Thất Lão Kiếm

Chương 9: Chiếc nạ quen

Nhuế Vĩ thiết tha lẩm bẩm :

- Sư phụ còn sống đó, và sẽ sống lâu hơn, tại sao nói đến việc vĩnh viễn ra đi!

Du Bách Long thở dài :

- Năm xưa, bọn ta giao ước với nhau là nếu ta chết đi thì sẽ có người thay mặt ta đến nơi ước hội. Nếu ngươi không nói là ta đã chết, thì rõ ràng là ngươi tố cáo với họ là ta không đủ năng lực hội diện với họ! Ta còn sống mà không đến, là ta thất ước!

Nhuế Vĩ đáp :

- Cái đó, theo đồ đệ, không quan hệ lắm, công lực của sư phụ tán thất, thì đệ tử đi thay, tại sao lại không được?

Du Bách Long lắc đầu :

- Không được! Sáu lão nhân đó không có ý nghĩ đơn giản như ngươi vậy đâu. Vả lại, nếu biết ta còn sống, họ không khi nào tin tưởng nơi ngươi, là người được truyền thụ hai chiêu kiếm chân chánh! Ngươi cứ nói là ta đã tạ thế rồi, như vậy ổn tiện hơn hết.

Nhuế Vĩ đáp xuôi :

- Phải! Phải!

Du Bách Long chợt nhếch nụ cười thảm, từ từ thốt :

- Vĩ nhi! Ta đi trước nhé!

Nhuế Vĩ nghi ngờ, sư phụ đã trối trăn hậu sự xong xuôi rồi, chắc là đi tìm cái chết, có chết đi, lão mới giúp chàng hành sự danh chánh ngôn thuận. Nghĩ đến đó, chàng biến sắc hấp tấp gọi :

- Sư phụ! Sư phụ! Sư phụ định đi đâu?

Chàng vọt mình tới, nắm chéo áo Du Bách Long, lệ thảm tuôn tràn, thốt qua nức nở :

- Sư phụ! Sư phụ đừng đi đâu cả! Sư phụ muốn đi tìm cái chết sao?

Du Bách Long mỉm cười :

- Làm gì có việc đó mà ngươi lo? Sư phụ muốn đến một nơi vắng vẻ để tĩnh dưỡng!

Nhuế Vĩ hỏi gấp :

- Nơi đó là đâu?

Du Bách Long thở dài :

- Ngươi đừng hỏi nơi ta sắp đến! Ta phải đi. Trong thạch thất còn nhiều thức ăn, ngươi muốn lưu lại đây thêm mấy hôm nữa cũng chẳng sao. Cứ bình tâm nghiên cứu công phu. Hai thanh kiếm gỗ đó, ta dùng Huyền Thiết Mộc tạo thành, cứng rắn phi thường, không sợ hữu kiếm chạm vào. Ngươi hãy giữ mà dùng.

Đoạn, lão hướng về bìa rừng, cất bước. Nhuế Vĩ theo sau.

Ra khỏi khu rừng quanh mộ. Du Bách Long quay mình lại bảo :

- Ngươi khỏi phải tiễn đưa ta!

Nhuế Vĩ không dám cãi lời, đứng lại bìa rừng. Lão nhân đi thêm mấy bước, lại quay mình, thốt :

- Vĩ nhi! Ngươi phải hết sức đề phòng đại công tử nhà họ Giản trong phủ Thiên Trì. Hôm đó, kẻ bao mặt áo đen đánh ngươi trọng thương chính là Giản Thiệu Vũ đấy.

Nhuế Vĩ cả kinh, kêu khẽ :

- Y? Chính y thật sao? Tại sao ân công muốn gϊếŧ ta?

Du Bách Long không lưu ý đến niềm thắc mắc của chàng, thở dài mấy tiếng rồi tiếp :

- Hắn đánh ngươi trọng thương, tội đó đáng chết, song ta nghĩ, nhị ca của ta chết rồi, mà hắn lại thuộc dòng đích, kế thừa nhất mạch, nên ta không nỡ gây thiệt hại cho nhà họ Giản. Nếu chẳng vậy, ta đã giáo huấn hắn một phen rồi, ngay trong đêm đó. Ta dặn ngươi, hãy đề phòng hắn, nếu sau này gặp hắn ngươi chỉ tự bảo vệ thôi đừng làm thương tổn đến hắn.

Nhuế Vĩ thầm nghĩ, võ công của Giản Thiệu Vũ rất cao siêu, y không gϊếŧ chàng thì thôi, chứ chàng có tài sức gì mà sát hại y nổi! Ân sư dặn dò điều đó, chàng cho là thừa.

Nhưng, chàng có biết đâu, sau này, có biết bao nhiêu dịp, chàng gϊếŧ được Giản Thiệu Vũ, song chàng không hạ thủ, cũng vì lời chúc phó của ân sư ngày nay.

Du Bách Long đi luôn, càng phút càng xa, Nhuế Vĩ lấy mắt tiễn đưa thầy, đến khi thầy khuất dạng, chàng trở vào khu mộ, ngồi xuống bệ đá, hồi ức lại những chuyện đã qua.

Chàng nghĩ, sư phụ đứng trong hàng ngũ Thất Tàn Tẩu, thế mà chàng không thấy sự tàn phế của ân sư, dù hai thầy trò sống cạnh nhau hơn một năm dài. Rồi chàng tự hỏi :

- “Tại sao sáu vị Tàn Tẩu kia, chỉ biết mỗi người một chiêu, mà sư phụ thì lại biết đến hai chiêu? Tại sao họ đều là người tàn phế? Có phải là vì học kiếm pháp Hải Uyên mà ra chăng? Có mối liên quan gì giữa kiếm pháp Hải Uyên? Ta có bị tàn phế như họ chăng?”

Càng suy nghĩ, Nhuế Vĩ càng bấn loạn tâm thần, sau cùng chàng nhặt thanh Huyền Thiết Mộc kiếm, múa lên vun vυ't, cho tâm tư vơi nhẹ những nỗi niềm miên man.

Thấm thoát, nửa tháng qua mau, từ ngày Du Bách Long ly khai tên đồ đệ duy nhất.

Nhuế Vĩ không hôm nào không đọc quyển bí lục của ân sư để lại, trong đó ghi chú trọn sở học của Giản Lạc Quan. Đọc xong, chàng có nhận xét là võ học của Giản Lạc Quan có phần cao siêu hơn võ học của ân sư. Về ám khí thì quyển bí lục ghi tải rất nhiều.

Thức ăn trong thạch thất vơi dần, rồi cạn. Nhuế Vĩ không thể lưu lại được nữa, mang Huyền Thiết Mộc kiếm rời thạch thất ra đi.

Chiếu theo bức địa đồ, chàng tránh hết cả các cơ quan mai phục, vượt luôn hai khu rừng nhân tạo, đến trước Vạn Thọ Cư. Hiện tại, chàng vẫn mặc chiếc áo do Giản Thiệu Vũ trao đổi ngày trước, chiếc áo màu đen, làm bằng một chất liệu đặt biệt. Chàng mặc nó hơn một năm qua rồi, mà nó không hư hại.

Địa thế trong Thiên Trì phủ, dĩ nhiên chàng thuộc làu. Chàng từ từ bước đi, qua khỏi Vạn Thọ Cư, đến dãy nhà dành cho bọn liễu hoàn. Chúng thấy chàng, đồng reo lên làm lễ :

- Đại công tử đến! Đại công tử mạnh chứ?

Nhuế Vĩ bấm bụng cười thầm, thế ra bọn này vẫn chưa nhận thức chàng là con người giả hiệu hay sao mà! Nhưng, như vậy là có lợi cho chàng chứ sao đâu.

Với tư cách công tử giả hiệu, chàng ung dung bước đi, ra khỏi Thiên Trì phủ.

Chàng ức đoán, Giản Thiệu Vũ hẳn là đang có mặt trong Thiên Trì phủ, chứ nếu không thì làm gì bọn liễu hoàn thản nhiên chào chàng như vậy, bởi đại công tử vắng mặt hơn một năm qua, cộng với sáu tháng trước kia, vị chi gần hai năm rồi. Đại công tử đã trở về, nên chúng không nghi ngờ khi thấy chàng. Nếu đại công tử vắng mặt, thì gặp chàng, hẳn là chúng phải kinh hãi, sững sờ, đâu được tự nhiên như thế?

Chàng tự hỏi :

- “Trong hơn một năm qua, Giản Thiệu Vũ có thái độ nào đối vớ bà kế mẫu?”

Óc cứ suy nghĩ, chân cứ bước, không lâu lắm, chàng đi ngang qua gian nhà của Lưu Dục Chi. Tiếng tiêu từ trong đó vọng ra như ngày nào, mường tượng bất cứ lúc nào nàng cũng thổi tiêu giải muộn.

Bất giác, Nhuế Vĩ dừng chân, lắng tai nghe. Lúc đó, thái dương chếch sâu xuống phương trời Tây, hoàng hôn sắp đến, dọn dẹp thế gian, chực rước đêm về.

Tiếng tiêu càng lúc càng vang, thê lương, ảm đạm...

Nhớ lại sự đối xử của Lưu Duc Chi rất tốt với chàng, Nhuế Vĩ rơi lệ.

Nhuế Vĩ thầm nghĩ :

- “Giản đại công tử ở tại nhà, tại sao nàng còn thổi lên những tiếng kêu sầu não ruột? Chẳng lẽ Giản Thiệu Vũ cương quyết lánh mặt nàng? Nàng vẹn toàn thế đó, tại sao y không có thiện cảm đối với nàng?”

Nhuế Vĩ lập ý quyết hỏi Giản Thiệu Vũ cho ra lẽ. Chàng rẽ bước về hướng thơ phòng, nhưng trong phòng chẳng có một ai, những vật trang trí vẫn còn nguyên vẹn như ngày chàng rời phòng ra chạm mặt với bọn Hắc bảo.

Chàng thẫn thờ một lúc, đoạn bước lại giá sách rút ra một quyển, bìa đề tựa là: “Lang Bắc Ngũ Hồ Đoạn Môn Đao”. Quyển sách này chàng đã đọc qua rồi, nên không lưu ý lắm, tuy tay lật từng trang, từng trang, xong rồi định lấy một quyển khác. Bỗng có tiếng nữ nhân vang lên phía sau lưng :

- Công tử dạo bước xong, trở về đó chăng?

Nhuế Vĩ không cần quay mình, cũng nhận ra là Hạ Thi vừa cất tiếng, chàng mừng thầm, ngày trước, nàng tự nguyện theo chàng ra cửa, đương đầu với địch, có thể là nàng không bị Giản lão phu nhân quở trách, chứ nếu ngược lại thì giờ đây nàng làm gì được tự do?

Niềm cao hứng dâng lên, chàng quay mình lại.

Dung mạo của Hạ Thi không biến đổi, nàng cười hì hì, nhìn chàng.

Chàng cũng cười đáp :

- Ta trở lại rồi.

Bỗng Hạ Thi biến sắc mặt, giọng khàn khàn đó, nụ cười đó, hơn một năm rồi, nàng không nghe, không thấy.

Nhuế Vĩ tiếp hỏi :

- Ngươi mạnh giỏi chứ?

Do tâm thành mà hỏi như vậy, chàng có biết đâu câu hỏi đó tố giác sự giả tạo của chàng? Chàng quên mất hoàn cảnh hiện tại.

Một công tử, ở tại nhà, khi nào lại hỏi một liễu hoàn hàng ngày có mặt, hầu hạ bên cạnh là mạnh giỏi hay không mạnh giỏi? Trừ ra một người đi xa mới hỏi người ở nhà như vậy, mà chàng thì ức đoán đại công tử chân chánh đang có mặt trong phủ, hơn thế Hạ Thi cũng vừa nói là đại công tử dạo bước kia mà?

Chẳng rõ tại sao Hạ Thi lộ vẻ khẩn trương, lấp vấp thốt :

- Tôi... tôi đi lấy nước... cho công tử rửa mặt...

Vì quá khẩn trương, nàng chạy đi, chân quýnh quáng, thân hình suýt ngã mấy lượt.

Sợ nàng ngã, Nhuế Vĩ vội bước theo, vừa đỡ nàng trong tay vừa hỏi :

- Ngươi làm sao thế? Chân hữu đau à?

Bây giờ Nhuế Vĩ mới thấy là nàng nương theo một chiếc gậy mà chạy đi, vì khẩn trương nên nàng không kềm vững gậy thành ra lảo đảo.

Nhuế Vĩ chạm tay nơi bờ vai nàng, nàng phát run người lên, mặt đỏ rần, cúi thấp đầu đáp nhỏ giọng :

- Năm xưa tôi trợ giúp công tử cự địch, lão phu nhân quở phạt, đập gãy chân hữu của tôi, tử đó tôi phải dùng gậy để xê dịch, thật là bất tiện.

Nhuế Vĩ nổi giận, cao giọng thốt :

- Chỉ vì ngươi tiếp trợ ta mà đành đoạn đập gãy chân ngươi?

Vô hình chung, đôi tay của chàng quàng quanh hai bờ vai Hạ Thi, trong lúc xúc động, chàng lại gì mạnh hai tay.

Hạ Thi dù sao cũng là gái có tư cách, khi nào để cho nam nhân chạm vào mình? Nàng nhè nhẹ vùng vai, thoát khỏi hai tay của Nhuế Vĩ rồi cười, thốt :

- Để tôi đi lấy nước.

Nhuế Vĩ cầm bàn tay ngọc, dịu dàng bảo :

- Khỏi! Ngươi nên nhớ, năm xưa ta có nói, miễn sao ta không chết là ngươi sẽ không còn bị bắt buộc làm những việc đê tiện đó. Từ phút giây này, ngươi đi theo ta, đi khỏi Thiên Trì phủ.

Hạ Thi mừng đến độ rung người, ấp úng hỏi :

- Công tử... đưa tôi... đi đâu?

Nhuế Vĩ đáp :

- Đừng gọi ta là công tử nữa. Ngươi có biết ta là ai chăng?

Hạ Thi ngẩng mặt lên :

- Tôi biết từ lâu... thiếu hiệp không phải là đại công tử!

Nhuế Vĩ hỏi :

- Ai nói như vậy?

Hạ Thi đáp :

- Thiếu hiệp và đại công tử hoàn toàn khác biệt về tánh tình. Năm xưa, tôi thấy thiếu hiệp bị một người mạng nạ, mặc áo đen đánh ngã. Rồi liền sau đó, một lão nhân có thân pháp cực nhanh đến cứu.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Rồi sao nữa?

Hạ Thi tiếp :

- Bọn Hắc bảo đại bại bỏ chạy, không lâu lắm, công tử trở về. Liên tiếp mấy hôm, công tử không cười, nói năng lại khó nghe. Tôi biết, đúng là đại công tử chân chánh, còn thiếu hiệp là người giả. Chẳng rõ lão nhân cứu thiếu hiệp rồi đưa đi đâu.

Nhuế Vĩ thở dài :

- Ngươi có biết người bao mặt nạ vận áo đen chính là đại công tử chăng?

Hạ Thi giật mình :

- Tại sao công tử đánh thiếu hiệp trọng thương?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ta cũng không hiểu tại sao. Cũng như ta không hiểu luôn tại sao Giản lão phu nhân lại làm hư hoại chân hữu của ngươi. Nơi đây không phải là một địa phương tốt, ngươi hãy thu thập hành trang, ta đưa ngươi đi tìm đất lành mà ở.

Hạ Thi gật đầu liền liền, thốt :

- Thiếu hiệp ở tại đây chờ tôi. Tôi trở lại ngay!

Nàng chỏi gậy, bước đi.

Nhuế Vĩ hết sức phẫn nộ về sự tàn khốc của Giản lão phu nhân, xem mạng người quá rẻ, thà hành tội chết còn hơn hành tội sống, báo hại con người ta phải khổ suốt đời.

Chàng chỉ muốn giẫm nát Thiên Trì phủ tức khắc mới hả giận cho!

Tuy nhiên, nhớ đến cái ân của Giản Thiệu Vũ cứu mạng chàng, dù rằng y có ý muốn sát hại chàng, chàng cũng nguôi cơn giận phần nào.

Chàng bình tĩnh ở tại thơ phòng, chờ Hạ Thi. Chàng đứng đưa lưng ra ngoài, quay mặt vào trong.

Không lâu lắm, một giọng nam nhân lanh lảnh vang lên :

- Các hạ là ai?

Nhuế Vĩ từ từ quay mình lại, lạnh lùng hỏi :

- Ân công còn nhận ra Nhuế Vĩ này chăng?

Giản Thiệu Vũ thoáng giật mình, song bình tĩnh bước vào phòng, buông roi ngựa xuống, lạnh lùng hỏi lại :

- Thế ra các hạ chưa chết à?

Nhuế Vĩ điềm nhiên đáp :

- Suýt chết, chứ chưa chết. May mà mạng số tại hạ còn dài, nên giã từ cõi chết, trở về cõi sống!

Giản Thiệu Vũ cười lạnh :

- Ngươi thoát chết hai lượt rồi, đáng lý thì đi luôn, còn trở lại đây làm chi?

Nhuế Vĩ đáp :

- Ân công bảo Nhuế Vĩ đến đây, tự nhiên Nhuế Vĩ phải đến!

Giản Thiệu Vũ trừng mắt :

- Ta cứu ngươi là vì ta muốn ngươi cải trang thành ta, đến đây ở một thời gian, ngươi đã bằng lòng rồi, sao bỗng dưng ngươi lại bỏ ngang điều kiện thỏa thuận? Tại sao? Ngươi giải thích cho ta nghe thử?

Nhuế Vĩ cũng nổi giận :

- Tại hạ bị ân công bức đuổi, gan nào mà dám ở lại đây để chờ chết?

Giản Thiệu Vũ hừ hừ mấy tiếng, rồi cười lạnh, tiếp :

- Ăn nói phải dè dặt một chút đấy! Nên biết là dù cho mạng số của ngươi lớn đến đâu cũng không thoát chết lần thứ ba!

Nhuế Vĩ cười nhạt :

- Vị tất như thế!

Giản Thiệu Vũ quát :

- Thì ngươi cứ thử bước đi xem!

Nhuế Vĩ bình tĩnh thốt :

- Tại hạ đến đây, không phải để tìm ân công sanh sự mà là muốn khuyên ân công một điều.

Giản Thiệu Vũ bật cười hắc hắc :

- Khuyên ta một điều? Chẳng hay ta có điều chi cần nhờ ngươi dạy dỗ?

Vừa lúc đó, có hai liễu hoàn bước vào mang trà đến. Đó là Xuân Cầm và Đông Hoạch. Cả hai chợt thấy trong phòng có hai đại công tử, cùng kinh hãi, tay run, chén rớt, chén vỡ, trá bắn tứ tung. Hai nàng há mồm, toan kêu hoảng.

Giản Thiệu Vũ thét gấp :

- Các ngươi cất tiếng la là ta xé tét mồm!

Xuân Cầm và Đông Hoạch khϊếp quá, khép miệng lại ngay, rồi ngồi xuống nhặt mảnh chén vỡ, lau sạch nước trà.

Giản Thiệu Vũ hét lên :

- Không ra ngay cho ta hả?

Cả hai không thu dọn gì kịp, hấp tấp đứng lên chạy đi.

Nhuế Vĩ thở dài :

- Ân công hà tất đối xử hung bạo với chúng!

Giản Thiệu Vũ nổi giận :

- Việc của ta, ai mời ngươi chen vào?

Nhuế Vĩ ung dung khuyên :

- Tánh khí của ân công, nếu biến cải được cho hòa dịu một chút thì hay biết bao nhiêu! Tại sao ân công vừa lạnh lùng vừa tàn khốc, khiến cho kẻ dưới tay phải nơm nớp sợ hãi bất luận phút giây nào? Đến cả người em trai của ân công cũng lấm lét mỗi lần gặp ân công!

Giản Thiệu Vũ cười lạnh :

- Ngươi hiểu cái gì mà lên giọng dạy đời? Nếu ta cư xử hiền hòa thì ta đã ra ma từ lâu!

Nhuế Vĩ thở dài :

- Tại hạ biết, Giản lão phu nhân muốn gϊếŧ ân công...

Giản Thiệu Vũ cười gằn :

- Ngươi biết khá nhiều chuyện đấy!

Nhuế Vĩ tiếp luôn :

- Ân công đối với ai khác lạnh lùng, tàn khốc, cốt để tự vệ, phòng người mưu đồ hãm hại, cái đó cũng được đi! Nhưng, ngàn vạn lần ân công không nên đối xử quá xa xôi với Lưu cô nương là người vợ chưa cưới!

Giản Thiệu Vũ bật cười ha hả :

- Ngươi chiếu cố đến nhiều người quá! Cho ngươi biết, một người muốn được vô sự thì đừng chiếu cố đến việc kẻ khác. Chính mình lo việc mình còn chưa rồi, lo làm sao được việc người khác chứ!

Nhuế Vĩ nổi tính quật cường :

- Tại hạ bất tài, nhưng cái việc này không thể bỏ qua được, ân công phải đối xử tốt với Lưu cô nương, không thể bỏ rơi nàng, chỉ vì... nàng là... là con người rất xứng đáng!

Giản Thiệu Vũ bỉu môi :

- Ngươi lưu ý đến vị hôn thê của ta quá đi thôi! Hẳn là ngươi giành mọi sự tốt cho nàng ta! Hay là ngươi...

Nhuế Vĩ đỏ mặt :

- Ân công không nên...

Giản Thiệu Vũ cười lớn :

- Muốn đối tốt với nàng, ta nghĩ có khó khăn gì đó! Ngươi không phải lo lắng cho nàng, ngươi cần lo lắng cho ngươi là tốt hơn! Ta cứu mạng ngươi một lần, ngươi làm cách nào báo đáp ơn ta?

Nhuế Vĩ phẫn nộ :

- Thi ân, bất cầu báo, công tử muốn tại hạ báo ân, đương nhiên tại hạ phải báo. Nhưng chẳng hay, năm xưa, tại hạ phân thân cự địch, tại sao ân công chẳng trợ giúp tại hạ, mà trở lại tấn công tại hạ, khiến tại hạ phải thọ thương nặng?

Giản Thiệu Vũ thoáng đổi sắc mặt nhưng lấy lại bình thường ngay, rồi cười hỏi :

- Ai nói với ngươi người bao mặt vận áo đen là ta?

Nhuế Vĩ chính sắc :

- Nếu muốn người ta không biết thì đừng làm là hơn!

Giản Thiệu Vũ cười hăng hắc :

- Bổn công tử bao mặt đánh ngươi, ta muốn cho ngươi báo ơn đó!

Nhuế Vĩ gằn giọng :

- Giúp thù đánh bạn, sao lại bảo là muốn cho tại hạ báo ơn?

Giản Thiệu Vũ buông gọn :

- Ngươi bị ta đánh chết lúc nào là lúc đó ngươi báo ân ta!

Nhuế Vĩ kinh hãi :

- Ân công... ân công...

Sát khí bốc bừng nơi mặt, Giản Thiệu Vũ trầm giọng :

- Ta làm sao? Năm xưa, ta cứu ngươi thoát chết thì ngày nay ngươi phải chết để báo ơn ta!

Vừa thốt, y vừa phóng cước vào hạ bộ của Nhuế Vĩ, đồng thời tay hữu bay sang chặt ngang đầu Nhuế Vĩ. Một cước, một chưởng cầm như trí mạng, lợi hại phi thường.

Nhưng, Nhuế Vĩ có chuẩn bị sẵn rồi, quét hai tay ra, một hướng lên, một chặt xuống, cả hai tay cùng nhắm vào yếu huyệt ở chân và tay của Giản Thiệu Vũ. Nếu Giản Thiệu Vũ không thu hồi hai chân tay thì phải bị Nhuế Vĩ chế trụ.

Y thấy Nhuế Vĩ xuất chiêu thần kỳ vô tưởng thì không khỏi sợ thầm, nào dám tái công kích nữa! Y thu hai tay và chân về, rồi bất thình lình đánh thốc ra móc từ dưới lên, ngay dạ dưới của Nhuế Vĩ.

Ngờ đâu, Nhuế Vĩ đã vươn ngón tay tả sẵn sàng, bảo vệ phần trung ương dạ dưới. Nếu Giản Thiệu Vũ giữ luôn thế đánh thì lòng bàn tay phải bị điểm thành tê liệt.

Nhưng Giản Thiệu Vũ ứng biến nhanh chóng thu hồi tay tả, nếu y chậm một chút là huyệt Bách Dũng bị điểm trúng rồi. Bây giờ Giản Thiệu Vũ bắt đầu sợ hãi thật sự. Y nghĩ chừng như Nhuế Vĩ đoán định thế nào y cũng đánh vào dạ dưới của chàng, cho nên chàng chực sẵn ngón trỏ ở đó chờ. Nếu y đánh luôn thì có khác nào ngoan ngoãn đưa bàn tay cho chàng điểm! Trong thiên hạ, đâu có cái lối đánh lạ kỳ như vậy?

Giản Thiệu Vũ thầm nghĩ :

- “Hay là hắn biết môn hộ quyền cước của ta?”

Lập tức, y biến thế đánh, mang ra một môn quyền công do y sáng chế với bao nhiêu kinh nghiệm trên giang hồ, phát động thế công ngay. Quyền pháp này rất ít sơ hở, không kém quyền pháp do Giản Lạc Quan sáng chế.

Nghênh tiếp hai chiêu, Nhuế Vĩ biết là lợi hại, vội giở “Huyền Diệu tam thập chưởng pháp” ra đối phó.

“Huyền Diệu chưởng pháp” là tuyệt học của Du Bách Long, cao hơn quyền pháp của Giản Thiệu Vũ một bậc. Tuy nhiên, Giản Thiệu Vũ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn Nhuế Vĩ, nhờ thế mà cục diện được quân bình.

Nhuế Vĩ trong nhất thời không thủ thắng, song ứng phó ung dung, vừa nghinh chiến vừa thốt :

- Hiện tại, ân công có gϊếŧ được tại hạ cũng chẳng có ích lợi gì.

Giản Thiệu Vũ thấy hắn vừa giao đấu vừa nói năng như thường mà y thì dùng một loại quyền pháp đắc ý nhất, như vậy là Nhuế Vĩ quá xem thường, thành ra y tức uất đến muốn ói máu. Y gằn giọng bảo :

- Nếu muốn báo ân thì ngươi hãy tự xử đi, miễn cho bổn công tử khỏi phải động thủ.

Nhuế Vĩ hỏi :

- Tại hạ chết, ân công có lợi gì?

Giản Thiệu Vũ thừa lúc Nhuế Vĩ đáp lời, đánh ra năm chưởng liên tiếp, nhanh hơn gió. Nhuế Vĩ vẫn ung dung tránh né không hề tỏ vẻ gắng công phí sức.

Giản Thiệu Vũ hiểu là muốn thắng chàng một cách quang minh chính đại thì chẳng dễ gì. Y dụ cho chàng phân trần, chậm tay chậm chân lại rồi thốt :

- Ngươi chết trong thơ phòng của ta, kế mẫu ta sẽ cho là cừu nhân gϊếŧ ta chứ không hề nghĩ có sự giả mạo. Nhờ thế, ta sẽ tránh được mọi sự mưu hại do bà phát động trong tương lai. Ngươi hiểu chứ?

Nhuế Vĩ cũng từ từ chậm tay chậm chân đáp :

- Tại hạ chết, đương nhiên Giản lão phu nhân sẽ không thiết kế hãm hại ân công. Nhưng kẻ chết là Giản Thiệu Vũ, dù rằng giả hiệu, chứ đâu phải là Nhuế Vĩ!

Trước con mắt của mọi người, Giản Thiệu Vũ chết rồi, như vậy có ích gì cho ân công đâu? Dù sau này ân công có tái xuất hiện, người ta cũng sẽ cho là ma hiện, hoặc một kẻ giả mạo, không hơn không kém!

Giản Thiệu Vũ mắng :

- Ngốc tử!

Đoạn, y tiếp nối với giọng âm trầm :

- Nếu ta chết, kế mẫu không còn phòng bị nghiêm mật nữa, ta ám, bà ấy minh, vũ công của ta kém, song ta thừa cơ hội thuận tiện hạ thủ, bà dù có tài hơn ta cũng khó thoát chết dưới tay ta!

Nhuế Vĩ biến sắc mặt vì kinh hãi đến chậm động tác một giây, Giản Thiệu Vũ thừa sơ hở, đánh sang một chiêu tuyệt mạng.

Có lẽ là người lành trời giúp, Nhuế Vĩ đột nhiên nghe nhói ở chân, mường tượng đạp phải vật gì nhọn, chàng tung mình lên không tránh khỏi chiêu độc của đối phương một cách bất ngờ.

Giản Thiệu Vũ thầm kêu khổ, tiếc hết sức. Nhưng vốn gian ngoan, y lợi thế công luôn, làm như giao thủ cầm chừng.

Nhuế Vĩ cũng lơi đấu pháp theo hắn. Chàng thốt :

- Ân công dụng tâm như thế đó thì thật là tàn độc! Giản lão phu nhân dù sao cũng là kế mẫu, ân công nỡ nào gϊếŧ mẹ cho đành?

Giản Thiệu Vũ cố ý thở dài :

- Ta không gϊếŧ bà, bà cũng gϊếŧ ta. Ai muốn sống thì phải độc ác, phải hạ thủ trước!

Nhuế Vĩ vừa đáp vừa lắc đầu :

- Thào nào, năm xưa Hắc bảo đến xâm phạm, ân công giúp địch, toan sát hại tại hạ! Lúc đó, nếu tại hạ chết đi thì ân công hài lòng lắm, mà Giản lão phu nhân cũng hài lòng luôn!

Giản Thiệu Vũ thầm nghĩ :

- “Chứ sao! Nếu lúc đó ngươi chết đi thì ta đâu còn bị phiền phức đến ngày nay! Rất tiếc cái lão già đó đa sự cứu ngươi đi! Thành ra kế hoạch của ta hoàn toàn hỏng!”

Bỗng, Nhuế Vĩ nhớ đến một việc, vội thốt :

- Hôm nay, nếu ân công gϊếŧ được tại hạ thì chưa chắc gì Giản lão phu nhân tin tưởng như tại hạ vừa nói.

Giản Thiệu Vũ hỏi :

- Tại sao?

Nhuế Vĩ giải thích :

- Năm xưa, tại hạ chết người ta còn tin được là đại công tử chống cự với địch, bị sát hại, chứ bây giờ thì có Xuân Cầm, Đông Hoạch cùng thấy hai đại công tử đánh nhau tại thơ phòng, hiển nhiên là một giả một chân. Chúng đem sự tình mách lại Giản lão phu nhân. Mà đại công tử chân thật là tay võ nghệ siêu quần, đâu có thể bị địch gϊếŧ ngay tại thơ phòng được! Như vậy, kẻ chết phải là người giả.

Giản Thiệu Vũ giật mình, thầm nghĩ :

- “Ta sơ ý điểm đó. Cũng may tiểu tử này đề tỉnh ta!”

Y cao hứng như thoát nạn, bật cười vang :

- Cái đó có sao đâu! Sau khi ngươi chết, ta sẽ gϊếŧ luôn hai liễu hoàn để diệt khẩu!

Nhuế Vĩ rùng mình, không tưởng Giản Thiệu Vũ tàn khốc cực độ! Chàng nghĩ :

- “Bí Thơ chết, hẳn cũng do Giản Thiệu Vũ hạ thủ”.

Chàng bèn hỏi.

Giản Thiệu Vũ cười ha hả đáp :

- Chính ta treo cổ nàng lên xà nhà đấy! Nàng đã khám phá ra thân phận của ngươi, nếu ta để nàng sống, nàng sẽ tiết lộ với kế mẫu của ta!

Nhuế Vĩ run giọng hỏi :

- Còn Hạ Thi? Ân công có...

Giản Thiệu Vũ bỉu môi :

- Cứ hỏi nàng là rõ! Bảo nàng nói thật cho mà nghe!

Nhuế Vĩ rít lên :

- Ân công tàn nhẫn cực độ! Mất cả lương tâm!

Giản Thiệu Vũ cười lạnh :

- Không có gì tàn nhẫn cả! Dù cho vợ chưa cưới của ta thấu đáo âm mưu của ta, ta cũng không dung thứ, ta cũng treo cổ nàng như thường.

Song phương vừa đối thoại vừa đánh, Giản Thiệu Vũ cố chọc tức Nhuế Vĩ, làm cho chàng phân tán tâm thần để thừa cơ đánh ra những chiêu độc.

Tuy nhiên, nhờ những cái bất ngờ như vừa rồi, Nhuế Vĩ đều tránh khỏi cả.

Đang lúc Nhuế Vĩ sôi giận cực độ, bỗng có một âm thinh nữ nhân văng vẳng bên tai chàng :

- Nhuế huynh! Hãy thương tiếc tính mạng mình! Đừng để lầm mưu khích tướng của Giản Thiệu Vũ! Trấn định tâm thần, luôn luôn giữ bình tĩnh đối phó với y!

Âm thinh rất quen! Cao hứng quá, Nhuế Vĩ gọi to :

- Cô nương là ai? Cô nương ở tại đâu?

Giản Thiệu Vũ cứ tưởng chàng loạn trí chứ có ngờ đâu chàng tìm kiếm nữ nhân đã dùng phép “Truyền Âm Nhập Mật” cảnh giác chàng. Y cho rằng đây là cơ hội lớn, lập tức tấn công ào ào như sóng biển vỗ bờ, tất cả các chiêu đều dồn vào phần ngực của Nhuế Vĩ.

Nhuế Vĩ biết đối phương đang thi triển Tam đại tuyệt chiêu của Giản Lạc Quan và chiêu đang được Giản Thiệu Vũ sử sụng có cái tên là “Thao Thiên Cự Lãng”. Nhưng bây giờ chàng sáng suốt, bình tĩnh trở lại rồi, không còn để sơ hở như trước, chàng liền đem “Huyền Diệu Chưởng” ra đối phó.

Giản Thiệu Vũ đinh ninh thế nào cũng đắc thủ, nhưng Nhuế Vĩ vẫn ung dung né tránh. Quần đối phương mãi không tạo được mảy may thành công, Giản Thiệu Vũ hết sức hãi hùng, dừng tay, đứng ỳ một chỗ trố mắt nhìn, quên tấn công.

Nhuế Vĩ nhân dịp đó đảo mắt nhìn ra bốn phía tìm nữ nhân vừa liên lạc với chàng.

Đang lúc đó, Hạ Thi bước vào vai mang bọc hành lý. Nàng không nhìn vào góc phòng nên không thấy Giản Thiệu Vũ chỉ thấy Nhuế Vĩ đứng giữa phòng thôi.

Nàng tiến lên gọi :

- Chúng ta đi gấp, thiếu hiệp! Nếu phần dà, đại công tử trở về là hỏng việc!

Giản Thiệu Vũ cười hắc hắc :

- Đại công tử về đây từ lâu rồi!

Hạ Thi giật bắn mình, biến sắc mặt.

Giản Thiệu Vũ nghĩ dù có tiếp tục giao đấu cũng vô ích, bởi vị tất làm gì nổi Nhuế Vĩ. Chi bằng buông lời vũ nhục chàng còn hay hơn. Y cười lớn :

- Khá khen cho một trang thiếu niên anh tuấn! Vào Thiên Trì phủ trộm học võ công, trộm hương, trộm ngọc. Khá lắm! Quả là một tay hữu tài!

Bây giờ thì Nhuế Vĩ thản nhiên lắm rồi, Giản Thiệu Vũ đừng hòng khích động chàng được. Chàng bảo :

- Hạ Thi! Chúng ta đi thôi!

Thấy chàng điềm nhiên, Giản Thiệu Vũ lập tức đổi chiến lược, vọt mình tới đá thốc vào hạ bộ của Hạ Thi.

Hạ Thi rú lên một tiếng.

Nhuế Vĩ không tài nào can thiệp kịp, bất giác sôi giận quát :

- Con người tàn nhẫn đến thế, chẳng khác loài dã thú.

Chàng lướt tới, Thiệu Vũ cũng tiến lên. Cuộc chiến tái diễn, mãnh liệt hơn trước.

Bỗng, Giản Hoài Quyên xuất hiện gọi :

- Đại ca! Chuẩn bị đi săn sư tử đi, đại ca!

Giản Thiệu Vũ chỉ hòa thiện với độc một Giản Hoài Quyên thôi, nghe nàng gọi, y dừng tay ngay. Mà Nhuế Vĩ vốn có cảm tình với nàng cũng dừng tay luôn.

Giản Hoài Quyên bước vào. Nàng cao hơn năm trước một chút, tóc mướt hơn, búi cao nơi đỉnh đầu. Nàng sửng sốt trước hai đại ca chứ không là một như nàng tưởng. Nàng kêu lên :

- Cả hai đều là đại ca của tôi sao?