Ninh Thư

Chương 733: Cây hoè thành tinh

Chuyển ngữ: Wanhoo

Ninh Thư vẽ bùa, cây hoè lắc lư mạnh hơn, tự bẻ gãy cành đập Ninh Thư.

Ông già hét: “Tránh ra mau.”

Ninh Thư né sang bên, cành cây hoè gãy chảy máu bốc mùi tanh hôi khắp sân.

Cây hoè bị tụ dương trận và bùa áp chế lắc lư điên cuồng, khí đen bốc dày đặc, lá cây rụng hết chỉ còn cành cây trơ trọi.

Cái cây đen ngòm nhưng vẫn cố gắng chống đỡ bằng chút sức lực ít ỏi còn lại.

“Á…” Bà vợ trong nhà bỗng hét lên, Ninh Thư chạy vào nhà, bà ta ngồi trên giường, tóc tai dựng ngược, môi tím bầm, mắt lồi ra, nhãn cầu hằn tơ máu.

Bà ta nôn máu tanh tưởi, ông già thấy có vấn đề bèn đẩy Ninh Thư, bốc máu gà bôi lên mặt bà ta, nói với Ninh Thư: “Chấm máu vẽ bùa ở gan bàn chân.”

Ninh Thư ngay lập tức giữ cổ chân bà vợ vẽ bùa ở vị trí gan bàn chân.

Bà ta vùng vẫy kịch liệt, đạp loạn chân còn lại hòng thoát khỏi sự kìm kẹp của Ninh Thư. Ông chồng thấy thế hỗ trợ giữ chân vợ.

Ông già chỉ điểm trán bà vợ, nói với Ninh Thư: “Vẽ ở gan bàn chân, vẽ cả ở chân nữa.”

Ninh Thư vẽ bùa loằng ngoằng khắp chân bà ta, khí đen thoát ra từ cơ thể.

Cây hoè ngoài sân cạch một tiếng chia hai nửa, bà vợ theo đó hôn mê.

Ninh Thư vẫn đang vẽ bùa, khí đen liên tục thoát ra ngoài cùng với đó là các mạch máu gồ trên da đã lặn dần.

Ninh Thư thấy cô cần luyện vẽ bùa, cô vẽ các hình thù kỳ quặc khắp người bà vợ.

“Đào sạch gốc cây này lên.” Ông già nói: “Hoè là cây quỷ trong họ nhà cây. Âm khí nặng dễ mời gọi quỷ ám lên người, không nên trồng cây hoè ở gần nhà.”

Người chồng hỏi ông già: “Vợ con có sao không thầy?”

Ninh Thư đưa cho hai lá bùa: “Nghỉ ngơi là được, dán mấy cái bùa này lên cửa.”

Ông chồng cầm bùa rồi hô hào vài ông hàng xóm cầm cuốc cầm xẻng ra đào rễ cây.

Rễ cây hoè sâu vô cùng, mọc hết nửa sân, chảy máu đen khi cuốc vào vỏ.

Máu đen vừa tanh hôi vừa ghê rợn, ruồi cũng không dám bâu.

Ông già chỉnh lại quần áo, nói: “Bần đạo xin phép.”

Người chồng cảm ơn ông già và hỏi: “Tại sao vợ con lại bị cái cây này ám ạ?”

Ninh Thư cũng rất tò mò tại sao cây hoè lại ám vào bà vợ, lẽ nào do bà ta có bát tự thuần âm?

Ông già thản nhiên: “Cây hoè có ngày hôm nay tại vợ của cậu đến tháng đổ nước rửa máu kinh nguyệt cho cây.”

“Kinh nguyệt của phụ nữ không chỉ là chất bẩn tiết ra từ cơ thể mà nó còn cực kỳ nặng âm khí. Hoè là cây quỷ, hấp thụ thứ đó đương nhiên biến vợ cậu thành chất dinh dưỡng nuôi cây.”

Ông già nhìn con gà trong sân, sờ râu mép ra vẻ đạo mạo: “Con gà này tai bay vạ gió cần siêu độ tử tế.”

Người chồng dúi cho ông già con gà, ông già lắc đầu thương xót chuyển gà cho Ninh Thư.

Người chồng lại cho hai quả bí đỏ to, Ninh Thư ôm hai quả bí đỏ rời khỏi nhà người ta, cô hỏi: “Sao thầy biết nguồn cơn do nước rửa máu kinh nguyệt của bà vợ ạ?”

Mặc dù thời buổi này đã có băng vệ sinh nhưng phụ nữ ở chốn quê nghèo hẻo lánh này không nỡ sử dụng băng vệ sinh dùng một lần là vứt.

Ông già giận dữ với Ninh Thư: “Sao hôm nay con lại tệ thế hả. Đạo sĩ chúng ta cần biết quan sát, cần chú ý xung quanh. Đạo thuật không phải mê tín dị đoan, đạo thuật là quan sát phương hướng, bố cục, phân tích cát hung một nhà.”

“Dưới cây hoè có một cái giếng mà giặt giũ quần áo này nọ ở giếng cũng tiện. Tích tụ mấy chục năm trời không nên sự sao được?” Ông già lắc đầu: “Chỉ riêng việc rễ cây hoè đâm sâu đã hại nguồn nước giếng rồi. Hoè là giống cây mọc lên từ quan tài, nếu không phải tự gia chủ trồng thì khả năng cao có mộ trong bán kính một mét.”

Ninh Thư: (☆_☆)

Sư phụ lợi hại thế!

Ninh Thư hỏi: “Vậy sao thầy không nói cho ông ta biết?”

Ông già trao cho Ninh Thư ánh mắt con còn non dại lắm: “Nói cho cậu ta biết thì chỉ là một lần việc. Nếu cậu ta đào được cái gì đó thật sẽ quay lại tìm ta, khi đó thì thành hai lần việc rồi. Dại lắm con à.”

“Đào thấy mộ cần cúng bái, cần xem phong thuỷ, đó là việc to. Phúc Sinh Vô Lượng Thiên Tôn, hãy đào thấy mộ nhé.”

Ninh Thư: …

Mình còn dại dột quá.

Công việc hôm nay rung hồi chuông cảnh tỉnh thế giới này rất nguy hiểm trong Ninh Thư. Một cái cây đã ghê gớm vậy thì Quỷ Vương đáng sợ nhường nào.

Ông già hỏi Ninh Thư: “Nãy còn dùng trận pháp gì?” Ngẫm lại ông không có ấn tượng về nó.

Ninh Thư đã nghĩ xong lý do từ trước: “Là khốn linh trận thầy dạy con mà?”

Ông già xụ mặt: “Có phải khốn linh trận hay không mà ta còn không biết à.”

Ninh Thư nghĩ rồi bảo: “Chắc con nhớ nhầm nên tạo ra trận pháp đó.”

Ông già vỗ đầu Ninh Thư nặng nề: “Con như thế này đi rèn luyện cái nỗi gì, đi rèn luyện có mà bị mấy thứ nhiễm âm khí thành tinh chơi chết.”

Ninh Thư thở dài.

Về đến đạo quán ông già sai Ninh Thư làm thịt con gà trống nấu cùng với canh bí đỏ.

Ninh Thư liếc xéo: “Con tưởng thầy sẽ siêu độ cho nó?”

“Lắm đều.” Ông già về đến đạo quán là thay ngay bộ áo bào chỉ mặc khi cần thiết, mặc lại quần áo bình thường.

Ninh Thư thấy thế hơi cay sống mũi, vào bếp nấu cơm không có tâm trạng cãi nhau với ông già nữa.

Có mấy đứa nhỏ vào rừng nhặt củi chất đống gọn gàng trong phòng chứa. Đứa lớn hơn biết xách nước suối về trữ nước nấu cơm.

Bọn trẻ ngoan quá, làm được việc gì là làm việc đó.

Ninh Thư nấu gà cách thuỷ, gà chín mới cho bí đỏ vào. Đây là cơm tập thể, tuy không được thơm ngon chuẩn cơm mẹ nấu nhưng mọi người ở đây âu cũng chỉ cần được ăn no. Vậy mà giờ ăn no cũng là chuyện khó.

Ninh Thư nấu thêm một nồi mì trộn cơm.

Con gà nhỏ như thế ăn được miếng thịt đã ngon lắm rồi.

Ông già và Ninh Thư không động đũa vào thịt, để lại hết cho lũ trẻ.

Ăn cơm xong Ninh Thư hỏi ông già: “Thời buổi này đạo sĩ sống khổ vậy ạ? Nam Mao Sơn cũng khổ như mình sao thầy?”

Mao Sơn có Bắc Mao Sơn và Nam Mao Sơn, tổ sư là hai người khác nhau nhưng cùng học ngũ huyền thuật của Đạo giáo.

Ngũ huyền thuật của Đạo giáo bao gồm: Sơn (tu luyện về thể xác và tinh thần); Y (điều trị và phòng chống bệnh tật); Mệnh (thấu tỏ vận mệnh của con người, tìm ra quỹ đạo đời người); Tướng (chỉ ra mối liên hệ giữa con người và thế giới); Bốc (tìm ra quy luật phát triển tiếp theo của sự vật).