Thất Lão Kiếm

Chương 10: Yến về rồi

Nhuế Vĩ thấy nàng thành phác, khả ái, bất giác điểm một nụ cười. Nụ cười đó tố giác thân phận của chàng.

Giản Hoài Quyên lắc đầu thốt :

- Ngươi không phải là đại ca của ta! Không phải...

Rồi nàng bước về phía Giản Thiệu Vũ.

Gương mặt của Giản Thiệu Vũ đang bị sát khí bao trùm, sát khí đó tan biến ngay với sự tiếp cận của Giản Hoài Quyên, sắc diện của y trở nên hòa dịu. Y thốt :

- Hiền muội! Hôm nay muộn lắm rồi, đi săn cái nỗi gì được!

Giản Hoài Quyên thở ra :

- Đại ca! Tại sao đại ca không cười? Đại ca cười lên, có khác chi hắn đâu!

Đại ca cười, mới dễ trông chứ!

Giản Thiệu Vũ nổi giận :

- Hắn là ai, hiền muội muốn đại ca giống hắn? Hắn có xứng đáng cho đại ca bắt chước đâu? Đừng nói nhảm! Hãy trở về Vạn Thọ Cư ngay!

Giản Hoài Quyên dù được đại ca dành cho hảo ý, song vẫn sợ đại ca, nghe y bảo thế, ngoan ngoãn quay mình bước đi.

Ngang qua Nhuế Vĩ, nàng dừng chân lại hỏi :

- Ngươi...ngươi không chết?

Hỏi kỳ lạ! Nếu đã chết thì sao Nhuế Vĩ có mặt tại đây trong lúc này!

Nhuế Vĩ mỉm cười :

- Đương nhiên là không chết! Nếu đã chết, thì còn đâu đứng trước mặt cô nương.

- Ta cứ sợ là ngươi mất mạng đi thôi! Cũng may, trời cao có mắt, cho nên...

Giản Thiệu Vũ sôi giận hét :

- Ngươi còn léo nhéo nhảm nhí gì đó? Hãy đi gấp đi!

Nhuế Vĩ không màng đến sự quát tháo của Giản Thiệu Vũ, thấy Giản Hoài Quyên toan bước đi, vội dang tay chận lại, rồi nói :

- Năm xưa, cô nương có biết là tại hạ cải dạng làm đại ca của cô nương đến đây chăng?

Giản Hoài Quyên cúi thấp đầu một chút đáp :

- Đương nhiên là biết! Ngươi bước qua một bên đi, nhường lối cho ta đi.

Nhuế Vĩ bất động, hướng mắt qua Giản Thiệu Vũ hỏi :

- Giản huynh! Giản huynh từng nói, nếu Lưu cô nương biết được âm mưu của Giản huynh, thì Giản huynh sẽ không dung thứ. Bây giờ, lịnh muội cũng biết được việc đó, tại sao lịnh muội được an nhiên?

Giản Thiệu Vũ phẫn nộ quát :

- Việc nhà của bổn công tử, ai mượn ngươi can dự?

Giản Hoài Quyên thấp giọng :

- Chỉ vì ta không đem cái việc ngươi cải dạng đại ca ta, mách lại với mẹ, đại ca ta không trách cứ ta!

Nhuế Vĩ thầm nghĩ :

- “Rõ ràng nàng không biết dụng ý đại ca nàng khi y bảo ta cải dạng y để đến đây! Nàng chỉ biết có mỗi một điều là tin đại ca nàng. Thế thì thôi, ta không nói nữa làm gì! Xem ra, anh em họ có cảm tình với nhau lắm!”

Giản Hoài Quyên nóng đi, cứ dậm chân mãi bực dọc thốt :

- Ngươi tránh ra gấp cho ta đi!

Nhuế Vĩ vẫn đứng y một chỗ, tiếp :

- Giản huynh! Đã tin được lịnh muội, tại sao Giản huynh không dám tin Lưu cô nương?

Giản Thiệu Vũ tức uất, gắt :

- Ngươi luôn luôn nhắc đến nàng ấy! Tại sao thế?

Nhuế Vĩ trong nhất thời, đáp không trôi, mặt đỏ thẹn, chuyển sang đề khác :

- Còn Xuân Cầm, Đông Hoạch, cả hai là liễu hoàn của huynh đài, đáng lẽ huynh đài phải tin họ chứ, sao lại đòi sát hại...

Giản Hoài Quyên kêu lên :

- Đại ca ta vì lý do gì lại muốn sát hại Xuân Cầm và Đông Hoạch? Ngươi có nói nhảm hay không?

Nhuế Vĩ bình tĩnh đáp :

- Chỉ vì hai nàng ấy cũng biết tại hạ cải trang thành đại công tử để đến đây!

Giản Hoài Quyên quay đầu lại, hỏi :

- Thật vậy không đại ca?

Giản Thiệu Vũ trầm giọng :

- Hai liễu đầu đó làm gì biết được thế nào là khinh, thế nào là trọng, không khỏi bép xép nhảm nhí, nếu mẫu thân nghe được là đại ca sai người đến đây giả đại ca rồi sanh giận rồi quở trách, để tránh cho mẫu thân khỏi phiền lòng, đại ca phải gϊếŧ chúng diệt khẩu.

Nhuế Vĩ phẫn nộ thốt :

- Giản huynh dám gϊếŧ chúng, tại hạ sẽ liều tử chiến với Giản huynh!

Giản Thiệu Vũ cười lớn :

- Bổn công tử dễ thường sợ ngươi hăm dọa à? Ngươi chờ xem, ta gϊếŧ hai nàng đó ngay bây giờ đây!

Giản Hoài Quyên bật khóc, thốt qua nức nở :

- Đừng đại ca! Đừng gϊếŧ chúng! Tiểu muội van cầu đại ca! Đại ca chấp thuận chứ?

Giản Thiệu Vũ thở dài, khoát tay :

- Trở về đi! Đại ca không gϊếŧ chúng đâu!

Giản Hoài Quyên cao hứng, hết khóc, lau lệ, rồi tiếp :

- Đa tạ đại ca! Tiểu muội đi đây!

Nhuế Vĩ không ngờ Giản Hoài Quyên chỉ khuyên một câu mà Giản Thiệu Vũ bỏ ngay ý định gϊếŧ Xuân Cầm và Đông Hoạch, như vậy là mục đích của chàng đã đạt rồi, chàng không cần giữ Giản Hoài Quyên lại nữa làm gì nên chàng bước tránh qua một bên, nhường lối cho nàng đi.

Giản Hoài Quyên đi rồi, Nhuế Vĩ vẫy tay về phía Hạ Thi gọi :

- Chúng ta đi thôi!

Giản Thiệu Vũ trước đó có phóng một ngọn cước vào hạ bộ nàng, may mắn nàng tránh kịp nên không sao cả. Nhờ Nhuế Vĩ ngăn trở, Giản Thieu Vũ không thể tiếp tục tấn công nàng.

Giản Hoài Quyên ra cửa, thấy Hạ Thi mang một bọc hành lý nơi vai, vội hỏi :

- Ngươi định đi đâu?

Hạ Thi cúi thấp đầu :

- Tôi theo Nhuế tướng công, ly khai chốn này!

Giản Hoài Quyên sáng mắt lên :

- Ngươi được hầu hạ hắn là có phước lớn!

Nhuế Vĩ đưa một tay vòng quanh lưng Hạ Thi nâng nàng lên, hấp tấp thốt :

- Tại hạ không hề bảo nàng phục thị!

Đoạn chàng bế thốc Hạ Thi, bước đi.

Giản Thiệu Vũ thấy Nhuế Vĩ ở bên cạnh Hạ Thi, dù tức uất song chẳng dám làm gì, chỉ gằn giọng thốt :

- Sẽ có một ngày, con tiện tỳ đó phải chết nơi tay ta!

Nhuế Vĩ theo đường tắt, đưa Hạ Thi đi, người trong phủ chẳng ai phát giác.

Họ nhảy qua mấy bức tường ra đến bên ngoài phủ, đến con đường lớn dẫn về thành Kim Lăng. Chàng buông nàng xuống, đoạn cả hai song bước đi vào thành.

Vào Kim Lăng rồi, Nhuế Vĩ an trí Hạ Thi trong một ngôi khách sạn, cả hai dùng cơm chiều xong là đêm xuống.

Nhuế Vĩ để nàng ở lại đó, tự mình vận y phục dạ hành, trở lại Thiên Trì phủ.

Từ ngày Giản Xuân Kỳ mất đi, Thiên Trì phủ không còn được triều đình trọng vọng, cho nên quyền thế kém giảm, oai khí suy vi, sự canh phòng trong một tòa phủ đệ Tể tướng rộng lớn lưa thưa hầu như lấy lệ, chứ không nghiêm mật như thuở thịnh thời.

Nhuế Vĩ không gặp khó khăn gì khi vào sâu trong phủ. Chàng đi đến ngôi nhà Lưu Dục Chi cư trú, dừng lại đó, tự hỏi có nên vào hay không?

Bỗng, từ bên trong có tiếng hỏi vọng ra :

- Ai ở bên ngoài đó?

Nhuế Vĩ kinh hãi, thầm nghĩ mình bước chân rất nhẹ, thế tại sao người trong phòng hay được? Chàng đắn đo, chưa lên tiếng.

Bên trong tiếng hỏi tiếp vọng ra :

- Nhuế tướng công đó phải không?

Nhuế Vĩ giật bắn người, tim nhảy thình thịch, hết sức lấy làm lạ, chẳng lẽ nàng có tài vị bốc tiên tri? Chàng ứng tiếng :

- Tại hạ là Nhuế Vĩ, đến bái phỏng Lưu cô nương!

Lưu Dục Chi tiếp :

- Thế thì xin mời tướng công vào!

Nhuế Vĩ từ từ bước vào phòng.

Bên trong cách trần thiết không thay đổi, vẫn y như ngày chàng vào đây lần thứ nhất do Giản Hoài Quyên đưa đến.

Riêng Lưu Dục Chi thì hơn năm rồi, nàng càng đẹp, càng thùy mị hơn, quanh nàng như có một vầng sáng khiến ai nhìn nàng cũng phải sanh lòng kính mộ. Nàng cao quý thanh khiết như một tiên nữ.

Nhuế Vĩ vòng tay, thốt :

- Đa tạ cô nương cứu mạng trong ngày vừa qua!

Lưu Dục Chi điềm nhiên :

- Cần chi phải cảm tạ! Tôi không tiện ra mặt tiếp trợ, nên dùng “Truyền Âm Nhập Mật” đề tỉnh tướng công. Việc nhỏ mọn quá xin tướng công đừng nhắc lại.

Rồi song phương cùng im lặng. Một sự im lặng ngượng ngùng cho cả hai.

Nhuế Vĩ sau một lúc lâu, ấp úng :

- Tại... tại hạ... muốn...

Lưu Dục Chi ngẩng đầu lên :

- Tướng công muốn đi?

Nhuế Vĩ gật đầu.

Lưu Dục Chi thở dài :

- Đề tỉnh tướng công rồi, tôi biết thế nào tướng công cũng trở lại cảm tạ tôi.

Hiện tại, lời cảm tạ đã thốt xong rồi, đương nhiên tướng công phải đi! Đi là phải!

Muờng tượng có ý trách hờn trong câu nói.

Thế ra, chàng trở lại đây, là chỉ để tạ ơn suông mà thôi à! Chàng không còn lời gì khác để nói sao?

Tuy nhiên, chàng chưa bước đi.

Lưu Dục Chi thấy thế mỉm cười mời :

- Tướng công ngồi xuống đi, tôi đi rót chén trà đãi tướng công.

Nhấp mấy ngụm trà xong, Nhuế Vĩ bắt đầu kể lể sự tình từ lúc chàng bắt đầu cải dạng Giản Thiệu Vũ đến Thiên Trì phủ.

Lưu Dục Chi nghe xong thốt :

- Tướng công có được kỳ ngộ như vậy tôi xin mừng cho. Hiện tại thì Giản công tử không phải là đối thủ của tướng công, nhưng sang năm vào giai tiết Trung Thu, tướng công sẽ gặp Lục Tàn Tẩu tại nơi ước hội, các vị đó đều thành danh lớn trên giang hồ, võ công của họ tuyệt cao, trên hẳn Giản công tử mấy bậc, tướng công phải cẩn thận cho lắm!

Nhuế Vĩ cảm kích thạnh tình nàng chiếu cố lo lắng cho chàng. Chàng vòng tay, cất giọng xúc động :

- Đa tạ cô nương có lòng quan hoài đến tại hạ.

Rồi chàng hỏi :

- Cô nương ở đây, có... có vui chăng?

Lưu Dục Chi trầm buồn đáp :

- Vui với chẳng vui, không phân biệt mảy may! Mạng số con người, do tiền định, trên đời có ai cãi được căn phần?

Giọng nàng đượm niềm u oán.

Nhuế Vĩ nghe lòng man mác bâng khuâng. Chàng thầm nghĩ :

- “Có một vị hôn phu tàn khốc như vậy thì kiếp sống của nàng làm sao tươi sáng được? Khung cảnh của nàng là khung cảnh ngục tù, so sánh như vậy cũng không sai lắm”.

Chàng hận không thể nói một câu :

- Thế thì cô nương hãy theo tại hạ, ly khai khỏi cái địa phương quỷ quái này!

Làm sao chàng dám nói lên câu đó?

Muờng tượng nàng than khẽ :

- Hận bất tương phùng vị giá thời!

Hận chẳng gặp nhau khi nàng chưa hứa hôn về họ Giản.

Nhuế Vĩ kinh hãi, vụt đứng lên, thốt gấp :

- Cô nương! Tại hạ xin đi!

Lưu Dục Chi đứng lên theo, tiếp :

- Tôi đưa tướng công ra cửa!

Đến cửa rồi, nàng hỏi :

- Tướng công định đi về đâu?

Nhuế Vĩ đáp :

- Từ thuở nhỏ, tại hạ ở tại Hắc bảo, thuộc tỉnh Sơn Tây, bây giờ trở về đó!

Lưu Dục Chi kinh hãi :

- Tướng công về đó làm chi?

Nhuế Vĩ thở dài :

- Đối với Hắc bảo, tại hạ có một mối huyết hải thâm cừu, một mối thù bất cộng đái thiên. Bằng mọi giá, tại hạ phải thanh toán!

Lưu Dục Chi chúc tốt :

- Tướng công thượng lộ bình an, sớm báo được thù nhà!

Nhuế Vĩ chào biệt :

- Đa tạ cô nương! Sẽ có ngày hậu hội!

Chàng ngang nhiên bước đi, quyết định không quay đầu. Nhưng đi hơn mười bước, không dằn lòng được, chàng nhìn lại, Lưu Dục Chi vẫn còn đứng tại khung cửa, dõi mắt theo chàng. Nhuế Vĩ vẫy tay, đoạn cắn răng, phóng chân chạy gấp.

Sáng sớm ngày hôm sau, chàng thuê xe ngựa cùng Hạ Thi ly khai Kim Lăng.

Đến huyện Trấn Giang, họ bỏ xe, đi thuyền vì Hạ Thi không quen đường thủy, say sóng liên miên, nên đến bến Yến Tử, Nhuế Vĩ lại lên bộ.

Đường thủy không kham, Hạ Thi làm sao chịu nổi mọi vất vả trên con đường bộ dài nghìn dặm dẫn đến Hắc bảo? Nhuế Vĩ lấy làm khó nghĩ.

Hạ Thi đề nghị :

- Tướng công đến Hắc bảo báo cừu, tôi có đi theo cũng vô ích, chẳng những không tiếp trợ được gì mà còn gây phiền phức cho tướng công nữa. Tôi muốn lưu lại đây, tướng công nghĩ sao?

Nhuế Vĩ cho rằng đề nghị đó rất hợp lý. Võ công của Hạ Thi còn kém quá, nàng có đi theo cũng chỉ làm bận chân tay chàng thôi. Chàng tán đồng ý kiến đó, chọn cuộc đất trên Thê Hà Lãnh cách bến Yên Tử ba mươi dặm dựng nhà cho Hạ Thi ở.

Trước kia, Du Bách Long có để lại cho Nhuế Vĩ một số châu ngọc, bây giờ chàng đem ra bán trang trải mọi chi phí, cũng còn thừa tiền.

Chàng mua hai liễu hoàn, ba nam bộc, phục dịch Hạ Thi.

Ngoài ra, chàng còn để lại cho Hạ Thi một thanh Huyền Thiết Mộc Kiếm phòng thân, cùng với các bí lục võ công của Du Bách Long và Giản Lạc Quan, cho nàng luyện tập. Xong đâu đấy, chàng lên đường.

Hạ Thi tiễn đưa mười dặm mới trở lại.

Nhuế Vĩ dọc theo bờ sông ngược lên thượng du, có khi đáp thuyền, có lúc cưỡi ngựa, dầu dãi lắm phong trần mới đến Sơn Tây.

Thời gian lúc đó vào tiết hạ, lối tháng năm, không khí nóng bức vô cùng.

Trong vùng Sơn Tây, có hai Bảo, Hắc bảo ở tại phủ Thái Nguyên.

Người ta cũng gọi là Nam Bảo, Bắc Bảo.

Bảo chủ Hắc bảo là Lâm Tam Hàn, tác độ năm mươi hơn, ba mươi năm trước đã thành danh cùng một lượt với Bảo chủ Bạch Bảo Hồ Dị Phàm.

Vào tuần trung niên, Lâm Tam Hàn chết vợ, quanh mình chỉ có một người con gái. Lão ta quý như châu ngọc.

Nhuế Vĩ phi ngựa đến phủ Thái Nguyên, đúng lúc bữa ăn trưa. Chàng vào ngôi tửu lầu phía trước mặt, lên lầu, chọn bàn gần cửa sổ trông xuống đường phố!

Chàng gọi thức ăn, vừa thưởng thức những món quen thuộc ngày trước, vừa ngắm cảnh đẹp nhưng cũng chẳng lạ gì đối với chàng.

Đang ăn dở bữa, chàng chợt thấy bên dưới đường, ba toán hào kiệt võ lâm đi qua, hướng về phía Tây Thành. Người nào cũng mang theo lễ vật. Nhuế Vĩ thầm nghĩ :

- “Hắc bảo ở tại thành Tây, chẳng lẽ nơi đó có cuộc lễ gì, mà bọn người này đến mừng!”

Khi chàng ăn xong bữa cơm, thì có thêm ba toán người nữa đi qua, cũng mang lễ vật, cũng hướng về Tây Thành. Chàng hấp tấp xuống lầu, thanh toán tiền nong xong, vừa bước khỏi tửu lầu, bỗng nghe tiếng gọi :

- Giản công tử! Giản công tử!

Chỉ vì chàng giống Giản Thiệu Vũ, lại mang chiếc áo đen của y, trên giang hồ chỉ có Giản Thiệu Vũ mặc y phục bằng chất liệu đó thôi, nên người ta phải lầm.

Thoạt đầu, Nhuế Vĩ không để ý, tưởng là ai đó, gọi kẻ khác nào. Nhưng người gọi, gọi xong liền bước đến cạnh chàng, cung kính hỏi :

- Giản công tử còn nhận ra tại hạ chăng?

Đến lúc đó, chàng mới biết là người đó gọi chàng. Người đó, vào lứa tuổi bốn mươi hơn, mày rậm, mắt to, mặt vuông, vận áo lụa mỏng, thoảng nhìn qua ai cũng biết là một tay có hạng trong võ lâm. Nhuế Vĩ chưa hề biết mặt y, nhưng biết y là bằng hữu của Giản Thiệu Vũ, bèn hỏi :

- Huynh đài có phải là...

Người đó vòng tay :

- Công tử là bậc cao qúy, chắc không nhớ tiện nhân Phạm Tông Ninh ở đất Hoài Tây?

Nhuế Vĩ chực nhớ lại, có xem qua quyển bí lục nhan đề “Hoài Tây Phạm Gia Đại Hà Chưởng”, đoán chắc người này là hậu duệ của họ Phạm. Do đó, chàng thấy không tiện nói là không biết, nên cười thốt :

- Thì ra là Phạm huynh!

Phạm Tông Ninh cao hứng quá, cười lớn tiếp :

- Tại hạ có gặp công tử một lần tại Hoài Tây, không ngờ là công tử vẫn chưa quên!

Mường tượng y nghĩ rằng được Giản Thiệu Vũ nhớ đến là một đại vinh hạnh cho y, như vậy đủ biết thanh danh của Giản Thiệu Vũ trên giang hồ cũng to lớn lắm, tuy y chưa xuôi ngược được bao năm dài.

Cái oai khí dư thừa của Thiên Trì phủ vẫn còn làm cho một số người trong võ lâm kính mộ kiêng dè.

Nhuế Vĩ hỏi bâng quơ :

- Huynh đài ly khai Hoài Tây đến đây, hẳn có công cán chi?

Phạm Tông Ninh hân hoan ra mặt :

- Vì hôn nhân của tiểu nhi đó!

Y quay đầu lại, hướng mắt về một gã thiên niên anh tuấn ở phía sau, vẫy tay gọi :

- Khương nhi! Lại đây làm lễ ra mắt Giản công tử gấp!

Gã thiếu nhiên đang cười nói với bằng hữu, nghe phụ thân gọi, bèn chạy đến, còn cách Nhuế Vĩ xa xa, đã vòng tay nghiêng mình chào. Gã có thân cao, vai rộng, đi đứng chững chạc xứng đáng là hậu duệ của danh gia.

Phạm Tông Ninh lại cười tiếp :

- Công tử còn nhớ Phạm Đại Khương chứ? Hôm đó, nó nhờ công tử chỉ điểm, đến nay vẫn còn nhắc mãi và tiếc là không được công tử thời thường giáo huấn. Nó nói rằng từ hôm đó, nó được mở mang trí óc vô cùng.

Nhuế Vĩ đáp lễ Phạm Đại Khương rồi thốt :

- Đại Khương huynh tươi nét mặt quá, hẳn là sắp có lễ sự lâm thân!

Phạm Đại Khương đã đến gần. Hắn lắc đầu đáp :

- Có lễ sự gì đâu! Gặp lại công tử là một lễ sự lớn lao thì có!

Nhuế Vĩ cau mày :

- Lịnh tôn vừa nói đến hôn sự của Đại Khương huynh kia mà! Tại sao thế huynh bảo là không có hỷ sự?

Phạm Đại Khương đáp :

- Việc đã thành đâu mà dám cho rằng hỷ sự! Nếu nói là hỷ sự thì hơi sớm!

Phạm Tông Ninh tiếp nối :

- Tài nghệ Khương nhi còn non kém, bất quá nó đến đây là chỉ để thử thời vận thôi.

Nhuế Vĩ nghi hoặc :

- Thế ra hôn sự gặp khó khăn chi đó phải không? Các vị có cần nhờ tại hạ giúp một tay chăng?

Phạm Tông Ninh cười lớn :

- Đa tạ công tử có lòng lo cho tiểu nhi! Song cái việc này chỉ có nó làm được thôi! Thành hay bại cũng do nó, ngoại nhân dù có hảo ý, cũng chẳng giúp nó được!

Nhuế Vĩ trố mắt :

- Tại sao?

Phạm Tông Ninh tiếp :

- Thế công tử chưa biết việc gì xảy ra tại Thái Nguyên này sao? Công tử có thấy hào kiệt giang hồ lũ lượt mang lễ vật đến Thái Nguyên chứ?

Người gật đầu :

- Thấy chứ! Tất cả đều đi về hướng Tây! Tại hạ lấy làm lạ, chẳng hiểu việc gì đã xảy ra!

Phạm Tông Ninh đáp :

- Họ đến Hắc bảo cầu hôn đó!

Nhuế Vĩ giật mình :

- Cầu hôn tại Hắc bảo! Hôn chi mà cầu?

Phạm Tông Ninh cười lớn :

- Thì ra Giản công tử quả là chưa hay một cái tin vô cùng nhiệt náo! Mình vào quán trà kia nói chuyện tiện hơn, công tử!

Tại Thái Nguyên, gì thì thiếu chứ quán trà thì khắp phố phường con đường nào cũng có, mà lại có rất nhiều. Hầu như tại đây, người ta thích uống trà, cần uống trà ngang với cơm và rượu!

Gọi trà xong, mọi người cùng uống.

Nhấm nháp mấy ngụm trà, Phạm Tông Ninh bắt đầu kể :

- Bảo chủ Hắc bảo Lâm Tam Hàn có một ái nữ vẹn toàn cả tài lẫn sắc, chắc công tử có nghe đồn về vị tiểu cô nương đó?

Nhuế Vĩ bắt đầu hồi hộp, đầu gật gật, miệng đáp :

- Biết! Biết!

Phạm Tông Ninh tiếp :

- Tháng trước đây, đột nhiên Lâm Tam Hàn tuyên bố khắp giang hồ muốn kén rể, chọn cho con gái một tấm chồng xứng đáng. Y hy vọng hạnh thanh thiếu niên trong võ lâm cầu hôn đông đảo...

- Cuối cùng, phụ thân nàng cũng đem nàng ra mà gả bán!

Phạm Tông Ninh nhấp trà lấy giọng tiếp :

- Lâm Tam Hàn sợ đám hậu bối trong võ lâm không hưởng ứng nên kèm thêm một lời hứa, là thiếu niên được chọn làm rể y, y sẽ truyền hết sở học cho thiếu niên đó. Ngoài ra còn tặng thêm viên châu tỵ độc và vô số bạc vàng.

Nhuế Vĩ cười khổ :

- Bởi thế, Phạm huynh đưa lịnh lang đến đây!

Phạm Tông Ninh thoáng đỏ mặt, gượng cười :

- Tại hạ không vì hạt châu tỵ độc, không vì bạc vàng, bất quá nghe nói con gái Lâm Tam Hàn rất mỹ lệ, rất hiền thục, mà tiểu nhi thì cũng lớn tuổi rồi, nên muốn tìm cho nó một nơi xứng đáng!

Nhuế Vĩ thầm nghĩ :

- “Nếu ngươi không ham võ công của Lâm Tam Hàn thì khi nào bôn ba lặn lội từ nghìn xa đến đây!”

Một niềm khinh bạc đối với nhà họ Phạm bỗng phát sanh nơi tâm tư chàng, chàng cho rằng tư cách của họ không sáng lắm. Họ thuộc hạng thanh, họ không cao thượng chút nào! Còn lâu lắm họ mới vượt đồng loại, có thái độ siêu thường!

Cảm nghĩ đó hiện lộ ngay nơi gương mặt chàng, song Phạm Tông Ninh không hề phát hiện, cứ tiếp nối câu chuyện :

- Sở dĩ thế, hạng thanh thiếu niên trên giang hồ kéo nhau đến đây, và hôm nay là ngày tuyển chọn khách đông sàng của Hắc bảo. Mục tiêu của Lâm Tam Hàn là chọn rể vừa tài cao vừa dung mạo tuyệt mỹ.

Phạm Đại Khương khiêm tốn :

- Khương tôi sự xét mình tài hèn, nên không hy vọng trúng tuyển!

Phạm Tông Ninh cười vuốt :

- May mắn làm sao, cha con tại hạ lại gặp công tử ở đây! Nếu tiểu nhi được công tử chỉ điểm một vài, thì nó có nhiều hy vọng chiếm giải!

Nhuế Vĩ lắc đầu cười khổ :

- Gần đây, tại hạ thọ tiểu bịnh, thân thể không còn an khang cho lắm. Xin hẹn với Phạm huynh ngày khác, chúng ta sẽ tụ hội lâu hơn!

Bây giờ, Phạm Tông Ninh mới nhận ra, thần sắc Nhuế Vĩ có vẻ khác lạ. Y thường nghe giang hồ đồn đãi về tánh khí của Giản Thiệu Vũ nên sợ y biến đổi thái độ mà sanh ra điều không hay. Y bèn đứng lên, vòng tay cáo từ :

- Tại hạ làm phiền phức công tử quá, xin công tử đại xá cho. Tại hạ xin đi Hắc bảo, công tử cứ ở đây thong thả uống trà.

Nhuế Vĩ không muốn đi chung với họ nên gật đầu, song chàng chẳng nói một tiếng gì.

Cha con Phạm Tông Ninh đi rồi, Nhuế Vĩ thở dài, rồi cũng rời quán trà ra đi.

Chàng đến quầy trà trả tiền, quản lý bảo rằng cha con họ Phạm thanh toán rồi.

Chàng lững thững bước đi, về hướng thành Tây, dọc đường xúc cảnh sanh tình, bồi hồi nhớ lại lúc thiếu thời.

Một lúc sau, chàng nhìn ra Hắc bảo đã hiện lộ xa xa.

Hắc bảo gồm một dãy trại dài, lưng tựa vào núi cao, trông có vẻ quy mô, hùng vĩ.

Đường vào Hắc bảo rất rộng, hai bên có trồng hòe, cây lớn, tàng cao, Nhuế Vĩ đi dưới bóng hòe, tâm tư man mác.

Nơi đây, chàng từng lưu lại bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, vui ít buồn nhiều.

Nơi đây đối với chàng, có mối hận đầy trời, mối hận phát sinh từ tiền nhân, phần báo phục do hậu duệ đảm trách.

Chàng còn nhớ gì ở tại Hắc bảo?

Nhưng, nhớ chi chi cũng chẳng bằng nhớ một người! Người đó là... nàng!

Nàng từng cùng chàng tung tăng trên con đường này, lúc cả hai còn là những đứa bé con.

Kia, trước mặt kia, thân cây đó, nàng từng bảo :

- Tiểu Vĩ! Trèo lên đi! Xem trên đó có yêu quái nấp trong bông chăng?

Cây đó là cây khô,người ta chưa kịp hạ xuống, trồng cây khác thay vào.

Hiện tại nó vẫn còn! Trơ mình khô dưới nắng sương qua bao ngày tháng.

Tim chàng khô héo như vậy! Bởi không có sinh khí cho nó dinh dưỡng! Sinh khí đó, chàng để lại đây, sau ngày ly khai Hắc bảo, chàng gởi lại hết cho nàng.

Bây giờ, chàng trở lại đây, có bằng lòng trao trả để con tim chàng tươi nhuận lại chăng! Hay nàng đã vất đi, dành chỗ chứa cho một luồng sinh khí khác?

Chàng thẫn thờ đi, bỗng có tiếng gọi phía sau :

- A! Ngươi là người trong bảo?

Chàng quay mình lại, trước mắt chàng là một người có thân vóc cao. Chàng vốn đã cao người đó còn cao hơn chàng một cái đầu, da đen, người có vẻ mặt hiền hòa, khiến cho ai gặp y cũng bớt sợ trước thân hình khôi vĩ. Chàng đáp :

- Tại hạ không phải là người trong bảo. Các hạ muốn tìm ai?