Lúc này, Uông Ấn vừa cùng Diệp Tuy đi dạo trong phủ vừa nói với nàng về các quan viên trong triều.
Người hiện giờ họ đang nhắc đến tất nhiên chính là Thị lang Môn Hạ - Cố Danh Lân.
“Cố Danh Lân là người cơ trí, hơn nữa lại có lập trường vững vàng, rất thích hợp giữ chức vụ trong Môn Hạ Tỉnh.” Uông Ấn nhận xét.
Dứt lời, hắn nghiêng người nhìn Diệp Tuy và nhắc nàng: “Tuyết rất trơn, nàng cẩn thận một chút!”
Sau trận tuyết đầu mùa, Kinh Triệu lại đổ thêm mấy trận tuyết nữa. Tuy thời tiết đã ấm hơn nhưng mặt đất vẫn rất ẩm ướt, trơn trượt.
Nếu không phải cảnh vật trong phủ thực sự rất đẹp, nếu không phải hắn muốn trò chuyện cùng nàng thì cũng đã chẳng để nàng đi lại dưới trời tuyết thế này.
Chà, phải nghĩ cách giải quyết vấn đề này…
Diệp Tuy gật đầu, cười đáp: “Đại nhân, thϊếp biết rồi. Cho nên, đại nhân mới nhờ thϊếp…?”
Lúc biết nàng định đến nhà họ Cố tặng quà cưới, Uông Ấn liền nhờ nàng nhắc đến chuyện Bình Hoài Thự.
Uông Ấn rất ít khi yêu cầu nàng điều gì nên nàng thật sự cảm thấy ngạc nhiên.
Đến tận bây giờ, Diệp Tuy mới biết vụ Bình Hoài Thự còn chưa thật sự kết thúc. Uông Ấn quả thực tính toán lâu dài cho Bình Hoài Thự, hay nói cách khác là cho cả sau này của Thái Phủ Tự.
Uông Ấn cố tình thả chậm bước chân, trả lời nàng: “Kỳ thực, Môn Hạ Tỉnh không chỉ có quyền bác bỏ chiếu lệnh mà còn được giám sát, hỗ trợ cho Ngự Sử Đài. Đề cập đến việc giám sát Bình Hoài Thự với Cố Danh Lân là thích hợp nhất.”
Nhờ Đề Xưởng mà Uông Ấn hiểu rõ từng vị đại thần trong triều hơn bất cứ ai, cả về con người lẫn cung cách làm việc.
Hắn cũng rất yêu mến người tài.
Cố Danh Lân có thể giữ chức thị lang Môn Hạ một phần là do trước kia Uông Ấn âm thầm thúc đẩy, lén xui Vĩnh Chiêu Đế bổ nhiệm.
Không phải bởi Uông Ấn và Cố Danh Lân có giao hảo gì, mà chỉ vì Uông Ấn cảm thấy Cố Danh Lân rất thích hợp làm thị lang Môn Hạ mà thôi.
Uông Ấn rất ít khi bình phẩm về ai đó nên lúc này Diệp Tuy đang say sưa lắng nghe. Nàng luôn cảm thấy tính cách của các quan viên trong triều từ lời nhận xét của Uông Ấn mới gần với sự thật.
Con người muôn mặt khác nhau, hầu hết họ chỉ trưng ra một, hai mặt đặc trưng nhất và sâu sắc nhất, nhưng Đề Xưởng lại biết được nhiều hơn thế.
Chẳng hạn như nàng hoàn toàn không ngờ rằng Cố Danh Lân đã từng lên mặt mắng Vĩnh Chiêu Đế. Hiện tại ông vẫn còn giữ chức thị lang Môn Hạ, điều này cũng thể hiện rõ nhã ý của bậc đế vương.
Nửa quãng thời gian đầu trị vì của Vĩnh Chiêu Đế thực ra vẫn khá sáng suốt, ví như ông ta biết dùng người, ví như biết tiếp thu lời can gián của triều thần.
Diệp Tuy không biết vai trò của Uông Ấn khi đó, nếu nàng mà biết thì có lẽ sẽ cạn lời.
Kiếp trước, ngòi bút của sử quan cho dù không thích Vĩnh Chiêu Đế hơn nữa thì cũng không thể không cảm khái: “Đế vương rất anh minh, nửa đời trước biết dùng người, đối đãi tốt với quan viên có lời can gián.” Nhưng lại hoàn toàn chẳng biết, phía sau sự sáng suốt ấy kì thực đa phần đều là công lao của Uông Ấn.
Diệp Tuy suy nghĩ một lát mới nói tiếp: “Đại nhân, Cố Thanh Huy và Mục Nghị được xưng là trăng sáng của Kinh Triệu. Cả hai đều nhạy bén, chắc hẳn Cố Thanh Huy có thể hiểu được những lời thϊếp đã nói... Nhưng Cố đại nhân thật sự sẽ làm như thế sao?”
Uông Ấn hơi nheo mắt lại, vẻ mặt vẫn rất lãnh đạm, giọng điệu đều đều: “Bổn tọa không nhìn nhầm đâu.”
Cố Danh Lân là thị lang Môn Hạ, là người cơ trí và có lập trường vững vàng, đã biết có cách đề phòng Bình Hoài Thự thì sao có thể ngoảnh mặt làm ngơ?
Đúng như Uông Ấn dự liệu, trong buổi chầu tiếp theo, Thị lang Môn Hạ - Cố Danh Lân bước ra khỏi hàng để bẩm tấu, tâu rằng: “Xảy ra chuyện ở Bình Hoài Thự, sơ hở nằm ở chỗ không đủ biện pháp phòng ngừa. Để ngăn ngừa về sau không xảy ra việc tương tự như vậy nữa, thần xin tâu hoàng thượng: Một là đặc biệt cử Ngự Sử Giám giám sát việc thu chi. Hai là đặc biệt cử đại thần thực thi quyền thu chi. Như vậy mới có thể ngăn chặn sai lầm ngay từ đầu, khiến Bình Hoài Thự và Thái Phủ Tự ổn định và có trật tự...”
Ông còn nói có thể lựa chọn những trọng thần đức cao vọng trọng trong triều để đến Thái Phủ Tự thực thi quyền thu chi và có thể gọi họ là “Xuất Nạp Sử” của Thái Phủ Tự.
Cố Danh Lân vừa dâng tấu, các quan viên trong triều đều có suy nghĩ riêng.
Thị lang Môn Hạ là trọng thần trong triều, Cố Danh Lân đưa ra cách ngăn ngừa Bình Hoài Thự xảy ra sai sót vào lúc này cũng là việc nên làm. Nhưng các quan viên cho rằng vụ việc của Bình Hoài Thự đã kết thúc, sao còn có thể tái diễn được nữa?
Các quan viên của Thái Phủ Tự thì tái xanh mặt mày, rất nhiều người vô thức muốn cất tiếng phản đối, phải cái vừa mới bước chân ra khỏi hàng thì đã rút ngay về.
Dẫu sự việc ở Bình Hoài Thự cần được ngăn chặn không lặp lại, nhưng cho dù là Ngự Sử Đài giám sát hay cắt cử trọng thần đảm nhiệm chức xuất nạp sử Thái Phủ thì đều sẽ chiếm mất quyền lực của chính Thái Phủ Tự.
Đặc biệt là đề xuất chức vụ xuất nạp sử Thái Phủ quả thực khiến các quan viên của Thái Phủ Tự không ngớt kêu khổ trong lòng. Nếu người được cắt cử là trọng thần hiền lành rộng rãi thì bọn họ còn dễ thở. Nếu là người thích dùng quyền hành thì bọn họ khổ rồi, chắc chắn không thể tự do thoải mái giống như trước đây.
Tuy nhiên, trong vụ Bình Hoài Thự, các quan viên của Thái Phủ Tự thực sự tắc trách, trước đó đều đã bị phạt không cho thăng chức. Cho dù bây giờ trong lòng bọn họ không thích hơn nữa thì cũng không thể đứng ra phản đối một cách thuyết phục được.
Điều bọn họ đang âm thầm hi vọng lúc này là hoàng thượng sẽ không chấp thuận đề xuất của Cố Danh Lân, bằng không về sau Thái Phủ Tự sẽ thảm không chịu nổi.
Tiếc rằng Vĩnh Chiêu Đế đã khiến bọn họ thất vọng.
Vừa nghe xong bản tấu của Cố Danh Lân, ánh mắt Vĩnh Chiêu Đế liền sáng lên, ông ta vui mừng cười nói: “Ý kiến của ái khanh rất hay! Trẫm còn đang nghĩ xem có cách nào để ngăn ngừa được vụ việc của Bình Hoài Thự tái diễn thì ái khanh đã dâng lên tấu chương này. Có thể nói là mưa rào đúng lúc trời hạn! Hay lắm, trẫm chuẩn tấu!”
Đề xuất như vậy vừa có lợi trong việc ngăn chặn tham nhũng trong triều, vừa mang lại cho Vĩnh Chiêu Đế quyền lựa chọn đầy đủ, chẳng hạn như quyết định chọn người đức cao vọng trọng làm xuất nạp sử.
Vĩnh Chiêu Đế không muốn sau khi bãi triều lại phải thảo luận với triều thần nên quyết định luôn bây giờ.
Cố Danh Lân khom người đáp: “Hoàng thượng anh minh! Việc này còn cần sự phối hợp của các quan viên Ngự Sử Đài. Như vậy mọi thứ mới có thể ổn định đâu ra đấy.”
Nghe xong, Ngự sử đại nhân - Ngụy Hàm Trung bước ra khỏi hàng, bẩm rằng: “Thần nhất định sẽ sắp xếp ổn thỏa công việc giám sát, nhất định sẽ không để chuyện như vậy xảy ra lần nữa.”
Giám sát vốn là chức trách của Ngự Sử Đài, hiện giờ chẳng qua là yêu cầu Ngự Sử Đài kĩ càng hơn trong công việc mà thôi. Ngụy Hàm Trung đương nhiên sẽ không có ý kiến gì.
Cố Danh Lân hơi cúi đầu xuống, nghĩ thầm: Đốc chủ đại nhân không hổ là người hiểu hoàng thượng nhất, bản tấu đã được hoàng thượng cho phép một cách rất dễ dàng.
Sau khi nghe con trai mình kể lại, Cố Danh Lân cũng nghiền ngẫm những lời Đốc chủ phu nhân đã nói để nghĩ ra biện pháp thật sự có thể giải quyết được vấn đề của Bình Hoài Thự.
Những lời đó tập trung vào Ngự Sử Đài, Cố Danh Lân suy đi nghĩ lại rồi thêm đề xuất bổ nhiệm chức vụ xuất nạp sử Thái Phủ trên cơ sở giám sát của Ngự Sử Đài.
Sau khi chấp thuận đề xuất của Cố Danh Lân, Vĩnh Chiêu Đế lập tức lệnh cho quan viên Ngự Sử Đài chấp hành, cuối cùng chọn Định Quốc Công Tề Thiêm Trúc đảm nhận chức vụ xuất nạp sử Thái Phủ đầu tiên.
Đến tận lúc này, vụ việc Bình Hoài Thự mới thật sự hạ màn.