Thiều Quang Đến Chậm

Chương 17: Hồi tưởng

Chương 17: Hồi tưởng

Edit & Beta: Ha Ni Kên

Cảnh tượng ngày ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí nàng. Nàng nhớ rõ từng luồng gió lạnh thổi trên tường thành. Nàng nhớ rõ bàn tay thô ráp ghì chặt cánh tay nàng ra sau lưng. Nàng nhớ rõ điệu cười ác độc của lũ giặc.

Thế nhưng trên chiếc xe ngựa chầm chậm tiến về phương Bắc, nghe người người bàn tán về người kia, nàng lại chẳng hề cảm thấy oán hận chút nào.

Như thể vừa mới hôm qua, trên đường đi về biên giới phía Bắc, đội vệ binh hộ tống nàng gặp phải đám tàn quân của lũ giặc vốn đã bị đánh cho tan tác. Bốn năm kẻ, trên mặt hằn nguyên vẻ khốn đốn chật vật của kẻ đào tẩu, thế mà vừa thấy nữ tử xuất hành vẫn như hổ đói rình mồi, ánh mắt lóe lên sắc xanh làm người ta sợ hãi.

Các tướng sĩ tiêu sạch lũ giặc, cứu hai nữ tử suýt gặp tai họa. Một người chẳng bao lâu sau liền nhắm mắt, người còn lại mình đầy thương tích, hít thở không thông.

Khi ấy nàng thực sự phẫn nộ. Hóa ra, chỉ có cuộc sống ở kinh thành là phồn hoa rực rỡ, còn trước mặt nàng đây mới thực sự là cuộc sống của bá tính phía Bắc, dân chúng vùng duyên hải phía Nam.

Triều đình như tấm áo choàng hoa lệ phủ lên Đại Lương vốn đã suy yếu chỉ chực vỡ vụn.

Thế nên nàng tiếp tục nghe các tướng sĩ kể lại chuyện cũ của vị Thiệu Tướng quân kia.

Bọn họ nói, Thiệu Tướng quân lần đầu tiên đến phương Bắc là khi mới mười bốn tuổi. Lúc ấy, Thiệu lão Tướng quân bệnh nặng mà quân Đại Lương lại liên tiếp bại trận, tin tức hết lần này tới lần khác được truyền về kinh thành, trình lên trên ngự án. Hoàng Thượng tức giận. Phủ Tĩnh An Hầu ngập chìm trong nguy khốn.

Chính vào thời điểm ấy, con thứ của Tĩnh An Hầu là Thiệu Minh Uyên mới mười bốn tuổi đã đứng ra, chủ động xin thay cha chinh chiến nơi phía Bắc.

Trận chiến đầu tiên của Thiệu Tướng quân, chính là đánh quân Bắc Tề đang tàn sát làng xóm nhân dân.

Trận chiến ấy đánh dấu tên tuổi của Thiệu Tướng quân. Sau đó, có vô số người ca ngợi công lao của chàng, tán thưởng chàng tuổi trẻ hứa hẹn. Ba năm sau, chỉ còn những tướng sĩ sống sót sau trận chiến ấy mới nhớ rõ, khi ấy Thiệu Tướng quân chỉ huy vọn vẹn mười người chống lại hơn trăm người bên phía Bắc Tề.

Thể chất người Đại Lương vốn kém xa so với quân Bắc Tề lớn trên lưng ngựa. Mấy năm ấy, bất kể là vị danh tướng nào trấn thủ phương Bắc cũng bị quân giặc tấn công đến thất thế. Lần ấy đến khi trận đánh sắp tàn, Thiệu Tướng quân tựa như bước ra từ vũng máu. Thân tín khuyên chàng chạy trốn, chàng chỉ nói một câu: "Ta sẽ không xoay lưng chạy trối chết khỏi bọn giặc, để bọn chúng nghĩ nam nhi Đại Lương toàn là kẻ nhu nhược yếu hèn, để bọn chúng lăng nhục dân chúng Đại Lương ta."

Sau đó, "Chưa gϊếŧ hết giặc, chưa diệt hết địch, tuyệt không về nhà" trở thành tôn chỉ của Thiệu Tướng quân. Đại hôn của chàng vẫn là do Thiệu lão Tướng quân quỳ xuống cầu xin Hoàng Thượng truyền thánh chỉ, mới có thể triệu được chàng hồi kinh.

Kiều Chiêu nhớ rõ khi ấy vị phó tướng kia cẩn thận khuyên nhủ nàng: "Kính mong phu nhân không tức giận Tướng quân. Tướng quân luôn cảm thấy có lỗi với ngài vì ngay ngày đại hôn lại phải lãnh binh xuất chinh. Nhưng e là ngài không biết, nếu ngày ấy Tướng quân đến chậm thêm một bước, sẽ có thêm biết bao dân chúng vô tội phải chết thảm, những nữ tử gặp chuyện như hai vị nữ tử hôm nay nhiều không kể xiết. Tướng quân của chúng ta, kỳ thật trái tim nhân hậu hơn bất kỳ ai."

Đường đi càng xa, người nọ kể cho Kiều Chiêu nghe càng nhiều chuyện.

Chàng từng nằm trong tuyết một ngày một đêm để cứu lấy đứa bé bị bọn giặc bắt về làm đồ ăn dự trữ. Chàng từng băng qua làn nước lạnh buốt của Trường Giang Hoàng Hà, tập kích thủ lĩnh phe giặc, kẻ đã chém đầu dân chúng Đại Lương mua vui uống rượu. Chàng từng dùng quân lương để mua quần áo ấm cho những nữ tử bị đám giặc lăng nhục.

Phó tướng nén lệ nghẹn ngào: "Người trong thiên hạ chỉ nhớ đến những lúc phong quang vô hạn của Tướng quân, chúng ta lại không thể quên những giây phút thương tâm mà Tướng quân phải trải qua. Ngài ấy từng nói, ngài ấy dùng hết sức để không phụ dân chúng xã tắc, chỉ đành có lỗi với một người là phu nhân ngài mà thôi. Đợi đến khi đất Bắc bình yên trở lại..."

Phó tướng không nói nốt câu sau nhưng Kiều Chiêu cũng đã hiểu.

Nam tử sẵn sàng hy sinh đến sức cùng lực kiệt vì bá tính phương Bắc, làm sao nàng có thể hận được đây?

Chỉ là nàng... có chút buồn bực thôi.

Cả một đường nàng đã ngồi nghe kể chuyện về chàng, vậy sao khi ấy mũi tên của chàng lại nhanh đến như vậy?

Cô nương chống má nhìn ra ngoài cửa sổ. Ánh dương ấm áp chiếu rọi một nửa khuôn mặt của nàng đến mức trong suốt, trắng nõn mảnh mai. Khí chất của nàng cũng rất thuần khiết, làm cho người nhìn nàng cảm thấy yên tĩnh trong lòng.

Lý thần y càng nhìn nàng, càng cảm thấy quen thuộc vô cùng.

Một hồi lâu sau, lão mới mở miệng: "Lê nha đầu đang nghĩ gì vậy?"

Kiều Chiêu bình tĩnh lại, thành thật trả lời: "Chỉ đang ngẩn người thôi."

Lý thần y nhếch miệng.

Lại lấy lý do là "ngẩn người" rất hợp tình hợp lý.

Thật sự là không dễ gặp.

Cũng càng lúc càng... giống...

Lê nha đầu cùng Kiều nha đầu có nhiều chỗ tương tự. Quan trọng hơn là, lão lại phát hiện tình trạng hồn lìa khỏi xác khi mới gặp Lê nha đầu. Kiều nha đầu kia hóa ra cũng không còn an bình nơi đất bắc như lão nghĩ, mà đã sớm hương tiêu ngọc vẫn---

Lý thần y lòng bàn tay đầy mồ hôi, tim đập dồn dập.

Có khi nào lại như vậy?

Lão biết, suy đoán này rất kinh hãi thế tục, người khác chắc chắn không dám nghĩ đến. Nhưng lão lại không như vậy, mấy năm lão vẫn luôn nghiên cứu về chuyện này!

Lý thần y hắng giọng, mở miệng thăm dò: "Lê nha đầu này, trong nhà ngươi có những ai?"

Kiều Chiêu có chút kinh ngạc, Lý thần y này vốn không phải là người có hứng thú với chuyện của người khác.

Nàng tìm chút ký ức mà Lê Chiêu để lại trong đầu, rồi đáp: "Tổ phụ của ta đã sớm qua đời. Trong nhà còn tổ mẫu, cha mẹ cùng huynh đệ tỷ muội."

Lý thần y sờ mũi.

Nói thế này thì có khác gì chưa nói đâu? Nhà ai lại không có những người như thế này, cũng chẳng phải chui ra từ tảng đá.

Nhìn bộ dáng bình tĩnh của tiểu cô nương, Lý thần y càng không chắn chắn, không tử bỏ ý định, lại hỏi dò tiếp: "Lê nha đầu đã từng nghe qua về Thiệu Tướng quân chưa?"

Kiều Chiêu ngẩn người, nghĩ dưới góc độ của tiểu cô nương Lê Chiêu, rồi nói: "Đã nghe danh từ lâu rồi ạ."

Kể từ lần đầu tiên Thiệu Minh Uyên xuất chinh, chàng đã thành vì sao sáng trên nền trời Đại Lương, lấp lánh suốt bảy tám năm nay. Làm gì có ai là chưa từng nghe qua.

Lý thần y than nhẹ trong lòng.

Chẳng lẽ là mình đã quá đa nghi?

Cũng có thể là do lão vẫn hy vọng đứa nhỏ thông minh độ lượng kia vẫn còn sống.

Từ bỏ ý định thăm dò trong lòng, Lý thần y nhặt bừa một quả còn non trên mâm đựng trái cây cắn một miếng.

"Ôi chu choa, chát quá!"

Quả còn non bị cắn mất một mẩu bị ném ra ngoài từ cửa sổ, vẽ một đường cong xuất sắc. Từ phía sau liền truyền ngay đến một tiếng hét thảm.

"Dừng xe, dừng xe! Gã nào lại dám ném trái cây bừa bãi ra ngoài cửa sổ như thế này?"

Kiều Chiêu vén rèm xe lên, nhân cơ hội liếc nhìn bên ngoài một cái, chỉ thấy một vị hán tử cường tráng một tay che trán điên cuồng đuổi theo xe ngựa, thu hút ánh nhìn của mấy vị quan khách dừng chân ở quán ven đường. Ngay sau đó, một vị hộ vệ từ xe ngựa nhảy xuống, đón nhận ánh nhìn của người qua đường, giải thích gì đó cho vị hán tử kia mới khiến hắn vừa lòng rời đi.

Hộ vệ trở lại, đồng đội bên cạnh hắn thấp giọng hỏi: "Lần này phải trả bao nhiêu tiền?"

Hộ vệ vẻ mặt lạnh căm, nói: "Đừng hỏi nữa, hai lượng bạc."

Vị đồng đội thở dài, nghĩ thầm trong bụng: đường xá thật gian nan, lão tổ tông trong xe kia mà còn gây chuyện nữa thì bọn họ chỉ có cách đem bội kiếm đi cầm đồ thôi.

Vẻ mặt vị đầu lĩnh đám hộ vệ đầy bi tráng: "Chạy nhanh lên đi, ngày mai nhất định phải tới được kinh thành!"

Ngày hôm sau, cảnh xuân tươi đẹp.

Một chiếc xe ngựa trông rất tầm thường vượt qua một chỗ ngoặt, đi tới quan đạo rộng lớn bên ngoài kinh thành. Thế nhưng rất nhanh chiếc xe ngựa không cách nào tiến tiếp được.

Nhìn về phía trước người xe tấp nập, hộ vệ hướng Lý thần y xin chỉ thị, hỏi: "Lão tiên sinh, Thiệu Tướng quân đang chuẩn bị vào thành, xe ngựa đi không được. Hay là chúng ta lùi xe lại trước?"

Chương 18 : Thiệu Tướng quân