, chia đều mỗi ngày thì cũng chỉ có hai ba tiết mà thôi, cũng rất thoải mái. Nội dung lên lớp cũng rất đơn giản. Có bài học của giáo viên nhạc trước đó, An Na dựa theo sách âm nhạc mà dạy những bản nhạc trong sách đó, không vượt qua ngoài khuôn khổ. Mà chủ yếu dạy là đánh đàn, ca hát, dạy nhạc số mà thôi.